TT - Hỏi: "Khi vườn bách thú bị cháy thì con vật nào
chạy ra đầu tiên?". Ðáp án: "Con người". "Cách nào để làm việc hôm nay
đỡ tốn sức lực nhất?". Ðáp án: "Ðể ngày mai làm"...
Nhiều cuốn sách "ngoài luồng" do trường, giáo viên tự soạn hoặc các nhà xuất bản ấn hành đang được đưa vào trường học Ảnh: V.HÀ - T.PHúC |
Ðó là một vài câu hỏi đáp trong cuốn sách dày 172 trang có tựa đề IQ hỏi đáp nhanh trído
Nhà xuất bản Thời Ðại ấn hành đang được bán ở nhiều trường tiểu học.
Cùng với những nội dung "trời ơi" không phù hợp với học sinh tiểu học là
những bức ảnh bạo lực, hôn nhau, dao kiếm, treo cổ... hết sức rùng rợn.
Hiệu trưởng không biết
Ngay từ đầu năm học, nhiều phụ huynh có con học tại
Trường tiểu học Trưng Vương, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom (Ðồng
Nai) đã phát hoảng khi lướt qua nội dung những câu hỏi nhanh trong quyển
sách IQ hỏi đáp nhanh trí, do Công ty sách Hải Hà chào bán vừa
được học sinh mua về. Nhiều trường học như Trường tiểu học Hiệp Phước
(huyện Nhơn Trạch), Trường tiểu học Long Thành B (huyện Long Thành)...
cũng được công ty sách này vào trường chào bán các đầu sách. Mỗi đợt bán
1-2 ngày.
Anh Lê Văn Hà, phụ huynh một học sinh lớp 4 Trường tiểu
học Trưng Vương, cho biết: "Thấy nhà trường giới thiệu, tôi mua cho
cháu đọc thêm nhưng nội dung sách như vậy tôi thấy không hề phù hợp với
các cháu". Xem qua quyển sách trên, nhiều người hết sức bất ngờ với
những nội dung mà sách nêu ra cho các em học sinh tiểu học.
Ở trang 47, tác giả hỏi: "Có đôi vợ chồng rùa đến bãi
biển nghỉ ngơi, người ta thấy rùa chồng ung dung đi dạo mà không thấy
rùa vợ ở đâu, vì sao?", rồi trả lời: "Vì rùa vợ còn nằm ngửa". Trang 29,
tác giả tiếp tục hỏi: "Hiện trường một vụ án giết người không lưu lại
manh mối nào. Thế nhưng một giờ sau cảnh sát đã tuyên bố phá án, tại sao
lại thế?", kèm theo đó là hình ảnh treo cổ một nam thanh niên, cây rìu
treo trên đầu. Và tác giả trả lời: "Vì hung thủ ra đầu thú". Trang 113,
sách hỏi "cuộc thi gì mà người thắng không được gì mà kẻ thua lại có
giải?", đáp án: uống rượu phạt...
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Vương, nói chưa hề thấy cuốn sách này. Ðến khi Tuổi Trẻ đưa
ra sách vừa mượn của chính học sinh, bà mới đồng ý rằng nội dung và
tranh ảnh của cuốn sách không phù hợp với học sinh tiểu học. Bà thừa
nhận việc cho phép công ty bên ngoài vào bán sách cho học sinh để xảy ra
chuyện sách có nội dung "lệch lạc, không phù hợp" như vậy là sai và sẽ
rút kinh nghiệm lần sau.
Tài liệu tự "chế"
Riêng với những tập tài liệu toán, tiếng Việt của một
trường tiểu học tại Hà Nội lại khiến nhiều phụ huynh bức xúc vì những
bất ổn cả nội dung lẫn hình thức. Khi dạy tập đọc cho học sinh lớp 1,
giáo viên của trường này đã soạn ra những bài luyện đọc với những từ,
những câu rất trúc trắc và tối nghĩa.
Chỉ một đoạn luyện đọc có vần "uôi-ươi" cho học sinh
lớp 1, người đọc đã... "đuối" theo: "Mười và bé Nga ba tuổi chơi trò
cưỡi ngựa ở dưới nhà. Nga ngồi cuối đuôi ngựa. Mẹ đi chợ về mua hai quả
bưởi, nải chuối và lọ muối. Ở túi lưới lại có cá. Bé Nga hỏi chị: Chị ơi
cá gì thế? Mười trả lời: Ðó là cá đuối. Cả hai người vui vẻ tươi cười
vì buổi tối có cá!". Còn ở tài liệu học "Toán nâng cao", một giáo viên
đặt ra những bài tập: "Có 3 người đi trên xe tắc-xi, đang đi xe bị hỏng,
hỏi mấy người phải xuống xe?". Ðáp số là 4 người vì có cả người lái
tắc- xi.
Xem qua những tài liệu này, chúng tôi nhận thấy đây là
những tài liệu được photocopy từ các sách nâng cao, sách tham khảo bán
trên thị trường và yêu cầu học sinh phải mang theo tài liệu này hằng
ngày, sử dụng như một tài liệu chính thức, bắt buộc với tất cả học sinh.
Một phụ huynh bức xúc: "Cách ra bài tập thế này không phải nâng cao mà
là kiểu đánh đố học sinh".
Trong khi đó, tại một số trường tiểu học ở Q.Hoàn Kiếm,
Hoàng Mai (Hà Nội) giáo viên lớp 1 có sáng kiến biên soạn riêng tài
liệu dạy môn toán. Với tài liệu này, giáo viên yêu cầu học sinh phải ghi
nhớ máy móc các phép tính dài dòng như 2+3+1= 1+3+2 hay 2+3+4 >
2+4+1... Anh N.A., một phụ huynh, nhận xét: "Tôi nghĩ không phải cái gì
cũng bắt trẻ con thuộc lòng theo kiểu học vẹt. Cách liệt kê phép tính
thành một bảng, photocopy phát cho học sinh và yêu cầu trẻ con ghi nhớ
mà không cần hiểu là phản giáo dục".
Ông Vũ Kim Thủy, tổng biên tập tạp chí Toán Học & Tuổi Thơ,
chuyên gia về số học, cho rằng: "Việc lập bảng cộng trừ để học sinh ghi
nhớ cũng là một kênh để trẻ tiếp cận, nhưng tôi nghĩ thầy cô giáo vẫn
phải dạy cho trẻ nắm bản chất của kiến thức qua các phương thức khác như
kênh hình ảnh, dụng cụ trực quan để trẻ ghi nhớ sâu sắc hơn".
"Không nên bắt buộc"
Trường tiểu học Thịnh Hào, Hà Nội cũng biên soạn riêng
một tập tài liệu dành cho học sinh lớp 1. Tài liệu được photocopy trên
khổ giấy A5, dày 87 trang. Một số phụ huynh có con học lớp 1 ở đây nhận
xét: "Tài liệu chỉ thích hợp với những học sinh đã được tiếp cận với
tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Vì vậy, việc sử dụng thêm tài liệu không
nên bắt buộc, mà tùy theo khả năng của từng học sinh. Vì với những học
sinh lần đầu tiên đi học, chỉ cần học trong sách giáo khoa là vừa đủ".
Bên cạnh đó, trước nhu cầu giáo dục kỹ năng sống, nhiều
trường học cũng tiếp nhận nhiều tài liệu giáo dục "tự chế" mà không hề
qua thẩm định của các cơ quan quản lý giáo dục.
Một chuyên gia giáo dục cho rằng thiết kế bài giảng
sáng tạo, tạo hứng thú cho học sinh và nâng cao hiệu quả giáo dục là
việc cần khuyến khích. Tuy nhiên, kiểu sử dụng tài liệu để dạy tùy tiện,
không có sự nghiên cứu, thẩm định của cơ quan chuyên môn, không chỉ gây
quá tải cho học sinh mà có thể còn khiến học sinh có tư duy lệch lạc.
Ðáng lo ngại là tình trạng dạy theo tài liệu photocopy lại đang rất phổ
biến ở nhiều trường học như một cách dạy học sáng tạo.
Thu hồi tập bài giảng đạo đức
Trước đó, Trường THPT Ðồng Hòa, Hải Phòng đã phải thu
hồi tập bài giảng, trả lại tiền cho học sinh đã mua tập tài liệu giáo
dục đạo đức do chính bà hiệu trưởng nhà trường biên soạn. Nội dung những
bài dạy đạo đức trong tập tài liệu này khiến nhiều phụ huynh choáng
váng do quan niệm, cách lý giải thô thiển của người viết tài liệu. Ví dụ
"phải chiều chuộng ông bà vì người lớn tuổi thường khó tính (do cơ thể
không được khỏe)".
Hay ở bài "Trang phục khi ra đường", tập tài liệu này
giảng giải: "Khi ra đường ta phải ăn mặc kín đáo, giản dị theo truyền
thống của nhân dân ta, không ăn mặc lố lăng, lòe loẹt, hở hang. Tục ngữ
có câu: "Ðói cho sạch, rách cho thơm", vì vậy quần áo phải được giặt
sạch, là phẳng!".
Tác giả cuốn sách đồng thời là hiệu trưởng nhà trường
cho rằng "đây là tài liệu tham khảo", nhưng trên thực tế học sinh bắt
buộc phải học tài liệu trên và viết bản thu hoạch hằng tuần.
|
V.HÀ - T.HIÊN - T.PHÚC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét