Tại
kỳ thi công chức năm 2011 của tỉnh Nam Định diễn ra ngày 16, 17-10 vừa
qua, tỉnh này đã công bố công khai thông tin không thực hiện tuyển dụng
đối với những ứng viên tốt nghiệp tại các trường đại học dân lập hoặc tư
thục. Ngay khâu sàng lọc hồ sơ, hội đồng tuyển dụng đã gạt ra những ứng
viên thuộc diện này, danh sách được công bố công khai trên web của Sở
Nội vụ tỉnh. Quyết định này đã gây những ý kiến trái chiều trong dư
luận. Ngày 18-10, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Trần Tất Tiệp,
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định, về vấn đề này.
|
Bằng cấp
giữa trường công lập và tư thục có giá trị pháp lý như nhau nên người
học được quyền lợi công bằng khi tham gia tuyển dụng. Ảnh: T.Hùng
|
- Phóng viên: Thưa ông, dư luận đang xôn xao với quyết định của tỉnh Nam Định, ông có thể nói rõ tại sao lại có quyết định đó?
Ông TRẦN TẤT TIỆP: Chủ
trương tuyển dụng sinh viên hệ chính quy (kể cả hệ ĐH, CĐ, trung cấp)
thành cán bộ công chức của tỉnh là trên cơ sở Nghị quyết năm 2008 của
Tỉnh ủy Nam Định về việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức vào làm
việc ở các cơ quan hành chính, đoàn thể, chính trị xã hội. Theo đó,
tỉnh Nam Định chủ trương không tuyển dụng người tốt nghiệp hệ dân lập,
tư thục vào bộ máy hành chính.
- Tức là chủ trương này đã được thực hiện từ năm 2008?
Đúng thế, trên tinh thần Nghị
quyết của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên
chức của tỉnh. Chúng tôi chỉ tuyển hệ chính quy, phù hợp với yêu cầu
làm việc của ngạch bậc công việc. Sau 4 năm thực hiện nghị quyết, chúng
tôi đã tiến hành sơ kết cũng như lấy ý kiến của các ban ngành, sở, quận
huyện và cũng nhận được đề nghị của các ban ngành, sở, quận huyện là chỉ
tuyển sinh viên hệ chính quy. Vì vậy, năm nay tỉnh quyết định tuyển 141
chỉ tiêu công chức thuộc 29 lĩnh vực chuyên ngành bổ sung cho đội ngũ
công chức cấp huyện và tỉnh đối với sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy.
Nhưng tôi xin nói rõ là tỉnh không
tuyển sinh viên dân lập, liên thông vào đơn vị hành chính, còn đối với
các đơn vị sự nghiệp thì các em vẫn được dự tuyển.
- Điều đó có nghĩa là tỉnh chỉ
nói “không” đối với sinh viên dân lập, tư thục vào cơ quan hành chính,
còn cơ hội vẫn mở rộng ở các đơn vị sự nghiệp?
Đúng thế. Riêng hệ tại chức thì
chúng tôi kiên quyết không tuyển. Còn đối với các em tốt nghiệp hệ dân
lập, tư thục vẫn được thi tuyển vào các đơn vị sự nghiệp như trường học,
bệnh viện. Đặc biệt, từ năm 2007, tỉnh đã có cơ chế khuyến khích sinh
viên tốt nghiệp đại học, kể cả tất cả các loại hình về công tác tại xã
phường, thị trấn. Theo đó các em về xã được tuyển thẳng, không phải thi,
điều này được coi là đột phá so với nhiều nơi khác.
- Tại sao tỉnh lại có sự phân biệt giữa đơn vị hành chính và sự nghiệp?
Đơn vị hành chính của tỉnh rất ít
so với các đơn vị sự nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan hành chính lại vô cùng
quan trọng vì đóng vai trò tham mưu, thiết kế các chính sách cho lãnh
đạo tỉnh, vì thế chủ trương của chúng tôi là phải đặc biệt nâng cao năng
lực của đội ngũ cán bộ làm công tác bộ máy hành chính. Dĩ nhiên, không
phải tự dưng mà tỉnh ra quyết định đó. Chúng tôi đã có quá trình đánh
giá sơ bộ về việc tuyển dụng sinh viên. Phải nói thẳng là sinh viên hệ
dân lập có đầu vào rất thấp, không thể so với sinh viên các trường công
lập. Với quyết định này, chúng tôi mong có sự đột phá trong việc nâng
cao chất lượng bộ máy hành chính của tỉnh. Toàn bộ việc này tỉnh công
khai, minh bạch và nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân.
- Nhiều ý kiến cho rằng quyết định của tỉnh đi ngược chủ trương xã hội hóa giáo dục, gây mất công bằng, trái luật?
Khi quyết định vấn đề này chúng
tôi biết sẽ vấp phải phản ứng của dư luận. Các chuyên gia giáo dục dĩ
nhiên sẽ quan điểm trên tinh thần của Luật Giáo dục và cho là chúng tôi
làm trái luật. Nhưng tỉnh Nam Định ra quyết định này là xuất phát từ chủ
trương của Tỉnh ủy cũng như thực tế công việc, đòi hỏi nâng cao chất
lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bộ máy hành chính của tỉnh.
Lâm Nguyên
Phải coi trọng thực tài
Việc tỉnh Nam Định
loại các ứng viên thi tuyển công chức có bằng tốt nghiệp của các trường
đại học dân lập, tư thục hay hệ tại chức đã dấy lên dư luận bất bình
trước quyết định này. Để thông tin được nhiều chiều, Báo SGGP xin trích
đăng ý kiến của các nhà quản lý xung quanh vấn đề này.
Việc làm của tỉnh Nam
Định là sai vì trái với Luật Giáo dục, Luật Lao động. Hơn nữa, luật pháp
nước ta quy định bằng công lập, tư thục (ngoài công lập), không chính
quy đều bình đẳng và được công nhận như nhau. Việc phân biệt đối xử như
thế là cách ứng xử không nên và không coi trọng thực tài. Quan niệm này
cổ súy cho việc coi trọng bằng cấp và phân biệt công - tư. Chẳng lẽ
chúng ta lại không sử dụng tài năng khi họ không có bằng cấp hay sao?
Chẳng hạn một cử nhân tốt nghiệp đại học ngành cơ khí hay nông nghiệp
nhưng không bằng một anh nông dân chỉ học hết cấp 1 nhưng có nhiều sáng
chế khoa học để tăng năng suất lao động vậy chúng ta sẽ chọn ai và sử
dụng như thế nào? Do đó, việc tuyển dụng hay sử dụng con người trước hết
chúng ta phải coi trọng thực tài.
Nếu quyết định tuyển dụng
này là của các doanh nghiệp thì tôi không bình luận, vì họ có quyền
tuyển dụng người lao động theo những quy định riêng, tùy theo đặc thù
công việc và yêu cầu của họ. Nhưng đây là quyết định của cơ quan quản lý
nhà nước thì tôi cho đó là sai luật, không có lý. Tôi cho rằng, việc
tuyển dụng phải xem xét từng con người cụ thể, từng công việc cụ thể thì
mới có lý. Việc thi tuyển cũng phải tổ chức công khai, không phân biệt
đối xử giữa các hệ đào tạo.
Theo quy định của luật
pháp, bằng cấp kể cả dân lập hay chính quy đều là bằng cấp quốc gia,
được công nhận và không phân biệt đối xử. Nếu tuyển dụng theo bằng cấp
sẽ tạo nên thói quen chạy theo bằng cấp.
Đó là chưa kể thực tế,
cán bộ của chúng ta hiện nay, từ trung ương đến địa phương, hệ tại chức
hoặc dân lập rất nhiều, không thể nhìn vào bằng cấp để đánh giá là họ có
năng lực hay không. Thậm chí tôi luôn đề cao những người học tại chức
vì họ là những người vừa học vừa làm, tức là họ rất chú trọng việc nâng
cao trình độ của mình. Vì vậy, việc tuyển dụng phải tùy từng con người
cụ thể, tùy từng loại hình công việc, không thể cào bằng loại bỏ tất cả
hệ dân lập, tư thục hay tại chức.
Thứ nhất, luật pháp nước
ta đều xem 2 bằng (trường công lập và ngoài công lập) có giá trị như
nhau. Thứ hai, nhà tuyển dụng có quyền nhận xét và dựa vào quy luật hay
lý do nào đó để họ đưa ra những quy định riêng trong tuyển dụng. Do vậy,
các trường ngoài công lập đừng buồn về hiện tượng này mà nên xem lại
chất lượng đào tạo để xã hội, nhà tuyển dụng tin tưởng hơn. Một khi tạo
được niềm tin thì lúc đó sẽ không còn suy nghĩ phân biệt công – tư trong
tuyển dụng như hiện nay.
Cách làm của tỉnh Nam
Định chẳng khác nào chúng ta xem “hàng hóa” trong nước chỉ có các doanh
nghiệp nhà nước mới được bán còn “hàng hóa” của các doanh nghiệp tư nhân
là không nên dùng. Trong khi đó, nền kinh tế chúng ta thừa nhận nền
kinh tế hàng hóa, kinh tế nhiều thành phần.
Như vậy, nếu những người
du học nước ngoài về tỉnh này có dùng không? Mà chưa chắc các trường đại
học nước ngoài đã có chất lượng hơn một số trường ngoài công lập trong
nước. Rõ ràng, đây là cách làm thiếu cái nhìn toàn cuộc và thậm chí đi
ngược chủ trương, chính sách của Nhà nước.
Do đó, Nhà nước phải can
thiệp vì khi tuyển dụng là phải công bằng, bình đẳng như nhau. Nếu ứng
viên có đủ tiêu chuẩn, đủ đạo đức, đủ tư cách, đủ năng lực thì không nên
phân biệt ứng viên đó có bằng công lập hay ngoài công lập. Không nên
xem những người học các trường ngoài công lập là công dân hạng 2.
Không hiểu sao tỉnh Nam
Định lại chọn cách làm đi ngược với chủ trương xã hội hóa giáo dục của
Nhà nước. Pháp luật công nhận bằng cấp, nghĩa vụ, quyền lợi của người
học dù trường công hay trường tư. Nếu nói đến chất lượng thì không thể
vơ đũa cả nắm khi nói tất cả sinh viên tốt nghiệp trường ngoài công lập
là không có chất lượng được. Chất lượng và năng lực của người học hội tụ
nhiều yếu tố trong quá trình đào tạo, đồng thời nó phải qua quá trình
lao động nhà tuyển dụng mới đánh giá đúng.
Mặt khác, nếu tỉnh Nam
Định muốn sàng lọc người có năng lực thì có nhiều cách làm chứ không
phải loại hẳn những ứng viên có bằng đại học ngoài công lập. Nếu có
những tiêu chí đánh giá, phân loại công khai, minh bạch thì không ai chê
trách.
Trường chúng tôi có sinh
viên tốt nghiệp loại khá bị loại ra khỏi đợt tuyển công chức năm 2011
của tỉnh Nam Định. Chúng tôi sẽ báo cáo tình hình lên Bộ GD-ĐT và Hiệp
hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập.
Quyết định này thật ra
không tác động lắm đến trường chúng tôi cũng như các em sinh viên. Vì
đối tượng đào tạo của chúng tôi được xác định rất rõ là đào tạo sinh
viên cho các doanh nghiệp, các ngành nghề chứ không nhắm trực tiếp đến
các cơ quan tuyển dụng thuộc khối nhà nước. Từ trước đến nay sinh viên
trường tôi cũng không tham gia dự tuyển vào bộ máy hành chính, năm nay
có 1 sinh viên có nguyện vọng vào thì bị vướng.
Còn thực tế từ trước đến
nay, sinh viên tốt nghiệp trường chúng tôi đều chủ yếu làm cho khối
doanh nghiệp, mọi việc đều suôn sẻ, các em có việc làm tốt. Chính sách
của tỉnh Nam Định đối với trường cũng rất ổn, còn chuyện tỉnh có quyết
định phân biệt đối xử với sinh viên dân lập hay không, có trái luật hay
không chúng tôi xin được phép không bình luận.
T.Hùng – P.Thảo (lược ghi)
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét