Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Chú trọng kiểm định chất lượng đào tạo - (LĐ)

UBTV Quốc hội thảo luận dự án Luật Giáo dục đại học, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá:

Thứ Bảy, 1.10.2011 | 08:27 (GMT + 7)
Ngày 30.9, UBTVQH thảo luận về dự án Luật Giáo dục đại học (GDĐH). Tại phiên họp, các ý kiến đều khẳng định GDĐH là một bộ phận quan trọng trong nền giáo dục của mọi quốc gia, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển đất nước. Vì vậy, những quy định về vấn đề kiểm định chất lượng đào tạo cũng như chất lượng giáo viên phải được chú trọng đúng tầm...
Ý kiến chung tại phiên họp khẳng định: Kiểm định chất lượng GDĐH là hoạt động nhằm mục đích bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, do vậy phải trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các cơ sở GDĐH. Nhưng, các quy định liên quan đến vấn đề này trong dự thảo luật mới chỉ dừng lại ở mức độ đề ra các nguyên tắc cơ bản và khái quát, chưa đủ cụ thể và cũng chưa đề cập rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ sở GDĐH trong công tác kiểm định chất lượng đào tạo.

Cơ quan thẩm tra dự luật này của QH đề nghị quy định hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục là bắt buộc đối với cơ sở GDĐH và áp dụng các hình thức kiểm định chất lượng bắt buộc, kiểm định chất lượng tự nguyện theo hướng hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước thì do cơ quan quản lý nhà nước về GDĐH chỉ định, còn việc kiểm định nhằm đáp ứng nhu cầu bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo thì cơ sở GDĐH tự lựa chọn về thời điểm và tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.

Cần quy định rõ trong luật về quy trình, chu kỳ kiểm định, quy trình công khai hóa kết quả kiểm định chất lượng đào tạo; chính sách ưu tiên, khuyến khích cơ sở GDĐH tham gia kiểm định chất lượng đào tạo nhằm phấn đấu bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, nhà trường, xã hội và người học.

Nhiều quan điểm lập luận, quy định việc sử dụng kết quả kiểm định làm căn cứ để phân loại chất lượng đào tạo của cơ sở GDĐH, trên cơ sở đó có chính sách đầu tư, giao nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu KH-CN và trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở GDĐH cũng như chế tài đối với cơ sở GDĐH không đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đào tạo. Nhiều ý kiến khác đề nghị ban hành một bộ chuẩn quốc gia về chất lượng GDĐH và yêu cầu về chất lượng tối thiểu đối với các chương trình đào tạo đại trà. Theo đó, luật cần quy định chỉ cho phép thực hiện những chương trình đào tạo bảo đảm yêu cầu về chất lượng tối thiểu và khuyến khích các cơ sở GDĐH nâng cao chất lượng đào tạo, hướng đến chuẩn quốc gia và chuẩn quốc tế.

Về tiêu chuẩn giảng viên, được quy định trình độ chuẩn của giảng viên đại học là có bằng tốt nghiệp đại học trở lên. Thường trực Uỷ ban Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH cho rằng, trình độ giảng viên phải cao hơn trình độ đào tạo. Cụ thể, để giảng dạy trình độ cao đẳng, GV ít nhất phải có bằng đại học, còn để giảng dạy trình độ đại học thì GV phải có trình độ sau đại học.

Do đó, ý kiến chung đề nghị quy định trình độ chuẩn của giảng viên giảng dạy trình độ đại học phải có bằng thạc sĩ trở lên. Đối với những cơ sở GDĐH mới thành lập hoặc ở địa bàn khó khăn thì có thể cho phép tạm tuyển dụng một tỉ lệ nhất định người có trình độ tương đương trình độ đào tạo làm giảng viên, với điều kiện sau một thời gian nhất định phải đạt được trình độ chuẩn.

Cần bổ sung các điều kiện về khả năng sử dụng ngoại ngữ, công nghệ thông tin, nghiệp vụ sư phạm... như những tiêu chuẩn bắt buộc khi tuyển dụng, bổ nhiệm giảng viên. Đối với chức danh giảng viên, cần phải gắn với quyền, lợi ích và trách nhiệm tương xứng với nhiệm vụ được giao; cần quy định rõ giảng viên được hưởng lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề nghiệp và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật; đồng thời, đề nghị trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH trong việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư trên cơ sở kết quả công nhận đủ tiêu chuẩn của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước.    
Lê Đỗ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét