Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Người tố cáo cần được bảo vệ dù họ không có yêu cầu - (LĐ)

Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Tố cáo:

Thứ Tư, 26.10.2011 | 08:40 (GMT + 7)
“Dù ban soạn thảo đã hết sức cố gắng, nhưng chế định bảo vệ người tố cáo vẫn thiên về hình thức mà không toát lên được tính vững chắc trong thực tiễn.
Nếu đọc kỹ các quy định trong dự thảo thì ý tưởng rất hay, nhưng trong thực tế rất khó khả thi”..., ĐB Nguyễn Sỹ Cương bắt đầu như vậy trong phần góp ý đầy trăn trở của mình vào dự thảo Luật Tố cáo được Quốc hội thảo luận sáng qua (25.10).

Chưa có cơ chế hữu hiệu bảo vệ người tố cáo

Trong dự thảo Luật Tố cáo đã được UBTVQH tiếp thu chỉnh lý lần này đã dành hẳn một chương quy định về bảo vệ người tố cáo. Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) thì đây là chương quan trọng của luật. Phải xây dựng được một hành lang pháp lý để “người bị tố cáo không thể biết hoặc biết cũng không thể trả thù họ được”, ĐB Thúy nhấn mạnh.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý: Người tố cáo thường yếu thế hơn so với người bị tố cáo.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý: Người tố cáo thường yếu thế hơn so với người bị tố cáo.
Cũng theo ĐB thì bản chất của quan hệ tố cáo là người tố cáo thường yếu thế hơn so với người bị tố cáo, nhất là tố cáo về hành vi tham nhũng. Người bị tố cáo là những người có chức vụ, quyền hạn nên cách thức trả thù, trù dập người tố cáo rất tinh vi, khó lường. Thực tiễn từ cuộc vinh danh 88 công dân tiêu biểu trong phòng, chống tham nhũng (PCTN) do Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN cho thấy hầu hết những người được vinh danh đều bị trù dập, trả thù. “Do đó người tố cáo dù là ai cũng cần được bảo vệ. Nhà nước phải xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ người tố cáo”.

Từ lập luận này, ĐB Thúy đề nghị “ban soạn thảo bỏ quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của người tố cáo là phải gửi yêu cầu bằng văn bản về việc cần bảo vệ đến người giải quyết tố cáo, cơ quan có thẩm quyền việc áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo”. Ngoài ra theo ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) quy định trên là quá chung chung vừa làm khó cho người tố cáo vừa dễ dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm.  
Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thì dù ban soạn thảo đã hết sức cố gắng nhưng chế định bảo vệ người tố cáo vẫn thiên về hình thức mà không toát lên được tính vững chắc trong thực tiễn. Nếu đọc kỹ các quy định trong dự thảo thì ý tưởng rất hay nhưng trong thực tế rất khó khả thi. Ví như một giám đốc sở nào đó bị nhân viên tố cáo lên lãnh đạo tỉnh, trong khi tỉnh đang giải quyết thì cán bộ đó vẫn đang làm dưới quyền của ông giám đốc sở. Trong phạm vi quyền năng của mình, ông giám đốc có rất nhiều cách để phân công hoặc không phân công, điều chuyển công tác với cán bộ kia. “Nếu người ta làm kín kẽ thì vô cùng khó để xác định đấy là hành vi trù dập hay phân biệt đối xử với người tố cáo” - ĐB Cương băn khoăn.
Người bị tố cáo cũng cần được bảo vệ... chống oan sai

Song song với chế định bảo vệ người tố cáo, điều mà nhiều ĐB băn khoăn kiến nghị là luật cần phải xác định trách nhiệm đối với việc tố cáo sai sự thật cũng như cơ chế bảo vệ người bị tố cáo. Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh), người bị tố cáo cũng cần được bảo vệ để chống oan sai. ĐB Nghĩa cho rằng hành vi tố cáo là hành vi có hệ quả nghiêm trọng, một việc làm nghiêm túc có thể dẫn đến chuyện người bị tố cáo bị oan sai và người ta có thể tự tử, ảnh hưởng đến gia đình, đến uy tín và cả cơ hội phấn đấu và thăng tiến... Do vậy cần quy định người tố cáo sai sự thật, người giải quyết tố cáo sai... gây hậu quả cho người khác đều phải chịu trách nhiệm.

ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng việc luật chỉ xác định chế định bảo vệ người tố cáo mà quên mất việc bảo vệ cho những người bị tố cáo là bất bình đẳng, có phần phiến diện. Đồng tình với lập luận này, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung vào Điều 10 của dự thảo luật là người bị tố cáo có quyền đối xử bình thường cho đến khi vi phạm được xác định bằng một kết luận chính thức của người giải quyết tố cáo. Theo ĐB, điều này là rất quan trọng vì nó vừa tránh được việc lợi dụng tố cáo để thanh trừng nội bộ, gây hoang mang, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của cả cơ quan, đơn vị.   
Tố cáo bằng thư điện tử, fax, điện thoại chưa được chấp nhận

Theo cơ quan soạn thảo thì hình thức tố cáo qua điện thoại, thư điện tử tuy đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng song vẫn chưa thể được áp dụng phổ biến và đang có yêu cầu tổng kết thực tiễn để có quy định chặt chẽ hơn tránh việc lợi dụng để xuyên tạc, vu khống, gây rối trật tự hoặc phát tán thông tin về việc tố cáo... gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của người khác hoặc cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước.

Vì vậy, ban soạn thảo đề nghị QH không bổ sung các hình thức tố cáo này mà chỉ duy trì hai hình thức là tố cáo trực tiếp và tố cáo bằng đơn.
Duy Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét