Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Vài chuyện hậu trường giảm tải sách giáo khoa - (PLTP)


Định lượng giảm tải bằng tỉ lệ phần trăm: Thiếu thận trọng! Chưa có văn bản chỉ đạo đã công bố nội dung giảm tải.
Sau một tháng Bộ GD&ĐT triển khai chủ trương giảm tải chương trình sách giáo khoa (SGK) bậc phổ thông đã có quá nhiều tiếng kêu như “Giảm tải mì ăn liền”, “Giảm tải chương trình SGK - dục tốc bất đạt”...
Bằng một ngôn ngữ tế nhị, ông Ngô Trần Ái, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, cho chúng tôi cảm nhận, một cách thực tế chứ không phải suy đoán, hậu trường “công cuộc” giảm tải quy mô toàn quốc này đã được chuẩn bị trong thời gian như thế nào. Và quan hệ của các chủ biên - người cắt giảm ra sao. Cũng như quan niệm coi giảm tải SGK là phương tiện duy nhất để đạt mục tiêu học sinh học… bớt nặng!
. Thưa ông, đến giờ này ở góc độ của đơn vị tham gia làm SGK, chắc ông đã “nghe” ý kiến của dư luận xung quanh những bất cập của cung cách giảm tải chương trình SGK hiện nay?
+ ÔngNgô Trần Ái: Chúng tôi biết thế nào rồi dư luận xã hội cũng sẽ lên tiếng về những bất cập trong cách làm giảm tải hiện nay. Nhưng cũng xin nói rõ, NXB Giáo dục Việt Nam không tham gia vào việc giảm tải này.
Chưa có văn bản chỉ đạo đã công bố nội dung giảm tải
. Nghe nói việc giảm tải này do cán bộ Vụ Giáo dục Tiểu học và Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT trực tiếp thực hiện?
+ Bộ có thành lập các hội đồng, trong đó có một số chủ biên, tác giả và một số giáo viên họp bàn bạc một số ngày để đề xuất các vấn đề giảm tải, sau đó các vụ chức năng xem xét cân nhắc trình Bộ duyệt.
. Chỉ “một số” ngày? Ông có ý kiến gì khi dư luận đặt tên cho việc làm giảm tải hiện nay là “giảm tải mì ăn liền”?
+ Có lẽ là muốn nhấn mạnh đến tính chất vội vã của việc thực hiện chủ trương giảm tải, một chủ trương vốn đúng đắn và cần thiết. Nhưng thực hiện lại cực kỳ phức tạp, khó khăn. Thực trạng quá tải là có thật song do nhiều nguyên nhân không chỉ ở SGK. Do đó muốn giải quyết phải có thời gian.
Giảm tải không chỉ là việc nêu ra các nội dung cần giảm tải mà quan trọng hơn, cần có văn bản được biên soạn một cách công phu để chỉ đạo việc thực hiện cụ thể từng nội dung giảm tải (từ khâu giảng dạy trên lớp cho đến việc hướng dẫn sử dụng SGK, các tài liệu bổ trợ…). Tôi nghĩ: Chừng nào chưa có văn bản đó thì có lẽ chưa nên công bố nội dung giảm tải.
. GS Phạm Tất Dong, PCT Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng: Cách làm bài bản là phải thành lập hội đồng, mời những chuyên gia trong ngành của từng môn học, thậm chí có chuyên gia nước ngoài đến xem xét lại chương trình, xem xét trình độ kỹ thuật của Việt Nam đi theo hướng nào, thế giới đi theo hướng nào để định hướng kiến thức Việt Nam dạy gì và không dạy gì.
+ Về vấn đề này, xin dành câu trả lời toàn diện, đầy đủ cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
. Và GS Dong lo lắng cho rằng do bị sức ép của dư luận, Bộ GD&ĐT bèn vội vàng triển khai giảm tải nên sẽ không hiệu quả. Ông có nghĩ như vậy không ?
+ Theo chúng tôi, đề nghị trên của GS Phạm Tất Dong là đúng đắn. Song thời điểm làm điều trên phải đúng lúc bắt tay - có thể ngay từ bây giờ - xây dựng chương trình mới. Còn trước mắt, ở thời điểm SGK hiện hành đã được sử dụng gần 10 năm (đối với lớp 1 và lớp 6) và đã có những bước khởi động làm chương trình mới, chỉ nên thực hiện giảm tải như thế nào cho phù hợp.
Dù Bộ GD&ĐT đã nêu ra một số chủ trương và biện pháp, vẫn-là-điều-cần-suy-nghĩ-tiếp.
Giảm tải đâu phải chỉ là cắt xén
. GS-TS Nguyễn Minh Thuyết đã từng nêu vấn đề: “Có lần GS Nguyễn Lân Dũng giơ trước chúng tôi một cuốn SGK lớp 11 của Nepal dày 800 trang. Những cuốn SGK của Mỹ, Pháp mà tôi và nhiều học giả khác được tiếp cận cũng có độ dày tương tự. Vì lẽ đó mà tôi cho rằng giảm tải không phải là làm mỏng SGK mà vấn đề cốt yếu nhất là giáo viên dạy như thế nào”.
+ Tôi tán thành ý kiến này, các cháu học nặng vì rất nhiều yếu tố như phương pháp dạy học, điều kiện trang thiết bị, thời gian tự học, số lượng các môn học, số lượng học sinh trong mỗi lớp, năng lực giáo viên…
Không chỉ GS Nguyễn Lân Dũng mà cán bộ biên tập NXB Giáo dục Việt Nam chúng tôi có thể trình làng những cuốn SGK ở các nước phát triển không chỉ là 800 trang mà còn hơn 1.000 trang, thậm chí đến 1.200 trang. Vấn đề cần rút ra ở đây là mức độ quá tải không lệ thuộc, tỉ lệ thuận với độ dày mỏng của sách. Giáo viên giỏi, học sinh có điều kiện học tập, SGK có thể dày, thậm chí một học sinh có nhiều bộ SGK khác nhau, việc dạy - học vẫn có thể nhẹ nhàng, thoải mái. Ngược lại, nếu giáo viên yếu, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chương trình không tốt, học chay… thì có khi SGK mỏng, học sinh vẫn kêu là nặng.
Điều đó cho thấy muốn giải quyết tận gốc chuyện quá tải, phải giải quyết đồng bộ nhiều khâu.
Thiết bị dạy quá kém chất lượng, làm sao giảm tải?
. Theo Công văn số 5842/BGDĐT-VP ngày 1-9-2011 của Bộ GD&ĐT, giảm tải để giáo viên dùng thời gian vào việc tiến hành đổi mới phương pháp dạy học, tạo điều kiện cho học sinh tìm hiểu kỹ hơn nội dung không giảm tải. Điều này đúng trên lý thuyết nhưng thực tế liệu có làm nổi?
+ Muốn đổi mới phương pháp dạy học thì phải có thiết bị đồ dùng dạy học kèm theo. Mỗi năm Nhà nước chi khoảng 1.000-1.500 tỉ đồng (chưa kể kinh phí các địa phương hỗ trợ việc mua sắm thiết bị) để trang bị đồ dùng dạy học cho các trường, tiếc rằng đến nay hầu hết đồ dùng này đã hư hỏng, do sản xuất kém chất lượng, không sử dụng được, để kho lâu ngày sẽ hư thôi.
. Hàng ngàn tỉ đồng để mua thiết bị kém chất lượng, nghe xót ruột thật, ông có ví dụ cụ thể nào không?
+ Báo cáo của Vụ Trung học Phổ thông Bộ GD&ĐT đã nêu ra những hạn chế, yếu kém của một số thiết bị như đồng hồ đa năng điện tử trong thí nghiệm vật lý lớp 11; cân hiện số chưa chính xác; thiết bị thủy tinh dạng ống không có hộp bảo vệ, một số hóa chất còn chưa đảm bảo chất lượng. Mô hình phân tử ADN sản xuất đại trà ở một số đơn vị chất lượng chưa đảm bảo đúng bộ mẫu.
Không có thiết bị dạy học, chỉ dạy chay thì làm sao đổi mới phương pháp dạy học được.
. Xin cảm ơn ông.
Chủ biên không đồng tình, người cắt cứ cắt!
. Dư luận có quá nhiều băn khoăn về các nội dung giảm tải, chẳng hạn địa lý và lịch sử bị cắt giảm khá nhiều so với môn khác, chưa kể hàng loạt điều bất ổn khác trong việc cắt xén SGK theo kiểu “giảm chữ, giảm trang”, gây khó khăn cho thầy và trò. Ở góc độ nhà làm SGK, ông nhận định thế nào?
+ ÔngNgô Trần Ái: Hệ thống chương trình SGK luôn mang tính kết nối lôgic với nhau giữa các bài học, môn học và cấp, lớp. Do đó việc “giảm tải” phải đặt trên việc xem xét lại cả hệ thống chương trình chứ không đơn giản chỉ là cắt cơ học, vụn vặt từng bài, sẽ gây hổng kiến thức cho học sinh ở những phần học khác. Chỉ xin vài ví dụ:
Ở Chương II của Hình học 10, tài liệu giảm tải đề nghị không dạy Xoắn 1 mà chỉ giới thiệu bảng lượng giác của các góc đặc biệt nên học sinh không tính được hàm số lượng giác của các góc trên 90o ở các phần sau đó.
Có tình trạng hội đồng đề nghị giảm tải nhưng chủ biên lại đề nghị bảo lưu. Đoạn trích Sau phút chia ly của Chinh phụ ngâmNgữ văn 7 được đưa vào phần giảm tải vì lý do khó dạy nhưng chủ biên và không ít giáo viên lại cho rằng không hẳn thế. Điều quan trọng hơn, SGK môn Ngữ văn viết theo hướng tích hợp, các phân môn phải phục vụ lẫn nhau. Trong lúc học Sau phút chia ly ở phần văn học thì Tiếng Việt dạy điệp ngữ mà đoạn trích Sau phút chia ly được mọi người thừa nhận là văn bản vận dụng thành công nhất thủ pháp tu từ điệp ngữ, không chỉ trong Chinh phụ ngâm mà có thể nói, trong toàn bộ lịch sử văn học dân tộc. Tại sao lại bỏ lỡ “cơ hội vàng” đó để thực hiện hướng tích hợp? Chưa hết, chương trình còn yêu cầu cho học sinh biết - dù là sơ bộ - các thể thơ, trong đó có thể song thất lục bát. Đoạn trích nói trên cũng là ngữ liệu duy nhấtNgữ văn 7 viết theo thể song thất lục bát. Vậy gác đoạn trích đó ra ngoài, khi giới thiệu thể song thất lục bát, giáo viên lấy gì làm ngữ liệu?
. Nghĩa là ông muốn chỉ ra tình trạng có cắt nhưng cắt chưa trúng chỗ? Lo giảm “lượng” chứ không chú ý vấn đề “chất”…
+ Đã có ý kiến cho rằng môn toán có thể bớt 30% và chỉ cần dạy những gì cần cho cuộc sống. Tôi cho đó là ý kiến thiếu thận trọng. Vấn đề không phải là bớt bao nhiêu phần trăm mà là bớt có “trúng” hay không, đó mới là cái khó. Còn cái gì là “cần” đối với mỗi bộ môn là cả một câu chuyện dài, đặc biệt với những môn có tính chất “công cụ” như toán học.
Trên đại thể, trong điều kiện hiện nay, bớt nội dung dạy trực tiếp trên lớp là chính, song nói thế không loại trừ một vài trường hợp có thể nên thêm.
Chẳng hạn, SGK Giải tích 12 - chuẩn vì không có phần dạy tìm điểm uốn, quãng lồi, quãng lõm nên học sinh cũng không thể vẽ được thật chuẩn xác đồ thị hàm bậc ba có đạo hàm vô nghiệm.
MAI LAN thực hiện 
  • BẠN ĐỌC (trinhhuugia...@gmail.com) (01/10/2011 - 09:15)
    Giảm tải kiểu này cũng giống cải cách thủ tục hánh chính của ta thôi, trước 5 ngày giờ xuống 3 ngày là báo cáo thành tích, nhưng cái quan trọng là cái thủ tục đó vẫn còn nguyên xi.
    Sách giáo khoa không những thừa mà còn thiếu, bọn trẻ con còn đang đi tìm thêm nhiều thông tin mới mà chúng cần ở mọi nơi cơ. Cái mà chúng cần là cải cách cho chúng học những gì chúng thích học và chúng có năng khiếu học, đừng bắt chúng đánh vật với những cái chúng không thể học nổi.
    Đứa có năng khiếu tự nhiên thì cho nó học các môn tự nhiên, dứa yêu văn chương thì cho nó học văn, đứa không có năng khiếu ca nhạc thì chỉ cần nó hát được bài quốc ca là được rồi, đứa không giỏi thể thao chỉ cần nó thuộc bài thể dục buổi sáng...
    Còn sách giao khoa càng nhiều thông tin càng tốt, những thông tin mà chúng thực sự có năng khiếu chúng chẳng hề sợ, chúng còn đọc ngấu nghiến...
  • NGUYỄN ĐỨC HUY (duchuy...@yahoo.com.vn) (01/10/2011 - 03:30)
    Theo tôi giảm tải là cần thiết nhưng phải tiến hành thận trọng. Tôi thấy hiện nay thời gian học trên lớp quá nhiều do tăng số môn học (nhiều ngày 5 tiết/buổi). Ta nên nghiên cứu giảm một số môn học hoặc tích hợp lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét