Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Người trẻ và văn hóa giao thông - (SGGP)


Thứ hai, 19/09/2011, 01:30 (GMT+7)
Tham gia lưu thông như thế nào là có văn hóa? Có phải thanh niên ngày nay thích thể hiện mình bằng cách cố tình vi phạm khi tham gia giao thông? Giới trẻ cần làm gì để góp phần xây dựng văn hóa trong giao thông hiện nay?… Đó là những vấn đề được các bạn trẻ tham gia thảo luận sôi nổi tại diễn đàn “Người trẻ và văn hóa trong giao thông” tổ chức sáng 18-9 tại Nhà văn hóa Thanh niên.
  • Những điều băn khoăn

Các bạn trẻ tham gia trò chơi mảnh ghép giao thông tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ.

Những năm gần đây tai nạn giao thông ngày càng gia tăng. Trong năm 2010 đã có hơn 11.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó đối tượng thanh thiếu niên chiếm khoảng 63%. Gần đây, trên các tuyến đường thuộc khu vực trung tâm TPHCM thật không khó để bắt gặp hình ảnh thanh niên đi xe mô tô mà không đội nón bảo hiểm, vượt đèn đỏ, tìm cách chèn lách để vượt lên các phương tiện khác…
Bạn Nguyễn Kiều Kỳ Duyên, đoàn viên tại Quận đoàn Bình Thạnh chia sẻ: “Gần nhà em có một số công trình thi công dở dang nên có nhiều lô cốt. Tại đây em chứng kiến rất nhiều cách ứng xử khác nhau của các bạn khi lưu thông: người bóp kèn inh ỏi, người la quát um sùm, người chạy lạng lách, người khác lại chẳng nhìn trước ngó sau chỉ lo chen lên bất kể đúng sai...”.
Có nhiều lý do khiến người tham gia giao thông phạm luật nhưng chỉ một trong hàng ngàn lý do đó đã gây ra biết bao hậu quả đáng tiếc.
  • Mỗi bạn trẻ là một tuyên truyền viên
Từ trước đến nay chúng ta thường chỉ nói nhiều đến việc tuân thủ luật pháp nói chung và luật giao thông nói riêng nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, giúp các phương tiện tham gia giao thông thuận lợi, dễ dàng hơn. Tuy nhiên những ứng xử như kiềm chế thái độ khi xảy ra tai nạn giao thông, sẵn sàng giúp đỡ người bị tai nạn giao thông cũng hết sức quan trọng nhưng lại ít được đề cập.
Ngô Minh Quang, sinh viên Trường ĐH Bách khoa, chia sẻ câu chuyện của mình: “Tại sao người đi đường lại vô cảm với các trường hợp tai nạn, đều đó có đáng trách không? Cách đây một năm, trên đường đi học, đến cầu Bình Điền em thấy một nữ sinh đi xe đạp té xỉu liền chạy đến giúp đỡ. Không cần biết đầu đuôi ra sao, một số người đi đường đã khẳng định em là người gây tai nạn. Hậu quả em phải ở đồn công an một ngày. Đến khi nữ sinh tỉnh lại, giải thích với công an thì em mới được thả ra. Sau lần đó mỗi khi thấy trường hợp tương tự em lại ngại, không dám giúp”.
Tham gia diễn đàn, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng cho biết cũng đã gặp phải trường hợp tương tự nhưng trước những tình huống như vậy không ai có thể làm ngơ, bỏ lơ người bị nạn: “Mỗi người có thái độ hành xử khác nhau. Cái gì làm được thì mình cứ làm. Trong văn hóa giao thông cũng vậy. Chúng ta kiên định với những điều chúng ta cho là đúng thì dần dần những người chung quanh sẽ nhận thấy và làm theo. Mỗi bạn trẻ hãy trở thành một đại sứ, một tuyên truyền viên để thay đổi một nếp nghĩ, một thói quen bằng những việc làm đúng đắn, ý nghĩa”.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, nhấn mạnh: “Văn hóa giao thông không chỉ được hiểu là chấp hành tốt luật giao thông, có thái độ và hành vi đúng mực khi tham gia giao thông mà còn phải đấu tranh với những hành vi vi phạm giao thông. Xây dựng văn hóa giao thông là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Vấn đề này đặc biệt quan trọng đối với giới trẻ vì nó không chỉ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông một cách bền vững mà còn hình thành nên lối ứng xử có văn hóa, an toàn khi tham gia giao thông của những người chủ tương lai của đất nước”.


THANH AN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét