Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Sửa Hiến pháp để loại trừ lấn át quyền lực

- Một trong các nội dung được thảo luận hôm nay (7/12) tại hội thảo "Sửa đổi Hiến pháp" là vấn đề tổ chức quyền lực và cơ chế nào hữu hiệu để kiểm soát quyền lực nhà nước.
Hội thảo do hai tạp chí thuộc Văn phòng Quốc hội và Hội luật gia Việt Nam tổ chức ở Hà Nội.
Có thế lực kinh tế, sẽ có thế lực về chính trị
Câu chuyện về vai trò mới của tầng lớp doanh nhân được đề cập khi các đại biểu thảo luận về việc nền tảng của quyền lực nhà nước được xây dựng từ đâu.


Ông Vũ Đức Khiển: Hiến pháp sửa đổi nên quy định 'tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân...'

Theo Hiến pháp hiện hành, "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức".
Tuy nhiên, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Vũ Đức Khiển cho rằng, nên sửa thành "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân... Xóa bỏ mặc cảm định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích dân tộc, đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, tăng cường đồng thuận xã hội".
Theo ông Khiển, tầng lớp doanh nhân mới hiện nay có nhiều đóng góp song lại không thuộc "liên minh giữa giai cấp công nhân với nông dân và đội ngũ trí thức" nên nếu vẫn giữ nguyên quy định cũ sẽ là rào cản cho phát triển.
Kiến nghị của ông Khiển nhận được sự tán đồng của nhiều đại biểu khác. Theo ông Võ Trí Hảo (ĐH Luật TP Hồ Chí Minh), "lực lượng có thế lực kinh tế dần dà sẽ có thế lực về chính trị". Do đó, bản Hiến pháp sửa đổi phải thiết lập một quan hệ bình đẳng giữa các thành phần xã hội.
Ông Đinh Dũng Sỹ (Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ) cũng cho rằng, nếu vẫn giữ quy định như bản Hiến pháp hiện hành là không đạt yêu cầu về đảm bảo tính dân chủ, đoàn kết xã hội.
Trong tham luận gửi tới hội thảo, TS Trần Ngọc Đường (Văn phòng Quốc hội) cho rằng, để cụ thể hóa tư tưởng quyền lực nhà nước thuộc về dân, Hiến pháp sửa đổi tới đây cần làm rõ thêm ba vấn đề cơ bản là: bầu cử, bãi nhiệm và phúc quyết.
"Công dân có quyền bầu cử mà không có quyền bãi nhiệm thì quyền bầu cử mang tính hình thức", ông Đường nói. Chuyện phúc quyết Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia là một quyền thể hiện đầy đủ nhất tư tưởng "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân".
Cũng theo ông Đường, trong cơ chế nhà nước pháp quyền, quyền lực nhà nước thuộc về ai thì chủ thể đó có quyền lập hiến. Vì vậy phải chuyển quyền lập hiến về cho nhân dân. Nhân dân, chứ không phải Quốc hội, sẽ là chủ thể để phân công quyền lực nhà nước.
Ngăn ngừa lộng quyền, chuyên quyền
Cơ chế nào hữu hiệu để kiểm soát quyền lực nhà nước cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Có người cho rằng phải phát huy vai trò Chủ tịch nước, lại có ý kiến đề xuất nghiên cứu lại mối quan hệ giữa Chính phủ - Quốc hội sao cho thực chất hơn.




Như góp ý của ông Vũ Đức Khiển, Hiến pháp hiện hành cần bổ sung khái niệm "quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước"... Có như vậy mới tránh được tình trạng vượt quyền, lạm quyền và bộ máy hoạt động nhịp nhàng, đồng bộ.
TS Lê Văn Hòe (nguyên Viện phó Viện Nhà nước và pháp luật) phân tích, mọi cơ chế kiểm soát phải trên cơ sở minh bạch hóa, tăng cường giám sát tối cao của Quốc hội và vai trò giám sát của xã hội. Phát huy chức năng nguyên thủ quốc gia của Chủ tịch nước, trong đó có các quyền tham dự, phúc quyết và phủ quyết.
Từ góc nhìn khác, ông Nguyễn Phước Thọ (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, cần xem lại mối quan hệ quyền lực giữa Chính phủ và Quốc hội. Theo Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất. Hàng năm, Quốc hội ra nghị quyết về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng thực tế nghị quyết này không có ý nghĩa là mấy với việc thực thi quyền hành pháp của Chính phủ và còn mang tính hình thức.
Ông Thọ cũng lo ngại, Quốc hội có thể lạm dụng quyền lập pháp, làm sai lệch nội dung tư tưởng chính sách trong các dự án mà Chính phủ soạn thảo để thông qua các đạo luật không mấy phù hợp, "áp đặt, bó tay", thậm chí thu hẹp và hạn chế quyền hành pháp của Chính phủ.
"Quyền lập pháp của Quốc hội phải được kiểm soát từ phía cơ quan hành pháp, nhất là trong điều kiện chưa có cơ chế bảo hiến", ông Thọ đề xuất.
GS Lê Văn Cảm (ĐH Quốc gia Hà Nội) góp ý, quy định về kiểm soát quyền lực là nhằm hạn chế, ngăn ngừa các hành vi lộng quyền, chuyên quyền, nhược quyền và độc đoán, quan liêu, tùy tiện của cơ quan công quyền và công chức nhà nước. Góp phần tạo ra cơ chế kiểm tra và cân bằng của các nhánh quyền lực nhà nước để loại trừ sự lấn át của một nhánh quyền nào đó với các nhánh quyền lực khác.
"Và cuối cùng là bảo vệ những cơ sở của chế độ hiến định, các quyền và tự do của con người với tư cách là các giá trị xã hội cao quý nhất được thừa nhận chung của nền văn minh nhân loại", ông Cảm khẳng định.
Ý kiến đóng góp của các nhà khoa học sẽ được tập hợp gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban sửa đổi Hiến pháp.

Lê Nhung


Tổng kết Hiến pháp: Tránh hình thức, hời hợt
Tổng kết thi hành Hiến pháp được quán triệt triển khai khẩn trương nhưng bảo đảm chất lượng, tránh hình thức, hời hợt, với sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ. 
 
Hiến pháp và Điều lệ Đảng, mấy điều suy nghĩ
Điều 4 Hiến pháp khẳng định: "Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội". Điều lệ Đảng viết: "Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền". Lãnh đạo và cầm quyền không phải là những khái niệm tương đương.
 
"Thời điểm chín muồi sửa Hiến pháp"
Theo Bộ trưởng Tư pháp, đã đến thời điểm chín muồi để sửa Hiến pháp. Việc sửa đổi phải đảm bảo tuổi thọ Hiến pháp dài hơn, thay vì vài năm lại sửa một lần.
 
Sửa Hiến pháp để dân nắm mọi quyền lực
Theo Bộ trưởng Tư pháp, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là một trong các trọng tâm của cải cách sắp tới, với nguyên tắc "tất cả quyền lực thuộc về nhân dân".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét