Cải cách giáo dục, bao giờ hết lẩn quẩn?
SGTT.VN - Khi dự thảo về việc sửa đổi, bổ sung một số
điều của quy chế thi tốt nghiệp vừa được bộ Giáo dục và đào tạo công bố,
có người dự đoán rằng tỷ lệ đậu tốt nghiệp có thể quay trở lại “thời kỳ
vàng son” trước năm 2007.
Một độc giả tên Tùng Lâm viết trên một trang mạng: “Nếu
theo dự thảo, cùng một địa phương vừa coi thi, vừa thanh tra, vừa chấm
mặc dù có đổi giám thị, giám khảo và thanh tra giữa các quận huyện thì
tôi đoán chắc rằng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay sẽ xấp xỉ 100%. Ai không
tin, hãy chờ xem!”
Trước đó không lâu, có tờ báo dùng từ “phục hồi”, có
báo dùng từ “khôi phục” khi bộ ban hành quy định được tuyển thẳng vào
đại học, cao đẳng đối với học sinh giỏi quốc gia sau 5 năm bị gián đoạn.
Quy định này từng tồn tại một thời gian dài, nhưng vào năm 2007 đã bị
vị bộ trưởng thời điểm đó xoá bỏ. Tại thời điểm ban hành và cả sau đó
nữa, chính sách này đã gây ra nhiều tranh cãi.
Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông do bộ Giáo
dục và đào tạo ban hành từ năm 2009 có điều khoản quy định hình thức thi
cụm, chấm chéo nhằm mục đích chống tiêu cực trong thi cử. Những quy
định này đã gây không ít khó khăn cho nhiều thí sinh và gia đình do phải
di chuyển hàng chục, thậm chí hàng trăm cây số để đến điểm thi. Việc
vận chuyển bài thi từ tỉnh này qua tỉnh khác chấm cũng tiềm ẩn nhiều rủi
ro. Ngoài ra, mỗi kỳ thi còn phải huy động một số lượng lớn thanh tra,
giám sát in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo… gây phiền phức và
tốn kém không ít cho ngân sách của Nhà nước.
Với dự thảo quy chế mới lần này, bộ Giáo dục và đào tạo
đã đi được đúng một vòng tròn. Tuy cả hai thay đổi trên của bộ Giáo dục
và đào tạo mới đây là tín hiệu vui và ghi nhận được nhiều sự đồng tình
cả ở trong và ngoài giới, nhưng người dân sẽ không khỏi phát sinh câu
hỏi: Bao lâu thì nền giáo dục nước ta mới hết những thử và sai và phải
sửa như thế này?
Đây không phải là lần đầu tiên bộ Giáo dục và đào tạo
có động thái “cải cách” theo kiểu “phủ định của phủ định” như thế. Khi
phong trào “hai không” vừa được phát động, một số lãnh đạo ngành giáo
dục các tỉnh đã nhiệt tình thái quá trong việc để học sinh ở lại bậc
trung học cơ sở dù việc này làm tăng tỉ lệ học sinh bỏ học, ảnh hưởng
dây chuyền đến công tác phổ cập, để rồi sau đó lại sửa sai. Trong một
thời gian dài, bộ siết chặt quản lý đại học, tập trung quyền tất cả ở bộ
rồi sau đó lại phát triển ồ ạt số lượng các trường đại học, bất chấp
các điều kiện đảm bảo chất lượng và khả năng giám sát. Lấy danh nghĩa đa
dạng hoá giáo dục để cho phép các trường đại học, cao đẳng tự do mở
rộng đào tạo hệ không chính quy, để vừa qua, đầu ra của các hệ trên bị
các chính quyền địa phương tẩy chay. Sự đổi mới chương trình giáo dục
phổ thông cũng là bằng chứng về sự liên tục phủ định lẫn nhau: từ giáo
dục đại trà đổi thành giáo dục mũi nhọn, phân ban, rồi từ giáo dục mũi
nhọn, phân ban quay lại đào tạo đại trà. Thi cử hết ra đề tự luận chuyển
sang thi trắc nghiệm rồi trở lại tự luận…
Theo GS Nguyễn Xuân Hãn – đại học Quốc gia Hà Nội,
những đổi mới ở bộ Giáo dục và đào tạo rất “biện chứng” theo quy luật
người sau cứ phủ định người đi trước. Theo ông, giáo dục đâu phải là nơi
để thử nghiệm, thay đổi liên tục các ý tưởng với chiêu bài đổi mới.
Người làm quản lý giáo dục cũng không thể nhân danh chống tiêu cực để
ban hành những chính sách mang tính chắp vá, nhất thời để nhiều thế hệ
học sinh phải gánh chịu hậu quả lâu dài. Còn nhớ tại kỳ họp Quốc hội
tháng 6.2008, GS Nguyễn Thiện Nhân, đương kim bộ trưởng bộ Giáo dục và
đào tạo tại thời điểm đó cũng thừa nhận, những mặt tồn tại của giáo dục
thì các đời bộ trưởng từ năm 1975 đến giờ phải chia sẻ trách nhiệm. Ông
Nhân khẳng định, nhiều yếu kém của ngành giáo dục có nguồn gốc do yếu
kém của quản lý hệ thống. Nói như GS Phạm Phụ, đại học Quốc gia TP.HCM,
một cá nhân lãnh đạo, cho dù người đó tài giỏi đến đâu cũng không thể
luôn luôn đưa ra quyết định đúng. Lẽ ra, từ lâu nước ta phải có một hội
đồng quốc gia giáo dục để phản biện các chính sách, nghiên cứu các giải
pháp để tìm ra quyết sách phù hợp. “Mỗi chủ trương nào cũng cần phải xác
định rõ mục tiêu, lường trước các hệ quả về kinh tế, xã hội, so với
phương án đang sử dụng”, GS Phụ nói.
Như Thuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét