Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Chấp nhận tố cáo nặc danh?

Quốc hội thảo luận Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo:

GiadinhNet - Ngày 25/10, các đại biểu Quốc hội đã tập trung cho ý kiến đối với dự án Luật Tố cáo.
Trước đó, dự án Luật Khiếu nại cũng đã được xem xét. Có nhiều điểm mới trong hai dự luật này được các đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo luật trước khi được thông qua.
 
Nặc danh nhưng phải có bằng chứng
 
Sáng 25/10, các đại biểu thảo luận tại hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật Tố cáo. Ảnh: TTX
 
Trong ngày 25/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án và công tác đặc xá.
Đối với dự án Luật Tố cáo, do đặc thù điều chỉnh rộng và có sức tác động lớn nên được các đại biểu nghiên cứu và cho ý kiến khá kỹ. Một trong những nội dung lớn là bảo vệ người tố cáo và có chấp nhận đơn tố cáo nặc danh hay không? Hiện nay, dự luật quy định không xem xét đối với đơn thư tố cáo nặc danh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với quy định này và cho rằng nếu chấp nhận tố cáo nặc danh sẽ khiến nhiều người lợi dụng để tố cáo sai, gây mất ổn định xã hội. Đối với cơ quan có trách nhiệm giải quyết đơn thư sẽ phải gánh thêm nhiều việc, tốn kém thời gian, công sức và chi phí tăng cao.
 
Tuy nhiên, khi tiến hành góp ý, nhiều đại biểu đã cho rằng nội dung tố cáo là những thông tin quan trọng, cần phải xem xét. Vì thế, với những tố cáo nặc danh nhưng cung cấp đủ thông tin (giấy tờ, hình ảnh) và bằng chứng khác thì nên xem xét. "Người ta không nêu tên, địa chỉ trong đơn tố cáo là vì sợ trù dập...", đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nói thêm khi đề nghị cân nhắc chấp nhận đơn tố cáo nặc danh nhưng có bằng chứng.
 
Nhiều đại biểu khác đồng tình với quan điểm trên và đưa thêm ý kiến: Để khuyến khích người tố cáo và đảm bảo an toàn cho họ, dự luật quy định người tố cáo được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình. Người giải quyết tố cáo phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật, an toàn cho người tố cáo như áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ bí mật, bảo đảm an toàn cho người tố cáo. Việc gửi kết luận nội dung tố cáo, công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo phải đảm bảo không tiết lộ thông tin về người tố cáo.
Khiếu nại đông người phải có đại diện
 
Trước khi thảo luận dự án Luật Tố cáo, ngày 24/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận dự án Luật Khiếu nại. So với quy định hiện hành, dự án Luật Khiếu nại có khá nhiều điểm mới, trong đó người khiếu nại được quyền nhận trợ giúp của luật sư, có thể khởi kiện ra tòa hành chính và đặc biệt là dự luật chấp nhận khiếu nại đông người.
 
Theo đó, trường hợp nhiều người đến khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền phải tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản. Người có thẩm quyền giải quyết phải xem xét kết luận nội dung khiếu nại và căn cứ vào kết luận đó để ra quyết định giải quyết khiếu nại cho từng người, hoặc ra quyết định giải quyết nội dung khiếu nại kèm danh sách những người khiếu nại.
 
Tuy nhiên, đối với thời hạn giải quyết khiếu nại, nhiều đại biểu chưa đồng tình với dự luật. Cụ thể, dự luật đưa ra quy định thời gian giải quyết khiếu nại là 15 ngày (quy định hiện hành là 30 ngày), thời gian giải quyết khiếu nại lần thứ hai là 30 ngày (hiện tại là 45 ngày). Nhiều đại biểu cho rằng, các vụ khiếu nại hiện nay phần nhiều liên quan đến đất đai nên nếu quy định thời gian ngắn như trên sẽ không thể xem xét để trả lời hay giải quyết được.
 
Nếu luật không điều chỉnh thời gian trả lời khiếu nại sẽ dẫn tới ách tắc và các vụ khiếu nại bị chậm giải quyết.
 
Hai dự án luật trên sẽ tiếp tục được các đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến bằng văn bản với ban soạn thảo trước khi bỏ phiếu thông qua vào cuối kỳ họp này. 
 
LP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét