(Toquoc)-Là người biên soạn SGK hình học nâng cao lớp 10, 11, 12 nhưng khi nhận được chủ trương giảm tải của Bộ GD-ĐT, PGS. Văn Như Cương, hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội thấy rất mừng. Tuy nhiên, trong cái vui mừng này, cũng không tránh khỏi những băn khoăn.
Trao đổi với Tổ Quốc, PGS.Văn Như Cương cho biết: Tôi đã đọc thông báo của Bộ GD-ĐT và toàn văn dự thảo trên mạng. Tôi đã chờ đợi khá lâu cái dự thảo đó, cho đến khi năm học mới đã bắt đầu ngày 15-8 tôi tưởng đã hết hy vọng. Tuy nhiên ngày 17-8 nó cũng đã được công bố, và tôi cho rằng thế cũng tốt, vì muộn còn hơn không. Tôi là chủ biên SGK Hình học nâng cao 10, 11, 12. Tôi không được tham gia ý kiến về việc giảm tải chương trình và SGK lần này, vì dự thảo chỉ nói về việc giảm tải cho chương trình chuẩn. Ở bậc THPT, mỗi môn trong 8 môn học (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngữ văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ) đều có hai chương trình là chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Và như vậy chương trình chuẩn thì được giảm tải còn chương trình nâng cao thì không. Đó là điều làm cho tôi khá băn khoăn, không hiểu là tại sao?
Việc giảm tải "bỏ quên" chương trình nâng cao
- Thưa ông, việc đưa ra chương trình giảm tải đồng nghĩa với việc Bộ GD-ĐT thừa nhận SGK hiện hành đang có nhiều điều chưa hợp lý. Tuy nhiên, ông có ý kiến gì về những tiêu chí giảm tải mà Bộ đã đưa ra?
PGS.Văn Như Cương: Bộ đã có nói về 5 tiêu chí cho việc giảm tải. Cụ thể là: Giảm tải những phần trùng lặp trong các môn khác nhau; Giảm tải những phần trùng lặp ở lớp dưới và lớp trên; Giảm tải những bài tập và câu hỏi quá sâu, không phù hợp với trình độ học sinh; Giảm tải các kiến thức chỉ có riêng ở địa phương và Giảm tải bằng cách sắp xếp lại bài học cho hợp lí.
Và theo thứ trưởng Nguyến Vinh Hiển thì tuy “đợt điều chỉnh lần này tương đối nhiều, trải khắp chương trình từ lớp 1 đến lớp 12, nhưng đều là những nội dung mang tính nhỏ lẻ”.
Tôi cũng nhận thấy như vậy, nội dung giảm tải lần này mang tính nhỏ lẻ, vụn vặt. Nghĩa là chúng ta vẫn còn quá rụt rè, e ngại mà chưa thực sự mạnh dạn. Tôi không hiểu với sự thay đổi nhỏ lẻ như 5 tiêu chí đã nêu thì chúng ta cắt giảm được bao nhiêu phần trăm thời lượng? Nếu Bộ đã có thống kê thì cũng nên công bố. Nếu chỉ bỏ bớt đi khoảng từ 5 đến 10% (tôi đồ chừng như vậy) thì chẳng giải quyết được vấn đề giảm tải. Đáng ra phải có một tiêu chí giảm tải rất quan trọng: Những kiến thức và mảng kiến thức không cần học ở phổ thông thì cương quyết cắt giảm. Tôi chỉ nêu một trong nhiều ví dụ, đó là chương Số phức (Toán lớp 12) là có thể bỏ hoàn toàn. Kiến thức về số phức hoàn toàn không cần thiết đối với bậc trung học phổ thông.
Một khía cạnh rất quan trọng của vấn đề giảm tải là giảm bớt số môn học trong tuần. Ở bậc THPT mỗi tuần đều có 12 môn học, không kể các hoạt động giáo dục khác. Trong khi đó ở các nước thường chỉ có 6 đến 8 môn (học xong môn Sử rồi mới học môn Địa, học xong môn Lý rồi mới học môn Hóa…).
- Khi đưa ra chủ trương, Bộ GD-ĐT chỉ có một tuần để lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo. Như thế có phải là quá ít hay không ?
PGS.Văn Như Cương: Tôi cũng cho là ít quá, vì vấn đề thực ra không đơn giản. Nhưng thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã nói: “Tài liệu này nội dung khá đơn giản và được chuẩn bị kĩ càng nên việc lấy ý kiến sẽ không lâu! Có thể đến 25/8 này sẽ thực hiện được. Việc triển khai cũng đơn giản bằng cách gửi qua hệ thống mạng” (nguồn : báo Giáo dục Việt nam). Tôi không hy vọng gì nhiều nếu chỉ có một tuần vừa nhận góp ý, đọc góp ý, tổng kết góp ý và họp lại để bàn xem có nên sửa chữa gì hay không, cuối cùng viết bản chính thức và đưa cấp trên duyệt. Trong các cuộc lấy ý kiến đóng góp cho một dự thảo, thời lượng “1 tuần” chắc chắn đạt kỉ lục
- Nhiều chuyên gia giáo dục tỏ ý lo ngại và không mấy tin tưởng về những chủ trương mới của lãnh đạo bộ GD-ĐT ban ra trong thời gian gần đây. Với chủ trương điều chỉnh SGK lần này, ông lo ngại điều gì nhất?
PGS. Văn Như Cương: Trước hết, việc đề ra những chủ trương mới, cách thức mới…cần hết sức cẩn trọng, suy trước tính sau, nếu cần phải làm thử. Lấy ví dụ: chủ trương thi tốt nghiệp “theo cụm” hoặc “chấm chéo” đều là vội vàng, vì sau khi thực hiện một vài năm thì thấy rõ là không mang lại hiệu quả gì.
Giảm tải là một chủ trương đúng đắn phù hợp với nguyện vọng của thầy cô giáo, của học sinh và cha mẹ học sinh. Điều tôi lo lắng nhất là cuối năm nay khi tổng kết lại thì chúng ta thu được những kết quả gì ?
- Xin cảm ơn ông!
Tuệ Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét