Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Khi Lục Vân Tiên vui lòng... "chết" - (TVN)


Đó là tất yếu của một xã hội mà nền pháp quyền còn lỏng lẻo, quản lý pháp quyền còn hình thức, và nhiều nơi cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, sống chết mặc dân!
Bây giờ ra đường hay ở nhà, chủ tiệm vàng hay dân buôn bán lẻ, vị quan chức hay chủ phòng trọ bình dân, người người đều nơm nớp lo bị cướp. Một phần vì các tờ báo hiện nay có xu hướng câu khách bằng mảng thông tin "cướp- hiếp- giết". Phần khác, đúng là xã hội đang trong sự bất an của chính nó vì số lượng những kẻ thủ ác ngày càng tăng lên.
Tôi rất mong một xã hội pháp quyền để cái ác, cái xấu bị tiêu diệt ngay khi nó xuất hiện. Nhưng trong thời điểm hiện tại, nếu những "hiệp sĩ bắt cướp" không xuất hiện thì sao?
Việc nghĩa chỉ dành... người ngu?
Một ngày đầu tháng 6.2011 tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM bỗng có một cô gái trẻ vừa chạy trên đường vừa la "Cướp! Cướp!". Kẻ cướp bỏ trốn bằng... xe đạp, nạn nhân đuổi theo bằng chân trần. Không một ai đuổi theo kẻ cướp, không một ai giúp nạn nhân!
Tôi nói như la lên với người lái xe ôm: "Quay lại đi bác, đuổi theo nó!" Ông xe ôm ngần ngừ rồi chậm chạp quay đầu, chiếc xe đạp tên cướp đã khuất dạng. "Bác lẹ đi, nó trốn bây giờ!"- tôi thúc giục. "Thôi tui không chở nữa, cậu kiếm mối khác..."- ông xe ôm lí nhí không dám nhìn vào mặt tôi. Bà hàng vải gần đó bâng quơ: "Hơi đâu bắt cướp, nó quay lại trả thù thì hết đường sống..."
Mọi người xúm lại hỏi han nạn nhân. Cô ấy là công nhân sống trọ gần đó. Tên vô lương đã giật mất tháng lương của cô. Cô gái vừa đi về vừa khóc nức nở trong những câu an ủi: "Coi như của đi thay người"... Chợ lại náo nhiệt, chỉ có mình thằng tôi lủi thủi đi bộ ra về vì không ai dám chở "thằng khùng thích bắt cướp".
Hiểu theo một cách nào đó, nếu anh thích làm Lục Vân Tiên thì cứ tự nhiên, nhưng không phải việc chúng tôi!
Ngu sao mà bắt cướp?
Bắt cướp nên là chuyện của cơ quan công an, công cụ bảo vệ của một xã hội pháp quyền thực sự. Nhưng mô hình xã hội pháp quyền trên thực tế vẫn là... mô hình. Trong khi chờ hoàn chỉnh hình hài của nó, theo người viết, vẫn cần có nhiều "Lục Vân Tiên"!
Nhu cầu xã hội và tâm lý bầy đàn
Theo quan điểm của người viết, những anh hùng từ xưa đến nay xuất hiện đều bắt đầu từ nhu cầu xã hội. Nếu xã hội phong kiến không có những hình ảnh của Phong Lai, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, Đặng Sinh,... gây cảnh nhiễu nhương, không có hình ảnh giặc Ô Qua hung tàn xâm lược thì cuộc đời đã yên bình.
Và hình ảnh Lục Vân Tiên, Vương Tử Trực không cần xuất hiện để trừ nội loạn, dẹp ngoại xâm theo cách đơn lẻ (đánh tặc Phong Lai) lẫn có tổ chức (chống giặc Ô Qua).
Xuất thân đủ ngành nghề, từ xe ôm, bán bánh mì, thợ sửa điện tử và cả ông chủ vật liệu xây dựng... nhưng họ cùng chung chí hướng đấu tranh chống cái ác, giữ bình yên đường phố. Ảnh: VNE
Những nhu cầu xã hội ấy tất yếu phải được đáp ứng bằng cách này hay cách khác và thậm chí thành viên đơn lẻ, nhóm thành viên của xã hội sẽ làm việc đó trước khi cả thiết chế xã hội ra tay.
Người viết theo dõi và lưu trữ sát các thông tin về nhóm "hiệp sĩ bắt cướp" ở Dĩ An, Bình Dương và phát hiện có một điểm mấu chốt: Địa bàn này là nơi hoạt động màu mỡ của tội phạm.
Một địa bàn luôn có công an địa phương lẫn hiệp sĩ bắt cướp tại sao vẫn luôn xảy ra cướp giật? Nói theo cách cay đắng của một "hiệp sĩ" là có những công an viên đã cản trở họ "ra tay hành hiệp". Có những nhóm cướp giật có "quan hệ" với công an viên địa phương. Có những cuộc trả thù của tội phạm nhưng "hiệp sĩ" không được bảo vệ dù đã thông báo trước.
Khi ấy, xin hỏi các "nhà-xã-hội-pháp-quyền" Việt Nam nghĩ gì?
Các cho anh rằng tôn vinh "hiệp sĩ" là phản giá trị xã hội pháp quyền. Nhưng những nơi chưa có xã hội pháp quyền hoặc có xã hội pháp quyền mang tính hình thức thì tính mạng và của cải người dân sẽ ra sao, nếu không có các hiệp sĩ" ra tay kịp thời?
Ví dụ nhỏ tại Dĩ An cho thấy, nếu xã hội pháp quyền là một sự hợp lý (sẽ) tồn tại như Kard Heindrich Max nói, thì điều mà những người phản đối sự xuất hiện, tôn vinh các "hiệp sĩ" trong giai đoạn tại nơi đó- nó chưa có xã hội pháp quyền (thực sự, theo đúng khái niệm này) là một điều bất hợp lý.
"Hiệp sĩ" không phải "thế công an hành đạo" mà là những người dân "kiến nghĩa tất vi" (thấy việc nghĩa sẽ làm) trước hết để thỏa mãn nhu cầu bảo vệ bản thân, gia đình, làng xóm, cộng đồng.
Theo tôi, đó là tất yếu của một xã hội mà nền pháp quyền còn lỏng lẻo, quản lý pháp quyền còn hình thức, và nhiều nơi cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, sống chết mặc dân!
Khoa học tâm lý về đám đông cho thấy, khi có đám đông tụ tập thì tâm lý mỗi cá nhân thường nghĩ "chắc có ai đó sẽ làm việc này, không  phải mình!". Tôi cho rằng tâm lý bầy đàn sẽ hướng tới "chọn việc nhẹ nhàng". Và "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ về phần ai?" nếu không phải là những người dũng cảm dám nhận phần gian khổ về mình một cách tự nguyện (theo nhu cầu bản thân, nhu cầu xã hội) chứ không phải là nhiệm vụ bắt buộc?
Sự quá độ của xã hội pháp quyền
Như đã nói ở trên, sự xuất hiện các "hiệp sĩ" xuất phát từ nhu cầu xã hội và quan trọng nhất là đó không phải là hình thức thay thế cho cơ quan công quyền trong việc bắt giữ, xét xử tội phạm.
Trong khi chờ đợi xã hội pháp quyền hoàn thiện, củng cố, thì quá trình quá độ xã hội pháp quyền diễn ra là tất yếu. Sự tồn tại của nghĩa khí, lương tri nói chung và sự xuất hiện "hiệp sĩ" nói riêng cho thấy quá trình hoàn thiện xã hội pháp quyền vẫn đang diễn ra, đang trong giai đoạn quá độ.
Nhưng cũng mong cái sự quá độ ấy đừng quá kéo dài, đừng mãi mãi là quá độ. Thì sẽ còn nhiều Lục Vân Tiên phải...tình nguyện chết!
Còn một khi đã có xã hội pháp quyền, từ cá nhân đến tập thể, từ người dân đến nhân viên công quyền đều phải tuân thủ pháp luật.
Nó sẽ không chấp nhận kiểu hành xử gặp công an xưng "cháu chú Nhanh", thấy giang hồ bảo "em anh Luyện". Nó càng không có chuyện người tố giác hoặc tham gia truy bắt tội phạm bị trả thù mà không có sự can thiệp của cơ quan công quyền, càng không chấp nhận nhân viên công quyền cấu kết với tội phạm.
Khi ấy, tự động những "Lục Vân tiên thời đại" sẽ lại âm thầm với công việc của mình chứ không cần phải làm... "chuyện bao đồng".
Một xã hội pháp quyền hoàn thiện luôn cần một hệ thống luật pháp đủ sức ngăn chặn cái ác. Một xã hội pháp quyền hoàn thiện cũng cần có chế độ an sinh hoàn bị để quyền lợi xã hội được phân phối công bằng, cơ hội lao động và thụ hưởng cân bằng, để tránh các mâu thuẫn xã hội trở nên sâu sắc- cơ hội cho cái ác xuất hiện.
Đấy mới chính là cốt lõi cần thiết, đầy đủ và đúng đắn nhất của xã hội pháp quyền!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét