Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Giảm tải có chấm dứt quá tải?


(VOV) - Dư luận cho rằng, học sinh đang học lượng kiến thức quá lớn trong khi tâm sinh lý, nhân cách chưa phát triển hoàn thiện
Tiếp thu ý kiến trên và dựa trên kết quả rà soát, đánh giá định kỳ chương trình sách giáo khoa, trong năm học 2011-2012, Bộ GD-ĐT đã thực hiện việc điều chỉnh nội dung học theo hướng tinh giản.
Dưới đây là ý kiến của một số cán bộ, giáo viên, học sinh về chương trình giảm tải này.
Giảm tải lý thuyết để học sinh được tăng thực hành và hoạt động ngoại khóa
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT: Nhà trường phải kiểm tra kỹ lưỡng, theo dõi sâu sát giáo viên
PV: Bộ thực hiện cắt giảm một số bài học dựa trên tiêu chí nào, thưa ông?
Để giảm tải, Bộ GD-ĐT đã thành lập các tiểu ban, gồm các nhà khoa học, các tổng chủ biên, các tác giả sách giáo khoa (SGK) và một đội ngũ đáng kể giáo viên các trường, chuyên viên bộ môn của Sở, phòng để rà soát nội dung SGK, biên soạn dự thảo tài liệu hướng dẫn giảm tải.
Những bài cắt giảm phải đảm bảo một số nguyên tắc, ví dụ đảm bảo mục tiêu giáo dục, không phá vỡ chương trình, cấu trúc SGK, thuận lợi cho việc dạy và học ở các cơ sở giáo dục…
Giảm tải không có nghĩa là cắt bỏ nội dung một cách cơ học mà là điều chỉnh, cắt những phần không hợp lý trên cơ sở đảm bảo mạch kiến thức, tính logic của kiến thức, tính hệ thống của kiến thức.
Dự thảo tài liệu hướng dẫn giảm tải đã được đưa lên website của Bộ GD-ĐT để xin ý kiến, sau đó mới hoàn chỉnh đưa về các tỉnh, thành. Bộ cũng lưu ý, những bài chuyển sang học thêm, giáo viên, học sinh nên tham khảo nếu muốn mở rộng, nâng cao kiến thức.
PV: Nhiều người cho rằng, muốn giảm tải nội dung học ở các trường phổ thông phải có nhiều biện pháp chứ không chỉ là cắt giảm một số bài học?
Có nhiều lý do để giảm tải, ví dụ chúng ta chưa có điều kiện dạy 2 buổi/ngày; cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường còn hạn chế nên học sinh được thực hành chưa nhiều, khả năng của giáo viên mỗi nơi mỗi khác. Giảm tải lần này chỉ là một trong những biện pháp để thực hiện việc giảm tải ở trường phổ thông.
Biện pháp cắt giảm bớt bài học dễ thực hiện và thực hiện có kết quả ngay. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, tăng cường học 2 buổi/ngày, giảm lý thuyết hàn lâm, tăng hoạt động thực tiễn, làm sao để việc học vừa sức và đúng đối tượng.
PV: Thưa ông, giáo viên cần làm gì để thực hiện có hiệu quả nội dung giảm tải lần này?
Ngày 1/9, Bộ GD-ĐT bắt đầu gửi tài liệu hướng dẫn nội dung giảm tải về các sở, phòng và họ đã nhanh chóng chuyển về các trường. Tài liệu giảm tải được biên soạn khá chi tiết, cụ thể, dễ hiểu. Giáo viên chỉ cần nghiên cứu đánh dấu vào SGK những bài, nội dung không phải dạy, những câu hỏi không yêu cầu học sinh làm.
Bộ đã chỉ đạo các sở GD-ĐT giao quyền cho các trường, các tổ bộ môn, giáo viên thực hiện nội dung giảm tải phù hợp với điều kiện trường mình và đảm bảo đúng thời gian kết thúc học kỳ, năm học. Trong quá trình thực hiện, nhà trường cũng phải kiểm tra kỹ lưỡng, theo dõi sâu sát việc điều chỉnh nội dung dạy học của từng giáo viên./.
Nên biên soạn lại Sách giáo khoa:
GS, TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: Chỉ nên dạy kiến thức cơ bản
Chương trình phổ thông đừng đòi hỏi cao quá, cái gì cũng bắt trẻ con phải học. Nếu cứ nhồi nhét đủ thứ kiến thức, chương trình học chẳng khác gì món ăn hổ lốn không “nuốt” được. Nhà trường chỉ nên dạy những kiến thức cơ bản, dạy cho học trò biết cách học, biết tự học thì học trò mới tiến bộ. Tôi nghĩ việc giảm tải lần này không mang lại kết quả gì lớn, nặng vẫn hoàn nặng. Bộ nên nhanh chóng chuyển đổi sách giáo khoa.
Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên một trường phổ thông ở Nam Định: Nên biên soạn lại sách giáo khoa
Thời gian Bộ thực hiện chủ trương giảm tải trong năm học này hơi cập rập. Cuối tháng 9, trường tôi mới nhận được tài liệu hướng dẫn giảm tải nhưng không kèm theo phân phối chương trình. Nhà trường yêu cầu từng tổ bộ môn họp và tự làm phân phối chương trình.
Theo tôi, Sở nên làm phân phối chương trình chứ nếu để trường tự làm thì chương trình dạy giữa các trường không thống nhất. Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương giảm tải. Bởi giảm bớt các bài không cần thiết, giáo viên sẽ có thời gian ôn tập, củng cố và nâng cao kiến thức cho học sinh; chủ động dạy học sát với từng nhóm đối tượng; có thêm thời gian rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh.
Tuy nhiên, đối với môn Sinh tôi dạy, tôi thấy có những bài hay bị cắt đi; hoặc có những bài nội dung liên quan đến bài sau bị bỏ đi nên chúng tôi vẫn phải dạy. Theo tôi, về lâu dài, Bộ GD-ĐT nên cho biên soạn lại chương trình sách giáo khoa sao cho tinh giản, cô đọng chứ việc giảm tải như hiện nay chỉ là cách chữa cháy, hết sức chắp vá.
Em Vũ Quỳnh Châu, lớp 11 A, Trường THPT Lý Thường Kiệt, Hà Nội: Tăng thực hành, giảm lý thuyết
Em thấy chương trình học ở trường phổ thông khá nặng. Học một buổi một ngày mà học sinh phải học quá nhiều môn nên hầu như hôm nào cũng 5 tiết mới tan khiến học sinh rất mệt. Nhiều bài dài trong khi phân phối chương trình chỉ trong 1 tiết, chúng em muốn hiểu bài cặn kẽ hơn thì phải đi học thêm. Khổ nhất là đến mỗi kỳ thi, kiến thức phải ôn tập nhiều làm chúng em mệt mỏi, căng thẳng và dễ bị stress.
Vì vậy, trong năm học này, môn học nào cũng được giảm bớt một số bài khiến chúng em rất phấn khởi. Chúng em vẫn muốn được giảm tải thêm nữa để có thời gian cho hoạt động ngoại khóa, đồng thời tăng những tiết thực hành, giảm bớt lý thuyết. Ngoài ra, thầy cô nên đổi mới phương pháp dạy để học sinh hứng thú với các môn học, chứ em thấy nhiều môn vẫn thầy cô đọc, học sinh ghi chép, học sinh chẳng có chút sáng tạo nào cả.
Cô giáo Bùi Thị Loan, giáo viên Trường THCS Hoàn Kiếm Hà Nội: Giảm tải kết hợp với đổi mới cách thức kiểm tra, thi cử
Trường tôi nhận được phân phối chương trình và tài liệu hướng dẫn giảm tải sau khai giảng 2 ngày (7/9/2011).
Tôi thấy tài liệu hướng dẫn giảm tải của Bộ khá cụ thể, chi tiết. Với môn Văn của tôi chỉ cần đánh dấu vào sách, bài nào cắt giảm, bài nào chuyển sang đọc thêm. Sau khi nhận được tài liệu của Bộ, các tổ bộ môn đã họp và triển khai việc dạy và học theo phân phối chương trình mới.
Tuy nhiên, để việc giảm tải được hiệu quả, cần kết hợp với đổi mới cách thức kiểm tra, thi cử, tránh gây áp lực cho học sinh và giáo viên. Cắt giảm số tiết dễ thực hiện và có kết quả ngay. Việc cắt giảm phải đảm bảo tính hệ thống và thống nhất của từng môn học và giữa các cấp học.
Thầy giáo Đặng Trung Kiên, Trường THCS An Bình, Nam Sách, Hải Dương: Tổ chức hội thảo để điều chỉnh
Ngay trong dịp hè, giáo viên trường tôi nghe nói đến chương trình giảm tải trong năm học mới đã tự tìm trên mạng tài liệu giảm tải (dự thảo) về tham khảo và tự nghiên cứu. Vì vậy, ngày 17/9, Sở GD-ĐT Hải Dương gửi tài liệu giảm tải và phân phối chương trình về trường thì ngày 19/9, trường đã triển khai nội dung giảm tải.
Do nghiên cứu nội dung từ trước, mặc dù thời gian thực hiện khá gấp gáp nhưng giáo viên không bị bỡ ngỡ. Đọc tài liệu giảm tải, những chỗ nào giáo viên không hiểu, hoặc chưa thống nhất ý kiến, tổ bộ môn sẽ họp và thống nhất cách dạy theo chương trình mới.
Nội dung giảm tải đã giảm được khá nhiều bài nặng nên giáo viên và học sinh đều phấn khởi. Tuy nhiên, với môn Lý tôi dạy, tôi thấy có những bài tăng tiết chưa hợp lý lắm. Thời gian đầu mới thực hiện giảm tải chưa thể biết hết được những bất cập ở đâu.
Theo tôi, sau một thời gian thực hiện nội dung giảm tải, Bộ nên tổ chức hội thảo lấy ý kiến giáo viên để biết chỗ nào hợp lý, chỗ nào không hợp lý điều chỉnh cho thích hợp.
TS: Bạn có thể chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này qua phần ý kiến bạn đọc dưới đây.
Vân Hà - Minh Thư thực hiện (Báo TNVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét