Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Cô bé "nhận học bổng 2 tỷ đồng" bộc lộ năng khiếu toán học thực sự - (CAND Online)


Cuốn sách "Những con đường khám phá lời giải bất đẳng thức" - dành cho HS THCS, THPT và luyện thi ĐH chương trình toán nâng cao mà thầy Trần Xuân Việt vừa tặng em Ngọc.



09:46:00 14/10/2011
Khi tiếp nhận, Trường quốc tế BVIS đã thực hiện ngay 2 buổi test nhanh với em Ngọc, 11 tuổi về toán: hình học không gian, đại số và lượng giác. "Kiểm tra toán lớp 7, 8, em làm quá nhanh. Toán 12 em làm đúng hết".
>>Cô bé "11 tuổi xin học lớp 12" xin về Lâm Đồng học
Một buổi sáng tháng 9/2011, anh bảo vệ của Trường Quốc tế British Vietnammese International School (BVIS) TP Hồ Chí Minh tưởng mình nghe nhầm khi tiếp một người phụ nữ ngoài 50 tuổi dắt theo một bé gái tới xin học cho con. Nhìn cách ăn mặc đơn sơ của cả 2 mẹ con, anh chợt nghĩ: 1.400 USD/tháng học phí mà nghèo thế kia làm sao lo cho con nổi! Hai mẹ con còn khệ nệ xách một túi lớn trái thanh long đem từ quê lên để biếu các thầy cô.
Sau này anh mới biết cô bé chính là Phạm Thanh Ngọc, người đã nhận học bổng 2 tỷ đồng của trường theo một chương trình quốc tế đặc biệt vì đã vượt qua kỳ thi đầu vào một cách ngoạn mục. Song thực hư về cô bé chưa bao giờ tới trường nhưng đã chớm bộc lộ năng khiếu bẩm sinh về toán học có hay không hiện còn đang tồn tại nhiều luồng dư luận trái chiều. Những thông tin mới nhất của PV Báo CAND sau đây lý giải phần nào về khả năng thực sự của em.
Suýt bị lãng quên nhiều lần
Phạm Thanh Ngọc (sinh ngày 6/7/2000) trước khi tới Trường BVIS sống cùng bố mẹ tại xã Tam Bố, huyện Di Linh, Lâm Đồng. Cô bé có khuôn mặt dễ thu hút người đối diện với đôi mắt đen láy, cách nói chuyện dí dỏm, nhí nhảnh và hay cười.
Người tiếp xúc nhớ lâu hơn với cái cách trả lời rất thận trọng của cô bé như: "Con có thể từ chối những điều mà mình thấy nói ra chưa đúng lúc nhé!" khi nhận được câu hỏi: "Ở Trường BVIS con thấy thế nào?". "Con thấy là được học toán… hơi ít". "Thế lớn lên con làm nghề gì?". "Cho con được bí mật điều này ạ!" và… cười. "Thần tượng của con là ai?". "Là nhà toán học Pascal ạ!".
Chúng tôi đã có dịp gặp gỡ 2 mẹ con Ngọc tại TP Hồ Chí Minh trong một căn hộ thuê thuộc Khu đô thị Nam Sài Gòn. Chị Bùi Ngọc Ánh, mẹ Ngọc kể, anh chị tới với nhau muộn và chỉ có Ngọc là con duy nhất. Khi sinh ra Ngọc nặng hơn 2kg và phát triển tâm sinh lý bình thường. 2 tuổi mới có sự khác biệt với trẻ khác khi bộc lộ việc thích nhìn những chữ cái in đậm trên báo, đòi mẹ cho đọc, ghép vần.
Và không phải là tới khi Ngọc 11 tuổi đòi đi thi chương trình Đường lên đỉnh Olympia không được thì mọi người mới biết về năng khiếu toán học của em, mà trước đó ít nhất 2 lần Ngọc đã được ghi nhận về năng khiếu này. Một lần trên Báo Nhi Đồng khi Ngọc được 5 tuổi, khi tham gia cuộc thi "Giải toán Lê Quý Đôn" do báo tổ chức.
Lần đó Ngọc giải được câu toán đố của BTC (toán lớp 5 cho HS giỏi) nhưng khi nhận bài từ một thí sinh mới có 5 tuổi thì bị phê "không hợp lệ" do cuộc thi dành cho HS giỏi toán bậc tiểu học mà Ngọc thì chưa một lần tới trường.
Thắc mắc quá, cô bé yêu cầu mẹ đưa vào tận tòa soạn Báo Nhi Đồng tại TP Hồ Chí Minh và "vặn" lại BTC: "Sao con làm được mà không có giải? Con đã ghi trong hồ sơ đăng ký là con học từ "trường gia đình" cơ mà!". BTC đành trao thêm một giải gọi là giải toán học "Búp bê" cho em.
Lần 2 khi lên 7 tuổi, biết thông tin Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi "Nhà sử học trẻ tuổi", Ngọc lại đòi mẹ cho tham gia. Tuy nhiên, lần này em cũng bị từ chối vì lý do quá nhỏ. Sở dĩ em muốn tham gia cuộc thi vì ngoài kiến thức sử em học được từ sách giáo khoa, trước đó em đã học rất nhanh cuốn "Lịch sử Việt Nam cận - hiện đại" dày cộp chỉ chưa đầy 1 tháng. Và Ngọc lại đòi mẹ đưa tới BTC cuộc thi hỏi lý do.

Ngọc trong lớp học hóa - sinh tại BVIS với các bạn.

Một người trong BTC đã thử kiểm tra kiến thức của em về sử học và ngạc nhiên khi thấy em trả lời vanh vách những câu hỏi kiến thức lịch sử liên quan tới hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Pháp. Song lời yêu cầu tham gia cuộc thi cũng bị tước bỏ vì BTC không biết kiểm tra kiến thức thực sự của "thí sinh" này bằng cách nào và ai tin!
Hòa nhập ngay với cuộc sống mới
Chúng tôi đã có buổi trực tiếp chứng kiến Thanh Ngọc đang học tại Trường BVIS trong giờ học Khoa học (hóa và sinh) với các bạn lớp 7 và thầy giáo người nước ngoài vào sáng 11/10. Em được xếp học lớp 7B kèm chương trình đặc biệt tăng cường tiếng Anh.
Trước đó vào các ngày 4 và 5/10, sau khi nhập Trường BVIS, nhà trường đã thực hiện ngay 2 buổi test nhanh với em về toán: hình học không gian, đại số và lượng giác. "Kiểm tra toán lớp 7, 8, em làm quá nhanh. Toán 12 em làm đúng hết. Em làm chúng tôi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác" - Trưởng ban Tuyển sinh trường, chị Nguyễn Thị Thu Hằng nhận xét.
Dù tiếng Anh của Thanh Ngọc chỉ mới đạt trình độ vỡ lòng nhưng chỉ sau 1 tuần hòa nhập, với trí nhớ cực kỳ tốt, em chỉ cần nghe vài lần cùng sự hỗ trợ của trợ giảng dịch qua tiếng Việt là em đã hiểu theo kịp các bạn trong lớp. Riêng thứ 4, em được đưa sang học toán tại Trường Quốc tế BVIS (quận 2) với các anh chị lớn học chương trình toán cao cấp. Tại đây, trình độ tiếp thu của cô bé lại khiến mọi người chú ý. "Tiếng Anh nhiều từ em chưa hiểu nhưng nhìn các con số trên bảng là em biết đã được học qua rồi", Ngọc nói.
Theo xác nhận của chị Ánh thì hơn 2 tuổi, Ngọc đã đòi mẹ dạy chữ và chỉ 5 tháng em đã đọc báo lưu loát, nhanh chóng biết viết, làm tính. Nhà chỉ có một cái tivi nhỏ, lại ít khi bắt được sóng do ở nơi khá heo hút, với em đọc sách và đi nhà sách là thú vui duy nhất. 4 tuổi Ngọc đã giải được gần hết các bài toán trong SGK tiểu học. 7 tuổi, em đã học hết chương trình toán cấp 2 và tự học vật lý, hóa học, lịch sử… qua các bộ sách giáo khoa mẹ mua về.
Khi chị Ánh dẫn con tới nhờ thầy Trần Xuân Việt - Thạc sĩ chuyên dạy toán của Trường THPT Nguyễn Viết Xuân - Di Linh, Lâm Đồng dạy thêm toán cũng là lúc bí quá, không còn đủ trình độ để học với con hằng ngày. Mà đưa Ngọc tới trường lớp như bao đứa trẻ khác đã không thực hiện được từ khi Ngọc 3 tuổi. Do em đã biết đọc chữ làm toán ngang 1 HS tiểu học nên không lớp mẫu giáo nào dám nhận. Xin học vượt cấp thì Sở GD&ĐT địa phương đòi trình học bạ làm căn cứ nhưng chưa từng tới trường thì làm sao có học bạ.
Lúc đầu thầy Việt cũng từ chối, nhưng sau khi kiểm tra Ngọc bằng 2 bài toán về hằng đẳng thức rất khó, thấy Ngọc làm đúng hết, thầy kinh ngạc và nhận lời bồi dưỡng toán hoàn toàn miễn phí cho cô học trò đặc biệt. Khi đó em mới lên 8 tuổi và đã hoàn tất toán lớp 9. Cho tới cách đây không lâu, trước khi được BVIS tuyển chọn, thầy Việt đã nói với chị Ánh: "Tôi thực sự là "hết chữ" rồi, chị tìm những nơi tốt hơn để cháu phát triển tiếp môn toán". Khi đó Ngọc đã học tới chương cuối của chương trình toán lớp 12


Huyền Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét