Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Rủ nhau học tiến sĩ Mỹ “ngoài luồng”


TT - Không chỉ giảng viên các trường CĐ, ĐH địa phương, ngay cả nhiều giảng viên của các trường ĐH lớn cũng tham gia học tiến sĩ “chui”...
Viện Kế toán và quản trị doanh nghiệp - nơi được rất nhiều giảng viên, cán bộ quản lý chọn theo học thạc sĩ, tiến sĩ - Ảnh: NHƯ HÙNG
Theo thống kê chưa đầy đủ, có hơn 150 người theo học tiến sĩ (chương trình liên kết với ĐH Quốc tế Mỹ) và trên 200 người học thạc sĩ (chương trình liên kết với ĐH quốc tế Adam) do Viện Kế toán và quản trị doanh nghiệp (Q.10, TP.HCM) tổ chức nhiều năm nay.
Đây là chương trình liên kết không phép và nội dung cũng chưa được các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ công nhận. Ngoài một số cá nhân công tác tại các doanh nghiệp, đa số học viên những lớp này đều là giảng viên và cả cán bộ quản lý của các trường ĐH, CĐ. Mỗi khóa học thạc sĩ, tiến sĩ có học phí 4.800-5.800 USD.
Rủ nhau học tiến sĩ “chui”
Theo danh sách các khóa học mà chúng tôi có được (tiến sĩ từ khóa 1 đến khóa 5 và thạc sĩ từ khóa 2 đến khóa 6), Trường CĐ Công thương TP.HCM có số lượng người theo học nhiều nhất với khoảng 20 người theo học tiến sĩ và thạc sĩ. Người đầu tiên của trường này theo học chương trình tiến sĩ là hiệu trưởng Lê Thanh Bình.
Từ đó, hàng loạt giảng viên của trường đã đăng ký học chương trình này ở các khóa tiếp theo. Trong đó, nhiều nhất là khóa 4 với năm giảng viên. Không dừng lại ở đó, đến khóa 5, có đến hai người hiện đang là phó hiệu trưởng, một số cán bộ quản lý của trường này theo học tiến sĩ.
Ông Lê Thanh Bình - học khóa I chương trình tiến sĩ - xác nhận đã hoàn thành khóa học và nhận bằng tiến sĩ. Cũng theo ông Bình, nhiều giảng viên và cán bộ quản lý muốn nâng cao trình độ nên lần lượt đăng ký học các khóa học sau mà không có thông tin đầy đủ về tính pháp lý của chương trình. Sau khi Tuổi Trẻ phản ánh (tháng 8-2010 - PV) về việc liên kết không phép của chương trình này, các thành viên ban giám hiệu và nhiều giảng viên đã không theo học nữa.
Thông tin tuyển sinh của chương trình đào tạo này không được thông báo rộng rãi nên chủ yếu được thông tin đến người học bằng cách truyền miệng, người trước giới thiệu cho người sau. Anh K. - một học viên tiến sĩ khóa 5 - cho biết đang theo học song song hai chương trình tiến sĩ của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và ĐH Quốc tế Mỹ.
Một học viên chương trình thạc sĩ cho biết đầu vào của chương trình khá dễ, không yêu cầu về tiếng Anh. Khóa học có thời gian 14 tháng, mỗi tháng học tập trung hai ngày, thời gian còn lại là tự học. Giảng viên đến từ Mỹ và Malaysia, trong lớp có giáo viên chuyển ngữ sang tiếng Việt.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng loạt giảng viên từ các trường đã rỉ tai nhau và đăng ký học chương trình này. Những khóa càng về sau, số học viên là giảng viên các trường có số lượng ngày càng đông.
Công nhận hay không?
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Vang - cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài Bộ GD-ĐT - khẳng định bộ sẽ không công nhận bằng cấp của các chương trình liên kết đào tạo không phép tại VN. Tuy nhiên trao đổi với lãnh đạo một số trường cho thấy vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về giá trị bằng cấp của các chương trình này.
Ông Lâm Thành Hiển - phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng - cho biết trường có năm giảng viên theo học chương trình tiến sĩ trên. Tuy nhiên, sau khi Tuổi Trẻ phản ánh về chương trình này, trường đã làm việc với các giảng viên trên và khẳng định trường sẽ không công nhận bằng cấp của chương trình này nên các giảng viên đã ngưng không theo học nữa.
Tương tự, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cũng khẳng định một số giảng viên của trường theo học tiến sĩ chương trình trên, nhưng đến thời điểm này chưa có ai nộp bằng tiến sĩ về trường.
Ông Hùng cũng cho biết quan điểm của trường về bằng cấp luôn rõ ràng: bằng cấp nộp về trường luôn được kiểm tra rất kỹ và chỉ chấp nhận các chương trình có phép. Ngay cả ứng viên đề án du học nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, trường cũng phải duyệt trường cho ứng viên chứ không phải họ muốn chọn trường nào cũng được.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Bình cho rằng một số khóa đầu do chưa có thông tin nên nhiều giảng viên đăng ký học. Sau khi báo chí đăng về chương trình liên kết không phép, hầu hết giảng viên đã ngưng không theo học nữa. Riêng một số giảng viên đã có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, trường không công nhận những bằng này và để đó làm... kỷ niệm, khi nào được Bộ GD-ĐT công nhận sẽ tính!
Ông Bình cho biết thêm: giảng viên tự bỏ kinh phí để học bổ sung chuyên môn, tuy bằng cấp không được công nhận nhưng dù sao như thế cũng nâng cao kiến thức của mình. Trường không khuyến khích giảng viên học các chương trình vớ vẩn!
Trong khi đó, một thành viên ban giám hiệu Trường CĐ Kinh tế TP.HCM cho rằng công nhận hay không cần phải có văn bản chính thức của Bộ GD-ĐT. Thực tế thời điểm các giảng viên của trường theo học là các khóa đầu tiên, thông tin về chương trình chưa có chứ không phải sau khi báo chí thông tin chương trình không hợp pháp mà vẫn theo học. Giảng viên tự bỏ kinh phí để nâng cao trình độ cũng là một việc tốt.
Còn ThS Lâm Tường Thoại - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM) - khẳng định trường sẽ công nhận học vị tiến sĩ này và phân công giảng dạy phù hợp. Cũng theo ông Thoại, một số giảng viên của ĐH Kinh tế - luật, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) là giảng viên của khoa ngoại ngữ (tiếng Anh).
Với lợi thế về ngoại ngữ, những giảng viên này đã theo học khóa tiến sĩ quản trị kinh doanh và với học vị tiến sĩ quản trị kinh doanh, họ có thể được bố trí giảng dạy ở ngành tiếng Anh thương mại hoặc quản trị kinh doanh.
Thống kê sơ bộ cho thấy Trường CĐ Kinh tế TP.HCM có chín người học thạc sĩ, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM có sáu người học tiến sĩ, ĐHQG TP.HCM có bảy người - hầu hết là giảng viên Trường ĐH Kinh tế - luật. Các trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Lạc Hồng, Ngoại thương (cơ sở TP.HCM) có từ 4-6 người/trường theo học. Một số trường ĐH khác như Kinh tế TP.HCM, Ngân hàng TP.HCM, Hoa Sen, Marketing, Sài Gòn, Cửu Long, Yersin, Hồng Bàng có từ 1-2 giảng viên mỗi trường tham gia các khóa học tiến sĩ.
MINH GIẢNG
Tiến sĩ...
26/10/2011 3:55:19 CH
Học như thế này khi ra trường đâu có dạy học sinh đâu? Vừa rồi đọc bài thực trạng đào tạo tại chức ở Việt Nam, tôi nghĩ họ nói đúng. Họ bảo ngày xưa đi học thạc sĩ, tiến sĩ cũng như các anh thôi chứ học gì, mua thầy, mua bằng, bây giờ kiếm chác lại ở các anh.
Le Hung
Hỏi ai?
26/10/2011 3:42:45 CH
Vậy cho tôi hỏi nếu một trường quảng cáo học MBA nhận bằng ngoại rầm rộ như học viện ERC Vietnam vậy cả năm nay sao cơ quan nhà nước không phát hiện, vấn đề này nằm ở đâu, do cơ quan nào chịu trách nhiệm.
Nếu bây giờ Nhà nước không công nhận thì người học chịu thiệt hại, có lấy tiền lại được không, không lẽ đỗ lỗi cho người học. Vậy Bộ Giáo dục có nhiệm vụ gì, cơ quan nhà nước có trách nhiện gì bảo vệ người học khi mà cơ quan thẩm quyền không biết gì hết làm sao mà người học biết?

chanh
Bởi vì đó là nhu cầu thực và hợp lý của sự phát triển của xã hội
26/10/2011 3:37:44 CH
Rõ ràng vấn đề ở đây là nhu cầu giáo dục của xã hội đã vượt lên khả năng quản lý của Bộ Giáo dục vốn đã cũ và lạc hậu "Bộ đã khoác cái áo cũ và chật'.
Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục phải thực tế hơn. Vấn đề phép hay không phép của Bộ đang là vấn đề phải cải tiến. Nên để các đơn vị liên kết với các trường nước ngoài tự chịu trách nhiệm với chương trình liên kết (người học người ta biết lựa chọn), với người học, với xã hội, với uy tín và sự tồn tại của mình và chỉ báo cáo với Bộ là được, chứ không phải xin giấy phép thì phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay của thế giới.
Mà xin phép thì phải tốn chi phí không phải là ít, khi các trường có giấy phép rồi thì phải đội học phí lên, như vậy tốn kém dồn lên người học, nếu ai không có khả năng thì đành phải chịu không học được.
Ví dụ như trường Đại học LinCohn (Mỹ) trước đây chưa có phép thì học phí là 6.000 USD nhưng kể từ khi có phép thì học phí tăng 9.000 USD. Như vậy là sẽ khó khăn cho rất đông người có nhu cầu, đồng thời nói cách khác là làm cản trở nhu cầu phát triển của xã hội.
Nếu Bộ giáo dục không thay đổi mà cứ cản trở thì vấn đề liên kết ngoài luồng vẫn diễn ra, thậm chí còn sôi nổi hơn, bởi vì đó là nhu cầu thực và hợp lý của sự phát triển của xã hội.

HOANG THANH
Thực trạng
26/10/2011 2:10:30 CH
Đây là một thực trạng đáng buồn ở Việt Nam. Một số người do hạn chế về năng lực, ngoại ngữ,... sẽ rất thích những hình thức đào tạo như thế này nhằm để củng cố địa vị, quyền lực. Những người thực tài họ sẽ không bao giờ đến với những hình thức đào tạo như thế này. Nếu bạn có thực tài, chỉ cần vào mạng Internet, hàng năm có hàng trăm, hàng ngàn học bổng đào tạo ở Việt Nam, quốc tế,...
Trí Nguyễn
Quyền của người sử dụng
26/10/2011 2:00:47 CH
Hệ thống đào tạo ở Mỹ rất đa dạng, từ rất thấp đến rất cao. Không phải là 'rởm" như mọi người nói. các trường mà ta gọi là "rởm" đăng ký đàng hoàng, nhưng có khi chưa được kiểm định. Nhưng ai kiểm định? Có hàng trăm cơ quan nhà nước đến tư nhân kiểm định. Ai cấp phép kiểm định? Chẳng ai cả. Và người sử dụng hãy lựa chọn hoặc không lựa chọn. Còn ở VN chỉ có 1 loại bằng cấp. Đó lạc hậu rồi.
Công Nguyên
"Bằng Tiến Sĩ" sao < "Bằng Lòng"!
26/10/2011 1:47:29 CH
Thật là đơn giản với công thức: 5000USD + 28 lần ngủ ngày = 1 Bằng TS < "Bằng Lòng".
Thanh Sĩ
Chuyện bình thường
26/10/2011 12:33:50 CH
Giống như ở VN thôi, năng lực tốt thì học ĐH Bách Khoa, ĐH Y dược, ĐH Kinh tế. Còn năng lực TB thì cứ Lạc Hồng, Văn Lang, Hồng Bàng, Văn Hiến mà học. Kiến thức và trường học không chọn người học nhưng người học thì sẽ chọn nó. Nên đến lớp với Giảng viên nước ngoài mà nghe giảng; chất lượng trong bài giảng của họ giảng 01 buổi bằng ông GSTS Việt Nam giảng 3 tháng liền đó.
Da Quy
Không hiểu nổi
26/10/2011 12:29:19 CH
Chỉ có nước VN mới có nhiều người có bằng tiến sĩ, thạc sĩ mà đa số là mua bằng. Cho dù bằng học thật cũng không có giá trị.
Thomas
Không phải do thiếu thông tin
26/10/2011 11:20:32 SA
Các học viên cho các chương trình này không hẳn không có thông tin đầy đủ để đánh giá chương trình, nhưng vì chương trình quá dễ dãi, học là có bằng nên đăng ký để lấy "mác" mà thôi.
LÝ NHÃ THỤY 
Đất nước giỏi!
26/10/2011 11:19:55 SA
Đất nước mình giỏi thật. Quanh qua quảnh lại toàn là Tiến sỹ! Không khéo tương lai đến thư ký và nhân viên văn phòng cũng là Tiến sỹ mất!
Vinh Tien
Nên nhìn vấn đề thực tế hơn
26/10/2011 11:08:43 SA
Theo tôi học ở đâu cũng vậy, chưa chắc các trường tại VN đào tạo chất lượng cho dù có phép. Vấn đề ở đây là :
- VN quá coi trọng bằng cấp chưa coi chú trọng đến năng lực làm việc (đối với nước ngoài người làm việc tốt và có năng lực nhiều khi bằng cấp thấp thì vẫn giữ chức vị quan trọng và lương còn cao hơn PGS tiến sĩ..)
- Học bằng cao nhưng không giúp gì được cho công ty hoặc cơ quan thì cũng là trình độ giấy mà thôi
=> Tuyển dụng nên công bằng không phân biệt bằng cấp, ai có tài, có năng lực, có đạo đức thì nhận làm việc không nên chú trọng bằng cấp thì các cơ sở đào tạo kém chất lượng sẽ hết thời thôi.

nguyensafi
GIÁ TRỊ LÀ Ở THỰC HỌC
26/10/2011 11:01:38 SA
Bằng cấp thực ra chỉ là một điều kiện cần nhưng chưa đủ, đặc biệt là trong giáo dục. Nếu là sinh viên, tôi chỉ quan tâm đến giảng viên nào dạy hay, có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn tốt, chứ không quan tâm đến bằng cấp.
Thực học mới tạo nên giá trị. Một điều đáng phê bình đối với các chương trình đào tạo theo hình thức liên kết là không có trình độ tiếng Anh vẫn theo học được. Tôi không hiểu vì sao những trí thức trong ngành giáo dục vẫn chấp nhận thực tế vô lý này để chi tiền đi học.

TÔN THẤT HÒA
Cho tôi đăng ký
26/10/2011 10:22:19 SA
Nếu bỏ ra 4.000-5.000 USD (giá USD =21000 đVN/1USD) tương đương 84 triệu - 105 triệu cho khóa học 14 tháng, chỉ có 28 ngày đến lớp tôi xin đăng ký 3 suất tiến sĩ
1. Vợ tôi trình độ chuyên viên nội trợ
2. Con tôi lớp mầm
3. Con tôi lớp đang tập bú bình.
Sau này để làm giảng viên "Ruộng tru đầy nhà không bằng 1 bằng tiến sỹ ngoại trong tay "
Tổng cộng vị chi là khoảng 315 triệu được 3 bằng tiến sỹ quá rẻ.
Mại dô, mại dô. Bà con ơi

Mai Anh
Chương trình "tiến sĩ dỏm" đào tạo ra "thầy tiến sĩ dỏm"!!!
26/10/2011 10:21:30 SA
Làm gì nơi nào trên thế giới này mà học chỉ trong 28 buổi mà trở thành Tiến sĩ? Tôi thật sự cảm thấy xấu hổ cho các giảng viên tham gia học chương trình "tiến sĩ dỏm" này! Tôi thật sự không hiểu các giảng viên này nghĩ gì? Họ chỉ hám bằng cấp thôi! Chỉ tội cho các sinh viên phải học với các giảng viên này và gọi là "thầy, cô", thật nhục nhã cho cái gọi là các "thầy cô tiến sĩ dỏm"!
Huy
cám ơn
26/10/2011 10:06:03 SA
Cám ơn Minh Giảng đã viết bài! Tôi không hiểu ông hiệu trưởng nọ nghĩ gì mà trả lời thế? Ông lãnh đạo một trường lớn mà không nắm thông tin, sao dân thường tôi biết? Ông theo học mình ông được rồi, sao "cổ suý" cho hàng loạt cán bộ quản lý và giảng viên theo học. Ông nên về hưu sớm đi kẻo muộn.
nhân viên
Dỏm!
26/10/2011 9:15:55 SA
Học chui! Bằng dỏm, hiệu trưởng dỏm, giảng viên dỏm, kiến thức dỏm! Có ở nước nào như thế này không? Nền giáo dục nước nhà không đi xuống mới là chuyện lạ.
Anh Le
Hoc nữa học mãi
26/10/2011 8:54:57 SA
Tôi thấy dư luận không nên quá coi trong bằng cấp tiến sỹ hay thạc sỹ... cái chủ yếu là có học được kiến thức mới và bổ ích cho cuộc sống hay không bằng cấp là cái tên do con người đặt ra thôi. Tôi thấy nhà báo Minh Giảng quan trong hóa vấn đề bằng cấp mà bỏ quân vấn đề bồi bổ kiến thức.
Người dân
Bằng cấp giả rao bán trên Internet
26/10/2011 8:54:25 SA
Bọn lưu manh rao bán bằng cấp giả các loai trên internet chỉ mấy trăm đô-la! Làm gì có chương trình nào mà công nhận hay không công nhận? Tôi khuyên vị nào đã trót lỡ "tốt nghiệp" rồi thì đừng dại dột nộp vào hồ sơ cá nhân của mình để tiến thân, ví quý vị rõ hơn ai hết bằng cấp của mình.

pham nguyen   
Kiên quyết không công nhận học vị đạt được ở những cơ sở đào tạo chui
26/10/2011 8:41:28 SA
Phải thừa nhận rằng trình độ ngoại ngữ của người Việt còn yếu nên việc thi đậu sau đại học tại những cơ sở đào tạo sau đại học (uy tín) của Việt Nam là rất khó. Chúng ta biết ngoại ngữ chỉ là một phương tiện nhưng quan trọng hơn cả là kiến thức chuyên ngành, tuy nhiên quy định của Bộ giáo dục đã ban hành thì các trường (có uy tín) phải thực hiện nghiêm.
Việc thi cử ở chương trình quốc tế "dễ thở" hơn một chút nhưng không phải vì vậy mà chúng ta dễ dãi một cách tùy tiện được. Tạo sự công bằng cho những người "trầy da tróc vảy" mới có thể đậu tại các cơ sở uy tín thì dứt khoát không công nhận những văn bằng đào tạo chui như báo phản ánh. Đây là quyền lợi của những người thực học và uy tín của hệ thống giáo dục.
Những cơ sở đào tạo chui đã có dấu hiệu lừa đảo, gian lận nhằm thu lợi vì vậy phải buộc các cơ sở này hoàn lại tiền và kinh phí học tập cho người học, đóng cửa và có thể truy tố. Tôi cũng không đồng ý với Ths Lâm Tường Thoại về việc công nhận (có điều kiện) học vị tiến sĩ như thế này vì như vậy không khác gì việc cổ súy cho hoạt động sai phép.
Nhân đây tôi thiển nghĩ Bộ giáo dục nên có quy định mềm dẻo hơn đối với quy chế đào tạo sau đại học, theo hướng lỏng đầu vào nhưng siết đầu ra vì đối tượng học của bậc đào tạo này không giống như các thí sinh dự thi đại học, những người học sau đại học đã có điều kiện và nhận thức trách nhiệm hơn so với các em phổ thông, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép đào tạo cho các cơ sở để tạo công bằng cho tất cả người học.

Mai Quốc Dũng
Vốn quí
26/10/2011 8:38:16 SA
Tiến sỹ chi mà học dễ rứa, chắc chẳng mấy chốc nữa ở VN kiếm bác 2 lúa như tôi khó khăn đây! khi đó biết đâu tôi lại là vốn quí của quốc gia cũng nên.
Họ và tên
Bằng thạc sĩ, Bằng Tiến Sĩ
26/10/2011 8:22:04 SA
Có tất cả hơn 21 trường không được chính phủ Hoa Kỳ công nhận đang có mặt tại Việt Nam nhưng tôi không hiểu tại sao dân ta (kể cả các giáo viên đại học) không biết mặt dù báo Tuổi Trẻ cũng như nhiều tờ báo khác cảnh báo.
Nguyễn Hữu Cầu
Không hiểu
26/10/2011 7:59:11 SA
Tôi không hiểu với hàng ngũ trí thức như vậy mà sao lại hiểu nông cạn như thế. Ít nhất cũng phải hỏi qua Bô GD-ĐT, 4.000-5.000 USD chứ đâu phải ít. Háo danh quá!
lâm thành Tuâns
Đau khổ và xấu hổ!
26/10/2011 7:57:42 SA
Cũng do bệnh thành tích mà thôi. Còn nữa là sự tắc trách của cơ quan hữu quan.
Đau khổ
Vàng thau lẫn lộn
26/10/2011 7:50:24 SA
Ôi! Cái sự học hành bây giờ sao mà dễ dãi và bát nháo thế không biết. Chỉ buồn và thiệt cho những người có tài và học hành chân chính, cho những nơi đào tạo nghiêm túc. Vàng thau lẫn lộn hết cả rồi. Mình đi làm nghiên cứu sinh 4 năm cực nhọc không thể đo đếm được mới được công nhận là tiến sĩ, vậy mà… !
dũng
Đúng là chỉ có ở VN
26/10/2011 7:43:10 SA
Học tiến sĩ mà chỉ có 14 tháng? Rõ ràng đây là trung tâm dạy chui, buồn thay những người học lại là những người mà đang giảng dạy tại các trường đại học cao đẳng trong cả nước. Như thế này đừng trách sao giáo dục càng ngày càng đi xuống.
nam linh
Làm tiến sĩ đơn giản thế sao?
26/10/2011 7:31:46 SA
Khóa học có thời gian 14 tháng, mỗi tháng học tập trung hai ngày, thời gian còn lại là tự học. Chỉ học 28 buổi là có bằng tiến sĩ. Nếu làm tiến sĩ đơn giản vậy thì cả xã hội này làm tiến sĩ hết. Những người xưng danh, in danh thiếp tiến sĩ nhưng học hành như vậy có thấy xấu hổ không?
Bạn đọc
Tội nghiệp quá
26/10/2011 7:11:21 SA
Tội nghiệp cho sinh viên quá các "thầy" ơi!
Ôi tiến sĩ!
26/10/2011 7:06:35 SA
Học tiến sĩ mà chỉ có 28 ngày thôi à? Tôi xin thông báo sẽ mở các lớp đào tạo cấp bằng trên tiến sĩ với thời gian hai ngày. Xin mời các vị đăng ký học
nguyễn Thiện
 
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét