Cập nhật
26/09/2011 06:10:00 AM
(GMT+7)
- Các trường ĐH có đào tạo sư phạm lâu đời hay các trường ĐH có khoa sư phạm đang rơi vào "thảm cảnh" phải vét sinh viên ở mức điểm sàn mới hy vọng tuyển đủ. Có chuyên gia giáo dục lo ngại về chất lượng giáo viên tương lai, về khả năng tư duy của họ khi trúng tuyển đại học với điểm trung bình mỗi môn khoảng hơn 4 điểm.
THÔNG TIN LIÊN QUAN
Khủng hoảng giảng viên sư phạm 'đầu đàn'
Khi các trường sư phạm lao ra thị trường
Ngành sư phạm qua thời kỳ vàng '3 con 9'
Sinh viên sư phạm tự họa bản thân
Vấn đề của giáo dục VN: “Nói không” với trường sư phạm?
Lương giáo viên, sao nỡ ngoảnh mặt?
Những người thầy 'bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông...'
Khi các trường sư phạm lao ra thị trường
Ngành sư phạm qua thời kỳ vàng '3 con 9'
Sinh viên sư phạm tự họa bản thân
Vấn đề của giáo dục VN: “Nói không” với trường sư phạm?
Lương giáo viên, sao nỡ ngoảnh mặt?
Những người thầy 'bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông...'
Chào đón học sinh vào lớp 1. Ảnh: Hương Giang |
Báo động từ đầu vào
Các trường ĐH sư phạm danh tiếng và lâu đời như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay có rất nhiều ngành phải tuyển bằng điểm sàn hay chỉ trên điểm sàn 1 điểm (xem bảng thống kê ở cuối bài).
Trong số 30 ngành của ĐH Sư phạm Hà Nội, có 11 ngành lấy điểm đỗ NV1 từ 15 điểm. Chỉ có 2 ngành có điểm chuẩn NV1 cao nhất (25 điểm) là ngành Sư phạm tiếng Anh và thể dục thể thao. Vẫn có tín hiệu mừng khi có 3 thủ khoa khối A của trường đạt 28 điểm.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 phải lấy điểm chuẩn bằng sàn cho các ngành sư phạm hóa, sinh trong khi ngành sư phạm vật lý cũng chỉ là 13,5.
Trong khi đó, điểm trúng tuyển NV1 của ĐHSP TP.HCM: cao nhất là SP Tiếng Anh: 24.5, giáo dục Thể chất: 21.5, thấp nhất là SP Địa lý Khối A: 13, Sử - GDQP: 14, Giáo dục đặc biệt: 14 (bằng điểm sàn). Như vậy, thí sinh có điểm trung bình hơn 4 điểm đã đỗ đại học.
ĐH Sư phạm Huế cũng đa số lấy điểm trúng tuyển bằng điểm sàn. Ngành lấy điểm cao nhất là SP Toán học 16 điểm, SP Sinh học 15,5, SP Hoá học 15 điểm.
ĐH Sư phạm Đà Nẵng lấy điểm trúng tuyển các môn quan trọng như Toán ứng dụng, Công nghệ thông tin, Sư phạm Tin, Vật lý bằng điểm sàn. Cao nhất là ngành Sư phạm Toán: 23,5 điểm; Sư phạm Hóa: 22,0 điểm.
Các trường top sư phạm còn phải lấy xuống đến mức điểm sàn thì tình trạng của các trường đại học sư phạm địa phương hay các trường có khoa sư phạm còn thê thảm hơn, khi có ngành không có thí sinh nào trúng tuyển hoặc lèo tèo vài em trúng tuyển với số điểm rất thấp.
Tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) đa số trong 42 thí sinh trúng tuyển ngành Lịch sử có điểm ở mức 2-3 điểm. Thậm chí có ba thí sinh chỉ được 1,25 điểm, một thí sinh 1 điểm môn sử.
Trường ĐH Cần Thơ có bốn thí sinh trúng tuyển ngành Sư phạm Lịch sử với điểm thi môn này là 1 điểm, nhiều thí sinh từ 1,25-2 điểm.
Trường ĐH Đà Lạt, một thí sinh trúng tuyển ngành sư phạm lịch sử với điểm thi sử 0,5. Một thí sinh tại trường này trúng tuyển với tổng điểm 13 nhưng môn Lịch sử chỉ có 0,25 điểm.
Báo động chất lượng giáo viên ra trường trong tương lai
GS. Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng ĐHSPHN đã từng phát biểu: "Sinh viên giỏi thì vẫn có, nhưng tôi mong muốn những sinh viên giỏi nhất. Mùa tuyển sinh năm nay ở trường tôi có thí sinh điểm đầu vào 27, 28. Học sinh THPT chuyên vẫn có nhiều em thi vào sư phạm.
Tuy nhiên, có một điều đáng lo ngại là hiện nay các thí sinh ở thành phố lớn không thi vào sư phạm. Thế hệ giáo viên ở đây là những em ở vùng khác. Khi vào môi trường giáo dục thành phố các em phải thay đổi nhiều thứ, như lối sống, để tiếp cận với đối tượng học sinh, vốn có cách sống xa lạ với các em".
Ông Ngô Đắc Chứng, Phó hiệu trưởng trường ĐHSP Huế cho biết: So với 5-7 năm trước đây thì nhu cầu vào học ngành sư phạm của xã hội đã giảm. Lúc đó, chính sách miễn học phí và ra trường có việc làm luôn rất hấp dẫn những thí sinh giỏi. Bây giờ, giáo viên phổ thông nhìn chung đã bão hòa, hàng năm tuyển thêm không đáng kể. Hiện chỉ có giáo viên mầm non và tiểu học là còn có nhu cầu lớn, thí sinh thi vào đông.
Ông Chứng nói: Với mức điểm đầu vào trung bình là 5 điểm mỗi môn đào tạo đã là hơi khó rồi, huống chi là thấp hơn!
Còn GS Nguyễn Viết Thịnh khẳng định: "Tôi cho rằng cần phải tiên lượng đầu vào thấp như thế sẽ có tác động tới 10 năm sau".
Một chuyên gia giáo dục tiểu học của Sở GD-ĐT Hà Nội chia sẻ: Có một hiện tượng là sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường không dạy được ngay mà phải "đi học nghề" từ những giáo viên già từ 2-3 năm mới có thể dạy được. Đó là nói tới những giáo viên có tư duy tốt. Với những thí sinh trúng tuyển với mức điểm thấp thì khó có tư duy tốt để tiếp thu những tư tưởng và cách tiếp cận HS theo lối hiện đại, yêu cầu của chương trình mới ở tiểu học bây giờ.
Theo kinh nghiệm của chuyên gia này, nếu giáo viên không có tư duy tốt thì chỉ giống như "thợ dạy" chứ không thể có sự chủ động và sáng tạo. Mỗi bài học trong sách giáo khoa, nhìn qua rất đơn giản, nếu giáo viên có kiến thức sâu rộng gấp nhiều lần nội dung trong sách, hiểu được nguồn gốc vấn đề thì chắc chắn giảng bài sẽ khác.
Chia sẻ trên báo chí, PGS Văn Như Cương cũng đồng tình: “Việc chất lượng đầu vào giảm là điều đáng báo động bởi nó sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống giáo dục và sự phát triển bền vững của xã hội. Giáo dục là nền tảng của các ngành khoa học, xã hội, nếu chỉ tuyển được những giáo viên có chất lượng không thật sự tốt, rõ ràng sẽ không có nền tảng tốt”.
- Hương Giang
Đem con bỏ chợ Tại hội nghị các trường sư phạm toàn quốc, nhiều lãnh đạo chia sẻ một bất cập trong đào tạo giáo viên khiến cho nghề này ngày càng kém hấp dẫn. Không chỉ là ở chính sách lương bổng quá thấp, cơ hội chuyển ngành thấp mà khi học ngành này, người ra trường rất khó tìm việc làm. Mỗi khi nộp hồ sơ tìm việc, nhiều sinh viên ra trường nhận được thông báo: đã hết biên chế hoặc không thiếu người. vì sự bão hòa này, ngay cả cơ hội làm hợp đồng với đồng lương ít ỏi cũng rất khó khăn. ĐH Sư phạm Đồng Tháp cho biết, hàng năm, sinh viên ra trường thường xuyên gặp phải nghịch lý ngành thừa, ngành thiếu vì trường chỉ đào tạo theo chỉ tiêu được giao căn cứ vào năng lực hiện có. Còn nhu cầu xã hội cần thực hư như thế nào, trường không biết. Đây cũng là lời phàn nàn của nhiều trường sư phạm khác có mặt ở hội nghị như ĐH Huế, CĐ sư phạm Hải Dương, Vĩnh Phúc… Đào tạo không theo nhu cầu xã hội, thiếu dự báo về nhu cầu nhân lực cụ thể cho ngành khiến các trường bức bối trong vòng luẩn quẩn: đào tạo ra không tìm được việc làm, làm nản lòng những người có ý định chọn con đường giáo viên. Hiện tại, ngành giáo dục vẫn đang chờ đợi con số thống kê, dự báo nhu cầu nhân lực do Bộ GD-ĐT, các UBND và sở GD-ĐT các tỉnh khảo sát. Hơn nữa, hệ thống các trường ĐH-CĐ đào tạo ngành sư phạm được nhận xét là đang khá "lôm côm". Các mô hình đào tạo sản sinh ra từ những trường "ngoại đạo" có đào tạo sư phạm khiến cho năng lực nghiệp vụ sư phạm của giáo viên không được đảm bảo. Chẳng hạn, các trường dào tạo nông nghiệp, lâm nghiệp, rồi đến cả công nghiệp, ký thuật công nghiệp cũng tham gia đào tạo sư phạm. Nhiều tỉnh, thành đã tìm cách để từ chối hoặc đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn đối với những sinh viên tốt nghiệp từ các mô hình này.
|
Tên trường | Số lượng các ngành điểm chuẩn bằng điểm sàn | Các ngành khác |
ĐHSP Hà Nội 2 | 14/18 | Sư phạm Ngữ văn (17,5 điểm),Giáo dục tiểu học 18,5 điểm, Giáo dục mầm non 17,5 điểm, Sư phạm Toán (15,5 điểm) |
ĐH Sư phạm thuộc ĐH Thái Nguyên | 10/16 | Sư phạm Tiểu học, sư phạm Ngữ văn - Địa lý |
ĐH Tây Bắc | 14/14 | Hàng chục chỉ tiêu mỗi ngành cho NV2 và NV3, Điểm chuẩn NV2 cao hơn điểm chuẩn NV1 không đáng kể, phổ biến từ 0- 1 điểm. |
ĐH Giáo dục | 0 | Điểm chuẩn 17 và 18 (trừ SP Sinh học: 20) |
ĐH Huế | 11/ 17 | Các ngành khác điểm chuẩn cao nhất 16. |
ĐH Đà Nẵng | 1 | Nhân hệ số hai cho môn chuyên ngành của ngành đào tạo sư phạm, điểm chuẩn đã nhân hệ số cao nhất 22 điểm |
ĐH Vinh | 0 | Điểm chuẩn phổ biến ở mức 15, 16 điểm. Sư phạm Ngữ văn: 17; Sư phạm Tiếng Anh: 20 |
ĐH Hồng Đức | 9/10 | trừ SP tiếng Anh: 17. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét