Chương trình, SGK quá nặng đang là nỗi ám ảnh của phần lớn học sinh (nguồn: internet) |
Thầy Biện Văm Nam, giáo viên trường THPT Kbang (Gia Lai) trao đổi: “Giảm tải là đúng, vì chương trình giáo dục phổ thông rất nặng, quá tải. Mặt khác, một số bài trong SGK biên soạn chất lượng yếu, một số bài quá khó, không phù hợp hoặc trùng lặp”. Một số bài môn GDCD được chuyển sang nội dung ngoại khoá, thực hành để rèn luyện kĩ năng sống hoặc yêu cầu cập nhật số liệu mới. Việc chương trình (CT) quá tải, bất cập đã tồn tại từ lâu và đã được nhiều nhà khoa học, nhà giáo…phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, song sau nhiều năm mới được Bộ GD – ĐT tiếp thu.
Trong công văn số 5842 hướng dẫn điều chỉnh, Bộ GD – ĐT nêu các nội dung giảm tải: “Những nội dung trùng lặp trong CT, SGK của nhiều môn học khác nhau, có cả ở CT, SGK của lớp dưới và lớp trên do hạn chế của cách xây dựng CT, SGK theo quan điểm đồng tâm. Những nội dung, bài tập, câu hỏi trong SGK không thuộc nội dung của CT hoặc yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Những nội dung trong SGK trước đây sắp xếp chưa hợp lý hoặc mang đặc điểm địa phương, không phù hợp với các vùng miền khác nhau”.
Nghĩa là nhiều năm qua, hàng triệu GV – HS đã phải chấp nhận những bất cập, khiếm khuyết không nhỏ của nội dung giáo dục. Qua đó cho thấy sự tắc trách của Bộ GD – ĐT trong khâu tổ chức biên soạn nội dung CT – SGK.
Giảm tải hay cắt xén?
Cô Đường Thị Vân Khoa, giáo viên ngữ văn trường THCS Cửa Nam (TP Vinh, Nghệ An) ngỡ ngàng vì chương trình bị điều chỉnh quá nhiều. Chương trình Ngữ văn 6 có đến 10 bài bị điều chỉnh bỏ bớt nội dung, chủ yếu là chuyển sang đọc thêm. Lớp 7 có 14 bài, lớp 8 có 3 bài, lớp 9 có bài 7 bị điều chỉnh.
Từ chương trình chính khoá, các bài học được chuyển sang không dạy, đọc thêm, tự học có hướng dẫn...tuy cách diễn đạt có khác nhau song đều không có trong nội dung thi cử, do đó, hầu hết sẽ bị GV và HS bỏ qua. Điều đáng nói là truyện “Con Rồng cháu Tiên” nói về nguồn gốc tổ tiên đáng tự hào của dân tộc cũng bị chuyển sang phần đọc thêm. Ngoài ra, nhiều bài vốn là các tác phẩm kinh điển, nội dung sâu sắc, được đông đảo HS ưa chuộng như Ông lão đánh cá và con cá vàng; Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người; Côn Sơn ca; Mã Giám Sinh mua Kiều; Sau phút chia li (trích Chinh phụ ngâm khúc); Lục Vân Tiên gặp nạn... đều bị chuyển sang đọc thêm hoặc không dạy.
Cô Diễm Hằng, giáo viên ngữ văn ở thị trấn Thanh Chương (Nghệ An) thẳng thắn: “Bài Sau phút chia ly (Chinh phụ ngâm) là một tuyệt tác văn chương, lại có ý nghĩa tạo ngữ liệu cho nội dung điệp từ, điệp ngữ, nhưng không hiểu sao lại bị cắt. Lẽ nào người điều chỉnh không hiểu được cái hay của bài này?”.
Trong chương trình ngữ văn THPT, lớp 10 có 13 bài, lớp 11 có 5 bài và lớp 12 chỉ có 1 bài điều chỉnh. Cô Nguyễn Thị Cẩm Vân, trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh, Nghệ An) cho biết: “Theo tôi, bài “Rama buộc tội” (Sử thi Ấn Độ) rất thú vị và có nhiều ý nghĩa, dạy bài này để giúp HS hiểu hơn về văn hoá Ấn Độ và sử thi Việt Nam, không hiểu sao lại chuyển sang đọc thêm. Còn bài “Đàn ghi ta của Lorca” (Thanh Thảo) ngay cả không ít GV cũng không hiểu chứ chưa nói đến HS thì lại vẫn giữ nguyên”.
Ngoài ra, theo ý kiến của nhiều nhà văn, nhà phê bình trong bài “Nhà văn và môn văn” trên Văn hoá Nghệ An số 205 thì SGK môn văn vẫn còn thiếu vắng những tác giả, tác phẩm xứng đáng. Như vậy, trong việc điều chỉnh nội dung CT – SGK xuất hiện nghịch lý: Bài đáng bỏ thì không bỏ, bài không đáng bỏ thì bỏ, bài đáng đưa vào thì không đưa vào.
Thầy Trần Văn Chính, trường THPT Trần Phú (Hà Tĩnh) cho biết: “Đối với môn lịch sử, nội dung chương trình là một chuỗi sự kiện liên tục, cái này gắn liền với cái kia, là nguyên nhân dẫn đến cái kia, vì vậy việc cắt xén là phi khoa học”. Thế nhưng, chương trình môn lịch sử cũng bị cắt xén “te tua”: chương trình THCS có đến 45 bài, THPT đến 64 bài bị điều chỉnh, gồm cắt bớt một số nội dung, hoặc chuyển sang đọc thêm, không dạy. Đây là con số cho thấy chương trình thực sự “có vấn đề”.
Thầy Chính nêu dẫn chứng: “Mục Sự hình thành và phát triển xã hội phong kiến bỏ không dạy, trong khi đây là nội dung kiến thức cơ bản, nền tảng để các em nắm bắt các vấn đề, hiện tượng cụ thể. Các nội dung Một số danh nhân văn hóa xuất sắc của dân tộc, Các cuộc chiến tranh Nam - Bắc Triều và Trịnh – Nguyễn, Sự ra đời của chủ nghĩa Mác, Khởi nghĩa Ba Đình (1886 - 1887), Khởi nghĩa Bãi Sậy (1883 - 1892), Việt Nam Quốc dân đảng (1927) và cuộc khởi ghĩa Yên Bái (1930), Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), Xây dựng đất nước, đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1976-1985)...đều bị giảm tải.
Đã thành lệ, một khi đã là bài đọc thêm, thì thầy sẽ không dạy, và trò không học, bởi vì thi gì học nấy. Việc này sẽ dẫn đến hậu quả HS kiến thức lỗ mỗ, thiếu hệ thống, không nắm được quá trình vận động của lịch sử, dẫn đến nhận thức méo mó về lịch sử. Các môn khoa học tự nhiên vốn được xem là logic, chuẩn mực cũng có rất nhiều nội dung điều chỉnh.
Giảm tải HS, tăng tải GV
Khi thực hiện chương trình, mặc dù bỏ rất nhiều bài, nội dung, song Bộ GD – ĐT vẫn giữ nguyên số tiết trong phân phối chương trình. Do đó, GV rất vất vả để tự điều chỉnh nội dung dạy học sao cho phù hợp. Không có hướng dẫn cụ thể, GV phải tự “bơi” mỗi người một kiểu. Giáo án vốn ổn định, nay phải viết lại, cơ cấu lại mất rất nhiều thời gian. Một số nội dung yêu cầu cập nhật số liệu song lại không dẫn nguồn, không có sự hướng dẫn giúp đỡ GV khai thác tư liệu. GV các vùng sâu, vùng xa lại không có điều kiện cập nhật thông tin nên đành chịu bó tay.
Cô Hoài Thu, một GV môn GDCD cấp THCS tại Hương Khê (Hà Tĩnh) chia sẻ: “Trong nội dung điều chỉnh có yêu cầu GV cập nhật số liệu cho một số bài, song điều kiện miền núi của chúng tôi hết sức khó khăn về đường sá, phương tiện và cả kinh phí nên không đáp ứng được”.
Trước đây, GV khi soạn giáo án chỉ tham khảo tài liệu chính là SGV, nay trong hướng dẫn điều chỉnh chương trình có môn yêu cầu GV tham khảo tài liệu chuẩn kiến thức, kĩ năng để thực hiện. Nội dung hướng dẫn điều chỉnh là nội dung SGK cơ bản, song có bài lại yêu cầu GV chú giải theo SGK nâng cao. Công việc soạn giáo án, chuẩn bị bài giảng vốn đã mất nhiều thời gian nay lại thêm vất vả. Mà chưa chắc hiệu quả, chất lượng đã hơn gì chương trình năm trước.
Thầy TH, GV THPT ở TP Vinh thẳng thắn: “Nói thật, CT – SGK bây giờ như một căn nhà cũ nát, việc sửa chữa chắp vá chỉ tổ làm hỏng thêm. Chỉ còn cách dỡ ra làm lại”. Nhưng khi nghe đến con số 70 nghìn tỷ chi phí cho việc biên soạn lại CT - SGK theo dự kiến của Bộ GD – ĐT, thầy giáo này tròn mắt ngạc nhiên rồi...im lặng, thở dài.
Trần Quang Đại
Ý kiến của bạn
Nghĩa là những ai được "Bộ GD – ĐT" đưa vào " Trong khâu tổ chức biên
soạn nội dung CT – SGK" trước đây cũng ở dạng "Ngậm miệng ăn tiền"!
Theo
bài báo trên "Nghĩa là nhiều năm qua, hàng triệu GV – HS đã phải chấp
nhận những bất cập, khiếm khuyết không nhỏ của nội dung giáo dục. Qua đó
cho thấy sự tắc trách của Bộ GD – ĐT trong khâu tổ chức biên soạn nội
dung CT – SGK".... Nghĩa là những ai được "Bộ GD – ĐT" đưa vào " Trong
khâu tổ chức biên soạn nội dung CT – SGK" trước đây cũng đều ở dạng
"Ngậm miệng ăn tiền"! Cái tầm, cái tâm, cái tài đều phải xem lại!
Thanh Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét