Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Thuốc giải cho nền giáo dục Đại học Việt - (VNN)


- Trước những bất cập ngày một gia tăng, có lẽ đã đến lúc phải phân tầng ĐH - phân định rõ ĐH nghiên cứu và ĐH đại chúng để khâu quản sát với thực tế các trường hơn. 

Tuyển sinh Đại học năm 2011
Không đủ sức răn đe
Trong mấy năm gần đây, số trường vì sự tồn tại bất chấp các quy định để tuyển được sinh viên diễn ra công khai hơn.
Câu chuyện của ĐH Nguyễn Trãi là một điển hình. Tháng 7/2008, Bộ GD - ĐT đã đánh giá Trường ĐH Nguyễn Trãi (Hà Nội) muốn mở nhiều ngành đào tạo, liên kết nhiều cấp đào tạo không có trong đề án, chưa hình thành được bộ máy tổ chức, chưa ký hợp đồng với cán bộ, giảng viên cơ hữu, tùy tiện trong quảng cáo về ngành nghề đào tạo, liên kết đào tạo trong và ngoài nước khi chưa được Bộ GD-ĐT cho phép mở ngành.
Chỉ 2 tháng sau, trường lại có thể chuẩn bị đủ các điều kiện và được phép tuyển sinh khóa đầu tiên lên đến 800 chỉ tiêu cho bốn ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng và kế toán (?!)
Những yếu kém của các ĐH mới thành lập hoặc nâng cấp đã được cảnh báo từ trước và không phải cơ quan quản lý nhà nước không nhìn ra. Nhưng hàng năm, họ vẫn được Bộ giao chỉ tiêu tuyển sinh, được xem xét duyệt mở ngành đào tạo. Thực tế này tồn tại là bởi cơ chế "xin - cho", và nếu "xin không cho" thì các trường vẫn liều mình "xé rào", bởi nếu bị "sờ" đến thì họ cũng sẵn sàng chịu phạt.
Không khó để thấy những nguyên nhân của thực trạng này: Bộ GD-ĐT không "đủ sức" đi và giám sát chất lượng định kỳ tất cả các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ; các trường học ngành học gia tăng nhanh chóng trong khi tỷ lệ học sinh có nhu cầu học ĐH hàng năm không tăng; các trường bị khống chế bằng điểm sàn để "đảm bảo chất lượng".
Chấm dứt "xin -cho"
Mới đây, góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục ĐH lần 5 - nguyên phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Lê Viết Khuyến cho rằng, để giải quyết bài toán giáo dục ĐH Việt Nam đang rối thì cần sớm ban hành Luật để tái cấu trúc lại hệ thống.
Theo ông Khuyến, cơ chế quản lý hiện nay vẫn là nhà nước (Bộ GD-ĐT) ban hành các quy định rồi giám sát, kiểm tra... và các trường tiếp nhận. Các trường muốn "xé rào" thì chạy lên "xin". Với cơ chế quản lý một chiều như vậy nên vẫn chưa giải quyết được vấn đề "xin - cho". Do đó cần có tổ chức kiểm định độc lập, xóa bỏ cơ chế "xin - cho".
Có nghĩa, nhà nước chỉ cần đặt ra chuẩn (về chương trình, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên...) tối thiểu các trường phải thực hiện được. Việc giám sát phải do Hội đồng trường gồm những người đại diện cho xã hội đưa ra phán quyết và giám sát hoạt động của trường có theo chuẩn không - chứ không phải nhà nước.  Ngoài ra cần có tổ chức kiểm định, kiểm toán cùng giám sát. Khi đó nhà nước căn cứ kết quả kiểm định để đưa ra phán quyết cụ thể.
Trong kiến nghị của Đoàn giám sát Ủy Ban thường vụ Quốc hội với Chính phủ ngày 12/4/2010, GS Đào Trọng Thi khẩn khoản: "Trong việc thành lập trường và đảm bảo chất lượng đào tạo, đề nghị Chính phủ dành ưu tiên cho việc thành lập trường các trường ngoài công lập có vốn đầu tư lớn; Chỉ mở thêm những trường ĐH, CĐ của địa phương khi ngân sách địa phương đủ đầu tư cho nhà trường để đảm bảo chất lượng đào tạo..."
"Cùng với đó, hạn chế mở rộng quy mô đào tạo không chính quy và đẩy nhanh tiến độ kiểm định các trường ĐH, CĐ và công khai kết quả kiểm định, làm cơ sở phân loại các trường" - ông Thi nói.
Phân tầng giáo dục ĐH
Vẫn theo ông Khuyến thì ở các nước có nền giáo dục tiên tiến họ phân định rõ ba loại hình trường thuộc hệ thống trường công chịu sự can thiệp của nhà nước. Loại thứ nhất là ĐH đẳng cấp cao nhất (ĐH nghiên cứu). Những trường này không đào tạo trình độ trước cử nhân, mà chỉ đạo tạo ĐH và sau ĐH. Trong đó chú trọng đào thạc sĩ và tiến sĩ.
Loại thứ hai là ĐH thông thường - có cả nghiên cứu và giảng dạy nhưng thiên về giảng dạy nhiều hơn. Loại trường này không chú trọng đến đào tạo sau ĐH. Loại thứ ba là các trường ĐH cộng đồng được rải khắp nơi đáp ứng nhu cầu của đa dạng người học.
Song song với đó là hệ thống các trường tư hoạt động không có sự can thiệp của "bàn tay" nhà nước. Trường nào được kiểm định thì bằng đào tạo ra sẽ được thị trường chấp nhận, nhưng cũng có rất nhiều trường không được kiểm định.
Còn ở Việt Nam thì hệ thống giáo dục ĐH đang rối, cần có Luật để tái cấu trúc lại hệ thống. Nói như GS Phạm Phụ (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) thì giáo dục ĐH phải được phân tầng. Tức là, ngoài ĐH tinh hoa - chương trình học mang tính nghiên cứu, cần có ĐH cộng đồng ở các địa phương nhằm tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với những ĐH cộng đồng thì yêu cầu về cơ sở vật chât, chương trình học cũng nhẹ hơn ĐH nghiên cứu.
Kế đến là các ĐH tại chức - thực hành nhằm tăng cường nội dung thực hành sát với đời sống việc làm. Tầng cuối cùng là các ĐH mở, ĐH từ xa, ĐH trực tuyến nhằm phổ cập kiến thức cho người dân có nhu cầu. Các tầng ĐH đó phải liên thông với nhau để tạo cơ chế học tập mềm cho người học.
BOX giữa bài: Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh trên thế giới thì năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn ở dạng trung bình, cách Singapore đến hơn 50 bậc, cách Thái Lan khoảng 30 bậc, cách Malaysia cũng đến 50 bậc - Nguyễn Minh Thuyết

Dừng mở trường và nên đóng bớt lại
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, để xảy ra những bất cập nêu trên là hậu quả của việc mở trường ĐH tuỳ tiện, không có tính toán, không có quy hoạch -  đây cũng là một loại bệnh thành tích.
GS. Thuyết phân tích: "Người ta chỉ nhìn thấy mỗi vấn đề có thể "chạy" nhanh được đó là số lượng: mở thêm trường, tăng người đi học, bất kể chất lượng.
Chiến lược phát triển nhân lực đến năm 2020 thì cũng vẫn chạy theo số lượng. Tức là đến năm 2020 sẽ có 573 trường ĐH, CĐ và bình quân số sinh viên/ vạn dân là 400-450.
Nhiều ĐH mở ra chỉ đào tạo không có nghiên cứu (nhất là trường tư). Thầy không nghiên cứu thì làm sao dạy được. Đào tạo mà không gắn với thị trường lao động thì đào tạo vứt đi.
Nếu trường nào chạy theo lợi nhuận thì phải chấp nhận quy luật thị trường. Tức là nên đóng cửa và nên đóng cửa bớt một số trường hoặc chuyển sang loại hình đào tạo gì hấp dẫn người học hơn. Không nên tiếp tục mở thêm trường ĐH nữa trừ một số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc thù mà chưa có trường ĐH để tạo điều kiện cho dân.
Song song với đó, cần phải nhanh chóng có một cơ quan kiểm định chất lượng. Đồng thời phải tăng cường thanh tra, kiểm tra. Để đảm bảo chất lượng cần giám sát việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh và không hạ điểm sàn.
Một vấn đề cũng cần nhìn nhận thẳng thắn là Việt Nam hiện đã có thị trường giáo dục rồi - không thể nói là không có. Nên thừa nhận thực tế này để có thể phân biệt trường vì "mục đích lợi nhuận" và "không có mục đích lợi nhuận", từ đó có chế độ khác nhau giữa các trường".
  • Kiều Oanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét