Thứ Hai, 19/09/2011 09:44
(NLĐO)- Sau khi dự thảo viện phí mới được công bố, Báo Người Lao Động nhận được rất nhiều phản hồi, thắc mắc từ độc giả. Để giải đáp những câu hỏi này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế.
* Phóng viên: Thưa ông, căn cứ vào đâu ngành y tế đưa ra mức tăng tiền khám từ 3.000 đồng/lần khám hiện nay lên 25.000 đồng/lần khám, bởi thực tế có những bác sĩ một ngày khám tới cả trăm bệnh nhân nên số tiền thu về là không nhỏ?
- Ông Nguyễn Nam Liên: Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện (BV) tính toán các chi phí trực tiếp, cần thiết để thực hiện dịch vụ, trên cơ sở đó đề xuất mức thu của từng dịch vụ. Ví dụ tiền khám bệnh, được tính trên cơ sở các chi phí về vật tư tiêu hao y tế như: bông băng, cồn dùng trong phòng khám, găng tay, mũ, khẩu trang của bác sỹ, y tá khám, chi phí về đồ vải, điện, nước, vệ sinh, khử khuẩn phòng khám, an ninh, bảo vệ khu vực phòng khám (hiện nay các BV lớn đều phải thuê ngoài), chi phí sửa chữa, thay thế các dụng cụ khám bệnh….
Số tiền khám bệnh thu được các BV phải sử dụng để chi cho các khoản chi nêu trên, không phải là chi cho riêng các bác sĩ khám bệnh.
* Có những dịch vụ nhảy vọt lên gấp 180 lần như sinh thiết tủy xương giá hiện nay từ 10.000-30.000 đồng, dự kiến tăng lên 1.800.000-2.000.000 đồng, thưa ông?
- Một số dịch vụ mà mức thu trước đây chỉ khoảng 30.000 đến 40.000 đồng, nay chi phí lên tới vài trăm ngàn hoặc hàng triệu đồng là những dịch vụ mà những năm 1990 làm thủ công.
Ví dụ sinh thiết hạch, tủy xương, trước đây dùng kim loại dùng nhiều lần, dùng xong phải mài cho bệnh nhân khác, lấy bằng thủ công, nay khoa học kỹ thuật y tế phát triển, sinh thiết dùng kim hoặc kìm sinh thiết loại dùng một lần, có loại giá trên 500.000 đồng/chiếc; loại dùng nhiều lần giá khoảng 1.000 USD cũng chỉ dùng được cho khoảng 13 đến 14 bệnh nhân.
Giường bệnh điều trị tích cực ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) có giá hơn 1 tỉ đồng
Ngoài ra việc sinh thiết còn có trường hợp phải thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm, cắt lớp vi tính, xác định chính xác vị trí cần sinh thiết nên chi phí lên đến hàng triệu đồng.
Một số thủ thuật, tiểu thủ thuật, trước đây chỉ gây tê thông thường, hiện nay để bảo đảm chất lượng phải gây mê với chất lượng thuốc gây mê tốt hơn.
Chẳng hạn do trước đây sử dụng kỹ thuật đơn giản, dễ có khả năng gây tai biến cho người bệnh nên hiện nay hầu hết các bệnh viện phải sử dụng phương pháp gây mê.
Chỉ tính riêng tiền thuốc mê đã khoảng 300.000 đồng/ca, ngoài ra còn tiền bông, băng, thuốc sát trùng, kháng sinh... và các chi phí vật tư tiêu hao trực tiếp khác thì tổng chi phí trực tiếp khoảng 600-700.000 đồng/ca.
Nếu sử dụng thêm dao siêu âm Coblator với giá 150 USD/lưỡi dao (mỗi lưỡi dao chỉ sử dụng cho 1-5 bệnh nhân) thì chi phí còn cao hơn rất nhiều.
* Nhưng thực tế nhiều người bệnh đi khám chữa bệnh phải trả giá cao hơn nhiều chứ không chỉ là 3.000 tiền khám và 18.000 đồng ngày giường điều trị?
- Các trường hợp này là đi khám bệnh theo yêu cầu và khám vượt tuyến không có giấy giới thiệu của tuyến dưới, vì thế tiền ngày giường và tiền khám bệnh người bệnh sẽ phải trả theo dịch vụ yêu cầu của BV.
Chẳng hạn với bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến huyện, trong trường hợp nếu đến khám chữa bệnh tại đúng tuyến đăng ký thẻ BHYT thì người bệnh sẽ được Quỹ BHYT thanh toán từ 80%- 100% chi phí điều trị.
Thực tế có nhiều bệnh nhẹ, thông thường người bệnh có thể khám và điều trị tại tuyến cơ sở nhưng nhiều người vẫn vượt tuyến như vậy họ chỉ được Quỹ BHYT thanh toán theo 30% đối với bệnh viện hạng một, 50% với bệnh viện hạng hai và 70% với bệnh viện hạng ba.
* Tăng viện phí có giải quyết được tình trạng quá tải cũng như thay đổi được sự đối xử lạnh nhạt của không ít nhân viên y tế mà dư luận phản ánh trong thời gian qua không?
- Về quá tải do nhiều nguyên nhân, việc điều chỉnh giá viện phí chỉ là một giải pháp để giảm tải. Tuy nhiên, nếu quy định tiêu chuẩn ngày giường điều trị nội trú, bệnh viện đáp ứng đủ yêu cầu 1 người/giường bệnh mới được thu theo mức được cơ quan có thẩm quyền duyệt, nếu bệnh viện không đáp ứng được, mà người bệnh nằm 2, 3 người/giường chỉ được thu với mức thấp hơn thì sẽ khuyến khích các bệnh viện phải tìm cách bảo đảm 1 người/giường bệnh, trừ một số trường hợp không thể.
BV chỉ được thu thấp hơn nếu bệnh nhân phải nằm ghép
* Nhiều người bệnh phàn nàn khi đến BV có rất nhiều khoản vô hình?
- Điều chỉnh viện phí là để tăng chất lượng khám chữa bệnh, BV có đủ kinh phí để triển khai các dịch vụ, Bộ Y tế sẽ quy định định mức khám tối đa cho 1 buồng khám, khi chất lượng khám chữa bệnh tăng lên thì sẽ hạn chế được vấn đề này.
* Có bạn đọc đặt câu hỏi tại sao viện phí không tăng mỗi năm một ít mà "hô biến" cái tăng gấp 7- 10 lần, thưa ông?
- Ngay từ những năm 1998, 2000, đến nay, Bộ Y tế đã đề nghị điều chỉnh viện phí nhiều lần nhưng vì nhiều lý do nên chưa được chấp thuận. Nay, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều có các văn bản chỉ đạo đồng ý điều chỉnh viện phí trên cơ sở tính đủ các chi phí trực tiếp phục vụ người bệnh.
Cũng rất lưu ý là việc tăng 7 đến 10 lần là tùy một số dịch vụ, không phải là tất cả các dịch vụ đều tăng với mức đó, có những dịch vụ chỉ tăng hơn 1 lần, có dịch vụ 2, 3 lần so với mức thu 1995, trong khi thu nhập bình quân đầu người 2011 so với 1995 tăng khoảng trên 6 lần, lương tối thiểu từ 120 lên 830.000 đồng, gần 7 lần…
Ước tính điều chỉnh viện phí lần này chỉ tăng khoảng 20% tổng số chi khám chữa bệnh, tuy nhiên sẽ có người tăng nhiều, người tăng ít do việc sử dụng các dịch vụ khác nhau.
Hiện nay, tiền đầu vào cho hoạt động của BV như tiền điện, nước, xăng dầu hay tiền mua thuốc, vật tư đều tăng trong khi nhà nước mới cấp một phần. Vì thế, BV không thể hoạt động nếu không được điều chỉnh viện phí.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Dung thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét