Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Sóng gió giáo dục ở Hàn Quốc và Chi Lê



(Toquoc)-Tại Hàn Quốc và Chilê, giáo dục đang trải qua sóng gió. Hàn Quốc  chính phủ chống lại “giáo dục khổ sai”; Chilê để đảm bảo quyền bình đẳng bằng một hệ thống giáo dục công.
Điểm chung của cuộc đấu tranh để cải cách giáo dục tại hai quốc gia này là đòi hỏi nâng cao chất lượng giáo dục.
Chilê: Chống bất bình đẳng trong giáo dục
Ngày 9/8, từ 60.000-100.000 người đã biểu tình ở Santiago (Chilê) yêu cầu chính phủ miễn phí và đảm bảo chất lượng hệ thống giáo dục công cộng. Đây là lần thứ 5 trong vòng hai tháng trở lại đây, họ biểu tình yêu cầu chính quyền Đảng Bảo thủ của Tổng thống Sebastian Pinera thực hiện cải cách. Tại nhiều thành phố chính khác ở Chile như Arica, Valparaiso và Concepcion, người ta cũng biểu tình rầm rộ đòi cải cách hệ thống giáo dục.
Các cuộc biểu tình đã tăng lên đáng kể kể từ khi Tổng thống thuộc cánh hữu đầu tiên của Chile, Sebastian Pinera nhậm chức sau khi đất nước này trở lại chế độ dân chủ vào năm 1990, tuyên bố cắt giảm các chi phí giáo dục trên phạm vi rộng vào đầu năm nay.
Hoà khí của cuộc biểu tình đã bị phá vỡ khi một nhóm thanh niên đội mũ trùm kín mặt bắt đầu ném gậy và đá vào cảnh sát chống bạo động ở gần dinh thự tổng thống. Một số thanh niên khác đã đập vỡ các bóng đèn trên đường và phá vỡ các ô cửa sổ của những ngôi nhà bên đường, đồng thời đốt cháy một chiếc ô tô.  Một số sinh viên đã viết trên biểu ngữ cầm tay của mình: “Đã đến lúc phải đấu tranh, chứ không chỉ là đàm phán”.
Sinh viên muốn chính phủ chấp nhận hệ thống trường học công cộng mà ở đó 90% trong tổng số 3,5 triệu sinh viên của đất nước này có giáo dục. Hiện tại, chỉ có chính quyền địa phương thực hiện các yêu cầu của những người biểu tình.
Chile là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất so với các nước ở châu Mỹ Latinh. Tuy nhiên, đây cũng là quốc gia có sự chênh lệch về mặt thu nhập lớn nhất trong khu vực. Hầu hết sinh viên đều muốn chi phí cho ngành giáo dục sẽ được phân bổ hợp lý hơn bởi hiện tại, họ đang phải vay nợ để được học tại các trường đại học tư nhân. Thêm vào đó, các trường công quá ít và thiếu sự đầu tư; sự bất bình đẳng đã bám rễ, ăn sâu vào ngành giáo dục.
Tổ chức "Tập hợp xã hội vì nền Giáo dục công và miễn phí" (MSEPG) ngày 9/10 đã công bố kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu dân ý tổ chức trong 3 ngày qua, cho thấy 90% người dân Chilê ủng hộ yêu cầu cải cách giáo dục.
Theo MSEPG, đa số người dân Chilê đều trả lời “có” trong cả 4 câu hỏi về việc cần thiết xây dựng một nền giáo dục công và miễn phí ở mọi cấp; trao thêm quyền tự quyết cho các cơ sở giáo dục; cấm mọi hoạt động gây lợi nhuận từ ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục; và cần phải trưng cầu dân ý trong tiến hành cải cách giáo dục.
Đông đảo các sinh viên Chilê tham gia những cuộc biểu tình kéo dài trong nhiều ngày qua để thúc đẩy giáo dục đại học miễn phí, cho biết sẽ tiếp tục tẩy chay các cuộc thương lượng với chính phủ và sẽ tổ chức cuộc biểu tình lớn vào tuần tới đòi chính phủ đáp ứng các yêu cầu chính đáng của họ.
Hàn Quốc: Chống “giáo dục khổ sai”
Tổng thống Lee Myung-bak tuyên bố trong bài nhậm chức năm 2008: “Nền giáo dục chỉ chăm chăm vào cánh cửa đại học là điều không thể chấp nhận”. Ông đã đề ra những biện pháp ngăn chặn việc học thêm.
Theo tạp chí Time, ngăn chặn học thêm quá sức là một phần trong nhiệm vụ chế ngự “giáo dục khổ sai” ở xứ Kim chi. Nhưng đó lại là thực tế ở Hàn Quốc và gần như khắp châu Á. Năm 2010, 74% số học sinh Hàn Quốc tham gia học thêm. Chi phí trung bình mỗi em 2.600 USD/năm. Từ năm 1980, Hàn Quốc đã ra lệnh cấm học thêm. Nhưng đến nay, làn sóng này còn mạnh mẽ hơn.
Hiện tại hàng năm người dân Hàn Quốc dành số tiền tương đương 2% GDP cho học thêm. Mức giảm chỉ khiêm tốn ở con số 3,5% trong năm 2010 kể từ năm 2007, năm đầu tiên chính phủ theo dõi chi phí học thêm. Số giáo viên dạy thêm thậm chí nhiều hơn giáo viên ở trường. Nhiều giáo viên kiếm hàng triệu USD/năm nhờ dạy thêm, hoặc mở lớp học trực tuyến để tránh lệnh giới nghiêm.
Có thể học sinh nước này dành phần lớn thời gian để học, ngoại trừ lúc ngủ. Thời khóa biểu điển hình là học từ 8 giờ sáng đến 22 giờ hoặc 1 giờ. Cha Byoung-chul, cán bộ giáo dục quận Gangnam, Seoul, ray rứt kể: lúc ấy khoảng 23 giờ, đội tuần tra của ông phát hiện 10 học sinh chen chúc nhau học trên gác mái trường học. Cha trấn an họ trong bóng tối: “Sai phạm là ở hagwons. Các cháu có thể về”. Nhưng, đêm đó họ chỉ giải thoát được 10 trong số 4 triệu học sinh đang bị “bóc lột” trí não hàng đêm.

Nếu nhìn thoáng, nền giáo dục như Hàn Quốc thật tuyệt vời, khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng than phiền rằng học sinh Hàn Quốc đang bỏ xa học sinh Mỹ phía sau. Nếu không có nền giáo dục nhồi nhét, “rồng” Hàn Quốc không thể chuyển mình thành cường quốc kinh tế (hiện là nền kinh tế lớn thứ 13 thế giới).
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc lại lo ngại: nếu nền giáo dục không đổi mới thì tăng trưởng kinh tế sẽ sa lầy. Thêm vào đó, tỷ lệ sinh con ở nước này liên tiếp giảm do phụ huynh gặp khó khăn tài chính vì đầu tư giáo dục cho con. Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Lee Ju-ho chia sẻ: “Người Mỹ nhìn thấy tương lai tươi sáng ở hệ thống giáo dục nước tôi. Nhưng, chúng tôi lại không hài lòng với nó”. Những người tạo ra “tương lai đất nước” đang quyết tâm cải cách tận gốc rễ nền giáo dục. Các giáo viên và hiệu trưởng phải trải qua sự đánh giá nghiêm ngặt từ ý kiến của học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp. Ai không đủ tiêu chuẩn sẽ được đào tạo thêm. Giáo dục bằng đòn roi bị cấm triệt để.
Các trường trung học uy tín hoặc giảng dạy bằng ngoại ngữ đã bỏ tổ chức thi tuyển sinh riêng. Học sinh vào trung học được đánh giá toàn diện trong cấp học và qua một buổi phỏng vấn. 500 quan chức phụ trách tuyển sinh được bổ nhiệm vào các trường đại học với nhiệm vụ đánh giá sinh viên không chỉ qua điểm số mà còn qua năng lực…
Nâng cao chất lượng, bên cạnh những nội dung khác, là yêu cầu cấp bách đối với ngành giáo dục tại nhiều quốc gia. Việt Nam cũng không là ngoại lệ. “Cải cách giáo dục” ở nước ta thường được nêu lên, nhưng nhiều mặt của ngành giáo dục xuống cấp nghiêm trọng. Gần đây kết quả thi môn sử thấp một cách  thảm hại đã gióng hồi chuông báo động mới. Nhưng thành trì bảo thủ của giáo dục vẫn chưa cho phép đưa ra các cải cách đích thực. Giới khoa học lịch sử vẫn tranh luận những vấn đề trừu tượng. Trong khi vấn đề chất lượng dạy và học môn lịch sử không chỉ nằm ở một môn học duy nhất. Cũng không chỉ nằm ở việc dậy, việc học mà ở quan điểm giáo dục nhồi nhét kiến thúc, trình độ giao dục chung không nâng cao tính sáng tạo và thực tiễn thích ứng với các đòi hỏi của nền kinh tế và sự thay đổi đời sống trong nước và thế giới. Sách giáo khoa nặng nề một cách thảm hai. Giờ học thiếu cân đối… Chẳng cần bàn cãi gì nhiều, chỉ cần bỏ ngày học thứ bảy bắt buộc cho cả ba cấp phổ thông, tự nó đã giúp việc dạy và học cân đối lại toàn bộ. Đến bao giờ ở ta mới thực hiện được một nền giáo dục khoa học, hiện đại và thực tiễn?
Nguyễn Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét