(Dân trí) - Quá cưng chiều con, ai chạm đến con
mình y như rằng phụ huynh “bật lò xo” phản ứng lại ngay không cần biết
đúng sai. Không riêng gì giáo viên mà nhiều học sinh cũng dễ bị “vạ lây”
khi… có bạn trong lớp là "thành phần" quá được nuông chiều ở nhà.
“Vua” ở lớp học
Trong khi trẻ mầm non khác chỉ mất 3 - 7 ngày để thích nghi khi đi
học thì cháu Kui (tên gọi ở nhà) - con chị Diện đang theo học tại trường
mầm non ở Q. Phú Nhuận, TPHCM từ đầu năm học vẫn “trầy trật” chưa xong.
Tất cả đều vì gia đình chị Diện quá cưng chiều “thằng cu đích tôn”, nếu
thầy cô áp dụng các biện pháp “rắn” họ sừng sổ lên ngay. Cô Hương, giáo viên dạy cháu cho biết cháu Kui trước theo học ở trường khác, mới chuyển trường mình được hơn mười ngày. “Khi đến gửi cháu, chị Diện than với chúng tôi rằng thầy cô bên trường kia không biết dạy trẻ nên chuyển cháu qua đây. Giờ thì tôi hiểu lý do tại cháu không thể nào đi học bình thường như các trẻ khác”.
Cô kể, 2 ngày đầu vừa đến trường, chưa kịp vào lớp là cháu đã khóc ngất. Mặc cho thầy cô nói đưa cháu vào lớp nhưng chị Diện xót xa bế con về ngay. Những ngày sau đó, cháu vào lớp, rời tay mẹ là ném đồ đạc, lăn ra ăn vạ nên người mẹ cũng ngồi ôm khư khư lấy con, tự đút cho cháu ăn mà không hề quan tâm đến lời khuyên của GV. Khi chị Diện có việc thì y như rằng bố hoặc ông bà nội cháu đến "thế".
Mới đây nhất, chị Diện về một lúc rồi quay lại, thấy cảnh GV vui chơi cùng các trẻ khác để con mình ngồi khóc nức nở, chị đã làm ầm ĩ, mắng các cô không tiếc lời. Người mẹ này lên phòng hiệu trưởng phán ảnh GV không biết dạy, bỏ bê trẻ…
“Dù nhà trường đã giải thích, đó là một những phương pháp hiệu quả với trẻ ban đầu đến lớp. Khi trẻ khóc nhè mà có người dỗ dành, trẻ sẽ càng khóc dữ. Để cháu Kui một mình như vậy nhưng thật ra các cô đều để mắt, chờ cháu nguôi khóc để tiếp cận giúp cháu hòa đồng nhưng chị ta vẫn không chấp nhận”, cô Hương lắc đầu.
Cô Hương cho biết, hội chứng “con vua” này không hiếm, hầu như lớp mầm non nào cũng có. Khi con mình gặp vấn đề nào đó, PH gây chuyện với GV ngay không cần tìm hiểu sự việc. Nhiều người còn đưa ra những yêu cầu dành cho con mình rất vô lý. “Đành rằng bố mẹ nào cũng thương con nhưng cũng phải biết cân nhắc chứ. Với những PH “nhất con” thế này, GV cũng chẳng muốn dây dưa với đứa trẻ. Như vậy, chính các cháu là người bị thiệt thòi”.
Hai năm gần đây, áp dụng chương trình đổi mới, trường mầm non tăng cường các hình thức lao động cho trẻ nhằm trau dồi kỹ năng sống, phát triển trí tuệ nhưng gặp không ít rào cản từ PH. GV để trẻ xếp bàn ghế, lấy chén đĩa, thu dọn đồ chơi… là cách giúp trẻ học cách tự phục vụ bản thân thì nhiều PH cho rằng GV đùn việc sang cho trẻ, con mình đang bị bắt nạt.
Hiệu trưởng trường mầm non ở Q. Gò Vấp buồn bã kể, hiểu được sự lo lắng của PH trước khi áp dụng các nội dung đổi mới, trường đã tổ chức trao đổi trước cho để họ hiểu về cách giáo dục trẻ tự lập. “Nhiều PH hiểu nhưng có PH được tư vấn như vậy vẫn đến nhờ riêng GV làm giúp con mình những việc như đút cơm, xếp ghế, đồ chơi… vì Con chị nó không làm được đâu.
Học trò cũng sợ… học trò
Không riêng gì bậc mầm non mà ở các bậc học cao hơn, thầy cô cũng “ngán” với những HS được bố mẹ cưng chiều, bao bọc quá mức. Họ rất "oải" khi thể hiện vai trò “làm thầy” với những em HS này. Khi học trò sai, họ áp dụng các biện pháp đơn thuần nhất như viết bản kiểm điểm, trừ hạnh kiếm, nhắc nhở trước lớp… cũng gặp phán ứng của PH, có người còn làm lớn chuyện.
GV một trường THCS ở Q.1 kể, cuối kỳ năm học trước, cô chấm điểm 7 môn Toán đúng với khả năng bài làm của một em HS. Sau đó, PH em này lên tận trường hỏi cho ra nhẽ “Tại sao con tôi học giỏi mà thua điểm nhiều bạn khác?”. Xem lại bài kiểm tra, chấp nhận con mình làm bài sai nhưng PH này vẫn năn nỉ: “Cô linh động chấm thêm điểm cho cháu chứ điểm thấp về nhà cháu không chịu ăn uống, khó lóc và còn đòi… tự tử”, làm cô chỉ biết thở dài.
Được bố mẹ chưng chiều quá mức, trẻ rất khó thích nghi với tập thể (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Hơn nữa, những PH cưng chiều con quá mức còn
“lao” vào tất cả mối quan hệ bạn bè của con. Thấy con mách về bạn, họ
chẳng cần biết sự tình đúng sai cũng hùng hổ đến quát mắng, thậm chí còn
bạt tai cảnh cáo bạn của con. Khi có “vua” trong lớp học, HS khác cũng
dễ bị “vạ lây” nên các em rất ngại chơi với những bạn này.
Khi trong lớp có “con vua”, hầu hết GV đều gắng để trao đổi với PH
thay đổi cách dạy con để việc dạy và học ở lớp thuận tiện hơn. Nhưng khi
PH vẫn khăng khăng với kiểu yêu con của mình thì sẽ xuất hiện tâm lý
“ngại va chạm” ở GV đối với những HS này. Và khi đó, muốn hay không thì
những HS này lại là những người thiệt thòi hơn bạn bè trong lớp.Theo các chuyên gia tâm lý, khi trẻ được cưng chiều một cách thái quá sẽ dẫn đến những biểu hiện tâm lý bất ổn như chậm nói, khó thích nghi, quá hiếu động… Những trẻ này luôn có đòi hỏi quá mức, phản ứng tiêc cực khi nhu cầu không được đáp ứng và cũng sẽ gặp khó khăn hơn trong sự phát triển.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trường Hân nhấn mạnh, sự bao bọc quá mức của bố mẹ có thể biến trẻ thành “vua chúa” ở nhà nhưng các em lại khó khăn khi bước vào đời sống xã hội, trẻ sống thiếu trách nhiệm với mình và với những người xung quanh. Nhất là khi gặp những thất bại trong cuộc sống, các em khó để đối diện để vượt qua mà rất dễ bị suy sụp, gục ngã. Vì thế PH cần tạo điều kiện cho tự lập, trải nghiệm với cuộc sống, với cả sự thất bại thì đứa trẻ mới có thể vững vàng đối mặt với những khó khăn sau này.
Hoài Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét