(VOV) - Các nhạc sĩ: Lê Thương, Hoàng Trọng, Cung Tiến và Hoàng Nguyên
Lê Thương- bất tử với những tác phẩm sống mãi cùng năm thángThời kỳ đầu tân nhạc Việt Nam, tên tuổi của nhạc sĩ Lê Thương được nhiều người biết đến với những tình khúc như “Bản đàn xuân”, “Một ngày xanh”, “Trên sông Dương Tử”, “Thu trên đảo Kinh Châu” và đặc biệt là bộ ba tác phẩm “Hòn Vọng Phu” bất hủ.
Không chỉ là một trong những cánh chim đầu đàn của nền Tân nhạc Việt Nam, cùng thời với các nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Doãn Mẫn, Lê Yên, Thẩm Oánh, Nguyễn Xuân Khoát, ông còn được biết đến là người anh cả của nhóm nhạc Đồng Vọng và đã có nhiều hoạt động tích cực góp phần cổ xúy nền Tân nhạc Việt Nam thời kỳ đầu non trẻ.
Từng là một thầy dòng, song Lê Thương đã sớm từ bỏ bỏ áo tu để trở thành một thầy giáo dạy Pháp văn, Sử, Địa. Vốn say mê âm nhạc từ nhỏ và có một tâm hồn đa cảm, lãng mạn nên bên cạnh việc dạy học, ông vẫn dành nhiều thời gian để sáng tác, để ghi lại những cảm xúc với tình yêu, với cuộc đời.
Nghe NS ƯT Ánh Tuyết thể hiện "Một ngày xanh"
|
Hoàng Trọng- ông vua Tango của âm nhạc Việt Nam
Ít hơn nhạc sĩ Lê Thương 8 tuổi, sinh năm 1922 nhưng nhạc sĩ Hoàng Trọng đã sớm nổi danh là ông vua Tango của âm nhạc Việt Nam. Sở dĩ, mọi người đặt cho ông biệt danh đó bởi dường như không ai viết tình khúc theo tiết điệu Tango nhiều và hay như ông.
Ở tuổi 16, nhạc sĩ Hoàng Trọng đã có tác phẩm đầu tay “Đêm trăng”, viết năm 1938, tiếp theo đó là bản “Tiếng đàn ai” - một trong những bản Tango đầu tiên của Việt Nam và sau đó là một ca khúc nổi tiếng khác với tên gọi “Một thủa yêu đàn”.
Cùng thời gian này, ông và các anh em trong gia đình là Hoàng Trung An, Hoàng Trung Vinh, cựng một số bạn bè như Đan Thọ, Đặng Thế Phong, Bùi Công Kỳ thành lập một ban nhạc. Ban đầu, ban nhạc không có tên và gần như chỉ để giải trí.
Nghe NS Ái Vân thể hiện "Mộng ban đầu" |
Năm 1953, tên tuổi Hoàng Trọng dành được sự mến mộ của đông đảo công chúng với bản Nhạc sầu tương tư, ca khúc này được phát thường xuyên trên đài phát thanh lúc bấy giờ. Năm đó, ông còn viết một bản Tango khác là “Dừng bước giang hồ” cũng tạo được tiếng vang. Thời gian sau, nhạc sĩ di cư vào miền Nam, ông thành lập những ban nhạc khác nhau như Ban nhạc Hoàng Trọng, Tây Hồ, Đất nước mến yêu, Tiếng Tơ Đồng chuyên trình diễn những ca khúc tiền chiến có giá trị.
Khoảng thời gian ở Sài Gòn, ông sáng tác rất mạnh mẽ, có nhiều sáng tác nổi tiếng như “Ngàn thu áo tím”, “Lạnh lùng”, “Bạn lòng”, “Mộng lành”, “Tiễn bước sang ngang”, “Ngỡ ngàng”.
Sau năm 1975, nhạc sĩ Hoàng Trọng chỉ sáng tác một vài ca khúc nhưng không phổ biến lắm. Năm 1992, ông sang định cư tại Mỹ và qua đời tại đó.
Trong tổng số khoảng 200 ca khúc, khá nhiều là nhạc về tình yêu và quê hương, đất nước do Hoàng Trọng sáng tác, ông chỉ tự đặt lời cho khoảng 40 bản, còn lại ông để cho nhiều người khác viết lời cho những bài hát của mình, đó là Hồ Đình Phương, Hoàng Dương, Nguyễn Túc, Quách Đàm, Vĩnh Phúc...
Cung Tiến với “Thu vàng”, “Hương xưa”, “Hoài Cảm”
Thuộc thế hệ nhạc sĩ thứ ba của Tân nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Cung Tiến với những nhạc phẩm như “Thu vàng”, “Hương xưa”, “Hoài Cảm” cũng đã góp thêm một vẻ đẹp riêng trong vườn hoa sắc màu của dòng nhạc trữ tình, lãng mạn. Tên thật của ông là Cung Thúc Tiến sinh năm 1938 tại Hà Nội.
Trong thời gian học trung học, ông đã được học nhạc dưới sự hướng dẫn của hai nhạc sĩ tên tuổi lúc bấy giờ là Thẩm Oánh và Chung Quân. Không ai rõ ông rời Hà Nội khi nào, chỉ biết bản “Thu vàng” - tác phẩm đầu tay của ông viết năm 1953 với lời ghi chú “Tặng Hà Nội những ngày ấu thơ”. Và ngay phía dưới là 4 câu thơ của nhà thơ Thế Lữ:
“Cơn gió thổi lá bàng rơi lác đác
Cùng rơi theo loạt nước đọng trên cành
Những cây khô đã chết cả mùa xanh
Trong giây phút lạnh lùng tê tái ấy”
Nghe CS Hồng Nhung thể hiện "Thu vàng" |
Khi thưởng thức những ca khúc của Cung Tiến, dường như chúng ta không chỉ nghe mà còn thấy, thấy những vẻ đẹp sang trọng, kín đáo ẩn nét kiêu sa nhưng lại hết sức dung dị trong từng đường nét giai điệu mà ông đã thả hồn trong đó khiến không ai nghĩ rằng ngoài đời thường, Cung Tiến lại là một chuyên gia kinh tế.
Sau này, ông còn tham gia những lĩnh vực nghệ thuật khác như viết thơ, viết báo, phê bình văn học và dịch thuật với bút hiệu Thạch Chương.
Trong sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Cung Tiến sử dụng ngôn ngữ một cách tài tình, từng lời đơn sơ đã được ông khéo léo kết nối thành những câu hát phong phú, đầy chất thơ và luôn toát lên một vẻ đẹp trang trọng.
Hoàng Nguyên - nhạc sĩ tài hoa, đoản mệnh
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên được biết đến với hai sáng tác nổi tiếng là Ai lên xứ hoa đào và Bài thơ hoa đào. Ông là một nhạc sĩ tài hoa nhưng đoản mệnh. Hoàng Nguyên tên thật là Cao Cự Phúc sinh năm 1932 tại Quảng Trị.
Sáng tác đầu tay của ông là bản Anh đi mai về với chất nhạc bi tráng đã được xem là một trong những ca khúc hay của thời kháng chiến. Người ta nói rằng mỗi ca khúc của Hoàng Nguyên là một thiên tình sử bởi ông vốn là một người có tâm hồn đa cảm và lãng mạn.
Nghe CS Quang Dũng thể hiện "Ai lên xứ hoa đào" |
Cuộc đời của Hoàng Nguyên không bình lặng, êm đềm mà luôn gặp phải những sóng gió, trắc trở, có lẽ vì vậy mà hầu hết những tác phẩm của ông được kết nối bởi những nuối tiếc và ước mơ. Và nếu như ông không mất sớm ở tuổi 41 trong một tai nạn giao thông thì số vốn sáng tác của ông chắc chắn sẽ gấp nhiều lần con số 10 và người yêu nhạc sẽ không phải tiếc nuối một tài năng sớm lìa bỏ trần thế khi còn đầy năng lực sáng tạo./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét