Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Không ế mới lạ! - (NLĐ)

Thứ Ba, 11/10/2011 23:51

Hiện số lượng hồ sơ sinh viên sư phạm ra trường nộp chờ phân việc tồn đọng khá lớn tại nhiều sở GD-ĐT trong khi chỉ tiêu tuyển dụng của các trường có hạn, có môn chỉ tuyển rất ít mà số người chờ xin việc thì nhiều

Việc mất cân bằng cung cầu nhiều năm liên tiếp tất yếu dẫn đến lượng hồ sơ dồn ứ khiến nhiều sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp, đất nước lãng phí nguồn nhân lực.
Lý giải về nguyên nhân này, một số cán bộ quản lý giáo dục cho rằng số trường ĐH sư phạm ở nước ta không nhiều; mỗi năm, sinh viên sư phạm ra trường không dư bao nhiêu so nhu cầu tuyển dụng giáo viên để đủ chỉ tiêu biên chế và bổ sung lượng giáo viên nghỉ hưu tại các tỉnh. Tuy nhiên, hồ sơ xin dạy học tăng cao do ngày càng có nhiều sinh viên các trường ĐH học ngoài hệ sư phạm cũng nộp đơn xin vào ngành giáo dục.
Để đủ điều kiện trở thành giáo viên, các sinh viên tốt nghiệp ngoài ngành chỉ cần hoàn thành chứng chỉ sư phạm đều có thể xin đi dạy. Một minh chứng rõ nhất là hiện trong các trường phổ thông, nhất là cấp THPT, có rất nhiều thầy, cô giáo không học ĐH sư phạm.
Năm 2011, tại Trường ĐH Quy Nhơn, điểm chuẩn ngành sư phạm toán là 16 trong khi hệ ngoài sư phạm chỉ 13. Điều đó cho thấy rằng những sinh viên đậu vào sư phạm có học lực khá hơn. Thế nhưng, trong quá trình học, theo cơ chế, các sinh viên ngành khác theo học nghiệp vụ sư phạm nghiễm nhiên ngang hàng với các sinh viên ngành sư phạm. Chính sự chênh lệch này đã đẩy nhiều sinh viên sư phạm dù tốt nghiệp bằng khá, giỏi thì ra trường vẫn thiếu chỗ dạy.
Hiện nay, các trường ĐH đều tạo điều kiện cho những sinh viên học ngoài sư phạm, đã có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đăng ký đi kiến tập, thực tập sư phạm ở các trường phổ thông như sinh viên sư phạm. Bất kỳ học ở trường ĐH nào, nếu muốn đi dạy chỉ cần có chứng chỉ sư phạm. Làm thế khác nào cào bằng, đào tạo “cửa sau”! Thay vì lập trình theo kiểu này, trong kế hoạch tuyển sinh, trường trực tiếp xin thêm chỉ tiêu sư phạm rồi hạ điểm chuẩn, lấy số nhiều, đào tạo sư phạm ngay từ đầu chắc chắn sẽ có chất lượng cao hơn.
Sinh viên trường ĐH sư phạm ngoài kiến thức chuyên môn còn phải học các môn tâm lý, sư phạm, phương pháp giảng dạy và được rèn luyện trong môi trường sư phạm suốt quá trình học. Trong khi sinh viên học ở các trường ĐH ngoài sư phạm, kể cả tại chức, liên kết, đào tạo từ xa… sau khi bổ túc nghiệp vụ sư phạm là được đánh đồng, thậm chí lấn chỗ với sinh viên sư phạm. Sinh viên sư phạm ra trường vì thế không ế mới lạ?
Các trường sư phạm hiện nay đang luẩn quẩn, mất dần vị thế và gần đây nhất, một số trường không còn tuyển đủ số lượng sinh viên trong khi nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm vẫn phải làm đủ nghề tay trái để mong một ngày được đứng trên giảng đường truyền đạt kiến thức đã trau dồi suốt 4 năm ĐH.
Đào Tấn Trực (Trường THPT Lê Thành Phương – Phú Yên)

  • hoahong26
    12/10/2011 07:39
    Sinh viên sư phạm bị chính sinh viên hệ ngoài sư phạm cạnh tranh chính là kiểu đào tạo sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi, đào tạo rồi đem con bỏ chợ. Trước kia trường sư phạm phân biệt rõ với trường tổng hợp. Ngày nay trong trường sư phạm vẫn có hệ cử nhân thật giả lẫn lộn, chính vì vậy mà các trường truyền thống năm nay không đủ chỉ tiêu dù tuyển đến NV3. Cảm ơn báo NLĐ đã cho đăng loạt bài "Lãng phí nguồn lực sư phạm". Điều này nó tạo cho các em học sinh có định hướng nghề nghiệp tốt, không bị lãng phí 4 năm đại học, ngành học mà mình biết chắc chắn sẽ gặp khó khi ra trường.
  • Cù Lần
    12/10/2011 16:24
    Ngày nay dù ít dù nhiều ngành nào cũng có chỉ tiêu. Nhưng chỉ sợ khi đi xin việc mà bạn không có ... mà thôi.
  • Quốc Đạt
    12/10/2011 16:28
    Ở các nước phát triển thì mức thu nhập (hệ số thu nhập) của người có tấm bằng Đại học và người có tấm bằng chỉ là chứng chỉ nghề chuyên nghiệp là không nhiều và phân biệt đối xử giữa Đại học và Học nghề hầu như không có. Do đó, học sinh học hết bậc PTTH có thể chọn cho mình con đường đi tiếp có thể vào Đại học hoặc Học nghề tùy vào nhu cầu thị trường cần và sở thích mỗi người. Họ không quan trọng lắm là phải vào Đại học cho bằng được như ở Việt Nam. Ví dụ 1 người tốt nghiệp kỹ sư cơ khí ra trường thì mức thu nhập là khoảng 3.000 USD/tháng thì người tốt nghiệp trường nghề bậc 3/7 ngành cơ khí cũng có mức lương tương đương là khoảng 2.500 USD/tháng - 2.800 USD/tháng. Còn tại Việt Nam thì chênh lệch thu nhập giữa hai tấm bằng này quá lớn và trong con mắt mọi người luôn đề cao người có bằng Đại học nên mới xảy ra tình trạng "thừa thầy - thiếu thợ" như hiện nay; nó ảnh hưởng đến nhân thức và tâm lý chung trong giới học sinh và bậc phụ huynh. Nếu tốt nghiệp Đại học ra thì có hệ số là 2,34; trong khi tốt nghiệp nghề chỉ là con số 1,64. Nhà nước cần xây dựng lại khung giá lương và hệ số lương; cần phải tăng hệ số cho bậc Trung cấp, cao đẳng, nghề sao cho chỉ thấp hơn đại học khoảng dưới 10%. Có như vậy thì mới giải quyết được bài toán "trọng Đại học - khinh trung cấp nghề" như hiện nay trong xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét