CÂU CHUYỆN GIÁO DỤC
Thứ Năm, 27/10/2011 21:40
Dự giờ là hoạt động giáo dục thường xuyên của tất cả các cấp học nhằm kiểm tra, đánh giá trình độ giáo viên, học sinh. Thông qua dự giờ, giáo viên có thể học tập, trao đổi kinh nghiệm với nhau.
Thế nhưng, nghịch lý tồn tại hiện nay là việc dự giờ lẫn thao giảng hầu như mang tính hình thức, đối phó.
Trừ
những tiết có thanh tra, ban giám hiệu tới dự giờ đột xuất còn lại hầu
như các tiết dự giờ, cả thầy và trò đều được cho biết trước và đều có
chuẩn bị sẵn các khâu, từ bài giảng đến câu hỏi. Nhiều thầy cô còn giao
luôn nhiệm vụ cụ thể học sinh nào sẽ trả lời câu hỏi bài cũ, phát biểu ý
kiến, xây dựng bài mới. Bình thường có thể dạy chay, học chay nhưng có
dự giờ là có thước kẻ, bảng biểu hoặc ứng dụng công nghệ thông tin...như
thật!
Thông thường cứ đến tháng 11, nhất là những ngày cận 20-11 là thời
điểm nóng cho thao giảng, dự giờ, thăm lớp. Đây cũng là lúc mà các tiết
dạy đã thao giảng, dự giờ rồi nhưng hết giáo viên này rồi đến giáo viên
khác vẫn cứ tiếp tục chọn thao giảng nữa làm cho giáo viên đến dự giờ
nhàm chán với tâm trạng: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Sau
mỗi lần dự giờ, thăm lớp, phần lớn các tiết dạy đều được đánh giá đạt
loại khá, giỏi. Nhưng khi có đồng nghiệp kỳ cựu (tổ trưởng) trong tổ
chuyên môn hoặc có thanh tra sở đến dự thì một tiết giảng được đánh giá
loại khá là rất khó.
Thường
đến đợt thao giảng, dự giờ, giáo viên chọn những lớp học khá nhất trong
các khối để thao giảng vì những lớp này có nhiều học sinh khá giỏi,
hăng phát biểu, dễ thảo luận…Các lớp học yếu hơn thì ít khi giáo viên
chọn để thao giảng vì dễ cháy giáo án, học sinh thụ động. Chính vì vậy,
những lớp học khá thường bị chọn dự giờ thao giảng, có lúc tần suất lên
đến hai, ba tiết liền làm cho học sinh mệt mỏi, nặng nề vì căng thẳng vì
chuẩn bị bài quá nhiều, phát biểu phải theo khuôn mẫu.
Ngô Mã Thiên (Trường THPT Lê Thành Phương, Phú Yên)
[Quay lại]
-
Minh nghĩa @28/10/2011 05:59Thao giảng, dự giờ mục đích là trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, giúp nhau cùng tiến bộ. Nhưng giờ đây những hoạt động này trở thành phong trào và mang đậm hình thức, đối phó. Một học kì phải thao giảng 2-4 tiết (chưa kể dự giờ thanh tra), một giáo viên phải dự giờ một học kì 9-18 tiết. Nhiều quá, trở thành nhàm chán, mệt mỏi. Từ đó dẫn đến tiêu cực, giáo viên dạy qua loa, sơ sài. Người dự giờ thì lác đác, một vài người cho có nhưng hầu hết các tiết dạy thao giảng đều được xếp loại khá, giỏi. Đối với dự giờ, để đủ tiết tiêu chuẩn, khỏi bị hạ bậc thi đua thì ta cop của nhau.
-
Nguyễn trọng nở28/10/2011 08:19Hình thức giả tạo phản tác dụng giáo dục. Học sinh ngày nay tinh lắm, các tiết thao giảng dự giờ, các em biết thầy cô cần gì nên các em cũng tích cực giúp thầy cô tạo nên một tiết dự giờ hình thức giả tạo. Một số giáo viên còn bố trí trước các câu hỏi, nội dung sẽ dạy... để tạo thành một tiết thao giảng giả tạo. Việc giáo viên làm điều giả dối trước học sinh là phản tác dụng giáo dục.