Tại hội nghị "Định hướng cải cách chính sách
tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2013 – 2020”
do Bộ Nội vụ tổ chức, nhằm lấy ý kiến góp ý của đại diện các tỉnh, thành
trên cả nước diễn ra ngày 20-12-2011 tại TP. Hồ Chí Minh. Bàn giải pháp
dài hạn (đến năm 2020) cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ,
công chức, viên chức, Bộ Nội vụ - Cơ quan chịu trách nhiệm chính xây
dựng nội dung cải cách lưu ý các địa phương cần bàn thảo nghiêm túc. Đặc
biệt là đánh giá đúng thực trạng mức sống tối thiểu của người dân tại
địa phương vì khi Nghị quyết cuối cùng được đưa ra, sẽ tác động trực
tiếp tới đời sống của đại bộ phận nhân dân.
|
Ngoài vấn đề đời sống, tiền lương còn liên quan chặt chẽ
tới phòng, chống tham nhũng, hoạt động của doanh nghiệp,
cũng như nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội liên quan
Ảnh: Hoàng Long
Ba phương án điều chỉnh lương tối thiểu
Ông Đoàn Cường – Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ)
cho biết, cho đến nay, Bộ Nội vụ đã thống nhất đưa ra 3 phương án nhằm
cải cách mức lương tối thiểu đối với cán bộ, công chức, viên chức để xin
ý kiến góp ý của từng tỉnh thành. Cụ thể, phương án 1, dựa trên cơ sở
tính toán mức tăng lương tối thiểu bằng mức lương tối thiểu vùng I của
khu vực doanh nghiệp (2 triệu đồng/tháng); phương án 2, quy định lương
tối thiểu bằng mức bình quân của mức lương tối thiểu của cả 4 vùng
(khoảng 1.680.000 đồng/tháng) của khu vực doanh nghiệp, đồng thời áp
dụng hệ số tăng thêm; phương án cuối cùng là xác định nhu cầu của người
lao động bằng mức chi tiêu bình quân đầu người của cả nước (khoảng
3.150.000 đồng/tháng, cộng thêm nhu cầu nuôi dưỡng cha mẹ, con cái. Theo
ông Đoàn Cường, các phương án được đưa ra đã xem xét tới các yếu tố giá
sinh hoạt, đảm bảo mức sống cho cán bộ, viên chức, công chức và người
lao động đủ bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tích lũy tái sản
xuất sức lao động. Cũng theo ông Cường, hiện mức lương tối thiểu vùng áp
dụng đối với khu vực doanh nghiệp, gồm 4 mức: 2.000.000 đồng –
1.780.000 đồng – 1.550.000 đồng – 1.400.000 đồng/tháng, ứng với 4 vùng
khác nhau (thực hiện từ ngày 1-10-2011 đến 31-12-2012).
Trước đó, Chính phủ quy định mức lương tối thiểu
chung được áp dụng bằng 59,3% mức lương tối thiểu vùng thấp nhất và bằng
41,5% mức lương tối thiểu vùng cao nhất của doanh nghiệp. Cụ thể, mức
ấn định là 830.000 đồng/tháng được áp dụng từ 1-5 năm nay. Tuy nhiên,
trước tình hình lạm phát tăng cao và đời sống đại bộ phận cán bộ, công
chức, viên chức ngày càng khó khăn hơn, ngày 10-11 Quốc hội tiếp tục ra
Nghị quyết yêu cầu Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu từ 1-5-2012 lên
26,5% (từ 830.000 đồng lên 1.050.000 đồng/tháng), đồng thời nâng phụ cấp
công vụ từ 10% lên 25%. Theo mức mới, lương tối thiểu đã bằng 52,5% mức
lương tối thiểu cao nhất của doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến khác nhau giữa
3 phương án điều chỉnh lương tối thiểu do Bộ Nội vụ nêu ra
Lương tối thiểu chỉ bằng 78% mức sống tối thiểu?
Trong số 3 phương án được Bộ Nội vụ đề nghị, nhiều
tỉnh, thành cho rằng cả 3 phương án đều "vướng” những nhược điểm khó có
thể khắc phục. Một số ý kiến cho rằng phương án 3 đối với lương tối
thiểu nếu áp dụng sẽ dẫn tới một số bất cập vì cơ quan chịu trách nhiệm
thống kê mức chi tiêu bình quân đầu người của cả nước hiện nay là Tổng
Cục Thống kê. Tuy nhiên, cơ quan này thực hiện thống kê 2 năm/1 lần và
thường công bố sau, nên khó cho cơ quan chức năng trong việc đề xuất
điều chỉnh tiền lương phù hợp với tình hình thực tiễn.
Riêng TP. Hồ Chí Minh và Tiền Giang có quan điểm ủng
hộ phương án quy định mức lương tối thiểu đối với cán bộ, công chức,
viên chức theo phương án 2. Các địa phương này cho rằng, nếu áp dụng
lương tối thiểu bằng mức bình quân của mức lương tối thiểu của cả 4 vùng
sẽ dễ triển khai trong thực tế hơn, đồng thời cũng đảm bảo tính cạnh
tranh của tiền lương công chức nhằm thu hút người có tài vào làm việc
trong các cơ quan Nhà nước. Riêng TP. Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung cách
tiếp cận đối với phương án 2 thêm một số giải pháp. Cụ thể, lương công
chức làm ở khu vực hành chính ở các cấp độ khác nhau, nên được thiết kế
tương ứng với lương người làm trong khu vực doanh nghiệp (lấy trung bình
cộng của 100 doanh nghiệp tiêu biểu trên cả nước, 25% mỗi vùng).
Đại diện một số địa phương cũng chưa thống nhất với
cách nhận định của Bộ Nội vụ với từng phương án cụ thể. Ông Phạm Văn Ru –
Phó Trưởng Ban tổ chức tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng, phương án 1 xét tăng
lương tối thiểu bằng mức lương tối thiểu vùng I của khu vực doanh nghiệp
(2 triệu đồng/tháng) là thỏa đáng nhất. Theo ông Ru, Bộ Nội vụ cho rằng
nhược điểm của phương án này là tạo ra mức chênh quá cao giữa cán bộ
công chức, viên chức vùng nông thôn với lao động trên cùng địa bàn cũng
chưa chuẩn xác. Vì thực tế nếu tạo ra mức lương cao cho cán bộ, công
chức làm việc ở các vùng nông thôn sẽ tạo điều kiện cho các khu vực này
thu hút nhân tài về làm việc; đặc biệt sẽ khích lệ nhân lực có chuyên
môn, kỹ thuật về các vùng sâu, vùng xa công tác.
Cùng góp ý về vấn đề trên, ông Đoàn Thanh Liêm - Giám
đốc Sở Nội vụ Tiền Giang chia sẻ, lương tối thiểu nếu quá thấp sẽ gây
khó khăn lớn cho công tác thu hút nhân tài về làm việc tại các địa
phương. Đặc biệt, tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức đối với
công việc cũng phản ánh trực tiếp qua mức lương mà họ được chi trả. "Do
đó, về cơ bản là lương tối thiểu phải đảm bảo cho cán bộ, công chức và
viên chức có thể "sống được”, sau đó mới xét tới các yếu tố khác”, ông
Liêm lưu ý.
Theo quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH, mức lương tối
thiểu hiện hành (áp dụng từ 1-10-2011) đến năm tới mới chỉ đáp ứng được
78% mức sống tối thiểu của người dân. Khảo sát mới đây đã cho những con
số đáng lưu tâm khi mức sống tối thiểu của các vùng đều đã tăng lên rõ
rệt, trong khi lương tối thiểu tăng "ì ạch”. Cụ thể, mức chi tiêu của
các hộ gia đình nông thôn đã lên tới 1.121.236 đồng/tháng/nhân khẩu và
vùng thành thị hiện đã chạm mức 2.156.922 đồng/tháng/nhân khẩu (tính cả
chỉ số giá tiêu dùng CPI). Ngoài ra, dự báo nhu cầu lương thực, thực
phẩm (2.300 Kcal) và các nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, nhà ở, văn hóa...
của người lao động và gia đình cũng ngày càng tăng cao, gây áp lực lên
hầu hết các chính sách về tiền lương.
Một bộ phận cán bộ, công chức không sống bằng lương?
Tham gia đóng góp ý kiến về phương án điều chỉnh
lương tối thiểu, ông Diệp Văn Sơn - Chuyên gia Dự án Hỗ trợ cải cách
hành chính TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc cải cách tiền lương nếu không
khéo sẽ tạo ra những "đặc lợi” cho những cán bộ, công chức có thu nhập
ngoài lương dựa vào các quy định thành văn hay bất thành văn như thời
gian qua. Đại biểu của TP. Hồ Chí Minh thẳng thắn cho biết, hiện nay
ngoài lương, công chức còn có những khoản thu nhập khác. Thực tế, những
khoản thu nhập này nhiều khi lại lớn hơn rất nhiều so với tiền lương
chính thức. Thậm chí một số công chức Nhà nước (kể cả ở Trung ương và
địa phương) ngoài lương và phụ cấp theo quy định, vẫn còn được hưởng một
số khoản thu nhập khá lớn song không tính vào phụ cấp, không tính vào
lương (nhà ở, đi lại)...
Một số đại biểu cũng cho rằng, chính sách tiền lương
nên dựa trên hiệu quả thực tế của từng công việc đặc thù, không nên có
một mức chung cho tất cả vì nhiều khi lại gây bất cập, chồng chéo giữa
các ngành nghề, công việc khác nhau. Các ý kiến phản ánh, điều đáng quan
tâm hiện nay là trong xã hội đang nổi lên "tầng lớp” người giàu có: có ô
tô "xịn”, biệt thự sang trọng... mà với mức lương của họ thì không thể
nào có được (!?). Tức là những "tầng lớp” này có những khoản thu ngoài
lương, những "đặc lợi” khá lớn. "Các khoản thu nhập ngoài lương này tùy
thuộc vào từng cơ quan, vào mối quan hệ mà cơ quan ấy có được, đã gây ra
tình trạng bất công giữa các loại công chức, giữa các cơ quan Nhà
nước”, ông Diệp Văn Sơn thẳng thắn cho biết.
Một số ý kiến của đại biểu Trương Trúc Phương – Phó
GĐ Sở Tài Chính tỉnh Tây Ninh; ông Ngô Công Hầu – Phó Giám đốc Sở Nội vụ
Bạc Liêu; bà Trần Thị Diệu Tuyết – Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình
Phước... cũng góp ý Bộ Nội vụ cần thận trọng trong xem xét phương án
tính lương tối thiểu, kể cả cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập của
cán bộ, công chức vì ngoài vấn đề đời sống, tiền lương còn liên quan
chặt chẽ tới phòng, chống tham nhũng, hoạt động của doanh nghiệp, cũng
như nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội liên quan.
THÀNH LUÂN
|
Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011
Tìm phương án để cán bộ “sống được bằng lương” (21/12/2011) - (ĐĐK)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét