Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

“Hãy bắt đầu bằng việc khuyến khích học sử”

GS Phan Huy Lê

SGTT.VN - Sáng 11.10, hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo nhân kỷ niệm 45 năm thành lập hội và đặc biệt là công bố về quỹ Phát triển sử học Việt Nam. Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với chủ tịch hội – giáo sư – Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê về quỹ học thuật này.
Một cách học về cội nguồn lịch sử: tham quan Đền Hùng tại công viên văn hoá Thảo Cầm Viên TP.HCM. Ảnh: Hồng Thái
Thưa giáo sư, xin ông cho biết những thông tin cụ thể về quỹ Phát triển sử học Việt Nam?
Đây là một quỹ phi lợi nhuận, ra đời với mục đích đóng góp vào hai nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của khoa học lịch sử nước ta: thúc đẩy sự phát triển của nền sử học Việt Nam hiện đại và đào tạo nhân tài sử học cho đất nước. Thông qua các chương trình hỗ trợ tài chính, các giải thưởng được trao, chúng tôi khuyến khích các tài năng trẻ trong học tập và nghiên cứu lịch sử, động viên giới sử học nghiên cứu, công bố những đề tài lịch sử có giá trị khoa học và thực tiễn cao. Cụ thể như với đối tượng sinh viên, chúng tôi trao học bổng cho sinh viên thủ khoa ngành lịch sử của các trường đại học tại Việt Nam, sinh viên nghèo vượt khó để theo đuổi và học tập tốt ngành sử. Chúng tôi tài trợ cho các tác giả có công trình được đánh giá cao nhưng chưa có điều kiện in ấn, phát hành…
Phải chăng đây là một nỗ lực của hội Khoa học lịch sử trong bối cảnh chất lượng giảng dạy và học tập môn sử đang sa sút trầm trọng?
Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã có tiếng nói và hành động từ rất sớm trong trách nhiệm của chúng tôi về việc dạy và học môn sử hiện nay, cụ thể là hai lần tổ chức hội thảo chủ đề thực trạng dạy và học lịch sử ở các trường phổ thông. Tại đây, nhiều tham luận của các nhà nghiên cứu, các giáo viên trực tiếp giảng dạy lịch sử không chỉ “mổ xẻ” những nguyên nhân dẫn tới việc dạy và học lịch sử dân tộc chưa tốt mà còn có những kiến nghị cụ thể được đưa ra với bộ Giáo dục và đào tạo và các cơ quan liên quan. Nhưng rất tiếc, các kiến nghị này không được tiếp nhận một cách tích cực, và vì thế chúng ta vẫn phải đón nhận những con số đáng buồn như 1.000 bài thi sử điểm 0 ở kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng vừa qua.
Như vậy, hội đã nỗ lực thực hiện trách nhiệm tư vấn và phản biện của nhà khoa học. Nhưng chúng tôi thấy rằng không thể ngồi chờ các cơ quan có trách nhiệm mà cần có những hành động cụ thể hơn nữa. Sự ra đời của quỹ Phát triển sử học Việt Nam là một bước đi như thế.
Quỹ Phát triển sử học Việt Nam là ý tưởng được hội Khoa học lịch sử Việt Nam ấp ủ và vận động triển khai trong hai nhiệm kỳ của hội (mười năm). Ngày 23.9.2011, bộ Nội vụ ra quyết định cấp phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ Phát triển sử học Việt Nam. Quỹ hoạt động trên nguyên tắc sử dụng lợi tức từ nguồn kinh phí xã hội hoá (hiện nay là 4 tỉ đồng) để chi cho các hoạt động như giải thưởng, học bổng hay hỗ trợ học thuật.
Giáo sư có thể cho biết một số công việc trong thời gian tới quỹ sẽ thực hiện?
Tôi đồng tình với quan điểm của anh Dương Trung Quốc, rằng chúng tôi sẽ làm và không cần nói quá nhiều về dự định, để xã hội và chính giới truyền thông kiểm chứng và giám sát hiệu quả công việc của quỹ. Tuy nhiên, để minh chứng cho ý ở trên, xin nói tới một công việc mà chúng tôi đang thực hiện: vấn đề chủ quyền Biển Đông. Người dân Việt Nam ai cũng yêu nước nhưng chúng ta cần nhìn nhận rằng không phải ai cũng thực sự có thông tin và hiểu biết về chủ quyền biển của nước ta, về lịch sử vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa. Đó là thực tế cần khắc phục. Và hội Khoa học lịch sử Việt Nam đang phối hợp với liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam để xây dựng một hệ thống tư liệu phổ biến những thông tin từ cơ bản tới chuyên sâu về vấn đề này cho nhiều đối tượng. Quỹ Phát triển sử học Việt Nam sẽ tài trợ dự án đó.
Nhưng dường như các hoạt động của quỹ đang hướng nhiều tới hỗ trợ về học hơn là dạy sử?
Trước hết phải nói hội Khoa học lịch sử Việt Nam và quỹ không có trách nhiệm, cũng như không đủ khả năng và quyền hạn giải quyết toàn bộ vấn đề dạy và học sử hiện nay. Chúng tôi chỉ đang nỗ lực thúc đẩy những thay đổi tích cực về nhận thức và sự quan tâm, hiểu biết đối với ngành khoa học này. Phần việc rất lớn và rất quan trọng thuộc trách nhiệm của bộ Giáo dục và các cơ quan có trách nhiệm.
Hơn nữa, để gỡ vấn đề lớn này, theo cá nhân tôi, hãy bắt đầu bằng việc khuyến khích học sử. Lịch sử không phải môn học không hay và các bạn trẻ không học sử, không thích sử không phải lỗi của họ. Vấn đề là chúng ta chưa biết làm cho sử hay và chưa làm cho người trẻ thích sử. Vì thế chúng tôi thấy rằng khuyến khích người trẻ ham mê học sử, ham mê nghiên cứu là việc mình có thể và phải làm. Tất nhiên chúng tôi vẫn có những hỗ trợ cho việc giảng dạy và nghiên cứu nếu đó là những dự án, công trình nghiên cứu có giá trị.
bài và ảnh: Dung P.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét