Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Chuyển đổi các trường ĐH dân lập sang tư thục - Đẩy nhanh tiến độ chỉnh sửa Thông tư 20 - (SGGP)


Thứ hai, 12/12/2011, 01:36 (GMT+7)
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 63 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục (gọi tắt là Quyết định 61 ban hành năm 2009). Theo nhận định của nhiều chuyên gia, các nhà quản lý, quyết định này có nhiều nội dung sửa đổi sát với điều kiện thực tế và chính thức có hiệu lực từ ngày 26-12 tới. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường đại học dân lập (ĐHDL) đang nóng lòng chờ Bộ GD-ĐT sửa đổi Thông tư 20 (thông hướng dẫn chuyển đổi trường ĐHDL sang loại hình trường tư thục) để thực hiện chuyển đổi theo quy định của Chính phủ.
  • GS Trần Hồng Quân Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập Việt Nam: Đây là vấn đề nóng bỏng
Xung quanh những chỉnh sửa và bổ sung của Quyết định 63 mà Chính phủ vừa ban hành, chúng tôi đang tiếp nhận nhiều ý kiến từ phía các trường ĐHDL đang thực hiện chuyển đổi sang loại hình trường tư thục. Cùng với việc tiếp nhận ý kiến, hiệp hội cũng tập trung bàn thảo, đưa ra kiến nghị về những điểm sửa đổi trong Quyết định 63. Sau đó, hiệp hội sẽ có văn bản chính thức gửi Bộ GD-ĐT để tham khảo ý kiến nhằm sửa đổi Thông tư 20 để hướng dẫn các trường thực hiện chuyển đổi. Nói chung đây là vấn đề rất nhạy cảm nhưng cũng rất thời sự nên hiệp hội sẽ nhanh chóng gửi kiến nghị bằng văn bản cho bộ.
  • Một trường ĐH dân lập tại TPHCM (xin không nêu tên) có văn bản gửi Bộ GD-ĐT: Phải sửa Thông tư 20
Quyết định 63 có nhiều nội dung rất quan trọng liên quan đến việc chuyển đổi các trường ĐHDL sang tư thục: (1) Phần tài sản chung của trường dân lập khi chuyển sang cho trường tư thục được xem như một nguồn vốn góp của tập thể trường dân lập vào vốn hoạt động của trường tư thục, được tính cổ tức hàng năm như những nguồn vốn góp khác để tăng vốn tích lũy cho trường tư thục; (2) Tài sản chung của trường dân lập chuyển cho trường tư thục nay quy định có đại diện. Đại diện này được tham gia đại hội đồng cổ đông và được quyền biểu quyết về tất cả các vấn đề như các cổ đông khác; (3) Tất cả các cổ đông đều có quyền biểu quyết; (4) Bầu hội đồng quản trị và ban kiểm soát phải thực hiện theo nguyên tắc dồn phiếu.
Những điểm trên đây là tiền đề để định hướng việc chuyển đổi trường ĐHDL sang loại hình trường tư thục một cách công bằng và tôn trọng lịch sử hoạt động của trường ĐHDL, không để cho tùy tiện biến việc chuyển đổi trở thành cổ phần hóa trường dân lập.
  • GS-TSKH Bùi Văn Ga Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Vướng ở xử lý tài sản không phân chia
Việc chuyển đổi trường ĐHDL sang tư thục hiện nay còn vướng ở việc xử lý khối tài sản không phân chia. Vấn đề là ai sẽ quản lý khối tài sản này (hội đồng quản trị hay đại diện tập thể người lao động); người đại diện quản lý khối tài sản này có quyền biểu quyết các vấn đề quan trọng của trường hay không… Đó là những vấn đề đang có nhiều ý kiến khác nhau.
Quyết định số 63 mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành là khung pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động của trường ĐH tư thục. Văn bản này đã quy định rạch ròi phần tài sản không được phân chia, chỉ dùng vào mục đích tái đầu tư phát triển nhà trường. Đồng thời, văn bản cũng quy định rõ hình thức quản lý cũng như tư cách pháp nhân của những người đại diện cho phần tài sản này trong hoạt động của trường ĐH tư thục. Sau khi áp dụng Quyết định 63, các trường sẽ không còn vướng mắc như quy chế trước đây.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đẩy nhanh tiến độ soạn thảo thông tư để sửa đổi Thông tư 20 theo hướng Quyết định 63 để xử lý những vướng mắc nêu trên khi chuyển từ trường dân lập sang trường tư thục.
Thanh Hùng (ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét