|
Điều chỉnh giờ học để hạn chế ùn tắc |
Đây là khẳng định của Vụ Vận tải, Bộ GTVT xung quanh đề xuất mới nhất của Vụ về việc điều chỉnh giờ học tập, làm việc tại Hà Nội – một trong những giải pháp lớn nhằm giảm thiểu tối đa ách tắc tại Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn trong cả nước nói chung.
Căn cứ vào hướng tuyến để điều chỉnh giờ
Ông Nguyễn Công Bằng, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết những ngày qua, Vụ đã rất tích cực triển khai nghiên cứu, thống kê sơ bộ các đối tượng công chức, học sinh, sinh viên… trên địa bàn Thành phố. Thống kê cho thấy, Hà Nội hiện tại có khoảng 350.000 học sinh mầm non, khoảng 500.000 học sinh bậc tiểu học, khoảng 320.000 học sinh trung học cơ sở.
Số lượng sinh viên đại học và cao đẳng học tại các cơ sở đào tạo trong nội thành là gần 478.900 sinh viên, trong đó có nhiều nhất là quận Cầu Giấy và quận Đống Đa, mỗi quận có 13 trường, tiếp đó là quận Thanh Xuân và Hai Bà Trưng, mỗi quận 6 trường. Số lượng cán bộ, công chức hưởng lương ngân sách vào khoảng 355.000 người, trong đó, các cơ quan Trung ương có khoảng 202.966 người, chiếm 57,1%; số lượng cán bộ cơ quan trực thuộc Hà Nội khoảng 152.294 người, chiếm 42,9%.
Trên cơ sở sắp xếp một cách khoa học và hợp lý để vừa đảm bảo công việc, vừa không để ảnh hưởng lớn đến đời sống của cán bộ công chức, không xáo trộn sinh hoạt gia đình, đặc biệt bảo đảm giờ giấc sinh hoạt phù hợp với nhịp sinh học của các đối tượng là học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, Bộ đề xuất việc thí điểm thay đổi thời gian làm việc và học tập theo hướng tuyến, cơ bản là cách nhau một tiếng. Một số hướng trùng nhau thì để cách nửa tiếng để có đủ độ trễ.
Cụ thể, cán bộ, công chức cơ quan trung ương là từ sáng 9h-12h, chiều 13h – 18h; cán bộ công chức Hà Nội sáng từ 8h30 – 12h, chiều từ 13h-17h30; Bậc mầm non, tiểu học, THCS sáng 8h, chiều 17h30; Học sinh trung học sáng 7h – 11h, chiều 12h30 - 16h30; SVĐH khu vực quận Cầu Giấy sáng 7h – 12h, chiều 12h30-17h30; SV ĐH khu vực quận Đống Đa sáng 6h30-11h30, chiều 12h45-17h45; SV ĐH khu vực quận Thanh Xuân sáng 6h45-11h45, chiều 12h30-17h30; SV ĐH khu vực quận Hai Bà Trưng sáng 6h30-11h30, chiều 12h45-17h45; Trung tâm kinh doanh thương mại từ 9h30 - 23h30.
Cần sự chia sẻ của người dân
Xung những lo ngại của dân về việc khó khăn trong việc đưa đón con đi học, nhất là đối với những trẻ học trái tuyến, cách nhà khá xa, ông Nguyễn Công Bằng khẳng định Bộ GTVT sẽ tính cụ thể số lượng trái tuyến của các trường. Nếu dưới 10 – 15% thì những người thuộc đối tượng này phải chia sẻ khó khăn với cơ quan quản lý, phải theo số đông.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng khẳng định: Đây là lúc phải hành động, không thể có làm hay không làm nữa. Phải dùng giải pháp mạnh, phải quyết liệt thì mới giải quyết được tắc đường.
Ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cũng cho rằng điều chỉnh giờ làm việc, giờ học của HSSV là rất cần thiết, nếu làm được sẽ giảm tải rất nhiều trong giờ cao điểm. Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng tỏ rõ thái độ ủng hộ việc đổi giờ học ở các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM theo đề xuất của Bộ trưởng Đinh La Thăng để giảm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, đề xuất cụ thể về việc đổi giờ học sẽ do Bộ GTVT trình Chính phủ quyết định.
|
Các trung tâm thương mại nên điều chỉnh giờ làm việc thành từ 9h30 - 23h30
|
Được biết, chiều 21/10, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản hoả tốc gửi Giám đốc các Sở GTVT, Nội vụ, GD&ĐT, Công thương, Lao động, Thương binh & Xã hội, CATP, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
Theo đó, UBND TP giao Sở GTVT chủ trì cùng các Sở, ngành nói trên và các cơ quan liên quan kiểm tra, khảo sát, tính toán trên cơ sở khoa học, thực tiễn... tổng hợp, đề xuất và dự thảo văn bản của UBND Thành phố gửi Bộ GTVT trước ngày 25/10/2011.
TS Khuất Việt Hùng, Trưởng bộ môn Quy hoạch và quản lý GTVT, ĐH GTVT cho rằng đề xuất thay đổi giờ học, giờ làm, nếu được nghiên cứu cụ thể, điều chỉnh hợp lý chắc chắn sẽ có tác dụng. TS Hùng cũng khẳng định một số nước trên thế giới đã áp dụng có những thành công nhất định với giải pháp này.
Cùng chung quan điểm với TS Khuất Việt Hùng, TS Nguyễn Xuân Thủy, Nguyên Giám đốc, Tổng biên tập NXB GTVT người có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị cũng cho rằng đây là giải pháp nên làm. TS Thủy cũng lưu ý cần quan tâm tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rằng trong điều kiện khó khăn thì mỗi người phải chia sẻ, cố gắng không cần thiết thì không nên đi vào giờ cao điểm.
|
Thanh Bình
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét