Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Hướng đi mới cho phong trào học sinh giỏi
(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa ban hành Quy chế thi HS giỏi cấp quốc gia. Ngoài việc điều chỉnh chế độ đãi ngộ đối với HS đoạt giải, kì thi năm nay lần đầu tiên tổ chức thi Nói đối với các môn Ngoại ngữ và thi thực hành trong kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia…
Việc chính thức đưa những quy định mới này vào Quy chế thi chọn học sinh giỏi (HSG) cấp quốc gia nhằm mục đích gì? Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Anh Tuấn - Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT).
Thưa ông, Bộ GD-ĐT vừa mới ban hành Quy chế thi chọn HSG cấp quốc gia. Quy chế này có những điểm nào mới so với trước kia?
Ông Bùi Anh Tuấn: So với Quy chế thi chọn HSG trước đây, Quy chế thi chọn HSG cấp quốc gia có những điểm mới đáng chú ý như sau: Trong kỳ thi chọn HSG quốc gia, tổ chức thi nói các môn Ngoại ngữ và thi thực hành đối với các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học là cần thiết; tuy nhiên, đây là việc làm mới, cần có lộ trình và giải pháp thích hợp qua các năm nên riêng năm 2012 việc thi thực hành mới chỉ áp dụng thi lí thuyết về thực hành.
 

Những điểm mới trong quy chế HS giỏi vừa mới ban hành sẽ là hướng đi mới cho phong trào học sinh giỏi (Ảnh minh họa)
Trong kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, thay đổi thời gian làm bài đối với mỗi môn thi; đồng thời tổ chức thi thực hành đối với các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học để đảm bảo sự phù hợp về nội dung, hình thức, thời gian thi của các kỳ thi Olympic quốc tế các môn văn hóa, góp phần nâng cao thành tích của các đội tuyển HSG Việt Nam tại Olympic quốc tế và khu vực, giữ vững truyền thống đã được các thế hệ dày công xây đắp, đáp ứng yêu cầu hội nhập để phát triển.
Quy định về nguyên tắc việc tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng đối với các thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn HSG quốc gia; chi tiết sẽ được quy định trong Quy chế thi tuyển sinh đại học, cao đẳng và trong các văn bản khác của Bộ; Quy định việc huy động giáo viên giỏi THPT tham gia công tác chuyên môn của kỳ thi chọn HSG quốc gia nhằm tăng cường gắn kết trách nhiệm của các cơ sở với Bộ trong tổ chức các kỳ thi chọn HSG cấp quốc gia đồng thời tập trung được trí tuệ của toàn ngành vào việc tổ chức thi
Những điểm mới nêu trên chính là nhằm đảm bảo cho thi cử, trong đó có thi chọn HSG thực sự là động lực, tác động trở lại, thúc đẩy nâng cao chất lượng của quá trình dạy và học ở các cấp học phổ thông cũng như trong sự nghiệp giáo dục đào tạo nói chung.
Ngoài ra, năm nay chúng ta sẽ có thêm những chế độ ưu đãi đối với thầy cô có thành tích nổi bật và có nhiều đóng góp cho công tác HSG ở cả địa phương và Trung ương, kích thích và đẩy mạnh công tác HSG trên tinh thần thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài của nước nhà.
Sau một thời gian chúng ta duy trì quy định HS đoạt giải HSG quốc gia chỉ được ưu tiên xét tuyển sau khi dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, giờ đây lại “khôi phục” quyền tuyển thẳng đối với đối tượng này nhưng ở mức độ hẹp hơn. Vậy mục đích của việc làm này là gì?
Mục đích của quy định tuyển thẳng đối với HS đoạt giải HSG quốc gia là nhằm tạo ra động lực cho phong trào HSG, để các em yên tâm trong khi tham gia các kỳ thi chọn HSG, nhất là đối với những thí sinh được tham gia vào vòng tuyển chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế.
Như chúng ta đều biết, nhiều năm qua việc tuyển chọn đội tuyển Olympic gặp một số khó khăn. Bởi trên thực tế, hàng chục thí sinh đạt giải cao trong kỳ thi chọn HSG quốc gia được gọi thi tuyển chỉ có 4 đến nhiều nhất là 6 em được vào đội tuyển quốc gia đi dự thi, những thí sinh không được chọn vào đội tuyển lại phải quay về để ôn tập tham dự kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Do sự chi phối của tâm lý thực tế nảy sinh từ nền kinh tế thị trường, nhiều phụ huynh và cá nhân HS ngại tham gia các kỳ thi đòi hỏi cao về trí tuệ này hơn là việc tập trung ôn thi ĐH, CĐ có phần dễ dàng hơn. Đây chính là điều khiến cho nhiều em không hào hứng tham gia thi chọn HSG.
Muốn có thành tích cao trong thể thao cần có phong trào thể thao rộng khắp, việc“khôi phục” quyền tuyển thẳng đối với đối tượng HS đoạt giải HSG quốc gia có ý nghĩa quan trọng như thế đối với công tác HSG.
Điều quan trọng hơn thế cần được nhấn mạnh ở đây là quy định tuyển thẳng trong Quy chế mới này không giống như các quy định trước. Trước kia, những đối tượng này có thể đăng ký tuyển thẳng vào các ngành mà môn đạt giải nằm trong một khối thi ĐH, CĐ nào đó còn quy định mới này chỉ cho phép các em được tuyển thẳng vào nhóm ngành liên quan mật thiết đến môn đoạt giải.
Đây là một định hướng rõ ràng của Bộ GD-ĐT khuyến khích HSG theo học các chuyên ngành khoa học cơ bản, những ngành học mà đất nước đang cần đội ngũ có chất lượng cao (quy định nhóm ngành tuyển thẳng sẽ được nêu rõ trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012).
Như đã nói ở trên trong khâu tuyển chọn đội tuyển Olympic chúng ta sẽ tổ chức thi thêm phần thực hành đối với các môn có thi thực hành trong các Olympic quốc tế. Ông có thể nói cụ thể về vấn đề này?
Trước hết như đã khẳng định ở trên, chúng ta đang hướng đến việc tuyển chọn đội tuyển Olympic theo mô hình quốc tế. Như chúng ta đã biết, đội tuyển quốc gia Việt Nam một số môn thi có thực nghiệm ở kỳ thi Olympic quốc tế một số năm gần đây kết quả không cao có một phần nguyên nhân từ phần thi thực hành của thí sinh ta chưa tốt.
Việc từng bước áp dụng thi thực hành vào các kỳ thi chọn HSG theo quy định của Quy chế mới chính là nhằm khắc phục yếu điểm này. Trước mắt, trong kỳ thi chọn HSG quốc gia năm 2012 vào các ngày 11, 12 tháng 1 năm 2012, đề thi có câu hỏi về thực hành còn trong kì thi chọn đội tuyển Olympic sẽ có buổi thi thực hành riêng.
Với các môn thi Ngoại ngữ trong kỳ thi chọn HSG quốc gia, chúng ta tiến hành thi nói để đảm bảo đánh giá đủ 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết (trước đây chỉ mới đánh giá 3/4 là Nghe, Đọc, Viết).
Bước đầu triển khai trong kỳ thi chọn HSG quốc gia năm 2012, cách tổ chức của ta chưa phải là hội thoại thực sự theo đúng nghĩa hỏi - đáp mà mới chỉ tạm thời dừng lại ở hình thức độc thoại với sự trợ giúp của CNTT. Thí sinh vào phòng thi sẽ được nhận câu hỏi và trả lời câu hỏi trong thời gian cho phép do Bộ GD-ĐT quy định. Máy tính sẽ ghi âm, lưu lại câu trả lời của thí sinh và file lưu này sẽ được chuyển về Hội đồng chấm thi.
Hiện nay, các trường THPT vẫn đang còn rất yếu trong khâu hướng dẫn thực hành cho HS; thậm chí, có nơi còn thiếu thốn về thiết bị thì việc đưa những hình thức thi mới này vào trong kì thi HSG năm nay có làm khó cho các em?
Theo chúng tôi, cách thức triển khai thi thực hành như đã nêu ở trên là phù hợp, vừa sức với HS. Với những gì đã được học, được làm theo nội dung dạy học và thiết bị dạy học tối thiểu tại trường mình, lớp minh có được từ Đề án trường THPT chuyên, trong kỳ thichọn HSG quốc gia năm 2012, các em có đầy đủ khả năng trả lời các câu hỏi về thực hành của đề thi.
Trong khi đó, Bộ GD-ĐT tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và hoàn thiện quy trình tổ chức thi thực hành trong phạm vi hẹp là kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế tại Hà Nội. Trên cơ sở này, tổ chức rút kinh nghiệm, nghiên cứu để có thể triển khai mở rộng trong các năm tiếp theo, đảm bảo tính khoa học và khả thi.
Tóm lại, chúng tôi có thể khẳng định rằng: từ bước khởi đầu này, công tác HSG của chúng ta nhất định sẽ có những chuyên biến tích cực, phù hợp với tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo hướng hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đề ra.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hùng (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét