Sống với nghệ thuật
Bức Giáo hoàng Innocent X của Velazquez .
|
Một pho tượng Socrate.
|
SGTT.VN - Có phải ngẫu nhiên khi ở phương Đông và
phương Tây, các bộ óc siêu việt nhất của nhân loại đồng loạt xuất hiện
quanh các thế kỷ 5 – 4 – 3 trước Công nguyên: Thích Ca Mâu Ni, Lão tử,
Trang tử, Khổng tử, Mạnh tử, Platon, Aristotle...
Một vầng chói sáng trong buổi bình minh của trí tuệ con
người là Socrate. Phương pháp biện chứng của ông vẫn vận hành trong tư
duy triết học, khoa học thời nay. Socrate khai mở con đường đến chân lý
bằng định đề nổi tiếng: “Tôi biết là tôi không biết!” Có lẽ không nhà
triết học nào được tạc nhiều chân dung như ông, ngay từ thời Hy Lạp, rồi
được người La Mã và các thế hệ sau sao chép lại. Đó là một người đàn
ông tuổi đang về già, ở trần, đầu tóc xoắn xuýt bù xù, trán cao với các
nếp nhăn sâu, mắt mũi miệng đều có vẻ thô kệch, nhưng mắt tinh anh một
cách hiền từ và láu lỉnh, cái miệng hé mở vừa như sắp nói vừa như đang
lắng nghe. Bức chân dung cổ điển này trở thành biểu tượng, sự hiển thị
cụ thể của vẻ đẹp tinh thần và sức mạnh của trí tuệ.
Bức Giáo hoàng Innocent X của danh hoạ Tây Ban Nha
Diego Velazquez (1599 – 1660) chắc chắn là một trong những chân dung nổi
tiếng nhất Tây phương, chỉ sau Mona Lisa của Leonardo Da Vinci nhưng
mang một vẻ bí ẩn nam tính hoàn toàn khác. Nó trở thành một biểu tượng
của uy quyền bất khả tư nghị, không thể cưỡng lại. Đầy kịch tính Barốc
trong bố cục cực giản dị này; màu đỏ và trắng chói gắt, tương phản trong
không gian nén chặt gay cấn nơi sáng và tối tranh chấp không khoan
nhượng. Trong khung vuông của tấm màn đỏ và cái ghế đỏ thếp vàng, hình
Innocent như một kim tự tháp vững chãi, bàn tay như lồi ra khỏi mặt
tranh ta có thể chạm vào mà không dám. Đôi mắt sắc như gươm và cái miệng
mím chặt phán truyền, tay cầm tờ giấy như một bảo đảm thiêng liêng cho
trật tự mà giáo hội thiết lập và ban phát!
Velazquez ca ngợi giáo hoàng bằng bức tranh này, nhưng
bao thế hệ sau cũng thấy ở đây những chứng cứ để công kích hệ tôn giáo
đoàn từng là quyền uy tuyệt đối ở trời Tây.
Nguyễn Quân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét