Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Trao quyền tự chủ, giám sát người đứng đầu

Thứ Bảy, 01/10/2011, 08:35 (GMT+7)

TT - Đó là một trong những nội dung căn bản của dự án Luật giáo dục đại học được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến sáng 30-9.
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng 2 vào Trường đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng
Chỉ cần “kính thưa Quốc hội”
Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH được Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày chiều 30-9 có một số điểm mới đáng chú ý. Theo đó, trừ các bài diễn văn quan trọng, người trình bày, phát biểu trước QH chỉ cần “kính thưa QH” rồi đi thẳng vào nội dung hoặc ý kiến của mình.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ dành toàn bộ thời gian để đối thoại, tranh luận từng vấn đề mà không đọc báo cáo nữa. Sẽ mở rộng các phiên họp giải trình và tiến tới chất vấn ở Hội đồng Dân tộc và các ủy ban, mở rộng đối tượng tham gia và thông tin rộng rãi trên báo chí. Đại biểu QH tiếp xúc cử tri phải thông báo rộng rãi để mọi người dân có thể dự cuộc tiếp xúc, đảm bảo đại biểu trực tiếp tiếp xúc với mọi tầng lớp dân cư, tránh tình trạng thủ tục hành chính, tiếp xúc “đại cử tri”; bổ sung hình thức tiếp xúc thông qua điện thoại, thư, báo, đài phát thanh, truyền hình...
Thời gian bắt đầu phiên họp Ủy ban Thường vụ QH dự kiến sẽ được ấn định “cứng” là ngày 20 hằng tháng, thời gian bắt đầu kỳ họp QH là ngày 20-5 và ngày 20-10.
GS.TS Đào Trọng Thi, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, cho biết theo quan điểm của ủy ban, luật cần thể hiện rõ tư tưởng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học một cách mạnh mẽ, triệt để theo hướng xác định rõ những nội dung được tự chủ về chuyên môn và về kế hoạch - tài chính, tổ chức - cán bộ.
Đồng thời cần phải quy định cơ chế kiểm tra và chế tài xử lý vi phạm các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ và cam kết trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học trước xã hội và trước pháp luật khi được trao quyền tự chủ.
GS Thi phân tích: “Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm được trao cho cơ sở giáo dục đại học chứ không phải cá nhân người đứng đầu nhà trường (hiệu trưởng). Mặt khác, việc tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học đòi hỏi phải có cơ chế hữu hiệu để thực hiện kiểm soát quyền lực và giám sát toàn diện hoạt động điều hành của người đứng đầu nhà trường, tránh tình trạng độc đoán, mất dân chủ.
Vì vậy việc quy định có hội đồng trường là cần thiết”. Nhằm tránh thương mại hóa giáo dục, ủy ban cho rằng cần quy định rõ tiêu chí về cơ sở giáo dục phi lợi nhuận và cơ sở giáo dục có lợi nhuận hợp lý, trong đó đặc biệt làm rõ vấn đề tài sản được chia và tài sản không được chia.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Phạm Vũ Luận giải thích ở VN cơ chế hội đồng trường ít phát huy hiệu quả, nhiều trường cho rằng không cần thiết, vì vậy tuy luật hiện hành đã quy định nhưng đến nay chỉ 10/188 trường thành lập hội đồng nhà trường.
Vẫn theo bộ trưởng, hiện nay các trường đại học tư thục đều tuyên bố phi lợi nhuận, nhưng theo dõi chỉ thấy Trường đại học Thăng Long của GS Hoàng Xuân Sính thực hiện. Còn lại nhiều trường khác tuyên bố như vậy nhưng chia chác rất nhiều, rồi mâu thuẫn giữa những người quản lý... Tuy nhiên, quan điểm của bộ là hậu kiểm rồi thực hiện kiểm toán chứ không nên để Bộ Giáo dục - đào tạo công nhận trường này trường kia, tránh những tranh cãi không cần thiết.
Qua thảo luận, ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ QH đều ủng hộ quan điểm của ủy ban do GS Đào Trọng Thi trình bày. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng lâu nay các trường không thành lập hội đồng là do họ chưa được giao quyền tự chủ.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói: “Muốn tự chủ thì phải có hội đồng, tự chủ thì mới cạnh tranh được, mới kiểm định và xác định xem tôi khỏe hay anh khỏe được. Muốn kiểm định thì Nhà nước phải đưa ra chuẩn để công bố toàn quốc, trên cơ sở đó có thể Nhà nước tiến hành kiểm định”.
LÊ KIÊN
Cần có lộ trình giảm dần và tiến tới cấm thuốc lá
Ngày 30-9, đoàn đại biểu QH TP.HCM đã tổ chức hội thảo góp ý cho hai dự án Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và Luật phòng chống tác hại của thuốc lá dự kiến sẽ trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai sắp tới.
Các đại biểu đại diện cho Tổng công ty Thuốc lá VN, Công ty Thuốc lá Sài Gòn một mặt nói ủng hộ việc ban hành luật nhưng mặt khác cho rằng hiện nay ngành công nghiệp thuốc lá đóng góp ngân sách hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động (chưa kể nông dân trồng thuốc lá) nên cần cân nhắc kỹ các điều khoản về thuế, ghi nhãn hàng hóa.
Trong khi đó, các đại biểu ngành y tế đều cho rằng tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người là điều không còn gì bàn cãi, với hơn 5 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới. Hiện chi phí chữa trị các bệnh liên quan đến thuốc lá ở VN chiếm đến 15% chi phí điều trị y tế, nên không thể vì khoản đóng góp vài chục ngàn tỉ đồng cho ngân sách mà đánh đổi sức khỏe của người dân.
Thậm chí, một số đại biểu kiến nghị Chính phủ cần thể hiện quyết tâm phòng chống tác hại của thuốc lá bằng việc không giao chỉ tiêu phát triển cho ngành công nghiệp thuốc lá mà phải tính tới phương án thu hẹp dần sản xuất, kinh doanh, đồng thời có giải pháp, lộ trình cụ thể để hạn chế nhập khẩu, hạn chế sử dụng và tiến tới cấm thuốc lá.
* Sáng 30-9, Ủy ban Thường vụ QH xem xét dự án Luật phòng chống tác hại của thuốc lá. Quy định đáng quan tâm của dự luật này là bao bì của thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại VN phải in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và bằng hình ảnh. Cảnh báo sức khỏe phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên tất cả bao bì thuốc lá (hiện tại là 10%). Ủy ban Các vấn đề xã hội bày tỏ băn khoăn quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, vì thực tế sau năm năm có chỉ thị của Thủ tướng về vấn đề này thì chỉ xử lý được vài trường hợp.
N.TRIỀU - B.TRÂN - L.K.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét