Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Vì sao Vua Gia Long giết hại công thần bậc nhất?
Cập nhật lúc :8:31 AM, 30/11/2011
(ĐVO) Sau khi lên ngôi, Hoàng đế Gia Long đã giết hại vị công thần bậc nhất của triều Nguyễn lúc đó là Nguyễn Vǎn Thành.
Nguyễn Văn Thành sinh ngày 13 tháng 11 năm Mậu Dần (1758), là người Thừa Thiên, theo Nguyễn Ánh - Gia Long từ khi mới khởi binh đánh Tây Sơn, chịu bao đắng cay khổ sở; sau khi toàn thắng, lập được công lớn, đứng đầu hàng công thần của triều Nguyễn.

Năm 1802, khi bình định Bắc Hà, Gia Long triệu Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc thành, ban cho sắc ấn trong ngoài 11 trấn, có thẩm quyền truất nhắc quan lại, xử quyết việc án; chỉ mấy năm, vùng đất này được yên trị. Năm 1810, ông về kinh làm chức Trung quân, rồi được giao cử chức Tổng tài trong việc soạn bộ Hoàng Việt Luật Lệ (tức Luật Gia Long).

Kỳ án đình đám

Kỳ án Nguyễn Văn Thành xuất phát từ một bài thơ hàm tư tưởng phản nghịch của con trai và ông đã phải chịu trách nhiệm liên đới. Sách Kể chuyện các vua Nguyễn viết: Nguyễn Văn Thành có người con trai là Nguyễn Văn Thuyên, thi đỗ cử nhân, thường hay làm thơ để giao du với những kẻ văn sĩ. Bấy giờ nghe Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận có tiếng hay chữ, Văn Thuyên bèn làm bài thơ sai tên Nguyễn Trương Hiệu cầm đi mời hai vị vào chơi. Bài thơ như sau: Văn dạo Á Châu da tuấn kiệt/ Hư hoài trắc dục cầu ty/ Vô tâm cửu bảo Kinh sơn phác/ Thiện tướng phương tri Ký bắc kỳ/ U cốc hữu hương thiên lý viễn/ Cao cương minh phượng cửu thiên tri/ Thư hồi nhược đắc sơn trung tế/ Tá ngã kinh luân chuyển hoá ky.

Dịch nôm là: Ái Châu nghe nói lắm người hay/ Ao ước cầu hiền đã bấy nay/ Ngọc phát Kinh Sơn tài sẵn đó/ Ngựa Kỳ kí bắc biết lâu thay/ Mùi hương hang tối xa nghìn dặm/ Tiếng phượng gò cao suốt chín mây/ Sơn tể phen này dù gặp gỡ/ Giúp nhau xoay đổi hội cơ này.

Tưởng bài thơ là lời lẽ nói ngông, không ngờ tên Hiệu đưa cho Nguyễn Hữu Nghi xem. Nghi là thuộc hạ của Nguyễn Văn Thành, một lần lỗi nhẹ mà bị Thành khiển trách, quở mắng rất nặng, chạy sang xin làm môn hạ cho tả quân Lê Văn Duyệt. Được trọng dụng, Nguyễn Hữu Nghi vẫn không quên âm mưu trả thù Nguyễn Văn Thành. Nhân bài thơ này, Nghi đem cho Lê Văn Duyệt xem. Lê Văn Duyệt lại có hiềm khích với Nguyễn Văn Thành nên nắm lấy cơ hội, vào tâu vua. Nhưng vua Gia Long cho là "Thuyên còn trẻ, ưa lối thơ nghông nghênh, chưa đủ căn cứ để kết án".

Nguyễn Hữu Nghi lại xúi Nguyễn Trương Hiệu đưa bài thơ ra dọa Nguyễn Văn Thành. Thành liền bắt Hiệu và cả con mình giao cho các quan dinh Quảng Đức điều tra. Bị tra tấn mấy ngày đêm, Nguyễn Văn Thuyên thú nhận là có mưu phản. Thế là các triền thần ủng hộ Lê Văn Duyệt thi nhau tố cáo Nguyễn Văn Thành, xin nhà vua nghiêm trị.

Cái chết oan ức

Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ ghi: Nguyễn Văn Thành đã bị tước hết ấn, về ở nhà riêng và tiếp tục chờ xử lý. Vua bảo bầy tôi rằng: “Văn Thành thân làm đại thần mà dung túng cho con kết nạp môn khách là hiếu danh ư? Hay ý muốn làm gì? Có bầy tôi như thế xử trí thực khó! Nếu không bảo toàn được công thần thì cũng không phải là việc hay của trẫm, thế mới khó chứ”.

Về phía Nguyễn Văn Thành, theo Việt Nam sử lược Quốc triều chỉnh biên, vì quá uất ức, một hôm khi bãi triều, ông chạy theo nắm lấy áo Gia Long mà khóc rằng: "Thần theo bệ hạ từ thuở nhỏ đến bây giờ, nay không có tội gì mà bị người ta cấu xé mà lại không cứu?". Gia Long giật áo ra, bỏ vào cung, từ đó cấm Thành không được vào chầu và sai Lê Văn Duyệt đem Nguyễn Văn Thuyên ra tra hỏi một lần nữa. Nguyễn Văn Thuyên lại thú nhận tội của mình.

Gia Long được tin, truyền bắt giam Nguyễn Văn Thành để chờ đình thần xét án. Thành và mấy người con bị bắt giam ở trong trại quân Thị Trung. Hôm đình thần tra án rồi, Thành ra nói với Thị Trung Thống Chế là Hoàng Công Lý rằng: "Án xong rồi, vua khiến tôi phải chết, nếu không chết thời không phải là tôi trung". Rồi ông uống thuốc độc chết ở trại quân.

Thông tin cái chết của Nguyễn Văn Thành được tâu lên, Gia Long triệu Hoàng Công Lý hỏi: “Văn Thành khi chết có nói gì không?”. Công Lý đem hết lời Thành nói thưa lên. Vua giận nói: “Văn Thành không biện bạch mà chết, sự nhơ bẩn càng rõ rệt”. Cùng lúc đó, có người đem bài biểu trần tình của Thành dâng lên nhà vua. Gia Long cầm tờ biểu khóc to đưa lên cho bầy tôi xem và dụ: “Văn Thành từ lúc nhỏ theo trẫm có công lao to. Nay nhất đán đến nỗi chết, trẫm không bảo hộ được ấy là trẫm kém đức”.

Gia Long đã sai một Chánh Đội Trung Quân và 30 tên lính coi việc tang cho Thành, hoàn trả áo mão, lại ban cho 500 quan tiền, 3 cây gấm, 10 cây vải, 10 cây lụa, mấy người con bị giam đều được tha cả.

Nghi vấn đặt ra

Xung quanh cái chết của công thần bậc nhất Nguyễn Văn Thành có rất nhiều nghi vấn đặt ra. Có ý kiến cho rằng, sau khi giành được quyền thống nhất, một nỗi lo ngại ngày càng lớn trong lòng Vua Gia long. Thế lực của bầy tôi - công thần khai quốc sẽ dần lấn át ngôi vua của dòng họ Nguyễn. Gia Long bèn tìm cách trừ dần họ. Cái khó là "hại" thế nào cho phải đạo. Vua tôi cùng vào sống ra chết, kẻo nữa mang tiếng "chim hết cung bị vứt, thú chết chó săn bị giết".

Nguyễn Văn Thành là công thần đầu tiên được "chú ý". Việc ông đang làm Tổng trấn Bắc Hà bị Gia Long triệu hồi về kinh, bề ngoài giao trọng trách lớn nhất, nhưng bên trong để dễ kiềm chế, kiểm soát. Khi nhà vua ngỏ ý muốn lập hoàng tử thứ tư làm Thái tử, Nguyễn Văn Thành lại muốn lập Hoàng tôn Đán, con Đông cung Cảnh đã chết vì cơ nghiệp. Lúc đó, Vua Gia Long đã suy ra rằng: "Hắn muốn dựng vua nhỏ để sau này dễ khống chế. Ta há tối tăm lầm lẫn"... Và cuối cùng thì cơ hội đã đến với nhà vua nhân chuyện phản loạn của con trai Thành.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu không đồng tình với quan điểm trên. Việc Nguyễn Văn Thuyên có ý mưu phản thì Nguyễn Văn Thành - là cha thì phải chịu liên đới. Đó là lẽ thường trong cuộc sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét