Thứ ba 18/10/2011 06:15
(GDVN) - "... Tôi
mong người dân tỉnh táo hơn và biết kiềm chế minh. Dưới góc độ kinh tế,
ai cũng biết chẳng thể làm gì mà lại có lãi 7% – 8% một tháng..."
- Hà Nội: Lại thêm nghi án một vụ vỡ nợ hàng trăm tỷ
- Nghi án 'vỡ nợ nghìn tỷ': Cuộc bỏ trốn đã được lên kế hoạch?
- Sự thật về vụ vỡ nợ nghìn tỷ ở Phú Xuyên - Hà Nội
- Tướng Nhanh lên tiếng về hàng loạt vụ vỡ nợ triệu đô
- Đến lượt giới BĐS rúng động vì đại gia vỡ nợ 500 tỷ
- Trắng đêm “canh“ người đàn bà vỡ nợ 150 tỷ ở Hà Đông
- Vụ vỡ nợ 350 tỷ ở Quảng Trị: Hiểm họa tín dụng đen
Trong vòng nửa tháng vừa qua, tại
nhiều tỉnh thành phố đã xảy ra hàng loạt vụ vỡ nợ hàng chục thậm chí
hàng trăm tỷ đồng. Để hiểu được vấn đề này một cách rõ ràng hơn, phóng
viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với chuyên gia kinh tế
Phạm Chi Lan về một số vấn đề tài chính đang tồn tại trong nền kinh tế
của Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan |
Vỡ nợ là điển hình của sự thiếu minh bạch
PV: Trong nửa tháng vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ vỡ nợ lớn, bà có nhận định gì về các vụ vỡ nợ này?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Tôi thấy đó là những việc rất xấu. Nó thể hiện nhiều điều ở nước ta.
Một là: trong quan hệ kinh doanh có nhiều người tham tiền, tham lãi cao. Một phần, họ quá tin tưởng ở một cá nhân nào đó đứng ra huy động tiền mà không có sự giám sát chặt chẽ hoặc không có thông tin đầy đủ. Thành ra họ bị rơi vào vòng xoáy của việc huy động tiền như vậy và kết quả là họ bị lừa.
Về khía cạnh luật pháp, sự lỏng lẻo
của pháp luật đã không tính được hết các tình huống phòng bị chuyện đó
cho người dân. Đặc biệt là hệ thống thông tin đã không giúp người cho
vay có thể thẩm định được những người đứng ra vay mượn trên cơ sở pháp
lý nào, những điểm pháp luật đảm bảo, mức độ tín nhiệm cá nhân, mối quan
hệ của người ta với các tổ chức hoặc người ta có thể dựa vào danh nghĩa
của tổ chức này, tổ chức khác để huy động vốn của những người khác.
Tất cả những việc đó đã trực tiếp gây thiệt hại tới những người rơi vào vòng xoáy của việc huy động tiền. Những vụ vỡ nợ này chắc chắn sẽ gây ra những thiệt hại cho một số người nhất định và “dắt dây” nhau thì có thể làm tổn hại cho những người khác nữa thậm chí còn cho cả xã hội nói chung.
Tôi nghĩ điều cần phải lưu ý nhất ở nước ta hiện nay là: người dân có một thói quen là dựa quá nhiều trên những mối quan hệ cá nhân và thường đằng sau những cá nhân đó là bóng dáng của ai đó, tổ chức nào đó làm chỗ dựa để họ tạo niềm tin cho người khác để huy động tiền.
Họ nghĩ các mối quan hệ với ông nọ bà kia, với tổ chức này, tổ chức khác sẽ làm họ có uy tín rất lớn. Và bản thân họ cũng hay chìa ra những văn bản, hợp đồng giả mạo đó để chứng minh cho ý kiến của mình.
Nếu trong các mối quan hệ xã hội, nhất là các mối quan hệ kinh tế mà cứ dựa vào các chỗ thân quen, các thế lực thì đó sẽ là điều rất tệ khiến xã hội không phát triển được.
Ngoài ra còn do sự thiếu minh bạch trong lĩnh vực kinh tế cũng như trong các lĩnh vực khác. Điều này dễ gây ra những tổn thất. Các vụ vỡ nợ vừa qua điển hình cho sự thiếu minh bạch về thông tin về các đối tác làm ăn trong xã hội.
"Lòng tham làm cho nhiều người bị mờ mắt"
PV: Ngoài những hậu quả cho các cá nhân thì những hậu quả đối với nền kinh tế vĩ mô sẽ như thế nào, thưa bà?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Ngoài những tổn hại cho những cá nhân trực tiếp cho vay kia, các vụ vỡ nợ còn gây hại cho nền kinh tế của đất nước.
Đáng lẽ ra thay vì đem gửi tiền vào túi những người đó để ham lấy lãi suất cao thì người dân có thể đưa vào ngân hàng, dù lãi suất thấp nhưng độ an toàn cao hơn nhiều. Điều này giúp cho các ngân hàng huy động được lượng vốn còn tồn đọng trong xã hội để đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ cho nền kinh tế.
Đồng thời việc đó còn góp phần vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thiếu vốn nghiêm trọng. Trong nông nghiệp, người nông dân cũng đang thiếu vốn. Nếu đầu tư vào sản xuất kinh doanh thì sản xuất kinh doanh sẽ phát triển, nền kinh tế sẽ bớt đi khó khăn như hiện nay.
Các vụ vỡ nợ khiến nhiều người điêu đứng (ảnh chụp nghi án vỡ nợ ở Cầu Giấy, HN) |
Nếu người dân thay vì cho vay với lãi
suất cao thì đưa tiền vào những “kênh” có lợi nhuận thấp hơn nhưng an
toàn hơn, có mức lãi suất kém hấp dẫn hơn so với những lời chào mời ở
bên ngoài. Điều này có lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội lớn nhiều so với
cho vay lãi cao ở bên ngoài.
Tuy nhiên, nhiều người vì ham lợi ích riêng cho mình chạy theo lời mời lãi suất cao của một số cá nhân đã bị thiệt hại những điều nàycũng ảnh hưởng tới nền kinh tế của đất nước.
Theo dự báo của các ngân hàng, các tổ chức nghiên cứu, lượng vốn còn tồn đọng trong dân rất nhiều. Cũng một phần vì mấy năm gần đây, niềm tin của nhiều người dân với các ngân hàng cũng như thị trường chứng khoán không cao nên những người ham tiền thì họ chạy theo lời mời gọi lãi suất cao ngắn hạn mà rủi ro cao.
Lòng tham của mỗi người đã làm họ mờ mắt. Cách đây 20 năm đã xảy ra những vụ vỡ nợ "khủng" nhưng đến giờ vẫn nhiều người bị mắc phải.
Cần phát triển hệ thống ngân hàng…
PV: Bà nhận định gì khi liên tiếp xảy ra các vụ vỡ nợ trong nửa tháng vừa qua đều xảy ra tại Hà Nội – một trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Không phải chỉ có ở TP. Hà Nội mà TP Hồ Chí Minh cùng một số tỉnh khác cũng có… Một số người có thế lực nào đó để bấu víu vào đấy hoặc là thực tế họ không có, nhưng họ mượn danh để họ huy động theo cách đó.
Tiếc rằng ở Hà Nội lại khá nhiều. Những gì xảy ra trong thời gian gần đây có lẽ thể hiện sự phát triển thị trường ở Hà Nội yếu và tính minh bạch kém, không có các kênh thông tin để làm cho người dân yên tâm khi đưa tiền vào kinh doanh. Theo tôi, đó có lẽ là lỗi đầu tiên .
PV: Hàng loạt các vụ vỡ nợ cùng diễn ra trong khoảng thời gian ngắn liệu có phải là dấu hiệu báo hiệu hồi kết cho 1 chu kỳ tín dụng đen hay không?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Không thể nói thế được bởi vì đây là một hiện tượng tách bạch với hệ thống ngân hàng nhà nước và hệ thống tín dụng chính thức của nhà nước.
Còn về hồi kết của một chu kỳ suy thoái kinh tế thì có lẽ phải xem ngân hàng nhà nước ra tay sắp xếp, chỉnh lại các ngân hàng thương mại thì mới rõ. Và đó mới là điều quan trọng đối với toàn bộ nền kinh tế.
PV: Xin bà có thể “hiến kế” để xử lý tận gốc vấn đề này…
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ cách tích cực nhất là phát triển hệ thống ngân hàng, hệ thông tài chính một cách lành mạnh, công khai, minh bạch hơn. Trong đó có sự công bằng các bên tham gia. Có như thế mới tạo được niềm tin đối với họ khi tham gia vào cuộc chơi chung do nhà nước đưa ra luật chơi.
Trong trường hợp đó, đa phần người dân sẽ bỏ tiền vào hệ thống đó thay vì đi tìm những nguồn bên ngoài. Ngoài ra còn phải tạo môi trường kinh doanh phát triển các ngành nghề để thu hút hơn nữa nguồn vốn đầu tư…
PV: Bà có cho rằng các vụ vỡ nợ xuất phát từ của hoạt động mua bán bất động sản “quá nóng” để rồi khi thị trường này đóng băng thì nguồn vốn không thể thu hồi dẫn vỡ nợ?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Theo tôi có thể có liên quan ở chỗ nhiều người nghi ngờ khi huy động vốn để mua đất. Nhưng đến lúc thị trường bất động sản đóng băng, họ không bán được mà đến thời hạn phải trả nợ thì họ tìm cách đi vay các nguồn khác bên ngoài nhà nước để lấy tiền trả. Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản chưa ra khỏi tình trạng đóng băng thì họ không có cách gì để trả.
Một khía cạnh khác có thể là từ việc ngân hàng cho vay để kinh doanh bất động sản và chứng khoán. Sau đó thì ngân hàng đòi nợ dẫn đến việc những người đó ra ngoài huy động vốn của những người xung quanh.
Có một điều là vì các đối tượng vay xong rồi bỏ trốn hết nên chưa thể xác định chính xác nguyên nhân sâu xa là gì…
PV: Theo bà, trong thời gian tới đây, chúng ta sẽ còn được chúng kiến nhiều vụ vỡ nợ tiếp theo…
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Tôi không nói trước được là sẽ có những vụ vỡ nợ tiếp theo xảy ra. Vì những vụ này phần nhiều người ta làm ăn một cách kín đáo riêng với nhau, không bộc lộ cho xã hội biết. Chỉ khi nào vỡ nợ, người vay bỏ trốn thì mới biết. Nhưng tôi sợ có thể còn nhiều vì ba điều sau:
Thứ nhất là lòng tham của con người vô hạn, người ta cứ muốn kiếm tiền nhiều nhất bằng cách đơn giản trong thời gian ngắn. Mà những người như vậy nhiều khi vì ham mà quên đi mất, rủi ro luôn chực sẵn họ.
Thứ hai là sự minh bạch trong hệ thống tài chính của chúng ta.
Thứ ba là thói quen dựa trên các quan hệ cá nhân nên nó sẽ còn là cơ sở cho sự huy động vốn, chạy chọt.
Tôi mong người dân tỉnh táo hơn và biết kiềm chế mình. Dưới góc độ kinh tế, ai cũng biết chẳng thể làm gì mà lại có lãi 7% – 8% một tháng. Khi nào mọi người còn ham tiền đó cùng với sự tin tưởng những lời hứa mật ngọt thì còn những vụ vỡ nợ tiếp theo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét