Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Những phát hiện chấn động nhất trong năm 2011

Thứ ba 13/12/2011 05:40
(GDVN) - Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang dùng bằng TS giả, cuốn Tài năng và đắc dụng đạo văn, các vụ vỡ nợ hàng triệu đô... là những vụ việc "nóng" trong năm.

Có thể không phải là những sự kiện lớn nhất trong năm nhưng đó là những vụ việc nổi bật được nhiều người chú ý. Dưới đây, Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam xin gửi tới bạn đọc thông tin về 7 vụ việc "nóng" nhất trong năm 2011.

Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang bị nghi là tiến sỹ “giả”
Trong tháng 9 vừa qua, báo chí cả nước đồng loạt đưa tin về những vụ việc liên quan đến thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang
Sau đó, Ban Cán sự Đảng - Bộ Y tế đã yêu cầu Thứ trưởng Cao Minh Quang giải trình 4 vấn đề bằng văn bản liên quan đến việc vay nợ, bằng cấp, tuổi và trù dập cán bộ được đăng tải trên báo chí.
Thứ trưởng bộ Y tế Cao Minh Quang
Hiện Cục khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) đã có văn bản trả lời ông Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế, về văn bằng của ông, trong đó khẳng định, văn bằng của ông Quang không phải là văn bằng tiến sĩ.
Ngày 27/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết cơ quan điều tra đang làm rõ những tố cáo liên quan tới Thứ trưởng Cao Minh Quang.
Tác giả của "Tài năng và đắc dụng" đạo văn
Cuốn sách "Tài năng và đắc dụng" của GS.TSKH Nguyễn Hoàng Lương (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN) và PGS.TS Phạm Hồng Tung (ĐHQGHN) chủ biên (do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản), đã dấy lên một làn sóng dư luận về sự bất hợp lý trong cách lựa chọn các nhân vật điển hình.
Cuốn sách "Tài năng và đắc dụng" đã đạo văn và xếp ông Đặng Lê Nguyên Vũ ngang cạnh nhiều vĩ nhân như Hồ Chí Minh , Bill Gate...
Cuốn sách đã xếp TGĐ cà phê Trung Nguyên - ông Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ cạnh nhiều vĩ nhân Việt Nam và thế giới như Trần Quốc Tuấn, Hồ Chí Minh, Bill Gate, Albert Einstein… 
Được biết, cuốn sách "Tài năng và đắc dụng" được coi là nhánh của công trình khoa học cấp Nhà nước.
Tiếp sau đó là một sự thật đáng kinh ngạc được phơi bày: cuốn sách đã đạo văn hàng chục trang. Tuy nhiên, sau đó, vụ việc rơi vào im lặng.
“Nổ” chuyện thi quốc tế, Phó Vụ trưởng đối mặt án kỷ luật
Tại hội thảo về cơ chế điều hành giá xăng do Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ chủ trì ngày 20-9, ông Nguyễn Lộc An – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đã nói: “Có lẽ Bộ Tài chính chịu sức ép nhiều từ báo chí, dư luận nên giảm giá xăng. Khi nhận được quyết định giảm giá của Bộ Tài chính, tôi hơi giật mình và nghĩ Bộ Tài chính bị làm sao vì tính theo giá nhập khẩu 30 ngày, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang lỗ”.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc hội thảo xăng dầu ngày 20/9 (ảnh trái)
Ông An còn cho rằng, cơ chế giá cơ sở đưa ra để bắt doanh nghiệp làm theo vậy mà doanh nghiệp đang lỗ lại giảm giá.
“Cái sai là do con người chứ không phải chính sách sai. Tôi tuy không giỏi toán lắm nhưng có đi thi toán quốc tế nhưng không hiểu toàn tính ngược thế nào nên bỏ lỗi rất nhiều cơ hội điểu chỉnh giá, trong đó có giảm giá”, ông An nói trong cuộc hội thảo do Bộ trưởng Vương Đình Huệ chủ trì.
Tuy nhiên, sau đó, sự thật được phơi bày rõ ràng: ông An không hề đi thi toán quốc tế.
Sau đó, Bộ trưởng bộ công thương Vũ Huy Hoàng đã yêu cầu ông Nguyễn Lộc An báo cáo cụ thể bằng văn bản, gửi bộ trưởng vào ngày 26/9. Có thể ông An sẽ phải đối mặt với kỷ luật.
Cháu bé đẻ rơi trong nhà tạm giữ bị mất tích bí ẩn
Câu chuyện hy hữu này đã xảy ra tại huyện Đông Anh - TP Hà Nội). Trong khi bị tạm giữ hình sự ở Công an huyện Đông Anh, chị Lê Thị L (SN 1987, trú tại huyện Mê Linh, TP Hà Nội) đã đẻ rơi ngay trong nhà tạm giữ mà không nhận được sự giúp đỡ nào.

Chị L nhớ lại câu chuyện đau lòng đã xảy ra (ảnh trái)
Người đỡ đẻ cho chị L chính là cô chị dâu (lúc này cũng đang mang thai tháng thứ 6). Và chỉ sau một đêm ở trong bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh, đứa con rứt ruột đẻ ra đã biến mất không một dấu tích...
Đến ngày 2/7, có thông tin cháu bé đã được tìm thấy. Tuy nhiên, cháu bé vẫn chưa được đưa về nhà. Hiện công an TP. Hà Nội đã vào cuộc và điều tra vụ việc.
Bệnh viện phụ sản TƯ: Cháu bé sơ sinh 2 ngày tuổi bị bắt cóc
Ngày 3/11, sản phụ Trần Thị Thơm (Hưng Yên) cho biết: chị sinh mổ bé trai nặng 3,4kg tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Buổi sáng 3/11, một nam bác sĩ thông báo, con trai chị sẽ được đưa đi xét nghiệm. Khoảng 10h hôm đó, một phụ nữ mặc áo blouse trắng đã đưa cháu Trường đi tắm và đã mang bé trả lại cho chị Thơm.
Khi đứa trẻ vừa nằm với mẹ thì có tiếp một người mặc áo blouse, đeo thẻ của bệnh viện đến kiểm tra số đứa trẻ và bế, nói đưa đi xét nghiệm.


Đối tượng Nguyễn Thị Lệ tại cơ quan điều tra
Khoảng 11h chưa thấy con về, chị Thơm đã nhờ em gái đi tìm. Cô này được một số cán bộ bệnh viện nói không phải lo, đứa trẻ sẽ được đưa về sau khi xét nghiệm xong. Đầu giờ chiều, chị Thơm được biết không có đứa trẻ nào mang số hiệu như con của chị ở đây. Không tìm thấy con, gia đình trình báo sự việc với cơ quan công an.
Ngay sau đó cơ quan công an Hà Nội đã nhập cuộc. Sau năm ngày đêm, Ngày 8/11, Phòng cảnh sát điều tra hình sự PC 45 công an TP đã phối hợp với công an huyện Đông Anh, đã tìm thấy tung tích đứa bé bị bắt cóc. Và tối ngày 9/11, Công an TP. Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án về hành vi chiếm giữ trái phép trẻ em.
Sau đó, đối tượng bắt cóc cháu bé là Nguyễn Thị Lệ (tức Mai, SN 1982, ở Bắc Giang) đã bị khởi tố bị can về hành vi chiếm đoạt trẻ em và bị tạm giam.
Nhức nhối nạn mãi lộ: Ghê hơn cướp cạn!
Cuối tháng 7 đầu tháng 8 vừa qua, Báo Tuổi trẻ có bài về nạn mãi lộ phản ánh thực trạng một số chốt CSGT ở miền Trung và nổi bật là ở Thanh Hóa đòi mãi lộ và hành xử một cách thiếu thiện cảm với người vi phạm.

Viên CSGT đi xe tuần tra 73B-1627 chốt chặn tại km630 Bố Trạch, Quảng Bình chặn xe 79D11... vi phạm tốc độ, lấn tuyến rồi ra giá 400.000 đồng sẽ bỏ qua lỗi vi phạm (ảnh chụp lúc 15g40 ngày 25-7) - Ảnh: Hoàng Khương
Cũng trong thời gian đó, Ngày 22/8, Văn phòng Bộ Công an cho biết cơ quan này đã phối hợp với Công an tỉnh Thái Nguyên để kiểm tra, xử lý một số CSGT bị báo chí phản ánh đã thực hiện sai quy trình và có biểu hiện tiêu cực trong khi làm nhiệm vụ trên quốc lộ 3 và tuyến đường tránh TP Thái Nguyên trước đó. 

Theo đó, bốn CSGT thuộc Phòng CSGT và Đội CSGT Công an huyện Đồng Hỷ đã bị đình chỉ công tác để kiểm điểm làm rõ các sai phạm. Theo đó, căn cứ sai phạm cụ thể của từng người, giám đốc công an tỉnh sẽ có hình thức và biện pháp xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của Bộ Công an.
Bão vỡ nợ tín dụng đen: Nhiều người mất hàng “triệu đô”
Cuối năm 2011, trong vòng 1 tháng, Hà Nội bị rúng động bởi hàng loạt các vụ vỡ nợ với số tiền lên đến hàng chụ tỷ đồng mỗi vụ.
Cụ thể là các vụ vỡ nợ nổi bật ở Phú Xuyên, Đan Phượng, Hà Đông, Cầu Giấy (Hà Nội) với số tiền lên đến hơn 300 tỷ đồng cùng nhiều tài sản có giá trị  lớn khác.

Chủ nợ vây kín nhà con nợ Nguyễn Thị Dậu tối ngày 2/11
Đặc điểm chung trong các vụ vỡ nợ này là lãi suất cho vay rất cao (có thể cao gấp 10 lần lãi suất của ngân hàng, tức là khoảng 140%).
Theo ông Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm (Bộ Công an), thống kê 9 tháng đầu năm 2011 có 60 vụ vay mượn dẫn đến việc vỡ nợ, chủ yếu là do đầu tư vào các loại thị trường bất động sản, chứng khoán, vàng… 
"Khi các thị trường này tụt giảm dẫn đến hậu quả những đầu tư này bị thất bại” – ông Tuyến nói.
Ông này cũng cho biết, thiệt hại bước đầu do vỡ nợ tín dụng "đen" có thể tới 500 tỷ đồng và tập trung ở khoảng 10 địa phương, chủ yếu là các tỉnh, TP lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…
Tuệ Minh (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét