Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

Bệnh vô cảm ngày càng nặng, vì sao?

Thứ Bảy, 01/10/2011 19:52

(NLĐO) - Ở nước ta hiện nay, vô cảm gần như trở thành một căn bệnh xã hội có sức lây nhiễm rất cao, người mắc cũng đủ dạng.., đó là vấn đề đạo đức rất đáng báo động. Tiến sĩ Tô Văn Trường có bài viết riêng cho Báo Người Lao Động, phân tích vấn đề này.

Hằng ngày, báo chí, truyền hình của chúng ta đưa quá nhiều thông tin về các vụ phạm pháp, có những vụ đặc biệt nghiêm trọng làm xôn xao dư luận, gây sốc cho tất cả mọi người. Xem và đọc những tin ấy, người ta căm phẫn đòi trừng phạt nghiêm khắc kẻ gây ra tội ác, có người còn muốn tự tay băm vằm kẻ thủ ác cho hả giận. Rồi người ta phàn nàn rằng: “Luật pháp của chúng ta chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Cần phải bổ sung, tăng khung hình phạt…!”. Nhưng cũng có những kẻ không gây ra tội ác, không thể bị pháp luật trừng phạt song hành vi của họ vẫn bị mọi người chê trách và lên án. Đó là những kẻ mắc bệnh “vô cảm”.
Vô cảm lây nhiễm khắp nơi
Trong y khoa không có bệnh vô cảm mà chỉ có trạng thái thờ ơ với ngoại cảnh và bệnh lãnh cảm (thường chỉ về tình dục). Theo nghĩa chúng ta dùng hiện nay, thì nên gọi đúng tên là thói vô cảm, để chỉ một lối sống, thói quen dần dần trở thành như một “bệnh”.

Ở nước ta hiện nay, bệnh vô cảm gần như trở thành một căn bệnh xã hội có sức lây nhiễm rất cao. Đối tượng mắc bệnh này rất rộng rãi, đủ loại người, bao gồm cả những người có học, hiểu biết rộng, tôn trọng luật pháp. Biểu hiện của bệnh vô cảm cũng thật đa dạng. Nhẹ nhất là người mắc bệnh, không biết nói lời “xin lỗi” khi làm sai và “cám ơn” khi được  giúp đỡ. Họ tiếc một tràng vỗ tay khi xem xong một tiết mục thể thao, văn nghệ (có lẽ chẳng ở đâu như nước mình tiếng vỗ tay trong khán phòng thường rời rạc và tẻ nhạt đến thế!).

Bệnh vô cảm nặng hơn khi người bệnh quên đi trách nhiệm cứu người, giúp người bị nạn. Chúng ta ai cũng từng chứng kiến cảnh những đám đông trên đường phố khi có vụ tai nạn hoặc va chạm. Người lao vào cứu giúp thì ít, kẻ hiếu kỳ xúm vào xem rồi lặng lẽ bỏ đi thì nhiều! Có kẻ vô cảm đến mức độ dã man, vô lương tâm là lợi dụng cơ hội cướp đoạt tài sản của người bị nạn. Tệ hại hơn nữa, là có kẻ còn lạnh lùng dùng điện thoại di động quay cảnh một người bị xe cán cụt chân, nát thây rồi tung cảnh quay ấy lên mạng.
15 giờ chiều 16-6-2011, người đàn ông này đi xe máy đến đoạn vòng xoay ngã năm An Dương Vương (đoạn giao nhau của các đường An Dương Vương - Trần Phú - Sư Vạn Hạnh thuộc phường 8 và 9, quận 5 - TPHCM) thì bị hai tên cướp đi xe máy từ phía sau giật giỏ xách. Anh ta giật lại, giỏ tiền bị rách, tiền bay lã tã...
... người đi xe đạp và xe máy xung quanh không giúp anh ta mà xông vào tranh nhau lượm tiền. Thật quá vô cảm! - Ảnh: TTO

Người vô cảm thường là nhút nhát, ngại phiền phức, họ không dám tố giác, ngăn chặn kẻ gây ra tội ác. Thậm chí chính họ lại gây ra tội ác một cách vô thức như có trường hợp lái xe ô tô ấn còi inh ỏi khi biết trước đầu xe của mình là hai mẹ con đèo nhau bằng xe đạp, kết cục bi thảm là hai mẹ con bị giật mình hoảng hốt, cháu bé ngã, bị ô tô cán chết! Trong trường hợp này, lái xe đã bị xử phạt nhưng nếu người lái xe ấy biết cảm thông, chia sẻ nỗi vất vả với mọi người xung quanh cũng đang chịu cảnh kẹt xe thì đâu đến nỗi!
Rồi chuyện đây đó, bác sĩ, y tá chểnh mảng nhiệm vụ, kém trách nhiệm khi cấp cứu làm người bệnh bị chết oan. Ngay cả việc trong lớp học, có các trường hợp thầy giáo cứ giảng bài đại khái cho hết giờ, còn để sức về dạy thêm, còn trò thì ngủ gật, nói chuyện riêng, nhắn tin… Ở đây, những thầy và trò ấy đều mắc bệnh vô cảm với nhau mà lẽ ra họ phải là những người cảm thông với nhau nhất.

Một dạng bệnh vô cảm còn biến chứng trong đe dọa những giá trị đạo đức cao cả thiêng liêng nhất của dân tộc “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”. Dư luận đã không ít lần xôn xao, phẫn nộ trước hành động “đánh bài chuồn” của một nhà tài trợ vàng sau khi đã đăng đàn hứa hẹn “nổ” như pháo, quảng cáo thương hiệu công ty mình, cá nhân mình. Có những người đã vô cảm đến mức lợi dụng các hoạt động từ thiện, cứu trợ nhân đạo để kiếm chác cả tiếng tăm lẫn tiền bạc! Nhưng chính hành động vô cảm, vô trách nhiệm ấy rất đáng xấu hổ.
Khoảng 5 giờ ngày 28-7-2011, xe tải này lưu thông trên Km 648 thuộc Quốc lộ 1A (đoạn qua xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch - Quảng Bình) bị lật nghiêng giữa đường khiến toàn bộ thùng hàng chứa trái cây rơi tung tóe ra đường... Trong lúc nhà xe đang luýnh quýnh thì nhiều người gần đó xông vào khoắng gần hết số trái cây... Ảnh: NLĐO
Thờ ơ trước tai nạn của người khác và hôi của là những dạng thức phổ biến của bệnh vô cảm - Ảnh: NLĐO
Đừng tự bôi xấu mình

Bệnh vô cảm, lỗi tại ai? Đã đến lúc phải nghiên cứu một cách nghiêm túc, tìm hiểu cội nguồn, nguyên nhân sâu xa của căn bệnh vô cảm đang có nguy cơ bùng phát và lan truyền rộng rãi ở nước ta. Nếu là căn bệnh xã hội thì nguyên nhân tổng hợp bao gồm các yếu tố mang tính xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị.
Các vị lãnh tụ cách mạng, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã từng nói rằng: "Chúng ta không sợ kẻ thù nói xấu, chỉ sợ tự mình bôi xấu mình mà thôi!”. Nói thẳng, nói thật, nói trên tinh thần khoa học và xây dựng về những căn bệnh xã hội đang có ở nước ta như bệnh vô cảm là điều rất cần làm để lành mạnh hóa một xã hội đã tự nêu ra cho mình những tiêu chí văn minh, tiến bộ nhất để mà phấn đấu. 
TS Tô Văn Trường
[Quay lại]
13 ý kiến
  • muoiman
    01/10/2011 21:26
    ... TS Tô Văn Trường đã không trả lời câu hỏi tự mình đặt ra: Vì sao? Tôi xin giúp TS Tô Văn Trường một ý trả lời: Cảm nhiều rồi nhưng không nhận thấy tác dụng của cảm nên đành thôi (không kể những hành động thiếu đạo đức: thấy người ngã không giúp, thấy tiền người ta bay thì nhặt...). Chữa bệnh vô cảm cần thời gian rất dài, nhiều công sức và rất khó chữa, TS Tô Văn Trường ạ.
  • Tấn Nguyên
    01/10/2011 21:56
    Cuộc sống hiện nay căng thẳng hơn xưa rất nhiều, thất nghiệp, lạm phát càng làm cho cuộc sống người dân thêm khó khăn. Thêm vào đó là tình trạng phân hóa giàu nghèo. Tình trạng tham nhũng. một số quan chức địa phương thông đồng , bao che cho những tụ điểm số đề, cá độ bóng đá càng làm cho người dân 1 số nơi mất lòng tin. Khi đã mất lòng tin cộng với cuộc sống khó khăn, mở mắt ra là trăm thứ lo làm cho người ta trở nên ích kỷ, vô cảm.
  • lão Bá
    01/10/2011 22:51
    Tôi thường hay giúp người. Nhưng người ta lại nghi ngờ lòng tốt của tôi. Có lần gặp một cô gái bị hư xe giữa đường. Tôi ngừng lại để giúp thì cô ta hốt hoảng rút điện thoại ra để gọi ai đó, với lời lẽ đầy hoài nghi về lòng tốt của tôi. Lần khác, thấy một cụ già tay xách đồ nặng, tôi muốn cho quá giang thì cụ hốt hoảng từ chối.
  • Kim Cương
    01/10/2011 22:53
    Tác giả bài viết mới nêu ra vài ví dụ về hiện tượng vô cảm hiện nay trong bộ phận dân chúng và đặt câu hỏi vì sao, nhưng chưa đưa ra câu trả lời! Tôi không phải là nhà xã hội học, nhưng theo tôi, một trong những câu trả lời cho vấn đề này đó là vì hiện nay con người sống quá dối trá, sống 2 mặt, nhất là ở những người lẽ ra phải gương mẫu, trung thực cho người khác noi theo. Họ nói một đàng, làm một nẽo, làm cho một bộ phận dân chúng mất niềm tin, trở nên thờ ơ với xã hội, chỉ biết có mình! Thói xấu thời nào cũng có, nhưng nếu nó có ở mức độ phổ biến thì phải xem lại nền tảng xã hội! Trước đây gần 20 năm, người ta đã biết đến từ makeno - "mặc kệ nó" - trên báo chí, nhất là báo Tuổi Trẻ. Với một số người, nó như một triết lý sống khôn ngoan để khỏi vướng phải những phiền lụy, để có thể tồn tại trong xã hội. Giờ người ta dùng từ "vô cảm"...
  • Thanh Minh
    01/10/2011 23:19
    Thì đó. Ông bầu Kiên và Công Vinh tính ra là người của công chúng, đáng lẽ ra phải giữ chữ tín. Đàng này 2 ông nói một đàng làm một nẽo...
  • cà na
    01/10/2011 23:22
    Tôi từng đưa một ông cụ say xỉn, tự té đập đầu ngoài đường đi nhà thương, người nhà ông cụ đến bệnh viện, nhè đầu tôi ra mà nện, vì cho rằng tôi là nguyên nhân tai nạn. Vẫn biết là giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha, nhưng ra tay xong lại nằm 1 đống ra đấy, thì lần sau tôi sẽ chọn phương án an toàn cho mình hơn!
  • song ve dau
    01/10/2011 23:39
    Căn bệnh vô cảm phải chăng xuất phát từ sự thất học, sự nghèo đói, sự phân cách giữa giàu và nghèo trong các tầng lớp xã hội, hay do thiếu sự giáo dục nhân cách làm người từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường?...
  • Tèo
    02/10/2011 00:18
    Quả là sự vô cảm của nhiều người Việt chúng ta rất đáng báo động, hai chữ tình người nghe đơn giản nhưng ở thời buổi này nó quá xa xỉ. Đâu rồi nhân, lễ, nghĩa, trí, tín? Đâu rồi công, dung, ngôn, hạnh?... Ngày xưa cứu giúp người hoạn nạn là một niềm vui, ngày nay thấy người hoạn nạn thì thờ ơ bỏ mặc. Ngày xưa cha mẹ mắng chửi thì phải khoanh tay đứng nghe, ngày nay cha mẹ nói nặng là bỏ nhà ra đi... Nghe mà xót lòng.
  • trần huỳnh
    02/10/2011 00:46
    Đạo đức xã hội xuống thấp thì bệnh vô cảm ngày càng nặng là điều tất yếu. Cần xem lại giáo dục của chúng ta như thế nào mới xảy ra tình trạng này?
  • HUỆ
    02/10/2011 01:33
    ... NGUYÊN NHÂN PHÁT BỆNH NÀY TÔI THẤY BẠN KIM CƯƠNG NÓI ĐÚNG. CÁN BỘ PHONG TRÀO VÀ CÁN BỘ NGÀNH GIÁO DỤC THÌ CŨNG KHÔNG THÈM NGHE CÁC CHUYÊN GIA HIẾN KẾ. NÓI HOÀI KO ĐƯỢC, THÔI KỆ.
  • NTC
    02/10/2011 08:50
    Tôi chỉ đặt câu hỏi thôi, tại sao ở các nước phương Tây, Nhật Bản họ lại sống có đạo đức và văn minh hơn nhiều người chúng ta? Cái gì khác biệt giữa họ và chúng ta? Ngày nhỏ, tôi bị nhồi sọ phương Tây là dơ bẩn, vô đạo đức, nhưng từ khi tốt nghiệp đại học, tiếp xúc với họ mới thấy rằng chúng ta còn kém họ. Họ đâu có cảnh anh em đâm chém nhau vì vài phân đất, con cái tị nạnh nhau việc nuôi cha già mẹ héo, vồ tiền của người bị hại... Rồi họ đối xử với nhân viên một cách trọng thị và công bằng, không như mấy ông chủ chân đất của ta mở mồm ra là khoe tiền. Chỉ có mở lòng ra học hỏi họ và chịu khó suy nghĩ tại sao mình và họ lại ở hai vị trí khác nhau như thế thì mới mong tiến bộ. Còn cứ ngồi đáy giếng tự hào hão thì sẽ còn tuột dốc nữa.
  • Bùi Bỉnh Luân
    02/10/2011 10:29
    Nguyên nhân bệnh vô cảm có nhiều, sơ bộ có thể là: - Chất lượng giáo dục ở các nhà trường và gia đình về đạo đức còn nhiều hạn chế. - Nhà nước chưa thực sự coi trọng xây dựng con người về đạo đức... Những quan niệm lệch lạc, chỉ chú trọng kinh tế, coi trọng đồng tiền hơn đạo đức, có tiền là có tất cả, tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, chỉ lo cho bản thân mình, gia đình mình, tập thể mình, lợi ích nhóm chưa được chấn chỉnh, uốn nắn, xử lý kịp thời. Những vụ việc vô cảm vừa qua được nêu nhiều nhưng hầu như chưa thấy các cơ quan chức năng lên tiếng. Còn có ý kiến cho là báo chí chỉ thích chuyện giật gân để câu khách. - Thiếu biện pháp, chưa tạo thành dư luận lên án những hành vi vô cảm. Ngược lại cũng chưa tôn vinh, hỗ trợ kịp thời và đúng mức những người có hành động tốt và bảo vệ có hiệu qủa họ. Còn có dư luận cho rằng làm việc tốt là dại, hâm, là không thức thời… - Thiếu những tấm gương mẫu mực từ các cán bộ trong bộ máy Nhà nước ở các cấp, nhưng những hành vi phi đạo đức, tham ô… lại xảy ra còn nhiều, khiến niềm tin của người dân về những chuẩn mực đạo đức giảm sút. - Chịu ảnh hưởng của phim ảnh, sách báo nước ngoài.
  • Cù Lần
    02/10/2011 13:34
    Một người đi xe máy bị một xe chở ba thanh niên đầu xanh đỏ vượt lên tông phải, người đi xe máy này văng ra đập đầu xuống đường máu ra lênh láng. Xe máy chở ba rồ ga phóng mất dạng. Hai người trung niên vừa đi tới thấy người bị tai nạn thê thảm vội đưa lên xe chở đến bệnh viện cấp cứu. Bệnh viện yêu cầu 2 người trung niên này phải làm thủ tục nhập viện, nộp viện phí. Gia đình bệnh nhân tới đập cho hai người trung niên này một trận te tua vì cho rằng chính hai người này là can phạm. Hai người trung niên này thanh minh mình chỉ là những kẻ giúp người bị nạn chứ không phải là kẻ gây tai nạn. Người nhà bệnh nhân không tin vì họ cho rằng nếu 2 người trung niên này không gây tai nạn thì... mắc mớ chi chở anh của họ đến bệnh viện?! Sau đó, hai người trung niên này liên tục bị công an gọi lên gọi xuống để điều tra vụ tai nạn, điều tra có phải hai người này là những kẻ gây tai nạn hay không!!!

Tin liên quan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét