Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Trường ta ...hội nghị CBVC (01/10/2011)

Trường ta ...hội nghị CBVC (01/10/2011) (Mình chưa thấy văn bản mới nhưng “Hội nghị CBVC” thì chưa tin lắm, có báo gọi là “hội nghị CBCC”???)

Hai trong một
Thông thường mấy anh HT nhà ta thường giở chiêu “pha loãng” này trong mọi trường hợp… để cho mau…hết giờ bằng tổ chức hai hội nghị trong cùng một buổi ! (với lí do “không dám phí nhiều thì giờ của GV – và cũng tỏ ra hiệu nghiệm, vì đa số GV thích kiểu này ?)
Năm nay, cũng theo thông lệ như vậy.
-         Từ 7 giờ đến 8 giờ 30 : Hội nghị Công đoàn (nửa nhiệm kỳ). Nói chung cũng báo cáo tổng kết, rồi phương hướng, rồi tổng kết và phương hướng của Ban thanh tra nhân dân…với chừng ấy những “hành động”, chừng ấy “khó khăn, thuận lợi”, chừng ấy “những việc làm được”…Chỉ có điều năm nào cũng như năm nào chẳng thấy đưa ra được cái biện pháp thực hiện nào để nghe cho thật “sướng” cái lỗ tai một chút ! Cảm tưởng cái quan tâm nhất của Chủ toạ đoàn là việc tổ chức đi tham quan.
           Trong cái không khí nặng nề tẻ nhạt đó, người dự hội nghị cũng    
    miễn cưỡng đưa ra một số “ý kiến” cho có lệ, gọi là “động viên” BCH
    Công đoàn…Tất nhiên cũng có ý kiến có chất lượng như việc nhắc lại
    khoản tiền mà GV dạy trong hè 2008 đến nay chưa được thanh toán và
    chuyện cắt thi đua của GV gắn với “thành tích” thấp của HS trong thi
    tuyển sinh vào THPT năm học 2010-2011 (Thầy Ân).
           BẢn thân mình cũng tham gia ý kiến hỏi về kỷ niệm chương năm  
    2006 không thấy kèm theo tiền (nhân vụ báo chí phản ánh phanh phui
    chuyện Phòng GD Bắc Bình ém nhẹm tiền kèm theo kỷ niệm chương
    của 48 GV) ?
          Thú vị nhất là HT (đồng thời là BT, UV Công đoàn GD Huyện…)
   với tư cách là công đoàn viên tham gia ý kiến …Cái thú vị nằm ở chỗ
   vị trí đứng là quay xuống với mọi người và nói như chủ toạ đoàn nói,
   thậm chí còn trên cả chủ toạ đoàn khi đưa ra những “khuyên răn” đối
   BCH CĐ (“phải như thế này , phải như thế kia…”).

-         Từ 8 giờ 45 : Hội nghị CBVC ( trước đây là CNVC ?).
Mở đầu là chào cờ (cả hai phần lễ đều không có phút mặc niệm – nhớ là HT bảo là qui định mới ?!). Tiếp sau là giới thiệu đại biểu (Xã có bà Phó BT, ông PCT; Hội CMHS có ông Thành, ông Hùng).
Đến phần mời chủ toạ đoàn (người ĐKCT nói là theo hội nghị trù bị giới thiệu là HT và CTCĐ- rồi phán luôn : đề nghị chúng ta cho tràng pháo tay – như vậy là “ăn gian” đó nha, vì chắc gì hội nghị chính thức đồng ý mà “cho tràng pháo tay” ???
     Cũng là khúc ca muôn thuở : Báo cáo tổng kết – Phương hướng năm học – Báo cáo tổng kết và Phương hướng của Ban TT nhân dân. Cũng chừng ấy câu chữ nghe chán phè phè…! Phần “Báo cáo tổng kết” thì có thêm một vài ý “hạn chế” của BGH cho có vẻ là “khách quan”, nhưng những ý “hạn chế” đó thực ra là “vô hại”, có cũng được mà không cũng xong !!! “Phương hướng năm học” thì ba lăng nhăng năm điều bảy chuyện mà không nói ra ai cũng biết, năm nào cũng bấy nhiêu chuyện cứ sao ra để “sử dụng muôn năm”! Điều rõ ràng nhất là cứ chạy theo những chỉ tiêu sao cho thoả mãn đạt được những thành tích. Đầu buổi, HT đi từng GV để phát một bản “Các chỉ tiêu”. Rồi từ đó cứ đọc một hơi hết bản phương hướng mà chẳng thấy đâu các biện pháp ngõ hầu giúp nhà trường đạt đến những chỉ tiêu “trên mây” ấy. Điều này, ở hội nghị năm học trước, Nhàn ta đã có ý kiến phải nói là gay gắt (Khiến chủ tịch Hương khi phát biểu “chỉ đạo” hội nghị cũng phải nhắc khéo nhà trường phải chỉnh sửa lại để nộp !). Còn phần của anh Thanh tra nhân dân thì còn chán hơn khi đọc trơn tru một mạch như không hề có chuyện gì xảy ra trong nhà trường…
   
   “Ôm bom”
    Đến phần thảo luận phải nói hơn hẳn năm trước và thật bất ngờ…
    Mở đầu là ý kiến của thầy Nguyễn Như Diệp, với ý kiến gợi ý Xã nên làm chung ngày 20-11 cho GV của các trường trong địa bàn Xã ; nên có phòng dạy trình chiếu tách ra khỏi phòng Nhạc ; nên phát huy và tổ chức chuyên đề về “bản đồ tư duy”.
     Nhàn mình thì tham gia các ý đi hơi rộng từ hiện tình giáo dục nói chung (một nền giáo dục đang lúng túng, lay hoay… vì thiếu cái “triết lí” làm chỗ dựa, dẫn đến tình trạng có “mục tiêu” nhưng chương trình và nội dung thì chắp vá, cải tiến cải lùi mãi mà vẫn cứ nặng nề, ì ạch để rồi phải “giảm tải” nhưng càng giảm càng …nặng tải ; phương pháp thì mất phương hướng đến nỗi phải giao khoán cho GV…) để muốn nói rằng việc đưa ra các chỉ tiêu của nhà trường chỉ là việc làm của những người đang “bay trên mây” hay đang “đi trên ngọn cây” hoàn toàn xa lạ với hiện thực của nhà trường. Mình đã chứng minh điều đó qua việc “giảm tải” vội vàng ở đầu năm học này: đó là giảm cũng như không, thậm chí không có lợi cho về sau. Ví dụ đã giảm bài “Mã Giám Sinh mua Kiều”. Theo cá nhân của Nhàn, việc giảm tải bài này đã làm cho việc tích hợp kiến thức tập làm văn bị hạn chế và hụt hẩng vì từ đây HS sẽ không có dịp học ở thiên tài Nguyễn Du về bút pháp miêu tả hiện thực đặc sắc của ông khi miêu tả thành công nhân vật MGS (một gã buôn người bịp bợm, gian manh, thô bỉ, vô học, bất nhân…) bên cạnh bút pháp gợi tả tài tình, là sự sáng tạo từ bút pháp ước lệ cổ điển Trung đại (bài “Chị em Thuý Kiều”) hay “miêu tả nội tâm”, “tả cảnh ngụ tình” bậc thầy qua mọi thời đại (bài “Kiều ở lầu Ngưng Bích”) hay một ví dụ điển hình cho văn nghị luận mà các em sẽ học ở suốt học kỳ 2 như bài “Kiều báo ân, báo oán” - rất tiếc, bài này cũng bị loại cách đây ba năm của các năm học trước, tuy nhiên nó vẫn còn “vớt vát” lại ở một bài tập ở phần nghị luận (TLV).
    Mình cũng thêm ý kiến về hiện tượng xuất hiện hội chứng “không vắng học” trong hầu hết các lớp trong trường ở năm học này. Đó là hội chứng mà ở đó học sinh có mặt ở lớp là cho có chứng mà không chịu học bài, làm bài ở nhà trước khi đến lớp, là đến lớp ngồi trơ ra đó, không gây mất trật tự, không ngủ gật,…nhưng không chú ý, vô tâm hờ hửng, thầy nói thì nghe tai này lọt tai kia, bảo viết thì viết thì viết, bảo đọc thì đọc…như một cái máy không hơn không kém. Tuy vậy cũng đáng khen và đáng chú ý hiện tượng “đột biến” của khối lớp 6. Vào dạy một số lớp 6 năm nay thấy phong trào học tập khá sôi nổi. Các em rất lo lắng, tự giác hoạt động cho công việc của lớp như trực nhật, lau bảng, chuẩn bị cho giờ sinh hoạt lớp. Không biết hiện tượng này được giữ đến khi nào, hay các em cũng sẽ bị đuối, và rồi cũng sẽ hoà tan như các lớp đàn anh đàn chị…!!!
     Về việc “Bồi dưỡng HS giỏi… sẽ đưa vào thi đua” như bản phương hướng đưa ra, Nhàn mình không thống nhất, vì thừa biết rằng đây là mầm mống của một ý đồ […] . Mình đã đưa ra một ví dụ về con bé nhà mình cũng vì nạn “bồi dưỡng” trên giấy mà có chuyện hai cô giáo thay nhau “quần” con nhỏ tơi tả để lấy nhân chứng có lợi cho mình trong kiện cáo vì “không công bằng” trong phân công GV bồi dưỡng… cho đến khi HT trường cũ của con bé xuống tận nhà mình để xin đính chính…
     Tiếp đến là ý kiến thầy Phạm Thanh Hải (Toán) với 2 ý : một là BGH cần phải có sự tổng kết để mổ xẻ phân tích việc làm của năm học trước về việc tách lớp ra theo “trình độ” HS để bồi dưỡng cho tuyển sinh vào lớp 10 trước khi thực hiện các kế hoạch tương tự như thế ở năm học này (Ý này Nhàn và thầy Phạm Văn Dũng đã nêu ở cuộc họp tháng 9); hai là, cần thanh toán tiền phụ đạo hè ở năm học 2008 cho GV.
      Tiếp đến là ý kiến của thầy Rơ (Hoá). Đây có thể nói là ý kiến gây hào hứng trong hội nghị vì đa số GV cảm thấy hả hê…và rất “bất ngờ” đến thú vị ! Ý kiến thứ nhất, thầy Rơ phân tích rất cụ thể về tình hình yếu kém về học lực cũng như hạnh kiểm của học sinh qua lớp chủ nhiệm (91) của thầy. Thầy cho rằng sự yếu kém đó có sự “biến chứng” khó hiểu : cũng lớp đó (71) cũng do thầy chủ nhiệm nhưng bẳng đi một năm, đến nay là lớp 91 lại có sự thay đổi kì lạ ! Đặt một câu hỏi vì sao thì ai cũng trả lời được nhưng cứ mặc kệ, vì thành tích…cứ cho lên, cứ để học sinh lên lớp 9 cho GV “ôm bom” !! Rất lạ là trường hợp em Trâm (91) : học lực Yếu mà hạnh kiểm là…TỐT ! Vì sao vậy ??? vì không còn loại nào xếp để không ở lại lớp nên xếp TỐT thôi !
          Ý thứ hai, thầy Rơ xin “được” rút khỏi danh sách thi GV giỏi cấp Huyện năm học này với hai lí do : không “rành” vi tính khi phải giảng bằng giáo án điện tử và không còn thời gian rảnh vì còn phải bương chãi vì cuộc sống !!!!
         Thầy Ân với các ý kiến : - Cần rà soát đầu vào và nên hạ thấp chỉ tiêu tốt nghiệp lớp 9 ; - Học sinh lớp 9 năm nay thực sự là yếu, yếu cả về học lực và hạnh kiểm, nhất là chuyên cần và kỷ luật. Đến giờ này mà tình hình nề nếp vẫn còn biến động ; - Hiện tượng “được mùa” như khối lớp 6 cần phải có biện pháp để giữ phong trào, không khéo như các lớp 7 hay lớp 8, lớp 9 năm nay ; - Cuối cùng là phòng dạy điện tử nên có màn hình cho GV.
          Thầy Bảo (Sinh học) cũng có ý kiến về HS dân tộc thiểu số : các em yếu quá vì không hiểu được câu hỏi của thầy giáo hay là chuyện các em bị HS người kinh trêu chọc hay phân biệt đối xử …

“Đọc phát biểu chỉ đạo” và “ý kiến nói thẳng nói thật của đại diện hội CMHS”
            Ông phó chủ tịch Xã được mời lên gọi là “chỉ đạo” hội nghị . Trời ơi, ông này nói như người trên sao hoả mới xuống, vì nghe nhạt phèo như canh quên nêm gia vị. Ông PCT cũng sơ qua vài ý kiến nhưng không đâu vào đâu.
Ông bảo rằng không thống nhất về ý kiến đòi hạ chỉ tiêu, vì cho rằng “chỉ tiêu thì không nên hạ” (Vì sao thì không nói ??? bó tay, lí với chả luận !). Đúng là căn bệnh thành tích hoá ra không chỉ trong ngành giáo dục và nó đã ăn sâu trong tận xương tuỷ ! Rồi tiếp đến ông PCT mở giấy ra đọc bài…phát biểu chỉ đạo đã soạn trước ở nhà (dùng cho nhiều trường, nếu tham dự !) mà chẳng dính dáng gì đến tình hình diễn biến cũng như nội dung của hội nghị. Nghe ổng đọc mà muốn quên vỗ tay !
             Đến BĐD CMHS, ông Hùng được cử lên có phát biểu cảm tưởng.
             Ông này thì có vẻ lưu loát. Trình bày nhiều ý kiến đi sát vào những ý kiến của phụ huynh về nộp tiền trường, về việc dạy thêm học thêm. Tuy nhiên, ông này dùng từ “OK !” tỏ ra không nghiêm túc lắm. Điều thú vị ở đây là ông Hùng đã nhắc lại chuyện kẻ ngoài trường vào nhổ toàn bộ “cây xanh” trong vườn trường trong thời gian hè 2011. Điều này HT nhà ta giật nảy mình vì vô tình khơi lại ý kiến của Nhàn hôm họp hội đồng sư phạm lần trước vào tháng 8 – 2011 cũng tại hội trường này.
          Thế rồi hội nghị “cũng thành công” sau khi nghe “cú chót” phần công khai tài chính…Trong phần này cũng nhắc lại cái gọi là “kế hoạch chi tiêu nội bộ” nhưng không đọc lại xem thử nó ra sao, mà chỉ nói : “như năm trước, tôi không đọc lại nữa”…Trời ơi, công khai kiểu này chẳng khác nào “thưa quý vị tôi xin công khai những cái mà tôi …không công khai !!!!”
         Rồi đến lúc mọi người cũng rời phòng họp… chuẩn bị vào cuộc hậu hội nghị.
         Tớ thì xuống phòng niêm yết để xem thời khoá biểu (theo thông báo có thay đổi nhỏ TKB) rồi…về.
         Có vài tiếng gọi lại nhưng tớ vẫn về, vì ở lại không còn ý nghĩa. Vì ở lại để rồi vui vui vẻ vẻ… như là hội nghị chúng ta rất rất thành công thì mình không thể chịu được. Vì có cái gì đâu mà thành với chả công (?) Mọi cái như diễn một vở kịch ngắn mà quá trơ, quá lì…Năm nào cũng chừng ấy công việc, cũng chừng ấy bài bản, cũng chừng ấy con người ngồi vào bàn “chủ toạ” mà chẳng hiểu “chủ” cái “toạ” gì …???
         Thôi, về , não nề, về để chơi vơi…   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét