Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Bảo tàng và 300.000 đồng trợ cấp cho giáo vi


Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Thứ Ba,  27/9/2011, 08:35 (GMT+7)
 

 

 

 

(TBKTSG) - UBND thành phố Hà Nội vừa duyệt hồ sơ thiết kế nội dung trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội. Theo quyết định này, Hà Nội sẽ chi 775 tỉ đồng từ ngân sách để thiết kế không gian trưng bày bên trong và bên ngoài cho bảo tàng theo các chủ đề: Rồng thiêng - linh hồn; lịch sử văn hóa của Hà Nội - một thành phố lớn; Hà Nội thời dựng nước Văn Lang và Âu Cơ; các cuộc khởi nghĩa chống phong kiến phương Bắc và buổi đầu thời tự chủ Ngô - Đinh - Tiền Lê…
Với khoản chi thêm này, tổng kinh phí đầu tư để xây dựng Bảo tàng Hà Nội sẽ lên đến gần 2.800 tỉ đồng.
Trong khi đó, tại một địa phương cách Hà Nội khoảng 200 ki lô mét, hơn 60 giáo viên mầm non ở xã Mậu Lâm, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã đồng loạt bỏ nghề dạy học vì không thể sống nổi với đồng lương. Họ là những giáo viên hợp đồng, hàng tháng mỗi người chỉ được trợ cấp 985.000 đồng. Nhưng sau khi trừ đi các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và phí công đoàn… mỗi người chỉ còn lãnh được 480.000 đồng. Số tiền này còn không đủ nuôi sống bản thân người giáo viên, nói chi đến việc lo cho con cái.
Mặc dù sau đó những giáo viên này đã quay trở lại với công việc dạy học, sau khi phòng Giáo dục huyện Như Xuân cam kết sẽ trợ cấp thêm cho mỗi người 300.000 đồng/tháng, nhưng lãnh đạo phòng giáo dục huyện cũng chưa biết lấy đâu ra số tiền, dù rất nhỏ bé ấy, để thực hiện lời hứa.
Tuy đã thoát khỏi nhóm các nước nghèo và bước vào ngưỡng của một nền kinh tế đang phát triển, nhưng không phải vì thế mà nguồn lực tài chính của Việt Nam đã dồi dào. Trái lại, ngân sách của Chính phủ vẫn trong tình trạng thiếu trước hụt sau. Rất nhiều vấn đề xã hội cấp bách vẫn đang xếp hàng chờ Nhà nước.
Hoàn cảnh đó không cho phép chúng ta bay bổng trong chi tiêu. Mỗi đồng ngân sách chi ra, dù là từ nguồn trung ương hay của địa phương, cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng, để số tiền eo hẹp đó thực sự đến được những địa chỉ cần thiết và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội tốt nhất cho nước nhà.
Xây bảo tàng không phải là không cần thiết, nhưng đây chưa phải nhu cầu cấp bách. Chúng ta vẫn có thể đợi thêm 5 năm, 10 năm nữa hoặc thậm chí là lâu hơn, cũng chẳng mất mát hay thiệt hại gì. Nhưng các thầy, cô giáo ở xã Mậu Lâm thì không thể chờ đợi.
2.800 tỉ đồng có thể không phải quá lớn đối với ngân sách của các thành phố lớn, nhưng với một tỉnh nghèo như Thanh Hóa, thì đây là con số khổng lồ. Nếu có được số tiền này, Thanh Hóa có thể trợ cấp cho gần 11.000 giáo viên hợp đồng thêm 1 triệu đồng/tháng mỗi người trong 20 năm. Từ so sánh đó, chúng ta hãy thử nghĩ xem, giữa xây bảo tàng và chăm lo đời sống của những giáo viên nghèo khổ, đâu là việc nên làm và đâu là chỗ tiền ngân sách nhà nước phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội tốt hơn?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét