GiadinhNet - Theo nhiều giáo viên THPT, việc dự kiến áp dụng phương
án thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo 6 môn hiện nay là không phù hợp.
Chương trình học vốn rất nặng, hơn nữa đề thi ĐH,
CĐ đòi hỏi tính chuyên sâu, trong khi thời gian để các em hoàn thành môn
học, ôn thi là không nhiều.
|
Thi ĐH, CĐ 6 môn chỉ làm tăng thêm áp lực cho học sinh.
Ảnh: Quang Huy
|
Phụ huynh cũng "sốc"
ĐH, CĐ phải đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh
Bộ GD&ĐT vừa có thông báo gửi các ĐH, học viện,
CĐ yêu cầu các trường đăng ký thông tin tuyển sinh 2012. Để chuẩn bị
công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2012 các trường nhanh chóng
gửi thông tin về tên ngành, mã ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ.
Các trường cũng nhanh chóng báo các khối thi hoặc khối xét tuyển tương ứng của từng ngành mà trường dự kiến trong năm học tới.
Các chỉ tiêu tuyển sinh (tổng chỉ tiêu, chỉ tiêu
trình độ ĐH, CĐ). Các phương thức tuyển sinh (tổ chức thi hoặc không tổ
chức, chỉ xét tuyển).
Bộ cũng yêu cầu thông tin chi tiết khác về tuyển
sinh của các trường do các trường thông báo công khai trên trang thông
tin điện tử của trường và chịu trách nhiệm về các thông tin đã thông
báo.
Ngoài ra, các trường chưa thực hiện việc chuyển đổi
ngành đào tạo theo danh mục mới (quy định tại Thông tư số
14/2010/TT-BGDĐT) phải hoàn thành việc chuyển đổi trước ngày
15/12/2011.
|
Thông tin Bộ Giáo dục&Đào tạo đưa ra phương án
tuyển sinh ĐH, CĐ theo 6 môn mà không phân biệt theo các khối A, B, C...
hay mở rộng thêm khối thi trong thời gian gần đây được xã hội quan tâm,
đặc biệt là các bậc phụ huynh, những người đặt hy vọng rất nhiều cho
con cái trong đợt thi ĐH, CĐ được đánh giá là quan trọng bậc nhất trong
đời học sinh.
Không ít phụ huynh có con đang học THPT tỏ ra lo
ngại trước viễn cảnh con em mình bị "nhồi" tới 6 môn, căng thẳng cho kỳ
thi vốn nổi tiếng là cam go và áp lực. Khi được hỏi về phương án tuyển
sinh ĐH, CĐ theo 6 môn, chị Nguyễn Thị Hảo (Lê Trọng Tấn, Hà Nội) có con
học lớp 11 trường THPT Quang Trung lo lắng:
"Thực tình, suốt hơn mười ngày qua tôi cảm thấy rất
lo lắng trước thông tin có thể áp dụng thi ĐH, CĐ theo 6 môn trong thời
gian tới. Nếu phải thi như vậy thì không hiểu các cháu sẽ thi cử ra sao
đây.
Ngay từ lúc học THCS tôi đã phải quan tâm thường
xuyên đến con mình, đồng thời trao đổi với các giáo viên xem con mình
phù hợp, yêu thích những môn nào để định hướng cho cháu.
Khi bước vào bậc THPT là phải xác định ngay xem
cháu phù hợp để học và thi khối nào vào ĐH. Chỉ với 3 môn thi, cháu đã
phải chuyên tâm rất nhiều rồi. Nếu phải học thêm 3 môn nữa, chắc chắn sẽ
phải tăng cường thêm thời gian để học và ôn tập. Như thế là rất vất vả,
tôi e rằng cháu sẽ không thể đảm bảo để học đều cho cả 6 môn".
Dù phương án thi 6 môn mới chỉ đang giai đoạn nghiên cứu, xin ý kiến nhưng anh Đỗ Xuân Nam (Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội), có con học ở trường THPT Kim Liên cho biết: "Tôi thấy, chúng ta cứ hô hào giảm bớt gánh nặng, sức ép về học tập, thi cử cho các cháu, nhưng thực chất chúng ta đang làm ngược lại.
Thi như hiện nay đã quá nặng rồi, lại tăng thêm môn
thi, khối thi như vậy lại càng thêm nặng nề. Hiện nay, các cháu đã
không còn thời gian để vui chơi, phải tận dụng thời gian mọi lúc mọi nơi
để học, đặc biệt là cho các môn có thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ.
Để kiểm tra năng lực của học sinh, cũng không nhất thiết phải trải qua
một kỳ thi khốc liệt như thế".
Giáo viên không đồng tình
Không chỉ phụ huynh lo lắng, bất an, nhiều giáo viên cũng bất ngờ trước phương án thi ĐH, CĐ 6 môn. Thầy Lê Thảo - Giáo viên Toán, Trường THPT DL Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: "Hiện nay, chương trình học với 3 môn thi ĐH, CĐ đã là quá nặng. Nâng lên 6 môn thì quả rất khó khăn cho các em. Nếu muốn thực hiện tốt, trước tiên phải giảm tải chương trình học đi đã, chứ như bây giờ học ôn đến 6 môn, học sinh sẽ quá tải.
Chỉ riêng học các môn theo khối đã đủ mệt rồi,
chẳng hạn như môn Toán, khi học một đằng, nhưng đề thi ĐH lại ra một
nẻo. Chương trình học hầu như không có dạng bài khó, mang tính "lắt
léo", nên muốn được điểm cao môn toán các em đều phải đi học thêm. Áp
dụng thêm khối thi cũng khá hợp lý, nhưng làm ngay trong kỳ thi tới e
rằng là quá gấp gáp, học sinh không kịp chuẩn bị".
Thi tới 6 môn, ngay cả những học sinh giỏi, trường chuyên cũng khó có thể thích ứng kịp. Cô Ngô Thanh Hương - Giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, chia sẻ: "Thi 6 môn chỉ càng làm tăng thêm áp lực cho các em. Thi tốt nghiệp là đòi hỏi kiến thức cơ bản, còn thi ĐH sẽ yêu cầu kiến thức nâng cao.
Khó có thể đòi hỏi các em sự toàn diện, vì mỗi em
phù hợp với mỗi ngành nghề khác nhau. Thi 6 môn, chắc chắn điểm sẽ rất
thấp, thi theo kiểu cào bằng như vậy là không hợp lý. Ngay cả học sinh
trường chuyên, các em đã xác định khối thi từ hồi lớp 10 rồi. Chẳng hạn
các em chọn học về các môn xã hội, giờ học thêm các môn tự nhiên, chắc
chắn các em sẽ không thể nào học tốt được".
Thêm môn thi, các học sinh ở vùng nông thôn cũng bị ảnh hưởng nhiều. Thầy Trần Mạnh Hùng - Giáo viên Vật lý Trường THPT Trực Ninh B (huyện Trực Ninh, Nam Định) - nói: "Nếu thi 6 môn sẽ gây khó khăn cho các em, bởi khi đó các em sẽ phải học dàn trải, không chuyên sâu. Theo tôi, đã là thi 6 môn chắc chắn sẽ có thêm môn ngoại ngữ, đây là một bất lợi với những học sinh vùng nông thôn do thiếu thốn trang thiết bị, chất lượng giáo viên cũng không cao, đó là sự thua thiệt so với các bạn ở thành phố. Học rồi thi thêm môn trong khi các em lại ít có cơ hội đi học thêm, trau dồi kiến thức qua sách báo, Internet như các bạn ở thành phố".
Được biết, trong Hội nghị tuyển sinh ngày 14/1/2012 tới, Bộ GD&ĐT mới "chốt" phương án tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012. Song những phương án đã đề cập như: tăng thêm khối thi, thi theo 6 môn... đã vấp phải những ý kiến không đồng tình của nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh.
"Thi tốt nghiệp THPT là để xác nhận trình độ cơ
bản, còn thi ĐH, CĐ là để làm nghề, đòi hỏi những hiểu biết chuyên sâu
chứ không phải là kiến thức kiểu cào bằng.
Học sinh vừa thi tốt nghiệp, lại phải bắt tay vào chuẩn bị cho thi ĐH, CĐ tới 6 môn thì chắc chắn chất lượng sẽ không đảm bảo.
Trong bối cảnh dạy và học như hiện nay, thi 6 môn
là điều khó khả thi. Nhưng tôi ủng hộ phương án mở rộng thêm khối thi
ĐH, vì nó nhằm đáp ứng nhu cầu và có lợi cho chính các em. Tuy nhiên,
nếu thay đổi cần có thời gian cho các em chuẩn bị, ít nhất cũng phải
trong 1 năm".
PGS. Văn Như Cương (Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội) |
Quang Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét