Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

Xây dựng nền khoa học nhân văn Việt - (SGGP)


Thứ sáu, 16/12/2011, 01:05 (GMT+7)
Thêm một lần nữa những hạn chế, bất cập cũng như thách thức của ngành khoa học xã hội (KHXH) thời hội nhập đã được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước xới lên tại hội thảo quốc tế về KHXH thời hội nhập, do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 15-12.
Ngành Việt Nam học Trường Đại học KHXH - NV (Đại học Quốc gia TPHCM) ngày càng thu hút nhiều sinh viên quốc tế theo học. Ảnh: T.Hùng
Lạc hậu
PGS-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, nhấn mạnh: “KHXH Việt Nam chưa thật sự phát triển mạnh mẽ, thường mang nặng tư tưởng tự kỷ, ỷ lại và khép kín. Chính điều này đã dựng lên một hàng rào về nhận thức, đồng thời ảnh hưởng đến việc đưa KHXH phát triển như một ngành khoa học thật sự”. Đồng tình với quan điểm này, GS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TPHCM), chia sẻ: “Hội nhập về khoa học nhân văn là quá trình gặp nhiều khó khăn nhất hiện nay. Vì thế, vấn đề nghiên cứu, đào tạo phải giải quyết được bài toán truyền thống và hiện đại”.
GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM, băn khoăn: Khoa học nói chung và KHXH chậm phát triển trong khi kinh tế đang bắt đầu đi lên và quản lý chưa hoàn toàn thoát khỏi những hạn chế của nền nếp quản lý trước đó. Hệ quả là khoa học, giáo dục lạc hậu và còn khoảng cách quá xa so với thế giới.
Với cái nhìn của một người ngoại đạo, GS-TS Nguyễn Văn Tuấn, ĐH New South Wales (Australia), thẳng thắn nhận xét điểm yếu lớn nhất của ngành KHXH Việt Nam là khâu nghiên cứu. Nghiên cứu KHXH Việt Nam hiện diện trên các tạp chí khoa học trong nước rất nhiều nhưng lại quá hiếm trên các tạp chí khoa học uy tín thế giới. Số liệu thống kê năm 2004 cho thấy, trong số 8.408 bài báo khoa học trên các tạp chí, kỷ yếu khoa học, có đến 4.345 (chiếm 53%) bài báo liên quan đến lĩnh vực KHXH.
Tuy nhiên, chưa tới 10 bài được xuất hiện trên các tạp chí khoa học quốc tế. Trong giai đoạn 1996-2005, trong số 3.456 bài báo khoa học từ Việt Nam trên các tạp chí quốc tế, chỉ có 69 bài (khoảng 2%) liên quan đến ngành KHXH. Do đó, tuy số lượng nghiên cứu KHXH ở nước ta cao hơn so với các ngành khoa học tự nhiên nhưng đa số những nghiên cứu đó chỉ xuất hiện trên các tạp chí trong nước.
GS Tuấn cho rằng, lý do ở vấn đề định lượng. Bởi lẽ, phần lớn những nghiên cứu KHXH ở Việt Nam chưa áp dụng những phương pháp khoa học và phương pháp thống kê trong việc thiết kế nghiên cứu, phân tích, diễn giải dữ liệu. Và tất nhiên, trong đó, nhiều sai sót về cách lấy mẫu, phân tích và suy luận dữ liệu có thể tìm thấy trong rất nhiều bài báo thuộc lĩnh vực KHXH. Do đó, chất lượng các đề tài nghiên cứu KHXH chưa cao nên khó có cơ hội để được công bố trên các tạp chí KHXH quốc tế.
GS-TS Hồ Sĩ Quý, Viện Thông tin KHXH Việt Nam, cho rằng: “Vấn đề số liệu và yếu tố định lượng trong nghiên cứu KHXH hiện nay có độ tin cậy kém”. Dẫn chứng thêm về lập luận này, GS Quý đã nêu ra các số liệu như tỷ lệ người nghèo, chiều cao trung bình, tuổi thọ trung bình của Việt Nam, tỷ lệ tai nạn giao thông thường rất khó tin. Đặc biệt, nếu chúng ta lấy số liệu điều tra xã hội học thì lại càng không đáng tin cậy…
Hội nhập như thế nào?
Bàn về vấn đề hội nhập của KHXH Việt Nam, GS-TS Trần Văn Đoàn, Khoa Triết học ĐH Quốc gia Đài Loan (Trung Quốc) cho rằng, Việt Nam dễ dàng được mời gọi nếu biết tiếp cận mạnh mẽ của cộng đồng thế giới hay những người, những xã hội mà chúng ta giao tiếp. Đó có thể là ở khao khát thông tin, muốn biết thêm về những gì chưa biết, muốn tìm một giải pháp cho một vấn nạn, muốn trao đổi, chia sẻ kiến thức. Dẫn kinh nghiệm từ Singapore, lãnh thổ Đài Loan, Hàn Quốc, GS Đoàn cho rằng: “Họ cũng từng là những chú chích chòe, nay đã biến thành đại bàng và đang muốn thành rồng”.
Chia sẻ kinh nghiệm, GS-TS Lưu Hiểu Phong, Trường ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc), cho biết: Khối ngành KHXH ở ĐH Thanh Hoa bị loại bỏ năm 1952 và mãi đến năm 1978 mới bắt đầu được chú trọng. Đến năm 2009, theo bảng xếp hạng ĐH quốc tế, nhóm ngành KHXH của trường đứng ở vị trí thứ 43. Trong năm 2010, nhóm ngành này xếp ở vị trí thứ 6 (trong khi năm 1997 xếp vị trí 122). Và hiện nay, chủ trương giáo dục của ĐH Thanh Hoa là “hội thông” (hiểu biết rộng và thông suốt), có nghĩa là cổ - kim thông suốt, đông - tây kết hợp, văn - lý thẩm thấu làm mục tiêu bồi dưỡng sinh viên.
Để đưa KHXH Việt Nam hội nhập và được cộng đồng thế giới quan tâm, theo GS Đoàn, trước tiên chúng ta phải biết xây dựng một nền khoa học nhân văn Việt. Những ngành như Việt Nam học, Đông Nam Á học, Văn hóa học, Ngôn ngữ, Sử học, Triết học, Khảo cổ học… phải là những ngành khoa học quan trọng trong khoa học nhân văn của khu vực.
Thanh Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét