Dạy học hay đánh đố?
3:32 chiều | Tháng Mười Hai 22, 2011
(Petrotimes)
- Vẫn biết học là khó, là phải “nạp” kiến thức vào đầu. Nhưng học khác
bị nhồi nhét, bị “ấn” kiến thức vào đầu. Như một phản ứng tự nhiên, nếu
bị nhồi nhét quá nhiều thì chắc chắn những thứ nhồi nhét ấy sẽ bị bật ra
do không phù hợp với khả năng chứa đựng.
Đợt
giảm tải chương trình phổ thông ở tất cả các bậc trung học, trung học
cơ sở, tiểu học hồi đầu năm học làm cho các bậc phụ huynh, đặc biệt là
những người đồng hành cùng con em mình với đúng vai trò “học sinh” trong
các bài học, bài tập thở phào nhẹ nhõm. Bởi chương trình phổ thông mà
ngành Giáo dục đang giảng dạy đang quá sức so với sự chịu đựng của thầy
giáo và học sinh. Tuy nhiên, sự giảm tải như vậy đã đủ, phù hợp với tư
duy của học sinh hay phải tiếp tục giảm tải nữa để tránh tình trạng: dạy
hay đánh đố học sinh?
Đối với học
sinh lớp 1 hiện nay, không một học sinh nào là không đi học thêm trước
khi chính thức cắp sách đến trường để làm quen, thích ứng không chỉ với
môi trường mà còn với tư duy học tập. Dẫu đã học trước như vậy, ấy thế
mà khi vào năm học, có những bài trong chương trình làm các em rất lúng
túng thậm chí không hiểu “mô tê nếp tẻ” gì.
Như
nhiều phụ huynh phản ánh: chương trình tiếng Việt lớp 1 có nhiều chỗ
không phù hợp, cụ thể như các từ: “vơ cỏ”, “xe chỉ”, “trỉa đỗ”, “cháy
đượm”, “phẳng lặng”… ở trong một số bài. Nói thật, đến trẻ em nông thôn,
dù hằng ngày đang chứng kiến công việc nhà nông còn không hiểu được thì
làm sao học sinh thành phố, không gian sống, môi trường xung quanh chỉ
là từ tòa nhà này đến tòa nhà kia, ngôi nhà này đến ngôi nhà kia, bức
vách này đến bức vách kia… mường tượng được một cách cụ thể. Câu văn còn
khó hiểu hơn.
Hầu hết câu nói của các
em chỉ dừng ở câu đơn nên khả năng tư duy của các em cũng chỉ ở câu
đơn, nghĩa là chỉ có chủ ngữ và vị ngữ, không có các thành phần phụ. Vậy
mà trong Tiếng Việt lớp 1 có câu như thế này: “Mùa thu, bầu trời như cao hơn. Trên giàn thiên lí, lũ chuồn chuồn ngẩn ngơ bay lượn”.
Có một điều dễ hiểu là: đối với bất kể một bài học nào nếu cảm nhận,
hiểu được nội dung, ý nghĩa thì sẽ nhớ mãi bài học ấy. Và đó chính là
kiến thức của học sinh. Thế nhưng nếu học mà không hiểu thì bi kịch của
học sinh chính là học trước quên sau, nhất là với lứa tuổi lớp 1 vẫn còn
ham chơi hơn ham học. Trong trường hợp như vậy, giáo viên dạy thế, dạy
nữa cũng vô nghĩa. Và trách nhiệm ấy, chắc chắn thuộc về ngành Giáo dục.
Chương
trình lớp 2 cũng vậy. Nhưng khó nhất bậc tiểu học phải kể đến lớp 3,
lớp 4. Không chỉ là chồng chất kiến thức mà kiến thức còn phức tạp, khó
so với tư duy của các em. Trong chương trình tiếng Việt có bài “Tiếng
ru” của nhà thơ Tố Hữu gồm có câu: “… Con người muốn sống con ơi. Phải yêu đồng chí yêu người anh em…”. Hay: “…Một người đâu phải nhân gian. Sống chăng một đốm lửa tàn mà thôi…” Câu hỏi bài học đặt ra là. “Em hãy tìm câu thơ nói về ý nghĩa của toàn bộ bài thơ”.
Quả thực với câu hỏi này, không phải người lớn nào cũng có thể trả lời
được huống hồ trẻ con. Vì với vốn từ hạn hẹp của học sinh lớp 3, thậm
chí nhiều từ ngữ thông dụng còn chưa hiểu hết, thuộc hết thì đầy hàm
nghĩa, trừu tượng như từ: “nhân gian”, “đốm lửa tàn” học sinh hiểu, cảm
nhận làm sao được. Và khi không hiểu, cảm nhận được thì đương nhiên
không có câu trả lời. Cho nên bài thơ “Tiếng ru” nếu đưa vào chương
trình lớp 3 thì là đánh đố chứ không phải dạy học sinh!
Cấp
trung học cơ sở trong chương trình cũng có những nội dung bất cập,
không phù hợp với trình độ của học sinh, đặc biệt là ở lớp 7. Với tư duy
mà người ta vẫn nói vui: “Cao chưa tới, thấp chưa thông” của lứa tuổi
này, phải học những từ tiếng Hán, hay phải hiểu nội dung tác phẩm thơ
như của Đỗ Phủ, Lý Bạch thì quả là quá sức của các em. Nếu trông đợi vào
giáo viên, sau khi kiểm tra đầu giờ mất 10 phút thì với 35 phút giảng
dạy còn lại, các giáo viên dạy văn cũng cho rằng không đủ để giảng giải
cho các em hiểu. Hơn nữa, như một giáo viên khẳng định: “Trình độ tiếp
thu của các em mới quan trọng. Chứ thêm bao nhiêu thời gian giảng dạy
chăng nữa mà không đúng với tư duy của các em thì cũng vô ích thôi”.
Tương
tự, môn toán học cũng có nhiều bất cập và không phù hợp với trình độ
của học sinh. Như toán lớp 1, nói một cách công bằng, từng bài học trong
tổng thể chương trình không khó. Nhưng cái khó nhất của học sinh chính
là ở chỗ, kiến thức dồn dập, buộc phải nhớ quá nhiều so với trí nhớ của
các em. Cụ thể, có những kiến thức chưa thực sự nhuần nhuyễn hoặc vừa
mới quen, học sinh đã phải chuyển sang tiếp thu kiến thức mới, làm các
em nhớ nhớ, quên quên, bị lẫn lộn giữa cách làm của các bài toán. Tôi
nhớ mãi bài học đếm hình mà một học sinh lớp 1 đã nhờ giảng giải. Bài đó
là hình trong hình, nghĩa là hình tứ giác, tam giác… được đan xen trong
một hình tổng thể. Nói thật là bản thân tôi sau khi xoay ngược, xoay
xuôi đếm được 8 hình rồi vẫn không biết đủ hay chưa. Vậy đối với học
sinh lớp 1, tư duy còn non nớt, sự liên tưởng còn hạn chế sẽ đếm như thế
nào đối với bài học ấy?
Hay như toán
lớp 2, 3, kiến thức của chương trình dày đặc như: cộng trừ, nhân chia,
gấp hoặc giảm một số đi một số lần, tìm một phần mấy của một số, giải
bài toán bằng 2 phép tính v.v… Để “đóng đinh” vào đầu những kiến thức
ấy đúng là “phát điên” không chỉ với trẻ con mà ngay cả với người lớn.
Tuy nhiên, khó hơn cả là dạng toán tổng hợp tất cả những kiến thức như
vậy. Nhiều học sinh chỉ biết “khóc” khi làm những bài toán này!
Vẫn
biết học là khó, là phải “nạp” kiến thức vào đầu. Nhưng học khác bị
nhồi nhét, bị “ấn” kiến thức vào đầu. Như một phản ứng tự nhiên, nếu bị
nhồi nhét quá nhiều thì chắc chắn những thứ nhồi nhét ấy sẽ bị bật ra do
không phù hợp với khả năng chứa đựng. Phương thức giáo dục của ta hiện
nay là như vậy. Mà nguyên nhân chính của phương thức ấy chính là tham
vọng quá lớn của ngành Giáo dục, muốn học sinh thành thần đồng hết trong
khi quên mất khả năng tư duy, lĩnh hội của các em, chưa kể đến điều
kiện kinh tế, xã hội… Có ý kiến cho rằng, dạy thêm học sinh. Thế nhưng
Bộ Giáo dục và Đào tạo lại quy định cấm dạy thêm học thêm. Cho nên cả
thầy và trò đều rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Xin
bàn thêm về quy định cấm học thêm của ngành giáo dục. Có thể khẳng
định quy định đó là đúng, nhất là đối với những học sinh học bán trú ở
trường. Song với những nội dung quá sức với trình độ của học sinh đã nêu
trên đây, nếu không học thêm thì liệu học sinh “kham” nổi chương trình?
Đó là chưa nói đến học thêm rồi mà nhiều học sinh vẫn không lĩnh hội
được chương trình. Bởi vậy, quy định cấm học thêm rất mâu thuẫn với thực
tế nội dung chương trình.
Để giáo dục
đúng là giáo dục, để giáo dục phát triển đúng như cầu của xã hội cần và
ngang tầm quốc tế, phải bắt đầu từ việc nhỏ nhất nhưng cũng mang ý
nghĩa giáo dục lớn nhất là xây dựng chương trình “chuẩn”, phù hợp với
lứa tuổi học sinh trước hết bằng việc giảm tải và giảm đúng nội dung cần
giảm chứ không thể cái cần giảm lại không giảm, cái không cần giảm lại
giảm.
Tú Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét