24/12/2011 - 01:04
Không chống được bệnh dân chủ hình thức thì
chính trị và quyền lực chính trị sẽ suy thoái chứ không chỉ suy thoái về
đạo đức lối sống.
Lúc sinh thời, luật sư - Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ luôn trăn trở về việc thực hiện dân chủ, xây
dựng nhà nước pháp quyền. Đặc biệt, ông phê phán kịch liệt lối dân chủ
hình thức, hữu danh vô thực. Nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất của ông
(24-12-1996 – 24-12-2011), Pháp Luật TP.HCM trò chuyện với TS Hồ Bá Thâm, nguyên Trưởng ban Triết học và chính trị, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (ảnh),
người có nhiều nghiên cứu về vấn đề này, để một lần nữa chiêm nghiệm
lại những tư tưởng của cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ đặt trong bối cảnh sửa
đổi Hiến pháp 1992 hiện nay.
|
Có bước tiến nhưng chưa tạo bước ngoặt
. Thưa tiến sĩ, trong bài phát biểu tại Đại hội
MTTQ VN năm 1988, cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ có nói: “Điều đau lòng là
trong nhiều năm liền trôi qua, chúng ta vẫn còn duy trì những thứ hình
thức, hữu danh vô thực đó. Khuyết điểm lớn của chúng ta là chưa có dân
chủ thật sự”. Vậy hơn 20 năm qua, điều cốt lõi trong trăn trở của cố
luật sư đã được cải thiện chưa?
+ Những hạn chế về dân chủ mà cố luật
sư Nguyễn Hữu Thọ nêu trên là có thật. Trong hơn 20 năm qua, điều cốt
lõi trong trăn trở của ông đã được cải thiện một bước quan trọng kể cả
về nhận thức và thực tiễn. Chúng ta đã chuyển sang dân chủ pháp quyền,
tức là bớt áp đặt, bớt dân chủ hình thức, hạn chế lạm quyền…
Chủ tịch Quốc hội khóa VII Nguyễn Hữu Thọ gặp gỡ
các đại biểu Quốc hội để nghe phản ánh về nguyện vọng của nhân dân các
địa phương. Ảnh tư liệu
Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa tạo nên bước ngoặt cơ
bản về mặt dân chủ. Những hạn chế nói trên vẫn còn tồn tại và có mặt lại
bộc lộ rõ hơn. Chẳng hạn, tổ chức của nhân dân thì nhiều nhưng thể chế
còn gò bó nên khi dân bị xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng thì rất ít
khi thấy tổ chức của mình đâu…
. Dân chủ hình thức mà cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ
đề cập gây ra nhiều hệ lụy nhưng nhận thức đúng và khắc phục điều này là
không dễ, thưa ông?
+ Đúng! Lộng quyền, lạm quyền tất nhiên là tác hại
lớn nhưng biểu hiện của bệnh dân chủ hình thức, hữu danh vô thực còn có
tác hại lớn hơn, nhất là khi nó thành thói quen, vô cảm. Tìm thuốc trị
cho căn bệnh này cũng không dễ. Nhưng không chống được các bệnh ấy thì
chính trị và quyền lực chính trị sẽ suy thoái chứ không chỉ suy thoái về
đạo đức lối sống.
Tôi cho rằng những nghịch lý sau đây cần kiên quyết
loại bỏ: Chẳng hạn, cán bộ có chức quyền chỉ lo cấp ủy không cơ cấu chứ
không sợ dân không bầu, lo trách nhiệm với trên chứ ít lo trách nhiệm
với dân… Chúng ta không thể mãi chần chừ và sống chung với các bệnh đó
nữa. Muốn thế, cần phải coi dân chủ pháp quyền là cốt lõi của CNXH văn
minh. Chúng ta cần đổi mới mạnh mẽ về thể chế để có điều này, nhất là
trong việc sửa đổi Hiến pháp 1992 tới đây.
Loại bỏ tâm lý thụ động chờ đợi
. Theo ông, sửa đổi hiến pháp lần này cần phải chú
trọng đặc biệt vấn đề gì để tinh thần dân chủ được thể hiện xuyên suốt
và việc đảm bảo dân chủ được thực hiện như mong muốn của cố luật sư
Nguyễn Hữu Thọ?
+ Trọng tâm phải là đổi mới thể chế để nhân dân thực
hiện ngày càng đầy đủ, toàn diện quyền làm chủ, quyền dân chủ của mình
cả cấp độ chính quyền nhà nước, cấp độ các tổ chức xã hội và cấp độ
quyền công dân, quyền con người. Qua đó hình thành nên năng lực phòng,
chống lạm quyền, bệnh dân chủ hình thức, hữu danh vô thực, át quyền, xâm
phạm quyền dân chủ và bệnh vô trách nhiệm, trách nhiệm không rõ ràng.
Cần lưu ý, muốn dân chủ hóa thật sự thì quyết định
không chỉ ở sự lãnh đạo của Đảng mà quyết định nhất là nhân dân phải tự ý
thức về dân chủ, nâng cao trình độ dân chủ, đấu tranh xây dựng và thực
hiện quyền dân chủ của mình. Nói như cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ: “Đừng
có ảo tưởng rằng những người quan liêu, bảo thủ sẽ tự giác
trao cho nhân dân quyền dân chủ…”. Nhân dân không tích cực đấu tranh
(qua nhiều hình thức khác nhau) và xây dựng ý thức về quyền dân chủ của
mình theo hiến pháp thì không có dân chủ pháp quyền. Cần bỏ tâm lý thụ
động chờ đợi sự mở rộng hay ban ơn dân chủ từ trên. Mà muốn vậy phải có
luật pháp trên cơ sở hiến pháp phù hợp. Đó cũng là tư tưởng Hồ Chí Minh
về thực hiện dân chủ pháp quyền (thần linh pháp quyền), dân là gốc nước.
Toàn bộ quyền lực là ở nơi dân
. Vậy những yêu cầu phải có về dân chủ trong nhà nước pháp quyền là gì?
+ Trước hết, phải có thể chế đảm bảo cho toàn
bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, của nhân dân, do nhân dân và vì
nhân dân; đồng thời phải đảm bảo các quyền tự do, dân chủ, quyền phát
triển của công dân khi xây dựng, vận hành thể chế. Nhà nước pháp quyền
XHCN không phải là cai trị mà chủ yếu là kiến tạo môi trường để người
dân thực hiện dân chủ, quyền phát triển của mình. Cho nên chúng ta nhấn
mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng, điều đó đúng nhưng phải đặt nó trong
tương quan hợp lý là lãnh đạo để đảm bảo chứ không phải để hạn chế quyền
lực của nhân dân.
Trong nhà nước pháp quyền, hiến pháp, pháp luật được ban hành là để giới hạn quyền lực nhà nước, chống lạm quyền, độc quyền, tiếm quyền, còn dân thì được làm tất cả những gì nhà nước không cấm.
Nhà nước pháp quyền XHCN là phục vụ dân chứ không phải hành dân, cai
trị dân. Muốn thế, phải có cơ chế kiểm soát quyền lực để chống những
biểu hiện phi dân chủ, phi pháp quyền, phải có cơ chế kiểm soát quyền
lực có hiệu lực giữa các cơ quan quyền lực nhà nước với nhau (vừa được
ghi nhận trong văn kiện Đại hội XI), giữa đảng cầm quyền, nhà nước và
nhân dân, nhất là phải thực hiện dân chủ xã hội rộng rãi, thực sự từ tổ
chức xã hội, từ mọi người dân. Điều này cực kỳ quan trọng và quyết định
khi chúng ta thực hiện chế độ một đảng cầm quyền.
. Xin cảm ơn ông.
Theo ông Nguyễn Hữu
Châu (con trai cố luật sư - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ), lúc sinh
thời, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã dành gần như cả cuộc đời của mình để đấu
tranh cho dân chủ, dân sinh, dân quyền và nhà nước pháp quyền. Nhiều
phát biểu của cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ về dân chủ pháp quyền đến nay
vẫn mang ý nghĩa thời sự nóng bỏng, chẳng hạn như:
- Trăn trở về bản chất dân chủ của chế độ: Dân chủ XHCN là trái với quan liêu, tham nhũng như nước với lửa.
- Dân chủ không thể có bằng sự ban ơn mà bằng sự đấu tranh:
Đừng có ảo tưởng rằng những người quan liêu, bảo thủ sẽ tự
giác trao cho nhân dân quyền dân chủ, tự giác cụ thể hóa để
thực hiện sự nghiệp đổi mới.
- Một Quốc hội chuyên trách:
Nên ưu tiên cho người có trình độ, người ngoài cơ quan hành pháp ứng cử
vào Quốc hội… Cần tránh hẳn tình trạng không hợp lý: Người chịu giám
sát lại tham gia giám sát.
|
MINH CƯỜNG thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét