Myanmar: cổ tích thời nay
SGTT.VN - Myanmar đang “kể” về một câu chuyện khó tin
nhưng có thật. Các phe phái từng chống đối nhau, chính phủ thẳng tay đàn
áp đối lập, nhưng những ngày này tất cả đều đang bỏ qua hận thù, bắt
tay nhau để sớm ổn định, cùng xây dựng đất nước.
Tuy nhiên, cuối tuần qua khi trả lời báo chí, bà Lynn
Yoshikawa, đại diện Refugees International vẫn bày tỏ mối quan ngại
trước tình trạng “căng thẳng leo thang” giữa quân đội Myanmar với lực
lượng nổi dậy thuộc sắc tộc Kachin sát khu vực biên giới Trung Quốc. Kể
từ khi giành được độc lập năm 1948, các chính quyền kế tiếp nhau ở
Myanmar hầu như chưa bao giờ thuyết phục được các sắc tộc thiểu số buông
vũ khí.
Ngày 10.12, bà Aung Ann Suu Kyi phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày bà nhận giải Nobel Hoà bình. Ảnh: Reuters
|
Cách đây năm rưỡi, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng, với cương vị chủ tịch ASEAN, đã chuyển tới chính phủ và nhân dân
Myanmar thông điệp của ASEAN là mong muốn Myanmar triển khai hiệu quả lộ
trình dân chủ vì hoà bình và hoà hợp dân tộc, tổ chức bầu cử công bằng,
dân chủ với sự tham gia của tất cả các đảng phái, qua đó sớm tập trung
ổn định tình hình để phát triển đất nước.
Động lực thay đổi từ đâu?
Vì sức ép từ bên ngoài, vì phải hoá giải các mâu thuẫn
nội bộ hay vì thực sự muốn cải cách, đổi mới để thoát khỏi sự cô lập
quốc tế, nhằm đưa đất nước sánh vai với cộng đồng khu vực và thế giới?
Đâu là động lực để một quốc gia như Myanmar, cho đến cuối những năm 1980
vẫn bị xếp vào nhóm các nước kém phát triển nhất, đã và đang làm một
cuộc thay đổi thầm lặng nhưng quyết liệt?
Câu trả lời có thể là cả ba nguyên nhân vừa nêu và có thể còn hơn thế nữa!
Trong khi Mỹ và phương Tây cấm vận và cô lập Myanmar
thì Trung Quốc là nước chiếm vị trí vượt trội trên mọi khía cạnh: kinh
tế, tài nguyên, văn hoá, đặc biệt là quốc phòng và an ninh. Điển hình là
hai đường ống dầu khí dài trên 1.100km nối liền từ biên giới Trung Quốc
ra tận bờ biển Myanmar, với hệ thống đập thuỷ điện khắp trong cả nước.
Dự án cảng nước sâu do Trung Quốc xây nhìn ra vịnh Bengal cùng với cơ sở
hạ tầng có vốn đầu tư lên tới 16 tỉ USD đã được lên kế hoạch.
Nhưng có thể giới lãnh đạo quân nhân của Myanmar cảm
thấy bị nghẹt thở bởi mối quan hệ chằng chịt đó. Một trong những tín
hiệu được phát ra là chính quyền Naypyidaw công bố ngưng xây đập thuỷ
điện Myitsone trên sông Irrawaddy. Dự án thu hút đầu tư hàng chục tỉ USD
của tập đoàn Điện lực Trung Hoa (China Power Investment). Khi hoàn
thành sẽ dẫn 90% công suất về cho Trung Quốc sử dụng.
Naypyidaw – tên của thủ đô mới – có nghĩa là “vùng đất
của những ông vua”. Nhưng khi công bố quyết định động trời nói trên vào
tháng 9 vừa qua, Tổng thống dân sự Thein Sein lại đưa ra lời giải thích
rằng, đấy là quyết định của nhân dân. Chỉ có “vua – nhân dân” mới dám
đưa ra những quyết định táo tợn như thế xét trên nhiều khía cạnh, nhất
là trong quan hệ với một nước lớn như Trung Quốc.
Trước đó, tháng 8.2011, Tổng thống dân sự Thein Sein đã
gặp gỡ, trao đổi và nhất trí với lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi bốn
nội dung: i) Cùng nhau nỗ lực vì hoà bình, ổn định và phát triển của đất
nước theo nguyện vọng của nhân dân; ii) Hợp tác vì phát triển kinh tế,
xã hội và xây dựng hệ thống dân chủ; iii) Nỗ lực hợp tác trên cơ sở cùng
có lợi; iv) Tiếp tục thúc đẩy mạnh đối thoại.
Quả là chuyện cổ tích thời hiện đại!
Lộ trình dân chủ của Myanmar là một con đường “vó câu
khấp khểnh bánh xe gập ghềnh”. Chính quyền Naypyidaw thừa biết Trung
Quốc nắm trong tay không chỉ các lá bài kinh tế. Ảnh hưởng của Trung
Quốc đã ăn sâu bén rễ trong cơ cấu quyền lực ở Myanmar. Nhưng Tổng thống
Thein Sein dựa vào sự cân bằng phe phái mong manh và đặc biệt là dựa
vào tinh thần tự cường quốc gia hoà quyện với tự cường khu vực, nhất là
sau khi Mỹ tuyên bố sẽ quay lại và quay lại để ở lại tại châu Á.
Xã luận Thời báo Hoàn cầu đã lên tiếng cảnh tỉnh rằng
“Trung Quốc sẽ không đứng nhìn các lợi ích của mình bị chà đạp”. Nhưng
mặt khác, Bắc Kinh vẫn phải tuyên bố “yêu cầu các nước liên quan dỡ bỏ
các lệnh trừng phạt đối với Myanmar và thúc đẩy sự ổn định tại nước
này”. Trên thực tế, Bắc Kinh không thể công khai chống lại những bước đi
của Naypyidaw xích lại gần Washington, mặc dù biết rằng những thay đổi
đang diễn ra không thể không ảnh hưởng đến lợi ích địa – chính trị của
Trung Quốc.
Thế giới đang quan tâm sát sao tới năng lực ngoại giao
của Myanmar lẫn các bên liên quan khi tất cả đang phải tiếp tục “cân
bằng và đối trọng” trên ván cờ Trung – Mỹ tại xứ sở này.
Không phải ngẫu nhiên, trước khi ngoại trưởng Mỹ đặt
chân tới Naypyidaw, tổng tư lệnh quân đội Myanmar đã phải bay sang Bắc
Kinh. Sự hợp tác chặt chẽ giữa hai lực lượng vũ trang, cũng như quan hệ
đối tác toàn diện Myanmar – Trung Quốc không thể không được tái khẳng
định trong những giờ phút lưỡng nan này!
Hoàng Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét