Thứ Bảy, 15/10/2011 22:00
Chỉ cần một cú click chuột là trẻ em cũng như người lớn ở mọi nơi sẽ dễ dàng biết đến các trò chơi dân gian Việt Nam. Đó là công trình độc đáo của một học sinh lớp 5
Chủ
nhân của website Trò chơi dân gian Việt Nam trong tương lai, cậu bé
Nguyễn Kỳ Anh, học sinh lớp 5A Trường Tiểu học Yên Hòa, quận Cầu Giấy -
Hà Nội, tâm sự: “Trò chơi dân
gian là hồn dân tộc. Trò chơi dân gian rất giản tiện, không tốn kém nên
dễ dàng chơi mọi lúc, mọi nơi. Những trò chơi này lành mạnh, rèn luyện
sức khỏe, lại có tình đoàn kết nên em muốn thật nhiều bạn biết và chơi”.
Lớn lên với trò chơi dân gian
Ngôi
nhà của Kỳ Anh nằm khuất sâu trong con hẻm trên đường Cầu Giấy. Thiệt
thòi hơn so với bạn bè cùng trang lứa vì bố mẹ phải đi công tác xa nhiều
năm ở nước ngoài nên từ khi lọt lòng, Kỳ Anh ở với ông bà nội. Thiếu
thốn tình cảm của bố mẹ nhưng bù lại, em được ông bà dồn hết sự yêu
thương cho mình. Lớn lên trong vòng tay ông bà với những câu đồng dao và
trò chơi dân gian mà ông bà dạy dỗ, chỉ bảo, Kỳ Anh có được sự cảm
nhận, cái nhìn về cuộc sống một cách gần gũi, sâu sắc và rộng mở hơn.
Nguyễn Kỳ Anh say mê chỉnh sửa demo website Trò chơi dân gian Việt Nam
Năm 3 tuổi, Kỳ Anh đã
thuộc lòng các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, nu na nu nống…; lớn
hơn chút là ô ăn quan, chuyền, khăng, đánh đáo… “Mỗi trò chơi đều đòi
hỏi sự khéo léo, luyện trí nhớ, khả năng tư duy và rèn luyện thân thể.
Bà nội còn đọc thêm những câu đồng dao nên trò chơi dân gian đã ngấm vào
em lúc nào không hay”- Kỳ Anh cho biết.
Ngồi
cạnh cháu nội, bà Trần Hạnh Thảo nhớ lại: “Từ những trò chơi dân gian
mà giờ đây Kỳ Anh đã có một vốn từ vựng lớn và nhiều kiến thức về văn
hóa dân gian. Kỳ Anh còn được ông nội kể về nguồn gốc, lịch sử dân tộc
liên quan đến trò chơi dân gian như tinh thần thượng võ, truyền thống
đấu tranh giữ nước, tập tục văn hóa qua các trò đẩy gậy, kéo co, đấu
vật…”.
Kỳ
Anh cho biết em yêu thích nhất là trò chơi ô ăn quan. “Đây là trò chơi
của trẻ em người Kinh, có từ rất lâu đời và có tính chất chiến thuật,
thường dành cho 2 người. Ô ăn quan đã từng là trò chơi phổ biến ở khắp
ba miền nước ta nhưng đáng buồn là hiện nay, rất ít bạn trẻ biết đến.
Nhiều bạn chỉ thích game online hay các trò chơi hiện đại” - Kỳ Anh băn
khoăn.
Say mê sưu tầm, phổ biến
Trăn
trở về việc “không biết, chưa nghe, không thấy” với nhiều trò chơi dân
gian của bạn bè, từ năm học lớp 2, Kỳ Anh đã quyết tâm tìm hiểu và sưu
tầm thật nhiều trò chơi cổ truyền để phổ biến. Từ đó, hằng tuần, ông nội
của Kỳ Anh đưa em đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Qua sách vở,
internet, cậu bé đã có số vốn khoảng 70 trò chơi dân gian trên khắp mọi
miền Tổ quốc. Sự say mê, kiến thức về trò chơi dân gian của Kỳ Anh đã
không được cậu bé cất làm của riêng. Em đã tìm cách để chúng phổ biến,
lan tỏa đến nhiều bạn hàng xóm và chung trường.
Nhờ ông bà nội, Kỳ Anh có được niềm say mê các trò chơi truyền thống
Nguyễn Đức Nghĩa, bạn
cùng lớp với Kỳ Anh, hào hứng: “Em chưa bao giờ biết đến trò ô ăn quan
nhưng khi biết chơi, em cảm thấy nhiều điều thú vị chỉ từ những ô giấy
và viên sỏi; chơi xong lại không bị mệt mỏi. Với các bạn nữ trong lớp
thì trò chơi chuyền mà Kỳ Anh phổ biến rất lôi cuốn”. Nguyễn Ngọc Uyên,
bạn cùng lớp với Kỳ Anh, khen ngợi: “Trò chơi chuyền mà bạn Kỳ Anh chỉ
đã giúp em rèn luyện sự nhanh nhẹn và khéo léo”. Kỳ Anh tỏ ra ngượng
ngùng trước những lời khen tặng của bạn bè.
Hai
năm nay, từ sự ham mê của Kỳ Anh, Trường Tiểu học Yên Hòa đã đưa một số
trò chơi dân gian vào các hoạt động ngoại khóa của học sinh và chính
các thầy cô chủ nhiệm là những người trực tiếp hướng dẫn các em. Trò chơi dân gian cũng trở thành môn thi trong Hội khỏe Phù Đổng hằng năm của trường.
Mơ một website tiếng Anh
Kỳ
Anh nhận thấy chỉ phổ biến sự hấp dẫn của trò chơi dân gian ở trong
trường và nơi mình ở là chưa đủ, em còn muốn chúng phải trở thành “món
ăn tinh thần” của trẻ em Việt Nam ở khắp mọi miền Tổ quốc, nhất là các
bạn người Việt ở nước ngoài. Với sự giúp đỡ của ông bà, thầy cô, từ
tháng 5-2011, Kỳ Anh đã bắt tay hệ thống hóa lại tư liệu và xây dựng nền
tảng nội dung cho một website riêng về trò chơi dân gian trên mạng
internet.
Thầy
Lê Tiến Hải, phụ trách môn tin học Trường Tiểu học Yên Hòa, người trực
tiếp hỗ trợ Kỳ Anh xây dựng website, cho biết em là học sinh giỏi 4 năm
liên tiếp và là một cao thủ cờ tướng của trường, rất có năng khiếu về
công nghệ thông tin. “Dù còn nhỏ nhưng cậu bé đã tiếp thu, “nhảy cóc”
rất nhanh trước nhiều kiến thức công nghệ thông tin khó”- thầy Hải khoe.
Được thầy cô, gia đình
động viên, Kỳ Anh càng làm càng hăng và mới đây, bố em đã thưởng một
chiếc máy ảnh có chức năng camera để quay video clip các trò
chơi. Tính đến tháng 7-2011, khối tư liệu đồ sộ của 22 trò chơi dân
gian đã được Kỳ Anh hệ thống tập hợp lại trên một trang web demo.
Website có 3 phần: trang chủ, giới thiệu, trò chơi. Hàng loạt trò chơi
quen thuộc với trẻ em một thời được thể hiện ở đây: kéo co, ô ăn quan,
kéo cưa lừa xẻ, vật cù, đấu vật, cờ người, chọi trâu, chọi gà, đi cà
kheo, bịt mắt bắt dê, tập tầm vông, chi chi chành chành, nu na nu nống…,
kèm theo các bài đồng dao. Mỗi trò chơi đều có phần trình bày nguồn
gốc, hướng dẫn cách chơi, hình ảnh và video clip minh họa.
Phần mềm sáng tạo Trò chơi dân gian Việt Nam của Nguyễn Kỳ Anh vừa giành giải khuyến khích cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu
niên và nhi đồng toàn quốc năm 2011”, đồng thời nhận được sự đón nhận
của rất nhiều trẻ em và phụ huynh ở nhiều nơi. Dự kiến cuối tháng 10
này, website Trò chơi dân gian Việt Nam của Kỳ Anh sẽ chính thức ra mắt
trên mạng internet, với sự giúp sức trong thiết kế web, đăng ký tên miền
và hosting của một người chú.
Nói
về mục tiêu trong tương lai, Kỳ Anh mong muốn website Trò chơi dân gian
Việt Nam sẽ trở thành một diễn đàn mở để tất cả mọi người có thể vào
chia sẻ kiến thức, sự hiểu biết về các trò chơi dân gian để từ đó trẻ em
khắp nơi đều được biết. Kỳ Anh tiết lộ để nuôi “đứa con cưng”, website
sẽ thu tiền quảng cáo nhưng sẽ không thiết kế các trò chơi dân gian
online trên đó, vì như thế là lại thành game online, làm cho người chơi
sa đà và trẻ em chẳng thể rèn luyện thân thể. Cậu bé còn ước mơ làm
website bằng tiếng Anh để bạn trẻ nước ngoài hiểu về trò chơi dân gian
Việt Nam và họ có thể bổ sung các trò chơi của nước họ.
Ra
dáng vị “giám đốc” một website có thể “hot” trong tương lai, Kỳ Anh
khẳng định: “Website sẽ được đăng ký bản quyền và là tài sản theo em
suốt đời. Vì thế, em ước mơ được đi học thêm về đồ họa, thiết kế website
và sau này trở thành sinh viên Đại học FPT”.
Rèn kỹ năng sống cho trẻ
Hiệu
trưởng Trường Tiểu học Yên Hòa, bà Đỗ Thị Kim Loan, cho biết trò chơi
dân gian được lồng ghép trong giờ ra chơi và giáo dục thể chất của
trường từ gần 2 năm nay. Học sinh trong trường rất hào hứng với các trò
chơi dân gian và nhờ đó, số vụ tai nạn thương tích đã giảm đáng kể so
với thời gian trước do các em được rèn luyện các kỹ năng trong vận động.
Kỳ Anh và bản thuyết minh phần mềm sáng tạo Trò chơi dân gian Việt Nam
Theo
bà Loan, ngoài việc tập huấn kỹ năng cho giáo viên về hướng dẫn cách
chơi và quản trò, nhà trường còn sử dụng phần mềm của Kỳ Anh làm tài
liệu tham khảo nhờ tính trực quan, sinh động. Bà Loan khẳng định trường
sẽ hỗ trợ tối đa để Kỳ Anh mở website riêng và giới thiệu với cộng đồng.
“Đây là trang web rất bổ ích vì ngoài việc phổ biến trò chơi dân gian,
một phần giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc, trẻ em còn
được rèn luyện thể lực, trí lực và nuôi dưỡng tâm hồn bằng những câu
đồng dao giàu ý nghĩa, đầy tính nhân văn” - bà Loan nhận xét.
|
Bài và ảnh: Bảo Trân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét