Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Giải phóng phụ huynh, nhà trường gặp khó - (LĐ)



Thứ Hai, 12.12.2011 | 08:33 (GMT + 7)
Từ ngày 7.1.2012, tức là từ học kỳ II năm học 2011 - 2012, Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh thay thế cho điều lệ cũ từ năm 2008 sẽ chính thức có hiệu lực.
Trong khi điều lệ mới “giải phóng” phụ huynh khỏi một loạt khoản thu “ủng hộ” tồn tại lâu nay... thì các trường lại lo ngại về việc không thể cáng đáng nổi các chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động.
Thất thu

Theo Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh Bộ GDĐT mới ban hành đầu tháng 12 này, điểm mới được bổ sung lần này là việc Ban đại diện cha mẹ học sinh không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh. Đặc biệt, hàng loạt các khoản thu được cho là không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh được quy định rõ là không được phép quyên góp của phụ huynh học sinh.

Cụ thể là bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.  
Từ năm tới, khi ban đại diện phụ huynh dừng các khoản “ủng hộ” vốn đang tồn tại, các hoạt động ngoại khoá của học sinh sẽ hạn chế hơn?     Ảnh:Bình An
Từ năm tới, khi ban đại diện phụ huynh dừng các khoản “ủng hộ” vốn đang tồn tại, các hoạt động ngoại khoá của học sinh sẽ hạn chế hơn? Ảnh:Bình An
Chính Bộ GDĐT mới đây đã phải thừa nhận, trong thực tế, một số cơ sở giáo dục và Ban đại diện cha mẹ học sinh tự ý thu thêm một số khoản tiền của người học ngoài quy định của Nhà nước; sử dụng tiền thu không đúng mục đích, không tuân thủ những yêu cầu về công khai, minh bạch; một số nơi sử dụng các hình thức vận động và thu tiền gần như ép buộc cha mẹ học sinh phải đóng góp để tăng cường cơ sở vật chất trường lớp và các hoạt động của nhà trường. Điều này đi ngược với nguyên tắc tự nguyện và gây bức xúc trong xã hội. Với quyết tâm chấn chỉnh tình trạng này, Bộ GDĐT đưa ra điều lệ hoạt động mới, theo ông Bùi Hồng Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GDĐT) là với mục đích “từ nay, phụ huynh sẽ không làm nhiệm vụ tổ chức quyên góp tiền nong cho nhà trường và đặc biệt là thu “bình quân chủ nghĩa” như đã từng làm. Điều này sẽ tránh được những bức xúc trong dư luận”.

Trường... kêu khổ

Tuy nhiên, “sẽ rất khổ cho người thực hiện trực tiếp” - đó nhận định của ông Nguyễn Văn Tấn - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (TPHCM) khi biết về những quy định mới này. Theo ông Tấn, hiện nay còn không ít hoạt động trong trường học như phong trào và các hội thi văn thể mỹ, hội khỏe Phù Đổng... nhà trường không có nguồn kinh phí để hoạt động nếu không có sự giúp sức từ nguồn thu của hội cha mẹ học sinh. Đó là chưa kể đến những khoản kinh phí nhà trường được phép chi (theo nguyên tắc) nhưng lại không phù hợp với điều kiện thực tế như tổ chức các buổi sơ kết, tổng kết trong niên học.
Đầu năm học, cha mẹ học sinh sẽ không phải đồng loạt đóng góp do “ban đại diện phụ huynh” định đoạt.     Ảnh: L.Q.V
Đầu năm học, cha mẹ học sinh sẽ không phải đồng loạt đóng góp do “ban đại diện phụ huynh” định đoạt. Ảnh: L.Q.V
Với mức chi được phép là vài triệu đồng thì chỉ có thể tổ chức buổi lễ chứ các khoản như phần thưởng dành cho học sinh sẽ không có. Hoặc như các khoản thu, tự nguyện đóng góp như trang bị máy lạnh cho phòng học, nếu hội cha mẹ học sinh không giúp sức mà bộ không cho phép, có lẽ các trường để “an toàn nhất” cho người quản lý cấp cơ sở (mà cụ thể là hiệu trưởng) sẽ không làm. Tóm lại, sẽ rất khó, rất khổ cho người quản lý và điều hành trực tiếp nếu như điều lệ của hội cha mẹ học sinh quy định quá gắt gao... Cũng theo thầy Nguyễn Văn Tấn, việc cần nhất là các trường không nên dựa vào hội cha mẹ học sinh để lạm thu và quản lý sử dụng nguồn thu không hiệu quả chứ không nên đi từ “cực tả sang cực hữu”.

Còn đứng ở góc độ là đại diện hội cha mẹ học sinh, anh Minh Hồng – Hội phó Hội phụ huynh học sinh Trường Tiểu học M.Đ (TPHCM) cho rằng: “Theo tôi, các nguồn thu mà hội phụ huynh đứng ra quyên góp nên dựa vào nguyên tắc bất di bất dịch là “sự tự nguyện” và những đóng góp này không tác động hay ảnh hưởng gì đến con em mình... thế là ổn.

Còn trong giai đoạn hiện nay, trên tinh thần xã hội hóa giáo dục, phụ huynh muốn con em mình được hưởng những cái tốt hơn, cao hơn mức trung bình phần đông, thì cũng nên đóng góp. Tuy nhiên, điều cấm kỵ nhất là quyên góp tiền phụ huynh để tặng, biếu thầy - cô giáo, cán bộ quản lý bởi thu nhập của giáo viên cũng như những người trong ngành là việc ngành giáo dục phải lo chứ không thể dựa vào hội phụ huynh”.
Xã hội hoá nguồn thu
Bộ GDĐT đang soạn thảo hướng dẫn việc vận động, tiếp nhận, sử dụng quản lý các khoản đóng góp tự nguyện của cá nhân, tổ chức. Theo đó cá nhân, tổ chức, các nhà tài trợ có thể đóng góp cho nhà trường bằng nhiều hình thức với nguyên tắc chỉ một đầu mối quản lý việc đóng góp. Nhà trường, cụ thể là hiệu trưởng, sẽ phải đứng ra chịu trách nhiệm đưa vào sổ sách kế toán các khoản đóng góp, phải sử dụng các khoản đóng góp đúng mục tiêu đã cam kết, phải công khai kết quả thực hiện cũng như kết quả chi tiêu.
Thể Uyên – Ngân Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét