Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Thực hư suất học bổng 2 tỷ dành cho bé cấp 1 giải được toán lớp 12


(Dân trí) - Trước những lời đồn thổi xung quanh gói học bổng trị giá 2 tỷ đồng của trường quốc tế ở TPHCM dành cho bé Thanh Ngọc, nhưng thời điểm này câu trả lời của bé là: “Con rất thích học ở đây. Con muốn học thêm môn Lý, Hóa theo trình độ lớp 11”.
 >>  Bé gái 11 tuổi nhận học bổng 2 tỷ đồng
Học bổng cho “thần đồng”
Bé Phạm Thanh Ngọc (ở Lâm Đồng), cô bé được nhắc đến như “thần đồng”  đã được chính thức có một ghế ngồi trong lớp học tại trường quốc tế BVIS (huyện Bình Chánh, TPHCM). Tiếp xúc với báo giới vào ngày 11/10, ông Michael Deveney, Hiệu trưởng trường BVIS cho biết ngay sau khi biết tin về hiện tượng bé Ngọc, nhà trường đã chủ động liên hệ với gia đình cháu đề nghị được nhận cháu vào học miễn phí tại trường trong vòng 5 năm (từ lớp 7 đến lớp 13). Trị giá của suất học bổng này là 2 tỷ đồng.
 Bé Thanh Ngọc (thứ 2 từ phải sang) trong giờ học Khoa học tại trường quốc tế BVIS
Sau khi trải qua bài kiểm tra khoảng 30 phút, cô bé được nhận vào học. Chị Thu Hằng, trưởng phòng tuyển sinh của trường cho biết kết quả kiểm tra: môn Văn - Tiếng Việt: trình độ theo lứa tuổi bình thường; Anh văn: cấp độ vỡ lòng; môn Toán: trình độ vượt bậc, làm xong bài toán lớp 7 đến lớp 9 rất nhanh. Với kết quả đó, ngày 3/10, bé Thanh Ngọc lần đầu tiên được đi học sau 5 năm kể từ lần đầu tiên em vào lớp 1 chỉ thời gian ngắn rồi không đi học nữa. Lí do của em đó là thấy chán vì toàn là những kiến thức đã học rồi.
Cô bé cho biết có thể hiểu lời giảng bằng tiếng Anh của thầy nhưng chưa thể nói chuyện lưu loát hay phát biểu ý kiến được
Tại trường quốc tế, Phạm Thanh Ngọc học lớp 7V gồm các môn: Khoa học, công nghệ thông tin, tiếng Anh, Địa lý, Lịch sử, Văn học, Giáo dục công dân, Thể dục bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh theo trình độ chung của các bạn cùng lớp. Riêng môn Toán, Thanh Ngọc được theo học lớp 12 và 13 tại một trường quốc tế cùng hệ thống BIS ở quận 2. Lí do là trường quốc tế BVIS mới thành lập vào năm nay và chỉ có lớp 9 là cao nhất (mục tiêu của trường là nhận học sinh từ 2 tuổi đến hết lớp 13). Em học môn này hoàn toàn bằng tiếng Anh, và nhận được sắp chỗ ngồi cạnh một học sinh giỏi tiếng Việt để có thể giúp bé giải đáp những thuật ngữ Toán học bằng tiếng Anh.
 Vẻ mặt hết “già dặn” khi tiếp xúc với người lớn
Sau hơn một tuần nhập học, theo như lời cô Thu Hằng thì khả năng tiếp thu của bé Ngọc rất nhanh, nói sơ qua một vài lần là nhớ nằm lòng. Tập vở môn Toán của Ngọc toàn là lời giải bằng tiếng Anh cho các bài tập môn Hình học không gian, đại số trình độ lớp 12 chương trình phổ thông của Bộ GD- ĐT Việt Nam. Để có thể hiểu lời thầy giáo giảng, Thanh Ngọc còn mua hẳn một cuốn Từ điển Toán học. Trong chồng sách của em trong căn phòng trọ, chiếm đa số là những cuốn sách về Toán: Những con đường khám phá lời giải Bất đẳng thức, Giải tích 12 nâng cao, SGK môn Vật lý 11, Hóa học 11…
 Cô bé sẵn sàng không trả lời câu hỏi phỏng vấn của các cô chú nhà báo bằng cách cười trừ hoặc nói: “Con không biết đâu ạ”
 “Thần đồng” ơi, đi về đâu?
Dù bây giờ Ngọc được chính thức nhận vào trường quốc tế, được theo học một chương trình Toán học của lớp 12 nhưng dư luận dường như vẫn bán tín bán nghi về khả năng của một cô bé mới 11 tuổi. Ở đây, cần có một tổ chức có thể kiểm định khả năng của cô bé để xã hội có thể mạnh dạn giúp cô bé theo đuổi niềm đam mê Toán học của mình. Tiếp xúc với 2 mẹ con bé Ngọc tại TPHCM, chúng tôi bất ngờ với trình độ Toán học lớp 12 của cô bé mới 11 tuổi này sau khi thấy em giảng bài cho một học sinh cùng lớp, sau khi lật giở trang tập vở môn Toán của em. Khả năng giao tiếp của cô bé cũng rất tốt, không hề e dè hay sợ sệt, cũng không hề tự kiêu hay ngạo mạn về khả năng của mình. Nhưng dưới cái nhìn săm soi của báo chí, dưới ánh đèn flash của máy ảnh, cô bé tỏ ra đề phòng, khó chịu và hoàn toàn không muốn tiếp xúc, trò chuyện hay thổ lộ những sở thích của mình.
Cô bé tỏ ra không thích khi bị người khác chụp lén
Thuê một căn nhà trọ ở gần trường, 2 mẹ con bé Ngọc ở trong một căn phòng chật hẹp, diện tích khoảng 4x4 m2. Cái giường nệm vừa là nơi nghỉ ngơi của 2 mẹ con, vừa là nơi để sách vở, là nơi để bé Ngọc ngồi học Toán. Không khí trong phòng vừa nóng bức vừa ngột ngạt, lại ở tận tầng 3. Với giá thuê phòng 2 triệu/tháng, chưa kể tiền điện nước, không hiểu bà mẹ ở chân đèo Phú Hiệp, xã Tam Bố và đứa con gái bé bỏng có thể duy trì việc học được bao lâu? Ở quê, bố của bé Ngọc một mình xoay sở một cách chật vật vì lần đầu tiên gia đình xa nhau phải tự cáng đáng việc nhà.

Thanh Ngọc thích chơi với thú bông và rất thoải mái nếu được người khác đề nghị lịch sự: “cho phép cô/chú chụp hình cháu”
Người ở nhà đã khổ, người lang thang ở Sài Gòn cũng không khá hơn. Từ căn phòng trọ, 2 mẹ con dắt díu nhau gần 500m ra ngã tư Phạm Hùng với Đại lộ Đông Tây đón xe đi xuống quận 2 học môn Toán lớp 12 với các anh chị lớn tuổi hơn. Trong thời gian con đi học, mẹ bé Ngọc lại cuốc bộ đi chợ về nấu cơm cho con ăn. Thấy mẹ vất vả, có lần đi mua cơm bé nhờ bà cụ bán cơm trước cổng trường tìm xem có ai cần dạy kèm thì bé nhận dạy để giúp đỡ mẹ. Bà cụ bán cơm kể chuyện mà cứ tấm tắc khen bé Ngọc biết lo nghĩ như người lớn.
Tuy vất vả nhưng phụ huynh của bé Ngọc rất quyết tâm cho bé theo học đến cùng. Mẹ của bé cho biết khi học ở trường quốc tế này, bà muốn con gái của mình có thể phát triển bình thường như bao người khác, đồng thời có thể giúp bé phát triển niềm đam mê Toán học. Trước những luồng thông tin trái ngược nhau, bà nói: “Chỉ xin hai chữ Bình yên”.
 
Phạm Thanh Ngọc chia sẻ rằng thần tượng của cô bé là nhà Toán học Pascal người Pháp và GS Ngô Bảo Châu. Chỉ cần có dịp lên mạng internet là cô bé dò tìm trang web của GS về Toán học nhưng vẫn chưa tìm được. Cô bé cho biết rất muốn gặp giáo sư Ngô Bảo Châu để trò chuyện vể Toán học. Sau những ngày học tập tại trường quốc tế, Thanh Ngọc rất thích thú vì được học Toán phù hợp với trình độ của mình. Em cho biết: “Uớc gì thời lượng môn Toán tăng thêm nữa, môn Lí và Hóa có thể học ở lớp 11 với các anh chị lớn”.
 Tư Nghĩa - Lê Phương
Minh
(10/14/2011 8:44:00 AM)
Đơn giản vì các chương trình giáo trình ở VN về các môn xã hội như: văn, sử, địa, ... không mang tính nâng cao mà ngắt quãng. Học chương trình lớp 11, 12 hay lớp 5, lớp 7... đều cứ mễn thuộc bài là ok. Vì thế, cho 1 em lớp 4 đi học lớp 7 về các môn này theo tôi nhìn chung cũng không có vấn đề gì. Riêng các môn toán, lý, hóa thì cần có nền tảng cơ bản, nhất là môn hóa. Còn lại là sự lặp đi, lặp lại của kiến thức giữa chương trình cấp 2 và ở cấp 3 có nâng cao 1 chút. Cái khổ là các em hầu như hay bị giáo viên buộc học ai thì làm bài phải đúng với cách của họ. Kết quả dù đúng cũng không được công nhận nếu các bước, câu viết dùng trong bài ko phải y chang, kể cả dấu chấm phẩy. Những ví dụ như thế này có thể thấy ở một số giáo viên trường Nguyễn Du, quận 1, TPHCM khiến không chỉ nhiều học sinh mà cả cha mẹ cũng stress luôn.
ha
(10/14/2011 8:37:00 AM)
Sao không phải là Bộ Giáo dục và Đào tạo trao học bổng nhỉ? Kêu gọi nhân tài mà ko dám đầu tư thi chảy máu chất xám là cái chắc.
Nguyễn Duy Tân
(10/14/2011 8:35:00 AM)
Gửi bé Ngọc: Chúc bé thành công và học giỏi hơn nữa. Anh tin một ngày nào đó em sẽ có một tương lai thật tươi sáng, rạng rỡ.
Trần Thị Thu Hiền
(10/14/2011 8:34:00 AM)
Tôi rất cảm kích trước những hoàn cảnh nghèo khó mà ham học và có ý thức vươn lên. Nhưng tôi không nghĩ em là một thần đồng hay là một đứa trẻ khác biệt. Người lớn chúng ta đừng nên làm gì thái quá để sự tài năng, hay nói đúng hơn là một năng khiếu bẩm sinh như cháu phải sớm lụi tàn trước những lời tán dương, ca tụng quá mức, cho dù cháu có là như vậy. Nếu thực sự cháu có năng khiếu thì chúng ta tìm cách để phát triển tài năng đó, đồng thời vẫn cho cháu một môi trường hồn nhiên như bao đứa trẻ khác. Có như vậy cháu lớn lên mới không sống tách biệt và dị lập với thế giới xung quanh (ví dụ như Vua nhạc Pop Micheal Jackson). Giáo sư Ngô Bảo Châu là một con người điển hình, trong anh từ bé đã có những tài năng sớm được bộc lộ. Nhưng anh về cơ bản được giáo dục trong môi trường gia đình, nhà trường rất cơ bản và bài bản. Ngoài toán học, anh còn là người am hiểu và thích thú với âm nhạc, thể thao... Được biết về hoàn cảnh của em Ngọc như vậy, là một công dân có trách nhiệm với đất nước, nhận thấy cháu bé là nguyên khí của quốc gia nên tôi xin được một phần chia sẻ khó khăn với gia đình em hàng tháng. Nhưng đề nghị quý báo không nêu danh tôi. Trân trọng cảm ơn!
Linh
(10/14/2011 8:32:00 AM)
Tại sao một tài năng thế này mà phía ngành chức năng VN lại không quan tâm thích đáng nhỉ? Rồi lại hỏi tại sao nhân tài cứ bị mai một đi? Nếu bé được học trong môi trường như trường KHTN-ĐH quốc gia HN thì tốt biết mấy. Chứ hiện tại bé học tại trường quốc tế, rồi lại đi nước ngoài học cao học và làm việc tại nước ngoài. Chắc rồi lại có một "Ngô Bảo Châu" Việt Nam nổi tiếng ở nước ngoài nữa...
Nguyễn Đức
(10/14/2011 8:16:00 AM)
Tôi lại thật sự lo lắng về cách học tập hơn là mừng với suất học bổng 2 tỷ của cháu Ngọc. Học bổng đó nghe có vẻ lớn nhưng đó là do tiền học phí của trường BIS quá lớn. Một học sinh cần được học tập bình thường tất cả các môn học khác và nếu có năng khiếu đặc biệt về một môn (toán) thì có thể học theo chưong trình cao hơn. Điều này hoàn toàn có thể đáp ứng ở các trường năng khiếu của VN. Vì vậy gia đình cháu Ngọc chắc không phải vất vả như hiện nay. Trình độ toán của cháu Ngọc rất dễ dàng được đánh giá đúng, nhưng phải do các thầy dạy toán năng khiếu (cấp 2,3) đánh giá chứ không phải do gia đình, người thân hay cháu tự thấy. Kinh nghiệm cho thấy, nếu các học sinh giỏi toán mà chỉ chăm chăm vào học học toán, nếu thành tài thực sự (số ít) thì không nói làm gì. Còn không thì (đa số) sẽ rất lệch lạc, ngây ngô trong giao tiếp, ứng xử xã hội yếu v.v.
Thật gưỡng mộ bé thanh ngọc
(10/14/2011 8:10:00 AM)
Theo tôi, bé Thanh Ngọc cần được Bộ GDĐT có một trương trình hỗ trợ cả về vật chất, tinh thần và phương tiện giúp bé phát triển. Tôi thấy rất buồn vì Việt Nam mình hình như ít coi trọng nhân tài.
chất xám chảy.........
(10/14/2011 8:08:00 AM)
Chuyện Thần đồng xuất hiên là bình thường trong thế giới ngày nay, Quan trọng là Việt Nam có biết trân trọng và gìn giữ nhân tài không? Tại sao trường học quốc tế lại đầu tư vào sự nghiệp giáo dục cho em, ngoài giảng dạy kiến thức trong tương lai họ có đưa bé Ngọc về nước cống hiến cho quốc gia họ hay không? Hiền tài là nguyên khí quốc gia, vậy mà trong nước không nghe thấy có sự can thiệp nào. E là chất xám tiếp tục sẽ chảy...
cong
(10/14/2011 7:58:00 AM)
Truyền thông và người lớn có thổi phồng quá về khả năng của cô bé ko? Theo tôi, cha mẹ như vậy là thiếu hiểu biết khi không cho con đến lớp từ nhỏ. Còn liệu trường quốc tế kia có tranh thủ PR...
That la chuyen vo ly
(10/14/2011 7:53:00 AM)
Tôi thấy thật vô lý, khi một người giỏi mà lại...không giỏi. Tôi nghĩ chúng ta nên kiểm tra thêm xem thực hư thế nào...
 
chung ta lai co than dong
(10/14/2011 7:36:00 AM)
Chúc mừng bé nhé. Bé thật là giỏi, Việt Nam lại có thêm một nhân tài. Chỉ tiếc là hình như ta vẫn chưa tạo được điều kiện cho những nhân tài phát triển nở rộ, mà phải tới mấy vị nước ngoài tài trợ rồi chúng ta lại mất nhân tài về tay họ thôi... Nhớ lại khi tôi bằng tuổi cháu tôi chỉ giải được toán lớp 10, nhưng thời đó không có ông nước ngoài nào tài trợ cho tôi cả... Buồn ơi là buồn.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét