Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

"Đã là lãnh đạo thì phải có liêm sỉ, phải biết xấu hổ"

Ông Vũ Quốc Hùng – Nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT TƯ Đảng:

Thứ hai 03/10/2011 06:27

(GDVN) - "Đã là lãnh đạo thì phải có liêm sỉ, phải biết xấu hổ, phải biết xin lỗi và dũng cảm nhận lỗi khi mình làm sai".
Thời gian gần đây có những vụ việc rất “lạ” như: Phó Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng một thành phố ghi chức danh của mình lên thiệp cưới con; Bí thư tỉnh ủy của một tỉnh phía Bắc nhận bằng Tiến sĩ mà có nhiều xe biển xanh đi theo chúc mừng; Vụ Phó Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương nhận bừa mình đi thi toán quốc tế năm 1982; Thứ trưởng một Bộ khai man bằng Tiến sĩ. Ông nhận định thế nào về tư cách những cán bộ này?

Ông Vũ Quốc Hùng: Những việc “lạ” như vậy cần có xác minh, kết luận của các cơ quan quản lý cán bộ đó. Nếu thật thế thì không thể chấp nhận, không nên bỏ qua, vì từ những việc này, chúng ta cần xem lại công tác tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, để khi có tý chức quyền họ không dễ dàng đánh mất mình như thế…

Đã là người lãnh đạo thì phải có liêm sỉ, phải biết xấu hổ, phải biết xin lỗi và dũng cảm nhận lỗi khi mình làm sai. Việc xin lỗi ở đây không chỉ là hình thức, mà phải trung thực, chân thành… kể cả khi cấp dưới làm sai thì cấp trên cũng phải tự xem xét lại trách nhiệm quản lý, giáo dục cán bộ của mình, chứ đừng nghĩ đổ lỗi cho cấp dưới là xong. Mong sao sẽ bớt dần đi loại cán bộ bị cấp dưới và nhân dân khinh, ghét.

Ông Vũ Quốc Hùng


Gần đây, dư luận đã nói nhiều về việc Thứ trưởng của một Bộ nọ không chỉ khai man bằng cấp mà còn vay tiền doanh nghiệp dưới quyền quản lý. Có ý kiến cho rằng, chuyện vay tiền không phạm luật, nhưng đó là điều không nên. Theo quan điểm của ông thì sao?

Ông Vũ Quốc Hùng: Đã là người cán bộ lãnh đạo – quản lý, thì việc chấp hành pháp luật và điều lệ, quy chế của tổ chức mình chỉ là điều tối thiểu, là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Muốn đạt điều kiện đủ thì trước mọi việc của mình phải tự xem xét liệu có “phản ứng phụ”; có vụ lợi, có hám danh không?

Nhân đây, tôi xin kể một câu chuyện: Lúc còn công tác, khi thấy cán bộ của coq quan mình có việc gì phải nhờ vả những cơ quan mà họ được phân công theo dõi, thì chuyện nhờ vả ấy (dù chính đáng) nhưng chúng tôi thường nhắc nhau: Việc này phải tránh, để lường trước những vấn đề tế nhị do nể nang nhau, mà gianh giới trắng đen khó phân biệt, cho nên đã là lãnh đạo thì làm việc gì cũng phải quang minh chính đại, tránh được tình trạng “há miệng mắc quai”.

Trong chuyện khai man bằng cấp của vị Thứ trưởng này cũng nhiều chi tiết cần được làm rõ. Người xác nhận bằng Tiến sĩ ấy là Vụ trưởng Vụ sau đại học (Bộ GD-ĐT), còn Bộ Y tế khi đề bạt cán bộ cũng không thẩm tra được bằng cấp đó. Vậy trách nhiệm thuộc về Bộ nào, thưa ông?

Ông Vũ Quốc Hùng: Nếu đúng là khai man học vị thì cả hai Bộ đều có lỗi, mà tôi xin nói thêm là ngoài hai bộ này thì Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương, UBKT Trung ương và các cơ quan tham gia xét chọn cán bộ cũng có một phần trách nhiệm, vì những cơ quan này đều có trách nhiệm trong việc xem xét đề bạt cán bộ. Vì thế, sau việc này, chúng ta cần phải rút kinh nghiệm, đề cao tính độc lập của từng cơ quan, không nên dựa dẫm vào nhau; nếu các đơn vị nêu trên đều tự xác minh thông tin thì làm sao có thể xảy ra chuyện gian dối về bằng cấp của vị lãnh đạo này trong suốt một thời gian dài như vậy được.

Trong điều kiện thông tin như hiện nay, để xác minh được những vấn đề khó hơn rất nhiều còn làm được, chứ nói gì tới một tấm bằng, chỉ có điều các lãnh đạo của những cơ quan chức năng có muốn làm hay không thôi.

Qua đây cũng cần nhấn mạnh: Đã là cán bộ lãnh đạo – quản lý thì cần đặc biệt chú trọng tới tính trung thực của cán bộ đó. Người xưa đã nói “Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá”.

Vậy nếu người xác nhận bằng Tiến sĩ của ông Thứ trưởng kia đã về hưu thì có bị xử lý không, thưa ông?

Ông Vũ Quốc Hùng: Cần phải căn cứ vào các quy định của luật pháp để xem xét trách nhiệm, kể cả khi đã về hưu cũng phải thực hiện theo quy định của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, theo tôi thì điều quan trọng hơn cả không phải chỉ là quy trách nhiệm cho ai đó trong sự việc xác nhận bằng cấp này mà lãnh đạo và tổ chức liên quan lấy đó là bài học sâu sắc, đừng làm việc một cách tác trách, tránh để cho những người xấu chui sâu, leo cao, gây hại cho dân.

Nhưng đã là lãnh đạo thì dễ có những mối quan hệ với nhau, thậm chí là thân thiết, vậy sẽ rất khó xử lý sai phạm? Nói vào vị trí của ông chẳng hạn, khi còn công tác có khi nào ông xử lý sai phạm của lãnh đạo là bạn mình không?

Ông Vũ Quốc Hùng: Con người ta ai cũng có mối quan hệ đa dạng; là cán bộ lãnh đạo – quản lý thì mối quan hệ càng phong phú, phức tạp hơn. Nhưng đã đứng vào hàng ngũ những người lãnh đạo, quản lý thì phải công tâm, vị tha. Mỗi khi phải tham gia xem xét kỷ luật đồng chí của mình, trong đó có người thân hoặc là cấp trên của mình… tôi cũng trăn trở lắm.

Nhưng tôi nghĩ đồng chí ấy bị kỷ luật thì ngăn được việc làm xấu, giảm được tác hại là cứu đồng chí đó và giảm đau khổ cho cấp dưới, cho dân. Có một đồng chí Ủy viên Bộ chính trị còn đương chức thường bảo “đồng chí Hùng ơi, hãy luôn nhớ: Quân pháp bất vị thân – đối với việc công đừng nể nang, né tránh”.

Những sự việc vừa nêu ở trên cho thấy công tác quản lý cán bộ đang có điều gì bất ổn, thưa ông?

Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi có lần tới nước Nhật. Họ không giàu tài nguyên, diện tích nhỏ, dân số không nhiều… vậy mà lại là một cường quốc kinh tế của thế giới. Vậy thì vì sao họ làm được điều đó? Mấu chốt của vấn đề ở đây chính là con người. Người Nhật rất trọng chữ tín, trọng danh dự, trọng văn hóa ứng xử…

Ở nước ta, bên cạnh nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý đã và đang là tấm gương sáng thì còn không ít người phải nói là chưa ổn, căn bệnh cậy chức cậy quyền còn xảy ra ở nhiều cấp và nhiều ngành.

Nhân đây tôi cũng muốn nói thêm, cần xử lý hiện tượng một số người thường khoe khoang mối quan hệ với cán bộ lãnh đạo có chức, có quyền để dọa dẫm các cơ quan chức năng. Vì vậy những người có trách nhiệm xem xét cần có dũng khí để thẩm tra xác minh nhằm đảm bảo được: Thứ nhất là để khẳng định sự trong sạch của cán bộ lãnh đạo bị mang tiếng, tránh lời ong tiếng ve; Thứ hai, nếu đúng là có ai đó đứng sau các cá nhân có hành vi tiêu cực thì cần báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để loại trừ sai phạm kiểu “đường dây”, hoặc “sân sau”.

Từ trước đến nay, hầu hết các cán bộ lãnh đạo, quản lý khi mắc sai phạm đều im lặng. Như vậy, phải chăng cách ứng xử của các vị lãnh đạo này là kém văn hóa, thưa ông? Vì ít ra họ phải biết thừa nhận sai lầm trước nhân dân, vì họ được bầu ra để phục vụ cho quyền lợi của dân?

Ông Vũ Quốc Hùng: Trong lịch sử của Đảng và Nhà nước cũng đã có trường hợp cán bộ lãnh đạo để tổn thất cho dân đã xin từ chức, xin lỗi dân, nhưng còn ít.

Tôi hoàn toàn ủng hộ văn hóa từ chức. Chúng ta nên có kiểm tra định kỳ để nhìn lại xem cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cương vị này cương vị kia có còn xứng đáng để tiếp tục gánh vác các trọng trách hay không, nếu thấy sai phạm (đặc biệt là sai phạm lớn về hành vi, đạo đức) thì phải cho nghỉ ngay. Việc cách chức hay miễn nhiệm, chúng ta đã đề ra rồi, nhưng chưa thực sự sát với thực tế; còn văn hóa từ chức thì tôi thấy không có. Như tôi đã nói ở trên, theo quan điểm của riêng tôi: đã là người lãnh đạo, quản lý thì phải có liêm sỉ, biết xấu hổ và biết nhận sai.

Theo ông thì các quan chức mắc sai phạm, đại đa số đều không từ chức một cách tự nguyện là vì sĩ diện hay còn có lý do gì khác?

Ông Vũ Quốc Hùng: Tất nhiên là họ vì sĩ diện, ai mà chẳng có sĩ diện, nhưng theo tôi khi đã mắc những sai phạm nghiêm trọng thì phải dũng cảm nhận lỗi, nếu làm được như vậy thì đó cũng là một điểm đáng hoan nghênh, bởi hành động ấy sẽ tạo ra những bài học thực tế cho những lớp cán bộ trẻ sau này.

Tuy nhiên, ngoài chuyện sĩ diện thì họ sợ mất quyền lợi. Việc không chịu chủ động từ chức còn giống như sự “mặc cả” với tổ chức để được thuyên chuyển công tác hoặc nếu buộc phải nghỉ thì cũng là “hạ cánh an toàn”.


Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến, ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Theo ông thì đâu là giải pháp để ngăn chặn và loại bỏ những cán bộ có tư cách đạo đức kém?

Ông Vũ Quốc Hùng: Muốn có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tốt thì trước tiên những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức lớn của Nhà nước phải tốt. Đó là những người phải chứng minh được năng lực thực sự qua học tập, qua thực tiễn – phải có tâm, có tầm, có đức và có tài.

Tiếp đó, cần xây dựng một loạt các quy định về việc công khai minh bạch trong tuyển chọn, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Việc này rất khó, nhưng không phải là không làm được. Bên cạnh việc tuyển chọn chặt chẽ như vậy còn phải giám sát cán bộ, thường xuyên nhắc nhở, bồi dưỡng nâng cao trình độ để họ có thể đảm đương được các trọng trách khác nữa, bởi “nhân vô thập toàn” nên không một ai có thể cùng lúc làm tốt tất cả mọi việc.

Theo tôi, trong công tác tuyển chọn cán bộ lãnh đạo thì việc đầu tiên phải quan tâm là đức độ của người được tuyển chọn, bởi nếu tuyển chọn người tài mà không đủ phẩm chất đạo đức thì anh ta chỉ bo bo lo cho bản thân, đặt quyền lợi của mình lên trên quyền lợi tập thể - đó là điều nguy hiểm nhất và là mầm mống gây họa. Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là chỉ chọn người có đức mà xem nhẹ cái tài, vì rằng “một người lo bằng kho người làm”, cho nên phải cân bằng một cách hài hòa.

Điều quan trọng với mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý là phải thu phục được nhân tâm, chứ không phải bằng uy quyền và điều đáng sợ nhất là cán bộ lãnh đạo tham lam vun vén cho cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi… hiện nay vẫn còn tồn tại không ít những cán bộ, quản lý như vậy và tất nhiên là cán bộ cấp dưới không nên phục, nhưng vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo nên họ chưa dám nói thẳng ra thôi.

Xin lỗi vì phải hỏi ông một câu tế nhị: Nếu ông ở vào vị trí của một quan chức cấp bộ, khi mắc những sai phạm đã quá rõ ràng thì ông có chủ động xin từ chức không?

Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi sẽ xin từ chức ngay! Quan điểm của tôi rất rõ ràng: Càng là cán bộ lãnh đạo cấp cao thì càng phải nghiêm túc. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới đây cũng đã nói rất thẳng thắn khi tiếp xúc với cử tri rằng: “Một con sâu làm hỏng nồi canh rồi, giờ nhiều con sâu thì rất nguy hiểm cho đất nước, do đó phải làm, phải hành động kiên quyết ngay từ bây giờ”.

Trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ này!


Ngọc Quang (Thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét