Đổi mới hoạt động chất vấn tại Quốc hội, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết:
TP - Chia sẻ tại hội thảo Kinh nghiệm chất vấn cho cơ
quan dân cử, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Mục tiêu chính của chất
vấn là để xử lý trách nhiệm người đứng đầu, từ đó phải đưa ra các kiến
nghị giải pháp chứ không phải để hỏi thông tin đơn thuần hay chỉ để tâm
sự”.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết. |
Hội thảo do Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội và
Cơ quan phát triển Liên Hợp Quốc UNDP phối hợp tổ chức hôm qua tại Hà
Nội.
“Quan chức Quốc hội”
Là một đại biểu Quốc hội để lại nhiều dấu ấn trong hai
khóa Quốc hội trước, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ câu chuyện một
đđại biểu nữ sau khi nghe ông chất vấn, giờ nghỉ giải lao đã bày tỏ ngạc
nhiên là tại sao lại chất vấn mạnh mẽ với Chính phủ như thế trong khi
ông đang là quan chức của Quốc hội.
GS Thuyết lúc đó đã trả lời: “Trong suy nghĩ của tôi
không có cái gọi là “quan chức Quốc hội”, về mặt bậc lương, chế độ có
thể xem tương đương với Thứ trưởng hay Bộ trưởng nhưng nếu ĐBQH nghĩ
mình là Bộ trưởng, Thứ trưởng thì sẽ không dám chất vấn những vị có chức
cao hơn mình”.
Cựu ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nhắc lại Luật Hoạt động giám sát
của Quốc hội đã nêu rõ: Chất vấn là một hoạt động giám sát, trong đó
ĐBQH nêu những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc
hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính
phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối
cao.“Mục tiêu chính của chất vấn là để xử lý trách nhiệm người đứng đầu,
từ đó phải đưa ra các kiến nghị giải pháp chứ không phải để hỏi thông
tin đơn thuần hay chỉ để?tâm sự”, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định.
Theo ông Thuyết, nếu Quốc hội dễ dãi, thì các cơ quan
khác sẽ coi thường, qua mặt và như vậy đại biểu không hoàn thành trách
nhiệm với cử tri, với nhân dân. “Sức mạnh của đại biểu Quốc hội là sức
mạnh của cả đông đảo cử tri đứng sau chứ không chỉ đơn độc một mình đại
biểu”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói.
Sự tham gia của truyền thông
Trình bày tại Hội thảo, GS William G. Frasure, Khoa
Chính phủ và Quan hệ quốc tế của Trường ĐH Connecticut chia sẻ một số
kinh nghiệm về hoạt động điều trần tại Quốc hội Mỹ với 4 loại điều trần
chính bao gồm: Lập pháp, giám sát, điều tra và xác nhận.
Giáo sư William khẳng định hoạt động điều trần là một
công cụ quan trọng nhằm giúp người dân, tòa án, các nhà báo, các học giả
và các chính trị gia hiểu được mục đích các hoạt động của Quốc hội.
Ông dẫn ví dụ về việc khi tòa án được yêu cầu giải
thích một đạo luật, cần phải hiểu lý do tại sao Quốc hội đã thông qua
đạo luật, Quốc hội muốn gửi gắm những thông tin gì thông qua các đạo
luật và Quốc hội muốn đạt được gì thông qua đạo luật đó.
Còn đối với các đại biểu dân cử thì điều trần là một
cách hữu ích để thu hút sự chú ý của công chúng, để gây ấn tượng với các
nhà lập pháp và các chính trị gia khác nhằm có được sự ủng hộ với các
nhóm lợi ích và các nhóm cử tri quan trọng, và nói chung để cho thấy
rằng họ đang làm tốt nhiệm vụ được giao.
Chia sẻ ý kiến tại hội thảo, TS Trần Văn, Phó Chủ nhiệm
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng sự tham gia của
truyền thông vào các cuộc chất vấn và trả lời chất vấn sẽ khiến người
hỏi và người trả lời phải chăm chút hơn cho phần phát biểu của mình.
Do đó, “có một quy định rõ ràng cho sự tham gia của
giới truyền thông tại các cuộc chất vấn là điều cần làm để mang lại lợi
ích công khai, minh bạch”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách
nói.
Cao Nhật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét