Kinh doanh xăng dầu: “Mẹ” kêu lỗ, “con” lãi to
TT - Việc các công ty xăng dầu đầu mối chi đậm hoa hồng
(chiết khấu) cho cửa hàng, đại lý trong nhiều thời điểm thay vì giảm
giá cho người tiêu dùng được nhiều chuyên gia khẳng định đây chính là
hình thức chuyển giá: lỗ mẹ, lãi con.
Người dân đến mua xăng tại một cây xăng của
Petrolimex ở quận 3, TP.HCM. Giá xăng dầu thời gian qua luôn gây bức xúc
trong dư luận - Ảnh: Thuận Thắng
|
Bởi hầu hết các công ty đầu mối đều có hệ thống cửa hàng trực thuộc và giữ cổ phần chi phối trong nhiều tổng đại lý.
Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) là đơn vị có thị
phần bán lẻ xăng dầu lớn nhất nước (chiếm khoảng 55% thị phần), thường
xuyên kêu lỗ. Tuy nhiên, ngay cả khi chi chiết khấu cao, đơn vị này cũng
có thể thu lại được một khoản chênh lệch lớn qua hệ thống bán lẻ trực
tiếp và các cửa hàng, đại lý của những đơn vị mà Petrolimex có cổ phần
chi phối.
Hưởng từ A đến Z!
Theo quy định của Bộ Tài chính, chiết khấu và các chi
phí kinh doanh của doanh nghiệp gói gọn trong định mức 600 đồng/lít, kg
xăng, dầu. Tuy nhiên, qua kiểm tra của Bộ Tài chính cho thấy nhiều thời
điểm các doanh nghiệp trả chiết khấu cho đại lý lên tới 800-850
đồng/lít, đẩy chi phí kinh doanh lên tới 1.100-1.200 đồng/lít. Có thời
điểm Petrolimex còn chi chiết khấu tới 860 đồng/lít. Tuy nhiên, những
lúc này giá bán lẻ xăng dầu không được giảm theo đà giảm của giá thế
giới. Toàn bộ phần chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ rơi vào
“túi” doanh nghiệp đầu mối và các đại lý được hưởng chiết khấu cao.
Theo các chuyên gia, ngay cả những thời điểm doanh
nghiệp kêu lỗ, một phần khoản lỗ đó do doanh nghiệp chi chiết khấu cao
làm chi phí kinh doanh cao hơn mức quy định của Bộ Tài chính nên doanh
nghiệp vẫn không bị thua thiệt hoàn toàn như thông tin vẫn công bố lâu
nay. Hiện Petrolimex sở hữu trên 2.100 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Các cửa
hàng chiếm tới 16% trong tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu và chiếm
khoảng 30% tổng lượng bán lẻ xăng dầu của cả nước.
Theo thông tin công bố của Petrolimex trong đợt chào
bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), sở dĩ chiếm 16% về số lượng
nhưng lại chiếm tới 30% về sản lượng hàng bán ra là do hệ thống cửa hàng
này chiếm lĩnh được những vị trí đắc địa nên năng suất bán hàng cao hơn
hẳn so với các cửa hàng bán lẻ khác trong ngành xăng dầu.
Theo kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính vừa công bố, nhiều thời điểm giá xăng dầu thế giới giảm nhưng doanh nghiệp không giảm giá bán lẻ mà tăng mức chiết khấu cho đại lý - Ảnh: N.Khánh |
Với tỉ lệ trên, năm 2010 sản lượng hàng bán ra của các cửa hàng này đạt khoảng 4,89 triệu tấn xăng, dầu các loại.
Petrolimex cho biết hệ thống các cửa hàng nói trên đang
đem lại lợi nhuận cao nhất cho doanh nghiệp. Khác với việc bán hàng qua
kênh tổng đại lý, đại lý, Petrolimex không phải chi chiết khấu mà được
hưởng toàn bộ lợi nhuận nhờ khoản chênh lệch từ giá mua đến giá bán, sau
khi trừ khoản hao hụt vận chuyển, quản lý kho từ hệ thống 2.100 cửa
hàng này.
Như vậy, bản thân việc doanh nghiệp kêu lỗ trong nhiều
thời điểm là chưa thật sự đúng vì kênh bán hàng này không phải chi chiết
khấu, sẽ kéo chi phí kinh doanh giảm xuống so với các kênh bán hàng
khác.
Sơ đồ lợi nhuận kinh doanh xăng dầu của Petrolimex |
Lỗ vì chiết khấu cao
Một kênh khác đưa sản phẩm xăng dầu ra thị trường của
Petrolimex là hệ thống tổng đại lý, đại lý trên cả nước. Hiện Petrolimex
có khoảng 4.000 tổng đại lý, đại lý. Nhiều chuyên gia phân tích với
những trường hợp tổng đại lý là các doanh nghiệp Petrolimex có cổ phần,
nắm giữ cổ phần chi phối thì khi chi trả chiết khấu cao, Petrolimex lãi
ít hoặc bị lỗ nhưng các đơn vị thành viên lại có lãi. Vì vậy một phần
lợi nhuận của những đơn vị thành viên này cũng thuộc về Petrolimex.
Chẳng hạn, một công ty kinh doanh xăng dầu mới được
thành lập, Petrolimex nắm giữ 51% cổ phần. Đơn vị này cũng có hệ thống
bán lẻ xăng dầu. Nếu chiết khấu cao, công ty này lời lớn. Và thực tế
Petrolimex cũng có quyền lợi trong đó.
Liên quan đến việc doanh nghiệp kêu lỗ nhưng lại chi
chiết khấu quá cao, ông Vương Hồng Hà - Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ
Tài chính) - nhận định thực chất việc lỗ mẹ, lãi con, có chuyển giá hay
không là vấn đề cần được tiếp tục thanh tra, kiểm tra trong thời gian
tới.
“Chiết khấu lên tới 900 đồng/lít cho đại lý rồi nói bị
lỗ thì các đầu mối nhập khẩu xăng dầu đừng kêu Nhà nước!” - ông Hà cho
hay.
Ông Vương Hồng Hà (Cục Tài chính doanh nghiệp):
Nhà nước cũng bị liên lụy
Theo
Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu năm nay anh lỗ thì không phải nộp
thuế thu nhập doanh nghiệp và được chuyển phần lỗ năm nay sang năm sau.
Nếu năm sau có lãi nhưng bù chưa đủ lỗ năm trước, anh cũng không phải
nộp thuế. Như thế, nếu nói Nhà nước không bù là chưa hoàn toàn chính
xác. Nhà nước cũng phải gánh một phần khi anh kinh doanh không có lãi.
|
Đề cập cơ chế tài chính giữa doanh nghiệp đầu mối và
các tổng đại lý, đại lý, ông Hà nhận định bản chất là mua đứt bán đoạn.
Thể hiện qua việc chiết khấu cho các đại lý không thể hiện trong hóa
đơn. '
Cụ thể: giá bán lẻ được Nhà nước định sẵn, đơn cử giá
bán xăng là 20.000 đồng/lít thì các đại lý trực tiếp của doanh nghiệp
đầu mối hay các đối tác ký hợp đồng làm đại lý của doanh nghiệp đầu mối
cũng chỉ được bán với mức giá này. Nếu như là đại lý thì doanh nghiệp
đầu mối thỏa thuận chi chiết khấu chẳng hạn 500 đồng/lít.
Khi xuất hóa đơn, giá bán xăng cho các đại lý chỉ là
19.500 đồng/lít. Còn nếu phân phối xuống tận các cây xăng thì tổng đại
lý sẽ phải ngắt tiếp một khoản hoa hồng nữa. Nên đôi khi giá mà các
doanh nghiệp đầu mối thu về chỉ 19.000 đồng. Do vậy, lỗ mẹ lãi con là
như thế.
“Tôi chưa giải thích được tại sao chi phí chiết khấu
cho đại lý lại đẩy cao đến như vậy. Vì hoạt động kinh doanh xăng dầu
không như các sản phẩm khác, doanh nghiệp khó có thể cạnh tranh để giành
thị phần bằng việc tăng chiết khấu cho đại lý.
Thực tế các doanh nghiệp đầu mối ký hợp đồng ổn định
với hệ thống đại lý, thậm chí hệ thống phân phối theo vùng, theo khu vực
làm sao tiêu thụ cho hiệu quả. Nên không thể hôm nay có thể ký với đại
lý này, mai lại thay đổi mà ký với đại lý khác. Do vậy, Bộ Tài chính và
Bộ Công thương cần vào cuộc để nghiên cứu” - ông Hà băn khoăn.
Nên có mức trần chiết khấu
Theo đề xuất của ông Hà, nên quy định mức trần chiết
khấu cho đại lý. “Doanh nghiệp không thể muốn tăng chiết khấu bao nhiêu
cũng được. Có thể định mức chi phí kinh doanh 600 đồng/lít là lạc hậu
nhưng cần phải nghiên cứu cụ thể. Chẳng hạn sẽ nâng lên mức 800
đồng/lít, trong đó quy định chiết khấu cho đại lý chiếm khoảng bao nhiêu
phần trăm, khoảng 40% là 320 đồng. Nếu sau này cơ quan thuế quyết toán
mà thấy vượt thì sẽ bị xử lý. Nếu thấp hơn quy định 40% mà đại lý chấp
nhận thì doanh nghiệp có lãi” - ông Hà nói.
Còn về phía doanh nghiệp, qua kết quả kiểm tra giá nhập
khẩu xăng dầu, Bộ Tài chính cũng đề nghị doanh nghiệp cần xem lại quản
trị. Càng bán càng lỗ là điều không chấp nhận được. Cụ thể, trong giai
đoạn từ ngày 1-7 đến 26-8-2011, giá nhập khẩu thế giới giảm, thuế nhập
khẩu không tăng... nếu doanh nghiệp không vung tay chi chiết khấu quá
cao tới 800-900 đồng/lít, giá mà vẫn giữ mức chi chiết khấu 200-300
đồng/lít như hồi đầu năm thì doanh nghiệp sẽ giảm lỗ, thậm chí có lãi.
Ông Lê Hoàng Hải, phó cục trưởng Cục Tài chính doanh
nghiệp, cho biết để minh bạch hoạt động kinh doanh xăng dầu hơn nữa, cần
phải thanh tra toàn diện từng vấn đề cụ thể. Đồng tình, ông Hà hi vọng
Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Kiểm toán Nhà nước có kiểm tra, thanh tra
toàn diện ngành xăng dầu. Hoặc bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị như thanh tra
bộ, Tổng cục Thuế vào cuộc.
LÊ THANH -
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét