Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Tại sao Nam Định 'nổ súng' vào dân lập, tại chức?

Cập nhật 19/10/2011 07:42:24 AM (GMT+7)
Go.vn


- Họp Hội đồng nhân dân tỉnh, nhiều đại biểu chất vấn tại sao con em họ học ĐH chính quy 4-5 năm nhưng không có việc làm. Từ chất vấn như vậy, cùng với thực tế chất lượng đào tạo ở hệ tại chức và dân lập không bằng hệ chính quy nên Nam Định đã quyết: kỳ thi tuyển công chức năm 2011 không tuyển ứng viên tốt nghiệp các trường dân lập và hệ tại chức.

Ông Trần Tất Tiệp: "Tỉnh làm như vậy nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức"

Chiều 18/10, trao đổi với báo VietNamNet, Tuổi trẻ TP.HCM, Nhân dân, Lao động....Giám đốc Sở Nội vụ Trần Tất Tiệp giữ nguyên quan điểm "Nam Định không tuyển công chức đối với SV tốt nghiệp trường dân lập và hệ tại chức vì xuất phát từ thực tế chất lượng cán bộ tốt nghiệp những hệ đào tạo này không đảm bảo”. Rồi ông dẫn các văn bản, nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh chứng minh cho việc làm này là không vi phạm quy định, ngược lại, còn nhận được sự đồng thuận cao. Ông khẳng định: “Sản phẩm tốt nghiệp ĐH dân lập, tại chức thì chất lượng kém hơn công lập. Lãnh đạo 23 cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh cũng thừa nhận  điều này".

Thậm chí, trên địa bàn có Trường ĐH Lương Thế Vinh năm nào tuyển sinh cũng trầy trật.
"Có năm còn có công văn xin UBND "can thiệp" để hạ điểm sàn - như vậy thì làm sao có chất lượng?" - ông Tiệp đặt câu hỏi.


Ông Trần Tất Tiệp: "Sản phẩm tốt nghiệp ĐH dân lập, tại chức thì chất lượng kém hơn công lập. Lãnh đạo 23 cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh cũng thừa nhận  điều này"
Còn hệ tại chức thì ông đã từng nghe "thầy chưa về đến Thường Tín thì học viên đã chạy lên đón...". Do đó, để nâng chất lượng đội ngũ thì phải có đột phá.


"Tỉnh làm như vậy nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. Đồng thời, tạo cơ hội cho sinh viên tốt nghiệp ĐH chính quy là có thể đăng ký thi tuyển công chức ngay - ông Tiệp giải thích thêm.

"Nếu không thì sẽ chẳng thu hút được người tài học xong về địa phương công tác. Người dân phần đông ủng hộ việc làm này của tỉnh. Hơn nữa, trong kỳ thi tuyển không phải thi chuyên môn mà là thi kiến thức về quản lí Nhà nước ở các lĩnh vực nên sẽ lựa chọn được người có năng lực, đúng chuyên môn".
Trả lời câu hỏi "có công bằng không khi loại thí sinh ra khỏi cuộc thi chỉ vì gắn mác dân lập, tại chức trong khi họ cùng do một hệ thống đào tạo?" ông Tiệp quả quyết hệ này không thể đảm bảo chất lượng.
Có chủ trương từ trên
 Ông Tiệp dẫn ra Nghị quyết 08, ngày 6/8/2007 của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh uỷ Nam Định, rằng tỉnh đã không tuyển SV hệ tại chức từ mà “chỉ tuyển dụng mới những người đã tốt nghiệp hệ đào tạo chính quy vào làm việc tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và phải đảm bảo tiêu chuẩn ngạch công chức theo quy định của Nhà nước”.
 Mới đây nhất, thông báo 59 của UBND tỉnh Nam Định ra ngày 20/4/2011 về việc tuyển dụng công chức tiếp tục nêu:

“Chỉ tiếp nhận những người tốt nghiệp ĐH chính quy dài hạn trong các trường công lập thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành Y tế, Giáo dục về làm công chức hành chính ở lĩnh vực quản lí nhà nước về Y tế, Giáo dục. Đối với các ngành, lĩnh vực khác còn chỉ tiêu biên chế có nhu cầu bổ sung công chức vào làm việc thì tuyển dụng thông qua thi tuyển”.


Trước một giờ học tại chức buổi tối.
Không những thế, một số đơn vị trên địa bàn còn đưa mục tiêu chỉ tuyển sinh viên tốt nghiệp ĐH chính quy loại khá trở lên. Ví dụ, Sở Tài chính chỉ tuyển sinh viên tốt nghiệp Học viện Tài chính và Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Với chính sách "chiêu hiền đãi sĩ" nhằm nâng chất lượng đội ngũ, trong năm 2011, Nam Định mở cửa tuyển thẳng sinh viên tốt nghiệp ĐH chính quy dài hạn loại giỏi và đã có 9 nguời được tuyển.
Riêng người có bằng thạc sĩ, ngoài việc được tuyển thẳng còn được hỗ trợ 15 triệu đồng (đến nay đã tuyển 13 người). Còn tiến sĩ được hỗ trợ 20 triệu đồng/người. SV tỉnh ngoài tốt nghiệp ĐH chính quy dài hạn tốt nghiệp loại Khá trở lên đúng chuyên ngành sẽ được tuyển dụng nếu cam kết phục vụ 5 năm trở lên.
Khi được hỏi liệu trong những năm tới, Nam Định sẽ tiếp tục "nói không" với dân lập, tại chức, ông Tiếp cho hay: “Đây mới chỉ là thông báo. Tôi chưa rõ năm sau có thực hiện không. Mình làm nhưng còn phải nghe ngóng tình hình rồi tính tiếp”.
"Cửa" cho dân lập và tại chức vẫn rộng mở
Mặc dù tỉnh đã có chính sách tuyển dụng những SV tốt nghiệp ĐH chính quy có chuyên ngành phù hợp về công tác tại xã, phường, thị trấn nhưng tuyển dụng còn khó khăn. Thậm chí, một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc, còn tư tưởng khép kín, gây khó cho cán bộ được tuyển dụng
Khẳng định không phải sinh viên tốt nghiệp ĐH dân lập, liên thông, tại chức đều là kém bởi “ngày trước mình cũng học tại chức” và “nguyên chủ tịch tỉnh Trần Văn Oanh cũng vậy”,…  theo ông Tiệp: “Các em này vẫn được tạo điều kiện tuyển thẳng vào làm viên chức các đơn vị sự nghiệp cấp xã. Làm như vậy là quá ưu ái cho các em rồi”.
“Về xã cũng tốt lắm chứ! Điều kiện ăn uống, chi phí sinh hoạt không tốn kém, sau này vẫn có thể cố gắng để làm chủ tịch huyện. Có con em cán bộ ở Nam Trực còn không muốn thi vào công chức, muốn cho về xã” - vị lãnh đạo Sở Nội vụ phân trần.
Trong báo cáo sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết 08 của Tỉnh uỷ Nam Định (từ 2007 đến 2011) đưa ra con số: số viên chức cấp xã mới tuyển được 273, trong đó hệ ĐH, CĐ chính quy là 149, đào tạo tại chức (ĐH-CĐ-TCCN) là 124. Mục tiêu mà Tỉnh uỷ tỉnh này đưa ra là từ nay tới 2015 cán bộ lãnh đạo, quản lí cấp xã cần đạt 25% có trình độ chính quy về chuyên môn (hiện là 19,1%).
 Và “mặc dù tỉnh đã có chính sách tuyển dụng những SV tốt nghiệp ĐH chính quy có chuyên ngành phù hợp về công tác tại xã, phường, thị trấn nhưng tuyển dụng còn khó khăn. Thậm chí, một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc, còn tư tưởng khép kín, gây khó cho cán bộ được tuyển dụng”.


Chiều 18/10 chúng tôi tìm đến Trường ĐH Lương Thế Vinh khi Ban Giám hiệu vừa kết thúc buổi họp "nâng cao chất lượng đào tạo".

Hiệu trưởng nhà Trường Hoàng Trọng Yêm từ chối trả lời mọi câu hỏi liên quan đến việc "Nam Định nói không với sinh viên dân lập, tại chức".

Ông cho rằng đây là vấn đề tế nhị chỉ Bộ GD-ĐT và Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập sẽ có chức năng giải quyết vấn đề này.

  • Kiều Oanh - Văn Chung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét