Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Cảm nghĩ qua mấy buổi nói chuyện của Trịnh Xuân Thuận

    Thứ ba, 20/12/2011 07:07
    Chia sẻ lên LinkHay.comShare on GoogleShare on FacebookShare on Twitter

(DVT.vn) - Tháng 12/2011, về thăm Việt Nam, GS Trịnh Xuân Thuận nói chuyện 15 buổi. Được nghe 3 buổi, ở Hà Nội và Quy Nhơn, tôi ghi lại đôi điểu cảm nghĩ…

HÀM CHÂU

3 giờ 30 phút chiều ngày 18/12/2011, hội trường lớn 1.500 chỗ ngồi ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định kín hết chỗ ngồi. Các cán bộ lãnh đạo và quản lý của tình, thành phố, và hàng nghìn học sinh trung học, sinh viên, nghiên cứu sinh đã hồ hởi đến nghe GS Trịnh Xuân Thuận nói chuyện về: Big Bang và sau đó; vị trí con người trong Vũ trụ.

Trong lời giới thiệu, GS Trần Thanh Vân cho biết, các tác phẩm của GS Trịnh Xuân Thuận viết bằng tiếng Pháp đã làm cho giới trí thức Pháp hết sức ngạc nhiên. Họ không ngờ rằng một người Việt Nam lại có thể viết tiếng Pháp hay đến thế, tinh  tế, chính xác và giàu chất thơ đến thế. Sách của GS Thuận thường được in ở Pháp với số lượng 200 nghìn bản mỗi cuốn. GS Vân hy vọng Nhà xuất bản Tri thức sẽ tái bản một số sách đã được dịch ra tiếng Việt của GS Thuận để các bạn trẻ nước ta có thể dễ dàng tìm mua. 

Không lẽ nào các tác phẩm của GS Thuận hiện được dịch và phổ biến ở 20 nước, trong đó có những nước gần ta như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v mà lại không được phổ biến ở nước ta… 

GS Trịnh Xuân Thuận nói chuyện tại Quy Nhơn.

Vũ Trụ mà chúng ta đang "sống gửi" là vũ trụ nào đây? Được hình thành từ bao giờ nhỉ? 

Cho đến thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, phần đông các nhà thiên văn học trên thế giới đều cho rằng đó là cái vũ trụ được hình thành theo Thuyết Vụ Nổ Lớn (Big Bang Theory).

Để dễ hình dung hơn, trong mấy buổi nói chuyện ở Hà Nội và ở Quy Nhơn mà tôi được dự, nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận, giáo sư Đại học Virginia (Mỹ), đã đưa ra một biểu thời gian "nén chặt". 

Theo cái biểu ấy, thì 14 tỷ năm kể từ giây phút đầu tiên "khai thiên lập địa" cho đến tận hôm nay, được dồn khít lại chỉ trong vòng vẻn vẹn có... 1 năm!

Nếu Vụ Nổ Lớn (Big Bang) xảy ra đúng vào lúc 0 giờ ngày 1/1, thì phải đến ngày 1/4 mới xuất hiện thiên hà của chúng ta (tức dải Ngân hà mà đêm đêm chúng ta vẫn mơ màng lặng ngắm). 

Rồi mãi tới ngày 9/9, mới thấy xuất hiện những tế bào sống đầu tiên trên Trái đất. 

Ngày 24/12, mới nhú lên chồi cây đầu tiên. Ngày 29/12, tức là khi sắp sửa hết “năm lịch sử Vũ trụ nén chặt”, mới ra đời các loài động vật thuộc bộ linh trưởng (hay còn gọi là bộ khỉ hầu, tức là bộ động vật có vú phát triển cao nhất gồm khỉ không đuôi, khỉ đuôi dài, vượn và người). 

Và, chỉ tận tới đêm 31/12, tức là đêm cuối cùng của năm, vào lúc 23 giờ 59 phút 55 giây - tức là chỉ còn đúng 5 giây nữa mà thôi, là đến thời điểm kết thúc năm dương lịch - thì Thích Ca Mâu Ni, Lão Tử và Khổng Tử mới xuất hiện. Rồi 1 giây sau đó, Jesus Christ ra đời. 

Trong hội trường buổi nói chuyện của GS Trịnh Xuân Thuận tại Quy Nhơn.
Nghĩa là, chỉ trong vòng 4-5 giây cuối cùng của "năm Vũ trụ Big Bang", trí tuệ và lương tâm mới được tôn vinh như là đoá hoa đẹp nhất của Tự nhiên trong Vũ trụ này.

Hai nghìn năm “nén chặt” chỉ chiếm có 4 "giây" trong một năm “nén chặt” của lịch sử Vũ trụ! 

Thế mà, chỉ trong vòng 4 giây ngắn ngủi như chớp mắt ấy, trí tuệ loài người đã thăng hoa tới mức đủ sức soi rọi đến cả những thiên hà cách xa Trái đất chúng ta hàng tỷ năm ánh sáng, ở tận miền biên giới mịt mờ xa lắc của cái Vũ trụ được hình thành từ sau Vụ Nổ Lớn cách đây khoảng 14  tỷ năm!

Và, cái Vũ trụ Big Bang ấy chưa chắc đã là vũ trụ độc nhất, đầu tiên hay cuối cùng! Chỉ có điều chắc là: Cái vũ trụ hiện tồn, Vũ trụ Big Bang, nơi chúng ta đang đang nhọc nhằn tồn tại và mải miết tư duy, không phải là "nhất thành bất biến", mà là có lịch sử của nó, một lịch sử đầy biến động dữ dội, không ngừng, có quá khứ, hiện tại, tương lai, có mở đầu và tất nhiên có kết thúc.

GS Trịnh Xuân Thuận (trái), Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc (giữa) và GS Trần Thanh Vân trong buổi lễ khởi công xây dựng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành.
 
Nhưng, ta chẳng đến nỗi phải vội lo! Phút giây kết thúc kia, nếu đến, thì cũng phải sau hàng tỷ, hàng chục tỷ năm nữa cơ! Lúc ấy, không những ta, mà cả chút chít của ta cũng đã trở về với đất bụi cả rồi!

Ta là ai? Sinh ra từ đâu nhỉ? Để trả lời những câu hỏi triết học ấy, phải truy tìm đến tận cùng sự sinh thành của Trái đất, và xa hơn nữa, của các thiên hà, của Vũ trụ. 

Không bị thúc bách quá nhiều bởi "miếng cơm manh áo", các nhà khoa học (vật lý, toán học, thiên văn học, hoá học, sinh học, cổ sinh - địa tầng...) ở các nước phát triển đang dồn sức kiếm tìm lời giải đáp tường minh cho những câu hỏi lớn được đặt ra từ thời Thích Ca Mâu Ni, Lão Tử, Trang Chu, Plato, Aristotle... 

Đạo khả đạo phi thường đạo;
Danh khả danh phi thường danh...

(Cái đạo mà có thể dùng lời để nói ra được, thì chẳng phải là cái đạo vĩnh hằng;
Cái tên mà có thể dùng lời để gọi lên được, thì chẳng phải là cái tên vĩnh hằng...).

Lời Lão Tử, nhà triết học Trung Hoa kiệt xuất thời Xuân Thu, trong Đạo Đức Kinh, rốt cuộc có ý nghĩa gì, xét từ góc nhìn vật lý? Cuối cùng, liệu các nhà vật lý đương đại có khám phá ra được và dùng lời để mô tả được cái “thường đạo” và cái “thường danh” huyền diệu kia không?

Thời xa xưa, bằng mắt thường, con người chỉ có thể nhìn ngắm một số rất ít những thiên thể gần Trái đất như: Mặt trăng, Mặt trời, các hành tinh Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ,..., những chòm sao dễ thấy trong dải Ngân hà như các chòm Đại hùng, Tiểu hùng, Bắc miện, Thiên cầm, Vũ tiên, Kim ngưu, Thần nông, Mục phu, Lạp hộ, Sư tử, Thiên nga, Nhân mã, v.v.

Chỉ với kính viễn vọng hiện đại, con người mới dần dần khám phá tầm vóc cực kỳ to lớn, thật đáng kinh sợ của Vũ trụ bao la. Chỉ riêng thiên hà của chúng ta đã có khoảng 100 tỷ ngôi sao, và đó mới chỉ là một thiên hà "thường thường bậc trung" thôi! 

Chứ một thiên hà cỡ lớn thì có thể có tới 10 tỷ tỷ ngôi sao. Vậy ngôi sao (star/étoile) là gì? Đó là những thiên thể bức xạ ánh sáng, sóng radio, có khối lượng bằng từ 0,1 đến 100 lần khối lượng Mặt trời. 

Trong Vũ trụ mênh mông không phải chỉ có độc nhất thiên hà của chúng ta, mà còn có hàng trăm tỷ thiên hà khác nữa! Hàng trăm tỷ - con số không phải nhỏ, hơn nữa đây lại là hàng trăm tỷ quần thể mênh mông của các ngôi sao! 

Vậy mà, bên cạnh những thiên thể có thể "nhìn thấy" được bằng kính viễn vọng quang học hay kính viễn vọng vô tuyến, còn có cả một khối lượng vô cùng lớn các thiên thể không toả chiếu ánh sáng, không phát ra bất cứ bức xạ nào, được gọi là vật chất tối (dark matter) hay vật chất không nhìn thấy (invisible matter). Người ta nhận biết sự tồn tại của vật chất tối không phải vì nhìn thấy nó, mà là qua việc tính toán sự chuyển động của các ngôi sao và khối khí trong các thiên hà. Theo  Trịnh Xuân Thuận, thì vật chất tối chiếm tới 90 - 98% khối lượng toàn Vũ trụ. 

Với kính viễn vọng Keck ở Hawaii, một kính viễn vọng vào loại mạnh nhất thế giới, có đường kính của mặt kính 10 mét, các nhà thiên văn đã có thể quan trắc sự tạo thành các ngôi sao "trẻ" trong Vũ trụ ở độ tuổi dưới... một tỷ năm!

Và rồi, tháng 5/1998, Đài Thiên văn châu Âu - Nam Cực đã cho vận hành kính viễn vọng rất lớn VLT (Very Large Telescope) gồm bốn mặt kính với đường kính 8 mét, có sức nhìn tương đương một mặt kính với đường kính 16 mét. Các công trình khoa học, cố nhiên, không phải là những bài tuỳ bút văn chương hay triết luận bay bổng về sự đầy vơi của Vũ trụ, sự mỏng manh của kiếp người, như những áng văn tuyệt diệu, rất mực tài hoa trong Nam Hoa Kinh của Trang Chu, nhà triết học Trung Hoa thời Chiến Quốc! 

Đã gọi là công trình khoa học tự nhiên thì phải là những luận văn được thể hiện bằng ngôn ngữ toán - lý chặt chẽ, chính xác, với vô số dữ liệu quan trắc, phân tích, và rất nhiều biểu, bảng. 

Những buổi nói chuyện của Trịnh Xuân Thuận để lại cho nhiều người cũng như cho tôi những ấn tượng đậm nét. Chủ đề của buổi nói chuyện lại có vẻ chẳng thiết thực "sát sườn" gì: Big Bang và sau đó; vị trí con người trong Vũ trụ. Ấy vậy mà người nghe, không quản sáng chiều hay đêm tối, đến ngồi chật các phòng họp lớn từ bắc vào nam, sôi nổi nêu lên nhiều câu hỏi, im lặng lắng nghe từng lời giải đáp, và khi buổi nói chuyện kết thúc, thì ùa tới vây lấy diễn giả. Nhiều người vừa tìm mua được mấy cuốn sách mới in của Trịnh Xuân Thuận muốn xin ông chữ ký…

Theo tôi nhớ, thì  cách nay mấy thập niên, khi được hỏi việc nghiên cứu Vũ trụ liệu có mang lại mối lợi “sát sườn” nào cho con người trên Trái đất này không, một nhà bác học Liên Xô (cũ) đã mỉm cười, trả lời: 

- Con lợn suốt ngày chỉ biết gục mặt xuống máng ăn, song con người thì, may thay, đôi khi còn biết ngẩng đầu lên ngắm các vì sao lấp lánh cuối trời xa...

Con người khác muôn vật ở chỗ luôn rạo rực niềm khát khao nhận thức và thẩm mỹ. 

Khát vọng ấy không mang tính vụ lợi. Khoa học và nghệ thuật đáp ứng khát vọng ấy. Thật khó lòng tính nổi bộ tiểu thuyết Chiến tranh và hoà bình của Lev Tolstoy, bản Giao hưởng số 9 của Ludwig van Beethoven, hay thuyết tương đối rộng của Albert Einstein mang lại cho loài người bao nhiêu... "đồng tiền bát gạo"!

GS Trịnh Xuân Thuận (giữa), GS Phạm Quang Hưng (bên trái) và Nhà báo Hàm Châu.
Từ năm 1543, khi Copernic “trục xuất” Trái đất ra khỏi trung tâm Vũ trụ, các khám phá khoa học ngày càng làm cho vị trí con người ngày càng nhỏ bé hơn trong không gian và thời gian.

Nhà triết học và toán học Pháp Blaise Pascal đã buồn bã thốt lên: “Sự im lặng vĩnh cửu của không gian vô hạn làm cho tôi sợ hãi!”

GS Trịnh Xuân Thuận chứng minh rằng vũ trụ học hiện đại đã tỉm lại được sự hòa hợp giữa con người và Vũ trụ. Vũ trụ và con người có mối liên quan khăng khít. Chúng ta đều là từ những hạt bụi của các ngôi sao. Con người và muôn loài cây cối hay chim thú đều là “họ hàng” gần xa. Chính sự xuất hiện của con người, mới mang lại Vũ trụ một ý nghĩa. Thiếu vắng con người, với trí tuệ và tình cảm tinh tế, thì vẻ đẹp và sự hài hòa của Vũ trụ sẽ không được “ai” quan sát và khám phá!
 
                                                                                                       Ảnh trong bài của Hàm Châu

Viết Bình Luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét