Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Trẻ bị nhiễm bệnh tâm thần do cha mẹ - (PLTP.HCM)


Với chương trình học hiện nay cùng áp lực thi cử và sự kỳ vọng của cha mẹ đã “góp phần” làm con em mình mắc tâm thần.
Kết quả điều tra quốc gia do BV Tâm thần Trung ương 1 thực hiện năm 2010, được GS Dương Quang Trung, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển sức khỏe cộng đồng, thông báo tại hội thảo Chăm sóc sức khỏe tâm thần vừa được tổ chức cho thấy số người mắc các triệu chứng bệnh về tâm thần là 15% (khoảng 12 triệu người). Trong đó, đối tượng học sinh từ bậc tiểu học đến sinh viên khoảng 20% với các triệu chứng thường thấy là trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, hoảng sợ, ngủ nhiều, nghiện...
Pháp Luật TP.HCM đã ghi nhận thực tế này tại TP.HCM từ trường học, các phòng tham vấn, khoa Tâm thần nhi (BV Tâm thần TP.HCM).
1.001 kiểu rối
Tại phòng Tư vấn tâm lý Trung tâm Công tác xã hội - trẻ em TP.HCM, mỗi tháng TS Thạch Ngọc Yến tư vấn 50-60 ca mắc các triệu chứng rối loạn hành vi có liên quan đến học tập của trẻ (từ 10 đến 18 tuổi chiếm số đông). TS Yến kể: Một nữ sinh lớp 10 ở quận Tân Bình “nổi loạn” bằng cách mua thật nhiều bắp các loại từ luộc đến nướng, xào… về để cho thiu, lên mốc mà không cho ai đụng vào. Hễ ai dọn đi là em đòi lấy dao cứa tay. Vào lớp thì em tự ngồi một mình một bàn, không nói chuyện với ai. Qua tiếp xúc, em tâm sự rằng do cha mẹ hay áp đặt, buộc em phải làm theo ý họ, anh chị trong nhà cũng bắt em phải làm theo, lâu ngày sự ẩn uất chất chứa trong lòng mà không nói được rồi bột phát những rối loạn về nhận thức, hành vi như trên.
Một nữ sinh khác ở Bình Thạnh, mỗi khi cha mẹ phơi đồ ngoài nắng, em lại mang vào phòng kín giấu, hay bày lung tung đồ đạc trong phòng ra. Hay như một nam sinh lớp 5 sợ đi học, một hôm sau khi đi học về xuống bếp lấy dao rồi chạy vào nhà tắm đóng kín cửa, kêu la không đi học nữa. Hai trường hợp trên, theo TS Yến, nguyên nhân dẫn đến rối loạn hành vi là các em bị ép học nhiều quá, cha mẹ lúc nào cũng nhắc các em phải học, điểm kém là mẹ la, cha quát. Qua tiếp xúc các em cứ cúi mặt xuống đất, các em suy nghĩ mà không phản ứng lại được nên nghĩ cách “trả đũa” như vậy.
Một ca tư vấn, động viên học sinh của thầy trò Trường Tiểu học Phùng Hưng, quận 11. Ảnh: QV
PGS-TS Nguyễn Văn Thọ, nguyên Giám đốc BV Tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa, Đồng Nai), cũng từng điều trị cho một học sinh 17 tuổi, ở quận 1 không chịu ăn uống, tắm rửa, cứ nằm lì trong phòng hơn tuần lễ vì đậu ĐH nguyện vọng 2 với số điểm 17 nhưng… không thích mặc dù nguyện vọng 2 do chính em lựa chọn. Qua tiếp xúc với bạn bè, gia đình mới biết em này muốn học ĐH chuyên ngành y theo ước nguyện của cha mẹ nhưng em chỉ đủ điểm học ngành công nghệ sinh học nên sinh ra trầm cảm. Chị Nga, phụ huynh một học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Tân Bình, cho biết: Con trai chị đánh nhau với một bạn trong lớp học và bạn ấy về méc mẹ. Xót con, mẹ bạn này vào lớp tìm thằng bé trừng phạt bằng cách tát vào mặt con trai chị, khiến bé bị khủng hoảng tinh thần, sang chấn tâm lý và sợ đi học.
Đừng dị ứng khi nghe “tâm thần”
TS Yến khuyến cáo: Qua các ca tư vấn cho thấy các em bị rối loạn tâm lý dẫn đến rối loạn hành vi. Trước tiên phụ huynh nên đưa các em đi tham vấn tâm lý tại các trung tâm tư vấn để điều trị bằng giải pháp tâm lý. Qua trò chuyện, các chuyên gia sẽ đoán được nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm lý để điều trị hiệu quả hơn.
Theo BS Nguyễn Thị Giang, Trưởng khoa Tâm thần nhi (BV Tâm thần TP.HCM), khi phụ huynh phát hiện con mình có những biểu hiện khác thường như học tập giảm sút dần, rối loạn giấc ngủ như khó ngủ, ngủ ít, trằn trọc hoặc hốt hoảng trong giấc ngủ, buồn bã, hay gây hấn, dễ cáu gắt… kèm theo ít nói, ít giao tiếp với người nhà, bạn bè (trước đây không có) thì nên đưa con đi kiểm tra tâm lý. Có một số bệnh nhân bị lo âu kéo dài nhưng không biết chỉ biểu hiện với các tình trạng như đau dạ dày, hay mệt mỏi, hồi hộp, luôn than phiền về tình trạng sức khỏe hoặc hay tiểu lắt nhắt, đại tiện liên tục thường kéo dài nhiều ngày, khám và điều trị nhiều nơi nhưng không tìm thấy bệnh lý thực thể cũng cần phải đến chuyên khoa Tâm thần nhi để khám và điều trị kịp thời.
“Các trẻ đến khám đều có những biểu hiện khác thường với trẻ khác thì phụ huynh đừng e ngại khai thêm bệnh của các em. Phụ huynh cũng đừng dị ứng khi bác sĩ chuyên môn chẩn đoán con mình bị rối loạn hành vi (gọi môm na là mắc bệnh tâm thần), những dạng bệnh này đối với bác sĩ chuyên khoa Tâm thần rất bình thường và chữa trị hiệu quả nếu được can thiệp sớm” - BS Giang nói.
Đòi hỏi thái quá, một dạng rối loạn nhân cách
Em LTD, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Phùng Hưng, quận 11, không ở chung với cha mẹ mà sống cùng người thân. Bà ngoại và dì luôn thương yêu, chiều chuộng, bất cứ đòi hỏi nào của em cũng được đáp ứng. Vì vậy, khi vào lớp, em luôn muốn các bạn trong lớp đều phải nghe lời mình, không nghe lời người lớn và rất nóng tính với các bạn. Từ đó, các bạn xa lánh tẩy chay, không chơi. Chuyên viên tư vấn đã mời phụ huynh đến trao đổi và bàn biện pháp với phụ huynh, phụ huynh đã gần gũi với em hơn. Sau một học kỳ, em đã thay đổi rất rõ rệt, kìm hãm tính nóng nảy, cởi mở với bạn bè. Chính phụ huynh đã vào thông báo sự thay đổi của con cho giáo viên chủ nhiệm biết.
Cô NGUYỄN THỊ HOA,
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phùng Hưng, quận 11

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét